Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Giá trị cây chè Shan ở Giàng Pằng

02/01/2020 07:10:04 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô nằm ở độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển, nơi đây có những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, với sản phẩm chè chất lượng thơm ngon không thua kém gì so với chè Shan tuyết ở Suối Giàng. Với giá trị văn hóa lịch sử và giá trị kinh tế cao, huyện Văn Chấn đang đặc biệt quan tâm phát triển các diện tích chè Shan, đồng thời đề nghị công nhận quần thể cây chè Shan cổ thụ tại thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô là cây di sản Việt Nam.

Thôn Giàng Pằng chú trọng bảo vệ những gốc chè Shan cổ thụ

Diện tích hơn 1ha chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 200 - 300 năm tuổi này nguồn nhập chính của 4 thế hệ gia đình ông Giàng A Chang - thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô. Mỗi năm 3 vụ chè gia đình ông Chang thu về khoảng gần 2 tấn chè búp tươi, với giá bán bình quân từ 20 nghìn đồng/1kg đã mang lại nguồn thu nhập 40 triệu đồng. Giá trị cao nhưng sản phẩm chè vẫn không đủ bán, vì vậy sau mỗi lứa thu hoạch, gia đình ông lại tập trung làm cỏ, chăm sóc, phòng trừ mối và trồng dặm để bảo vệ và phát triển các diện tích chè của gia đình. Ông Chang chia sẻ: “Nhờ cây chè mà gia đình đỡ khổ hơn nhiều, chè bán lại được giá nên gia đình mình đã mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình, con em cũng được học hành đầy đủ hơn...”

Hiện nay, thôn Giàng Pằng có gần 30 ha chè Shan tuyết cổ thụ, có tuổi đời từ 200 năm tuổi trở lên. Những gốc chè to có kích thước 2 người ôm không xuể, tán lá sum xuê, mượt màu xanh ngát. Dù diện tích khá lớn nhưng do tập quán canh tác nên diện tích chè được trồng khá rải rác, năng suất trung bình mới đạt hơn 1 tấn/ha/năm. Tuy vậy, với sản lượng thu hoạch hằng năm trên 30 tấn cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 70% số hộ dân trong thôn. Bà Vũ Thị Hương- Tư thương thu mua sản phẩm chè búp tươi tại thôn Giàng Pằng cho biết: “Đường xá xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, thôn lại chưa có điện lưới Quốc gia nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn. Mặt khác, sản phẩm chè Shan tuyết Giàng Pằng chưa được quảng bá, tiếp thị nhiều nên giá thành của sản phẩm nhiều khi chưa tương xứng với giá trị vốn có”.

Trải qua hàng trăm năm tuổi, cây chè Shan tuyết đã bám trụ trên đỉnh Giàng Pằng và ngày càng khẳng định vị thế trong đời sống đồng bào Mông nơi đây. Không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân mà các sản phẩm từ chè Shan tuyết đang ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nằm ở độ cao gần 1.700m so với mực nước biển, thôn Giàng Pằng nằm giáp ranh với xã Suối Giàng của Văn Chấn và xã Nà Hẩu huyện Văn Yên. Do địa hình khá biệt lập nên thôn chưa có điện lưới quốc gia, đời sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Nhờ có sản phẩm chè Shan tuyết mà đồng bào Mông mới được giao lưu hàng hóa, có điều kiện để mua sắm phương tiện đi lại.

Ông Cứ A Sùng- Chủ tịch UBND xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn cho biết: “Việc phát triển các diện tích chè chủ yếu theo tập quán canh tác cũ, năng suất thấp. Vì vậy, đồng bào Mông nơi đây rất mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc chè Shan. Đồng thời, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, rà soát, quy hoạch để mở rộng diện tích chè Shan tập trung”.

Cùng với cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, Giàng Pằng còn được thiên nhiên ưu ái với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát triển rừng. Đặc biệt, khi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước công nhận quần thể chè Shan tuyết ở Giàng Pằng là cây di sản Việt Nam, đây là nguồn cổ vũ, động viên đồng bào Mông nơi đây thêm gắn bó với cây chè, tích cực bảo tồn, phát triển các diện tích chè Shan để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, du khách gần xa đến thăm quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ, cùng uống, thưởng thức chè Shan và cảm nhận hơi thở thay đổi từng ngày trong cuộc sống của đồng bào Mông nơi đỉnh Giàng Pằng./.

1587 lượt xem
CTV: Quang Sơn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h