Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Diễn xướng “Khảm Hải” trong hát “Pựt” của người Tày xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

03/08/2017 15:19:38 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - “Khảm hải” (vượt biển) nói riêng cũng như hát “Pựt” nói chung là một trường chuyện thơ dân gian của người Tày được sử dụng như một loại văn tế, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội tộc người.
Trình duyệt không hỗ trợ xem trực tuyến

I. KHÁI QUÁT VỀ DÂN TỘC TÀY Ở TỈNH YÊN BÁI

Người Tày ở Yên Bái có khoảng 120.000 người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Tày sống tập trung đông ở 7/7 huyện, thị trong tỉnh (trừ 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải). Trong đó đông nhất là các huyện: Lục Yên 53,18% dân số; Văn Chấn 16,09%; Yên Bình: 15,56%; Văn Yên: 15% dân số toàn huyện.

Từ lâu, người Tày đã cư trú tập chung thành bản, thường ở ven các thung lũng và những nơi có điều kiện sản xuất nông nghiệp và thuận lợi giao thông. Tuy vật, cũng có nơi người Tày sinh sống ở các xã vùng cao, do đó còn gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, phương tiện đi lại khó khăn, đời sống còn nghèo. Tên gọi dân tộc Tày là tên gọi chung và phổ biến nhất. Người Tày có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (dòng ngôn ngữ Nam Á).

Kinh tế chính của người Tày ở Yên Bái là nền kinh tế nông nghiệp, người Tày làm ruộng nước kết hợp với săn bắt và chăn nuôi. Với truyền thống lâu đời cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới rất nhanh nên nông nghiệp của người Tày phát triển tương đối cao. Cùng với việc thâm canh tốt 2 vụ lúa, đưa giống mới vào sản xuất, tăng vụ ngô đông, người Tày phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; tích cực phát triển nghề rừng và trồng mới các loại cây công nghiệp như: chè, quế, sắn.

Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Tày đã sáng tạo ra những tác phẩm kiệt tác như Khảm hải (Vượt biển), các bài Khắp, Cọi, hát quan làng (hay hát đón dâu) có giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhà ở truyền thống của người Tày là nhà sàn, mỗi bản có khoảng 15 đến 20 nóc nhà, người Tày dùng vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương như lá cọ hoặc cỏ giang để lợp nhà. Sàn nhà được dát mai, diễn hoặc ván, cửa làm bằng phên nứa hoặc lịa bằng gỗ. Nhà của người Tày thường có từ ba đến năm gian, hai trái. Trên sàn nhà chính, gian trung tâm thường là gian giữa (nếu số gian nhà là lẻ), nhà có số gian chẵn thường chọn gian trung tâm là gian thứ hai kể từ cầu thang ngoài vào và bếp được đặt ở gian giữa.

Trang phục của người Tày chủ yếu là vải bông nhuộm chàm đen cho cả nam và nữ. Phụ nữ Tày thường mặc áo ngắn với váy hoặc quần, áo ngắn may không cổ kiểu giống áo bà ba. Vào những ngày trọng đại như dịp cưới, ngày lễ và tết thì phụ nữ Tày thường mặc váy và áo năm thân có thắt lưng bằng vải chàm gấp lại buộc phía sau kèm theo khăn vuông gấp chéo được nhuộm màu chàm. Đàn ông mặc áo tứ thân cổ tròn có khuy vải hoặc cúc và quần lá tọa và chỉ đội khăn xếp dịp lễ tết, đặc biệt là lễ đón dâu, hoặc đi ở rể.

Người Tày có nghề thủ công phong phú, đa dạng và được phát triển rất sớm, trong đó nổi bật là nghề dệt thổ cầm, nghề trồng bông để dệt vải và nghề nuôi tằm lấy tơ dệt dây dao Slaicha cũng có mặt trong văn hoá của người Tày nơi đây từ lâu. Hoa văn dệt trên vải thổ cẩm phong phú, đa dạng, riêng dây dao gồm hai mươi bảy hình tượng, mỗi hình gắn với một truyện dân gian có nội dung giáo dục tình người sâu sắc. Nghề làm giấy dó, nghề đan lát, nghề mộc, nghề rèn, nghề đục đá phát triển khá cao.

Hình thức Hắt tồng (tức kết bạn) rất phổ biến của đồng bào Tày, những người bạn trai, bạn gái hợp nhau về tính nết cùng trang lứa, mang lễ vật một con gà, một chai rượu đến nhà nhau, xin bố mẹ hai bên cho kết tồng (kết bạn). Khi bố mẹ hai bên đồng ý thì họ coi nhau như anh em ruột thịt.

Hôn nhân của người Tày được tiến hành qua nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống được thực hiện trong đám cưới là hát quan làng. Đây là một trong những nghi thức sinh hoạt đặc sắc nhất vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Lễ cưới truyền thống của người Tày được trải qua các bước quan làng (ông mối); xem ngày qua thầy cúng (lễ bốn gà); lễ cưới, lễ lại mặt, tết quan làng, các bước này tiến hành trong một thời gian dài, thậm chí có khi đến mấy năm.

Tang lễ của người Tày có nhiều nghi thức và chịu ảnh hưởng nhiều của Tam giáo. Nhiều giá trị nhân văn được thể hiện thông qua tang ma truyền thống của đồng bào Tày. Hiện nay, tang lễ truyền thống của người Tày ở tỉnh Yên Bái đang tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc như nghệ thuật tranh cắt giấy (qua nhà táng), nghệ thuật trình diễn dân gian, nghệ thuật trang trí…Tuy nhiên, ở những bản xa các trung tâm xã, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn thì tang lễ của người Tày lại chịu ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và sản xuất của gia đình.

Ngày nay truyền thống văn hoá dân gian luôn được bảo tồn, khai thác và phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh người Tày ở tỉnh Yên Bái đang góp phần to lớn của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái.

II. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN YÊN BÌNH

1. Khái quát chung về huyện Yên Bình

Yên Bình là huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam tỉnh Yên Bái. Trung tâm huyện cách thành phố Yên Bái 8Km về phía đông nam, cách thủ đô Hà Nội 170Km về phía tây bắc, phía Đông giáp với huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, phía Tây giáp với huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang, phía Tây Bắc giáp với thành phố Yên Bái. Huyện Yên Bình có tổng diện tích tự nhiên là 77.319,67 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp có 57.690,43 ha chiếm 74,61% tổng diện tích tự nhiên, toàn huyện có 26 đơn vị hành chính, bao gồm 2 thị trấn và 24.

Hiện nay, huyện Yên Bình có dân số là 107.398 người, với 5 dân tộc chính là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan (Sán chay); lực lượng lao động xã hội trong toàn huyện là 45.037 người, trong đó lực lượng lao động nông thôn chiếm 76,5%. Huyện Yên Bình có 26 đơn vị hành bao gồm 24 xã và 2 thị trấn (1 thị trấn trung tâm huyện lỵ), trong đó có 1 xã vùng cao và 6 xã đặc biệt khó khăn.

 Yên Bình cũng là huyện có nhiều tiềm năng về rừng và khoáng sản. Trên dãy Con Voi, núi Ngàng, núi Yến có nhiều gỗ quý như gỗ lát, nghiến, đinh, lim,  sến, táu, lim xanh và các loại động vật như hươu nai, khỉ, lợn rừng, hổ, gấu, gà lôi, khiếu, vẹt, gấu. Do có diện tích mặt nước nhiều (hồ Thác Bà trên 15.000 ha) nên khí hậu ở đây mang tính chất vùng hồ: mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch dịch vụ.

Các tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn có một số khoáng sản khác như: đá vôi hoa hoá có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat; ngoài ra còn có đá quý và các loại cát, quặng vàng, than nâu... Đây là những tài nguyên có trữ lượng lớn và đang hứa hẹn một tiềm năng lớn cho huyện Yên Bình.

2. Khái quát về xã Xuân Lai

Xuân Lai là xã vùng sâu của huyện Yên Bình, nằm ở phía đông hồ Thác Bà. Phía Đông giáp xã Yên Thành huyện Yên Bình, phía Đông bắc giáp xã Hùng Đức và xã Bằng Cốc của huyện Hàm Yên - tỉnh Tuyên Quang, phía Tây bắc giáp xã Mỹ Gia, xã Cẩm Nhân, phía Tây vẫn tiếp giáp hồ Thác Bà và kéo dài đến xã Mông Sơn của huyện Yên Bình. Diện tích tự nhiên của xã gồm 2.867 ha trong đó đất nông nghiệp là 203,7 ha, đất lâm nghiệp là 1.109 ha, Xuân Lai là xã có địa hình khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi bao bọc với dãy núi Ngàng trải dài. Toàn xã hiện có 634 hộ với 3.011 khẩu, với 5 dân tộc sinh sống trong 13 thôn là: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan và Nùng.

Trong khu dân cư đã hình thành các bản Tày, Nùng như: Ca Mác, Ngòi Mọn, Cây Đa, Cây Tre, Xuân Lai. Trước đây, cư dân đến đây khai phá, đắp đập đưa nước về thành ruộng lúa nước từ nhiều đời nay, tại đây đã hình thành các thôn xóm như Vạn Trảng ngay sát bờ sông Chảy là nơi cư trú của người Kinh từ Nam Định, Thái Bình lên làm ăn sinh cơ lập nghiệp, người Tày ở Lạng Sơn về đây ở xóm Cốc Hóp và một phần ở xóm Ca Mác. Cư dân ở khắp mọi miền đến đây sinh sống, họ còn mang theo cả nét văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc, địa phương mình đến góp cùng với nền văn hoá truyền thống ở đây là hát Then cùng cây đàn Tính nổi tiếng và đặc trưng của dân tộc Tày trong các dịp lễ, tết để cầu may, cầu phúc mỗi độ xuân về đã tạo nên những nét văn hoá các dân tộc vừa độc đáo lại đa dạng, phong phú.

3. Khái quát về người Tày ở xã Xuân Lai

* Lịch sử di cư của người Tày xã Xuân Lai, huyện Yên Bình

Theo kết quả khảo sát tại các địa phương thì người Tày là cư dân bản địa ở Việt Nam, có nguồn gốc từ lâu đời. Hiện nay người Tày đang cư trú trên địa bàn rộng lớn và chiếm số đông tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình. Trước năm 1945 một số người Tày ở huyện Văn Yên có nguồn gốc từ tỉnh Lạng Sơn di cư sang. Người Tày ở huyện Văn Chấn và Trấn Yên có nguồn gốc di cư từ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An lên Yên Bái. Đối với người Tày ở vùng Lục Yên mang nhiều giá trị văn hoá độc đáo riêng biệt so với người Tày ở vùng Văn Chấn, Trấn Yên và khác biệt so với người Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

* Người Tày ở xã Xuân Lai

Người Tày ở Xuân Lai chủ yếu sống bằng nghề nông, trong đó làm nương và trồng lúa nước là chủ yếu. Chăn nuôi là công việc chính trong các gia đình với những con vật quen thuộc vừa để làm sức kéo như trâu, bò, vừa làm thức ăn và bán trao đổi hàng hoá như dê, lợn, gà, vịt. Là xã có thuận lợi lưu thông của các dòng suối với các phai, đập nên ở đây có nhiều loại cá tự nhiên và từ đó nghề nuôi cá đã có sự phát triển. Cũng như các địa bàn và dân tộc khác xuất phát từ nghề làm nông và chăn gia cầm gia súc đã có tác động và ảnh hưởng chi phối khá sâu sắc đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở đây.

* Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Tày ở xã Xuân Lai

Với kho tàng văn hóa dân gian phong phú và tập tục có nhiều nét đặc trưng còn lưu giữ được như trường ca Khảm hải, lễ hội Lồng tồng, những điệu xòe cổ… người Tày đã chứng tỏ họ là những cư dân bản địa ở vùng sông Chảy và nhà sàn của người Tày vùng Đông hồ là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Cầu thang giữ một vai trò quan trọng không thể thiếu. Trong đời sống tâm linh của người Tày, 7 hay 9 bậc cầu thang là sự thể hiện số lượng con vía. Vía chính là sợi dây nối sự sống và cái chết của con người. Bởi vậy, bậc cầu thang chính là cầu nối giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của ngôi nhà. Số lượng bậc thang và vị trí cầu thang có thể ở bên phải hoặc bên trái ngôi nhà tùy theo thế đất và vị trí dựng nhà, nhưng số bậc cầu thang nhất định phải là số lẻ.

Khi bước vào sàn ngôi nhà của người Tày, phía trước ngôi nhà là một bàn thờ nhỏ, đó là ban thờ ông tổ bảy đời của người Tày và trong quan niệm tâm linh của họ thì những người đời trước khi mất đi sẽ trở thành người canh cửa, bảo vệ cho con cháu khỏi những điều xấu từ bên ngoài vào. Gian ngoài gần cửa vào là nơi tiếp khách. Với người Tày bao giờ chủ nhà cũng ngồi ở phía trên cùng, bên trong, để tiện rót nước và tiện bao quát cả không gian ngôi nhà. Nhà sàn của người Tày có rất nhiều cửa sổ, thường là dãy cửa sổ nối tiếp nhau chạy bao quanh ngôi nhà. Những cửa sổ này vừa để đón gió, vừa mang ánh sáng vào ngôi nhà sàn của người Tày tạo nên sự thoáng mát và chan hòa với thiên nhiên.

Gian chính là nơi quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn người Tày, vì đây là nơi cả gia đình quây quần tụ họp đông đủ, cùng ngồi trò chuyện hoặc sum vầy bên mâm cơm ấm cúng. Ban thờ tổ tiên của người Tày luôn có vị trí trang trọng nhất ở gian chính và lúc nào cũng phải đặt cùng phía với cầu thang lên nhà. Đây là một nét độc đáo riêng biệt so với kiến trúc nhà sàn của các dân tộc khác.

* Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Tày ở xã Xuân Lai

- Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tín ngưỡng cơ bản của người Tày, đây là việc thờ chính trong nhà, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở gian chính giữa nhà là nơi trang trọng nhất và được trang trí đẹp. Trên bàn thờ tổ tiên người Tày thường đặt ba bát hương. Một bát thờ nguồn gốc tổ tiên; một bát thờ lộc mệnh (gia phả dòng họ); một bát thờ hàm (các chức sắc của tổ tiên). Dòng họ nào, gia đình nào có người làm thầy Tào, làm Bụt thì cũng có thêm một bát để thờ. Hàng tháng đến này mùng một, ngày rằm (âm lịch), gia đình thắp hương kèm theo hoa, quả, rượu. Trong các ngày tết, ngày giỗ hay có việc đại sự quan trọng như: đám cưới, làm nhà mới hay sinh con…các gia đình đều thắp hương mời tổ tiên về chứng giám. Đặc biệt vào ngày 30 tết, chủ nhà làm nhiệm vụ sửa sang bàn thờ, quét sạch bụi bẩn, rửa sạch ấm chén rót nước đặt bên dưới mỗi bát hương một chén. Trước các bát hương, bày khay ngũ quả vào chính giữa, gồm một nải chuối và các loại quả có hình thù đẹp (kiêng vị đắng, chua, cay); hai bên đặt bánh chưng, bánh khảo, mứt, kẹo...

Do tính chất thiêng liêng và trang trọng như vậy, nên người Tày thường nghiêm cấm phụ nữ nhất là con dâu, cháu dâu, những người lạ không được tới gần bàn thờ. Ở gia đình người Tày, mỗi người con dâu đều có một buồng riêng, đều có một bà mụ riêng cho con của mình. Có bao nhiêu con dâu có trẻ con thì có bấy nhiêu bàn thờ mụ.

Người Tày có quan niệm về ông Công, ông Táo rất gần với người Kinh, họ coi ông Táo không chỉ là thần Bếp mà còn là vị thần bảo vệ người và gia súc trong gia đình. Nơi thờ Táo quân rất đơn giản, chỉ là một ống tre được dán giấy đỏ làm ống hương. Nếu gia đình có việc đại sự, hoặc xảy ra những vụ việc như có người đau, ốm, gia súc bị bệnh dịch, mất trộm thì cúng thần bếp để xin phù hộ. Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng chạp (âm lịch) người Tày ở đây đều làm lễ tiễn đưa Táo quân về trời. Do đặc điểm cư trú ở vùng rừng núi, khí hậu lạnh, sẵn củi rừng nên bếp của người Tày quanh năm không bao giờ tắt lửa. Người Tày quan niệm bếp không có lửa thì không gặp được điều lành.

III. KHÁI QUÁT VỀ ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TÀY XÃ XUÂN LAI

1. Lễ hội truyền thống.

*  Lễ hội “Lồng Tồng” hay “Xuống đồng”.

Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người Tày, được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no hạnh phúc. Trong tiết trời se lạnh đầu năm, người Tày nô nức chuẩn bị cho lễ hội “Xuống đồng” cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, thóc đầy bồ, lợn, gà đầy chuồng, mọi nhà được bình an, mạnh khoẻ.

Lễ hội “Xuống đồng” được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới khoảng thời gian từ mùng 4 đến mùng 10 tháng riêng. Lễ hội “Xuống đồng” được tổ chức 2 phần phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức cúng thần nông, thành Hoàng làng cầu mong cho cả năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn; các gia đình mạnh khỏe. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều mầu theo biểu tượng âm dương ngũ hành và được hai đôi nam, nữ (chưa vợ, chưa chồng) khiêng kiệu rước. Đi đầu đoàn rước là thầy cúng, người được dân bản giao trách nhiệm là sứ giả để giao tiếp với thần linh, trên tay thầy cầm cây nêu biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Đi sau là kiệu rước nước, nước được đựng trong hai ống bương to một ống bố và một ống mẹ.

Sau kiệu rước nước là kiệu rước đất, đất thiêng được lấy từ trên núi cao gọi là đất mẹ. Sau đó là các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn (bên trong các quả còn có đựng các hạt giống); mâm xôi 7 màu, bánh dày ngũ sắc và thủ lợn, gà luộc, hoa quả... Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống để thầy cúng giao linh với thần linh. Khi đoàn rước về đến địa điểm làm lễ, thầy cúng ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu lên ba hồi kèn trống vang vọng cả núi rừng, trời đất, tiếp đó thầy cúng thực hiện nghi lề cúng. Thầy khấn và phun nước làm phép để xua đuổi ma quỉ, xua đuổi điều không may, rồi thầy tung lộc (là các hạt giống) của thần linh cho dân bản.

Sau phần lễ là phần hội, phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày như : múa quạt, múa khăn, múa gậy, hát đối, hát giao duyên....Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc cũng là lúc mọi người tham gia các trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay…

2. Tết của người Tày

- Tết Nguyên đán: Khác với người dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Với người Tày cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Với người Tày, tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới và họ bắt đầu ăn tết từ ngày 28/12 (âm lịch). Trước và trong ngày Tết, trên bàn thờ các gia đình được trang hoàng dán giấy đỏ, trai gái trong bản nô nức trang trí lại nhà cửa, quét dọn sạch sẽ và sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để cho căn nhà thêm mới mẻ và ấm cúng hơn. Bước sang ngày 29 tết đàn ông người Tày bắt đầu mổ lợn và chế biến ra những món ăn như: giò, chả, thịt luộc, thịt nướng và lạp sườn... Phụ nữ tổ chức gói bánh và làm chè lam, bánh khảo. Sang đến ngày 30 tết tất cả các gia đình đã chuẩn bị xong mọi việc để đón năm mới và không quên cất các đồ đặc như dao, cày, bừa…vì theo quan niệm người Tày thì đó là các vật dụng đã gắn bó với con người suốt một năm lao động vất vả nên chúng cũng cần nghỉ ngơi.

Đêm giao thừa là dịp mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để trò chuyện, cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc biệt hơn ngày thường và chúc nhau những lời chúc năm mới hạnh phúc, thịnh vượng. Tết là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi xuân với những bộ quần áo mới nhất, còn người già và trẻ em thì đi xem các lễ hội đầu xuân như: Tung còn, múa và trao cho nhau những điệu hát Sli, hát lượn thật hay, thật tình tứ.

- Tết Thanh minh: Được bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đến nay ở Việt Nam, ngày tết Thanh Minh đã trở thành một ngày lễ đặc trưng trong văn hóa Việt. Mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có một phong tục đón tết riêng. Với đồng bào Tày, ngày tết Thanh Minh được coi là dịp lễ thiêng liêng, thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên. Vào ngày này, từ sáng sớm các gia đình người Tày đã chuẩn bị các lễ vật đi tảo mộ. Mâm lễ cúng tảo mộ được chuẩn bị chu đáo, gồm có: Gà luộc, xôi ngũ sắc, rượu, hoa, quả và các loại bánh như: bánh trứng kiến, bánh lá ngải, bánh mật, bánh gai…. Ngày tết Thanh minh là dịp duy nhất trong năm đồng bào dân tộc nơi đây sửa sang, quét dọn mộ phần của gia đình, dòng họ mình. Bên cạnh lễ tảo mộ, gia đình người Tày còn làm một mâm cơm gồm: Thịt lợn, xôi, hoa, quả và bánh trái, xôi, thịt, hoa quả để cúng gia tiên cầu mong bình an trong cuộc sống.

- Tết Đoan ngọ: Tết Đoan ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết sâu bọ", theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5.5 (âm lịch). Các loại thực phẩm được sử dụng nhiều để "diệt sâu bọ" thường là đào, mận, dưa hấu, dứa và một món ăn không thể thiếu đó là món rượu nếp cẩm. Với người Tày cũng vậy, tục ăn rượu nếp và hoa quả vào sáng sớm trong ngày mùng 5.5 (âm lịch) đã trở thành lệ, ngoài ra vào ngày này người Tày còn đi hái các loại lá cây vào buổi trưa (giờ Ngọ) đem phơi khô để làm lá uống cho cả năm. Vì theo quan niệm, ngày Tết Đoan ngọ thì trời đất phong quang, lòng người sáng sủa, trăm loại cây lá đều tốt lành, có thể đun nước uống, vừa mát ruột, vừa trừ độc giúp cho lòng người thanh thản.

Ngày nay người Tày có tục lệ khảo cây, tức là mang dao đến chặt vài nhát vào các loại cây ăn quả (đối với các cây ít hoặc lâu năm mới ra quả, quả không tốt hay thối hỏng…). Vừa chặt họ vừa hỏi với vẻ doạ nạt rằng tại sao lười ra quả hoặc ra quả không tốt. Chặt xong, họ khuyên bảo, vỗ về cây hãy chịu khó ra quả tốt, quả đẹp thì mùa sau sẽ không bị đánh đau nữa. Đặc biệt trong ngày này người Tày còn ăn các loại bánh và không thể thiếu được bánh tro, đây là loại bánh truyền thống của họ.

- Tết Xíp Xí: Cùng với ngày Xá tội vong nhân (Tết Vu Lan) của người Kinh, Tết rằm tháng bảy của người dân tộc Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn đây còn là dịp để gia đình, dòng họ xum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ. Cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, đồng bào Tày ở nơi lại nô nức chuẩn bị cho cái tết lớn thứ hai sau tết Nguyên đán Tết rằm tháng bảy (người Tày gọi là Tết Slip slí). Vào những ngày này, người Tày thường gác lại các công việc khác, tất cả dồn vào chuẩn bị cho ngày tết. Phiên chợ ngày trước tết Xíp Xí bao giờ cũng náo nhiệt hơn với các mặt hàng đặc trưng như: Lá bánh, đỗ xanh, củ chuối rừng…và một món ăn không thể thiếu đối với người Tày trong rằm tháng bảy đó là thịt vịt.

Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng bảy hàng năm, người Tày sẽ làm bánh trưng nhân cá lá gừng (bánh “Pẻng Tải”), làm bún tươi để ăn thịt vịt…để thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, cầu chúc sức khỏe, an lành đến với tất cả các thành viên trong gia đình, dòng họ. Ngoài bánh “Pẻng Tải” người Tày còn làm bánh “Pẻng Hó” – bánh trưng được gói bằng lá dong rừng với nhân cá chép. Những loại bánh này được cúng tổ tiên, thổ địa để cầu chúc những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình.

Trong những ngày này, người dân tộc Tày còn có phong tục con rể của gia đình sẽ đem biếu bố mẹ vợ một đôi vịt để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và hiếu thuận, cảm ơn công dưỡng dục vợ mình. Ngày 14, 15 tháng bảy (âm lịch), đại gia đình sẽ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm sum họp. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Tày, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó và lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.

- Tết Cơm mới:Đã thành thông lệ, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10(dương lịch) hàng năm, khi những cánh đồng tràn ngập một màu vàng óng của lúa chín. Khắp các bản làng của người Tày lại rộn rã tiếng giã gạo làm cốm, làm khẩu rang chuẩn bị cho lễ "ăn cơm mới" - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của người Tày. Ngay sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, lúc ngô, lúa đã chất đầy bồ thì đó cũng là thời điểm để bà con người dân tộc bước vào mùa Tết "cơm mới" với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có "ma nhà", có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng "cơm mới". Mặt khác, Tết "cơm mới" còn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của mỗi gia đình người Tày, nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Ngay từ sáng sớm mỗi người trong gia đình dậy sớm để chuẩn bị các đồ lễ cúng. Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do người dân tự chăn nuôi, trồng cấy, được như: gà, vịt, ngô, gạo... được làm chín, bày trên cỗ lá. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, mía và quả cọ. Đặc biệt, trong mâm lễ cúng không thể thiếu được hai món ăn truyền thống của người Tày trong lễ "ăn cơm mới" là cốm và khẩu rang. Cốm được làm từ thóc nếp non sau khi thu hoạch về có thể luộc hoặc rang vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào cối giã, tiếp sau đó đem đồ lên ăn có vị dẻo và thơm.

Lễ cúng "cơm mới" của người dân tộc Tày thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Thầy mo phải là người chủ của gia đình, hoặc là những người cao tuổi, có kinh nghiệm, được chủ nhà và bà con trong bản tín nhiệm. Bài cúng "cơm mới" có nội dung cầu chúc một năm mới gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các bài cúng thường kéo dài trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo.

Tết "cơm mới" không chỉ là lễ tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, mà còn là dịp để anh em, họ hàng bạn bè gặp nhau cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.

V.  “KHẢM HẢI” TRONG HÁT “PỰT” CỦA NGƯỜI TÀY, XÃ XUÂN LAI, HUYỆN YÊN BÌNH, TỈNH YÊN BÁI

1. Vị trí của “Khảm hải” trong hát “Pựt” của người Tày.

Khảm hải” được đánh giá là đoạn hấp dẫn nhất trong hát “Pựt” của người Tày. “Pựt” là một trường thơ dân gian của cộng đồng được chuyển thành lời ca, dưới sự thể hiện của thầy cùng có tên là Bụt. Ông Bụt hay bà Bụt khi làm chủ lễ trong lễ cúng vía của một gia đình sẽ phải hát  “Pựt” để cầu phúc, cầu may cho gia chủ.

Pựt” được thể hiện từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc lễ cúng vía nhưng “Khảm hải” chỉ là một đoạn trong trường ca đó. Đoạn này bao giờ cũng được diễn vào lúc đêm khuya nhất (thường là canh tư sang canh năm) nhưng luôn thu hút người nghe bởi sự hấp dẫn của nó. Nó hấp dẫn bởi nó miêu tả chân thực thân phận của những người tôi tớ cùng cực (sa dạ sa dồng) phục vụ các quan đưa lễ vật qua biển. Nó hấp dẫn bởi nó phản ánh chân thực một xã hội đã từng tồn tại trong lịch sử tộc người.

2. Thời gian và địa điểm tổ chức nghi lễ.

Thời gian tổ chức: đêm mùng 10/7 rạng ngày 11/7 (âm lịch), tức đêm ngày 26 rạng ngày 27/8/2012. Lễ cúng này được tổ chức tại gia đình ông Hoàng Tương Lai, thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

3. Công tác chuẩn bị cho nghi lễ.

Để chuẩn bị cho lễ cúng gia chủ phải tổ chức mời thầy Bụt và các 2  thầy phụ giúp. Đồng thời gia chủ phải chuẩn bị lễ vật, mời anh em họ hàng tới dự, nhờ người giúp việc bếp núc, nội trợ, trang trí, quét dọn, chọn người giúp việc cho các thầy trong quá trình làm lễ.

* Chọn ngày, giờ và chọn thầy, đón thầy.

Thời gian được chọn là đêm ngày 10 rạng ngày 11/7 (âm lịch). Các thầy gồm có: Thầy Bụt (chủ lễ): ông Lèo Văn Phùng (xã Cẩm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái); Thầy phụ 1: ông Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái); Thầy phụ 2: ông Phùng Văn Rường (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Đến 16 giờ chiều ngày 10/7 (âm lịch) gia chủ tới nhà mời các thầy đến làm lễ. Khi đó, các thầy thắp hương khấn xin may mắn trong quá trình đi làm lễ tại gia đình ông Hoàng Tương Lai (xã Xuân Lai) trên ban thờ tổ tiên gia đình mình. Đồ dùng trong nghi lễ, các thầy đã sắm sửa đầy đủ và cùng gia chủ tới nơi làm lễ. Thầy Bụt bao giờ cũng phải đón trước, kế đó mới tới các thầy phụ.

*  Lễ vật gia chủ chuẩn bị  cho nghi lễ.

Gạo tẻ: 50 kg; Gạo nếp: 50 kg làm xôi trắng, bánh chưng, bánh dày, nặn con giống (trâu, bò); 2 con lợn từ 50 – 60 kg/ con; 5 con gà trống; 2 con vịt; Trứng gà; 50 lít rượu; Muối; Vàng, hương, 10 lít dầu và 10 đèn dầu; 3 lầu tết bằng cẫng và lá chuối tươi; 1 bồ vía có dán giấy trang trí bên ngoài; 9 lá vía (nếu là nữ), 7 lá vía (nếu là nam); 9 roi hoa; 3 sọt đựng bông lúa và giấy bản; Gốc tre làm cầu; Giấy để cắt hoa trang trí; Gương, lược, vòng tay của những người được cúng vía; Áo và túi vía của những người được cúng vía; Hình nhân giải hạn;1 cum thóc; 1 lưỡi cày nung đỏ.

* Gia chủ chuẩn bị cho thầy đến làm lễ: một ban thờ thấp có trải vải đỏ và ghế ngồi cho thầy khi làm lễ; một bát nước sạch và nhành thanh táo để thầy vầy khi quét dọn nhà cửa.

4. Các thầy chuẩn bị: Trang phục thầy cúng, mũ vải đỏ; Tranh thờ (thầy Bụt); Quạt Chùm nhạc làm nhạc đệm khi hát; Bộ xin âm dương; Bộ gieo quẻ.  Anh em họ hàng tới dự mang theo gạo để chúc mừng gia chủ.

5. Gia chủ chọn người giúp các thầy trong quá trình làm lễ: Người phán khi có thần nhập: ông Hoàng Minh Châu. Người con trai thắp hương trên ban thờ tổ tiên: anh Hoàng Văn Giang. Nàng hương thắp hương phục vụ các thầy: chị Hoàng Thị Mai.

6. Tiến trình nghi lễ

* Công việc chuẩn bị cho nghi lễ chính thức:

Để chuẩn bị cho quá trình hành lễ, ông Bụt chuẩn bị bồ vía cho đầy đủ, chắc chắn. Ông đặt bồ vía vào thúng, ở giữa bồ vía có đặt một dóng tre thẳng, xanh. Ông Bụt giữ dóng tre để lần lượt anh em họ hàng được mời tới dự mang gạo của mình tới đổ vào bồ vía, chúc mừng cho gia chủ, gạo đổ đầy bồ vía sẽ tràn ra ngoài thúng. Sau khi mọi người đã đổ hết gạo vào thúng, thầy bắt đầu cài các lễ vật khác lên trên bồ vía, gồm có: 1 lầu được tết từ cẫng và lá chuối tươi, cầu tre, gương, lược, vòng tay, giỏ đựng bông lúa và giấy bản, cắm roi hoa, lá vía.

Khi xong, thầy đặt bồ vía ngay ngắn trước ban thờ. Phía trái ban có mâm hương để ba bát gạo, bánh chay, bát nước sạch và nhành thanh táo. Phía bên phải đặt áo và túi vía của các thành viên được cúng vía trong gia đình gia chủ.

Lúc này, người con trai đã được chọn bắt đầu thắp hương trên ban thờ tổ tiên và không lúc nào được để hương tắt cho đến khi lễ được hoàn tất.

Nàng hương cũng bắt đầu thắp hương ở ban dưới phục vụ các thầy, cũng không được để hương tắt. Xong việc, ông Bụt bắt đầu vầy nước thanh táo rửa sạch sẽ trong nhà và khu vực làm lễ.

* Nghi lễ chính thức:

Các thầy trong trang phục tế lễ, đầu đội khăn đỏ, tay cầm quạt và chùm nhạc, bắt đầu thỉnh chuông làm lễ. Tất cả các thầy cùng hát, thầy Bụt phải hát đúng, hát chuẩn và hát liên tục (trong suốt thời gian hành lễ thầy Bụt chỉ nghỉ 3 đến 4 lần), hai thầy phụ có thể ngưng nghỉ đôi lúc hoặc cũng có đoạn quên hoặc chưa thuộc thì thầy Bụt sẽ hát đỡ cho. Trước hương đèn rực rỡ, các thầy cùng ngồi và hát thỉnh:

…Hai cô ơi bốn nàng

Ăn miếng trầu tráng miệng

 Ăn miếng cau tráng họng

 Trầu ngọt miệng xin thưa

 Trà ngọt họng sẽ kể

 Kể về ông gốc nhà

 Kể về bà chủ hộ

 Rơi xuống chỗ này là

 Y ên Bái chính là tỉnh

 Y ên Bình là nơi huyện

 Xuân Lai nay là xã

 Trung Tâm hiện là thôn

 Năm trước sống tốt

 Năm ngoái ở yên

 Chớp mắt sang năm nay

 Cái đau sợ xuống quấy

 Cái ốm lo đến gần

 Hôm nay hoa mận nở trước nhà

 Hoa đào tươi trước ngõ

 Kể đến ông gốc nhà

 Thứ đến bà chủ hộ

 Hơn sáu mươi sợ tai nạn

 Ngoài bảy mươi lo hạn

 Mười người mười bao gạo

 Chín người chín bao thóc

 Bịch thiên địa đựng vía

 Cả bịch gạo về cho

 Cả bồ muối về nộp

 Bịch tóc đắp ao trên

 Bồ muối chắn khe dưới

 Cả cầu sắt giải vận

 Cả cầu đồng giải hạn

 Cầu mục ta vứt đi

 Cầu chắc, cầu tốt ta đem bắc

 Cả gốc tre đem trồng

 Cả chuối con trồng bên

 Tre về trồng đất tốt

 Chuối đem trồng đất mát đất lành

 Đêm mọc một hai lá

 Sáng đâm chồi ba ngọn

 Ve sầu không cắt ngọn

 Đom đóm không cắt chồi…

 Thứ nữa là con trai

 Bên là chàng trai trẻ

 Cả hai áo song thân

 Cả hai cùng bố mẹ

 Ba mươi lo tai

 Hơn bốn mươi lo hạn

 Trần thế dựng cây tre

 Dựng cây danh giải hạn

 Có cả lầu một cột

 Cả biệt thự hai tầng

 Tầng dưới đầy thịt cá

 Tầng trên hoa quả đầy

 Cả bánh dầy chiếc xinh

 Cả bánh giò chiếc đẹp

 Thứ nữa đến con trai

 Bên là người vợ trẻ

 Sinh con có nhiều bề

 Sinh được con nhiều lứa

  Cả hai áo hai thân

 Hai ba người anh em

 Lo được hai chén cơm ngũ sắc

 Bốn chén nếp nhiều màu

 Áo đẹp lên dâng mẹ

 Có cả lầu bốn cột

 Cả biệt thự nhiều tầng

 Tầng dưới nhiều thịt cá

 Cả bánh dầy tròn xinh

 Cả bánh giò mịn đẹp

 Có cả ba gánh rượu

 Có cả chín gánh trà

 Năm gánh hoa gánh quả

 Rượu này ủ giờ ngọ men thơm

 Ủ giờ trưa trước bản

 Ủ rượu không mắng chó

 Ủ trà không chửi trẻ

 Ba trưa rỏ nước ngọt

 Ba ngày ngọt nước đường

 Rượu lên dâng Mường Tổ

 Trà lên dâng Mường Phật

 Rượu lên lễ Mường Sjay

Giọt rượu rơi xuống bàn thơm ngát

Giọt rượu rơi xuống bàn mát dịu

 Đau yếu có bù nhìn đi thế

 Cả hình nộm thế thân

 Cả hình nhân thế mạng

 Con tổ tổ hãy đỡ

 Cháu tổ tổ hãy che

 Nòi ta sinh nó khoẻ

 Giòng giống ta ta quý

 Ở dưới lên không chắp tay không

 Không ngửa tay lên rỗng

 Tiền đem lên nhiều trăm

 Bạc đem lên đếm ngàn đếm vạn…

 Hương thơm con lên tìm

 Hương hoa con lên thỉnh

 Con thỉnh mười thánh gốc

 Con thỉnh chín gốc Sjay

 Thỉnh đến Sjay xuống nước không trôi

 Thỉnh đến quan vào lửa không cháy

 Thỉnh đến thánh đầu ghế

 Trình Sjay ngồi bàn thờ

 Thỉnh Sjay không một lời nào giấu

 Trình quan không có câu gì giữ

 Mời Sjay xuống trần thế giải vận

 Mời Sjay xuống gia đình giải hạn…

 Con trẻ mới tập nói

 Trai trẻ mới tập lời

 Phép không biết cha  đỡ

 Chữ chưa hay cha bảo…

 Thỉnh Sjay đưa đến Mường Tổ được thông

 Thỉnh Sjay đưa đến chỗ Mường trên cho lọt…

Sau khi đã cúng thỉnh, bắt đầu lên đường và điểm lễ. Lúc này, các ông thầy trang phục tế lễ, tay phải cầm quạt, tay trái cầm chùm nhạc chuông đứng lên làm động tác mạnh mẽ tựa như tiếng ngựa ra roi hý vang cùng đoàn binh mã rầm rập lên đường:

… Chiếu thấy ta dọi thấy

 Phóng tầm mắt ta nhìn

 Ba vạn đội mũ sắt lên đường

 Bẩy vạn đội mũ gang cùng tiến

 Nhà Pựt nhà Sjay

 Ba vạn ngồi bẹ chuối không rung

 Bảy vạn ngồi đồng tiền không kín

 Ngồi hạt đỗ không đầy

 Phi ngựa qua lỗ chôn kim đi lại

 Xin mời mười quan chủ

 Nào mời chín quan Sjay…

 Thỉnh Sjay xuống trần thế điểm quân

 Thỉnh quan xuống hạ giới điểm lễ

Điểm quân mạnh quân hùng

 Điểm lấy lễ chủ nhà cho đủ

Con Pựt chiếu thấy đã nhìn thấy

 Phóng tầm mắt ta nhìn

 Dây cương chở hai gánh ba khiêng

 Nhạc ngựa lên ba khiêng bốn gánh

 Một gánh lên dâng trà

 Một ngả lên dâng rượu

 Mang lên ba gánh rượu

 Dâng lên bốn hũ trà

 Năm gánh hoa gánh quả

 Rượu lên dâng Mường Tổ

 Trà lên dâng Mường tiên

 Rượu lên dâng Mường Tổ

 Trà lên dâng Mường Phật

  Rượu lên dâng Mường Tổ

Trà dâng lên Mường Sjay

 Một gánh lên bồ vía

 Một lối lên đáp mệnh

  Một lối lên giải vận

 Một đường lên giải hạn

Một gánh lên cúng mụ

 Một lối dâng mẹ sinh

… Mời tổ đến gian giữa đợi hoa

  Mời tổ qua gian ngoài đợi trà

 Chập tối sẽ có rượu đến nhà

 Gà gáy sẽ có trà đến điện

 Chuyển sang bàn nhà Phật

 Quay sang bàn thờ Ham

 Xin Ham quét gian trong đợi hoa

 Quét gian giữa đợi rượu đợi lễ

 Chuyển xuống gốc mẹ hoa

 Xuống đến mười hai ngả mẹ sinh

 Mẹ không lần dây tã xuống đòi

 Mẹ đừng lần dây địu xuống khảo

Chập tối sẽ có lễ đến nhà

 Gà gáy sẽ có hoa đến điện

 Sẽ có áo nhiều màu

 Có áo hoa nhiều sắc…

  Áo hình vẽ lá hoa

 Cơm nếp thơm trắng lốp

  Chuyển xuống ghế thừng mực

 Xuống đến tận chiếu hoa

 Xuống tấm thát bên bếp

 Xuống đuôi hổ đệm ngồi

 Chuyển xuống nàng Táo Quân

 Xuống đến ông Vua bếp…

 Chuyển ra tổ bảy đời đại môn

 Ra đến quan ngũ đại canh cửa

Tổ bảy đời đứng cửa kê ngoài

Gĩư chắc mình bên trong

Cửa giữ mình cho dầy

Che chở mình cho vững

Cái tốt đẹp về mình

Mọi buồn phiền rời xa

 

 Chuyển ra thích cây tròn

 Chuyển đến nơi giàn bắng

 Chuyển ra thích gỗ bay

 Chuyển xuống thang bảy bậc

Cầu thang ba ngày đóng

Cầu thang bảy ngày lắp

Mới thành lối lên xuống

Mới thành đường minh quân đi lại

 

 Chuyển xuống chốn đất ruộng

 Xuống đến chốn đất dày

 Xuống đến chỗ thần linh thổ địa

 Chuyển xuống chốn gà vịt râm ran

 Chuyển qua chỗ trâu bò ngoài bãi

 Ra đến giếng nước ăn

 Quay sang lần nước uống

 Giếng gánh nước đêm ngày

 Gái cả bản cười vui

 Trai cả mường về hội

Người đến giặt áo

Mọi người về rửa rau

Ngày tiếp ngày vui vẻ

Có anh thấy bóng mình dưới giếng

Đầu bạc trắng tựa hoa lau

Về lấy tay gối đầu quạnh vắng

 

 Chuyển ra chỗ cây mận buộc bò

 Chuyển ra chỗ cây bo buộc ngựa

 Chuyển ra nơi cây mận hoa trắng

 Chuyển ra chỗ cây đào hoa hồng

 Quay ra chốn ba sinh

 Quay xuống chốn ba sào

 Chuyển qua bụi trầu không

 Quay ra giàn trầu ngọt

 Chuyển ra chốn bụi xỏm nhuộm đen

 Chuyển xuống vùng khóm chàm nhuộm mũ

Búi xỏm nhuộm mũ đen

Cây chàm nhuộm mũ sáng

 Chuyển xuống chốn gừng già dưỡng lực

 Chuyển xuống chốn gừng gié chữa ho

 Đến ra chốn thì là dậy phép

 Nơi rau hẹ dạy lời

 chốn rau dền cuống đỏ

Ngày xưa nàng còn trẻ chê chồng

Đêm nay thấy xôi hồng xôi tím

 Chuyển ra nơi vườn mùng thẳng cọng

 Chuyển qua nơi ao chuôm trước sàn

 Chuyển qua nơi cây cơi cuối bản

 Chuyển ra chốn cây dướng bờ ngòi

 Lá cơi đem ruốc cá

 Vỏ dướng ép giấy thơm

 Giấy dướng để thư từ đi lại

Đêm nay viết công hàm đi Hác

Công hàm gửi đi Hác sắp về

Công hàm gửi tổ tiên sắp lại

Sau khi đã lên đường, công việc điểm lễ bắt đầu, lúc này các thầy có thể ngồi xuống và hát:

Xuống đến chốn ruộng lớn điểm quân

 Xuống đến chốn ruộng tròn điểm ngựa

Ngựa Sjay đi nườm nượp

 Binh quân quan cùng dậy nhất loạt

 Ta điểm mỗi đầu ngựa một chữ

 Điểm lấy mỗi đầu lừa một dấu

 Chữ tam bảo đỏ tươi

 Dấu Ngọc Hoàng đỏ chót

Chuyển sang chốn pò ải khiêng hoa

Chuyển đến chốn mường giang gánh lễ

 Pò Ải hãy điểm lễ

 Mường giang hãy điểm gánh

 Điểm lấy của trần thế đủ đầy

 Điểm lấy của chủ nhà cho hết

 Điểm lây ba hũ rượu

 Điểm lấy chín hũ trà

 Điểm lấy năm buồng hoa tươi sắc

 Điểm đủ người lũ lượt hành trình

 Điểm lấy những mình vàng hành lễ

 Điểm lấy cả bánh moọc mịn thơm

Điểm lấy cả bánh dầy ngon dẻo

Bánh bầu dợm đuôi én

Bánh ngọt lịm đuôi vàng

Hăm hai loại bánh ngon

 Điểm lấy bánh thiên địa cột vàng

 Điểm lấy cả bịch gạo lên phù

 Điểm lấy cả bịch muối lên nộp

 Bịch gạo chắn khe trên

 Bịch muối đắp khe dưới

 Điểm lấy đôi cầu sắt về đóng

 Điểm lấy đôi cầu đồng về bắc

 Cầu gãy ta loại ra

 Cầu tốt ta bắc vào

 Điểm lấy cả cây mệnh lên ươm

 Cả chuối con về trồng…

 Điểm lấy căn nhà sàn bốn góc

 Điểm lấy cả ngôi lầu bốn tầng

 Tầng dưới thịt với cá

 Tầng trên quả cùng hoa

 Cả bánh moọc hồng tươi

 Cả bánh dầy tròn đẹp

 Điểm lấy căn lầu hoa

 Điểm lấy ngôi lầu hạn

 Lầu hạn cả hai áo hai thân

Lầu hạn của cả chồng cả vợ

Trần thế dựng cây danh

Trên trời bắc cây vận

 Điểm lấy hoa buồng dầy

 Điểm lấy chùm buồng trĩu

 Điểm lấy vải nhiều màu

 Điểm lấy áo nhiều hoa

 Áo nhiều màu trăm hoa dâng mẹ

 Điểm lấy cả bánh moọc tròn xinh

  Điểm lấy cả bánh dầy tròn đẹp…

 Điểm lấy cỗ chủ nhà cho hết

 Điểm lấy cả hình nộm  thế thân

 Điểm lấy cả bù nhìn thế hạn

 Hình nhân đi thay người

 Bù nhìn đi thế ốm thay đau

 Thế ông bà cha mẹ con cháu

 Thay rủi ro vận hạn cả nhà

 Điểm lấy cả con chim con chuột

 Cả con dơi con phượng

 

Con Pựt chiếu thấy ta dọi thấy…

 Nhìn thấy chốn cây đa đầu bản

 Nhìn thấy chốn cây nhãn đầu thôn

 Nhìn thấy ông thổ công

 Nhìn thấy ông công sào thổ địa

 Ngựa ta đến thổ địa ta dừng

 Sjay ta đến thổ công dừng bước

Dừng bước Sjay điểm lễ

 Dừng ngựa quan điểm quân

Sau khi điểm lễ vật, nếu thần thánh nhập vào người phán, người đó sẽ phán về những việc hay dở diễn ra trong gia đình gia đình và căn dặn lý lẽ sống sao cho tốt hơn, gia đình giàu mạnh hơn, con người khoẻ mạnh hơn. Sau khi phán xong, thổ công phi ngựa bạch dẫn đường đưa quân lên dâng lễ tổ. Đoàn người lên dâng lễ tổ gồm có: Thổ công, Thổ địa, Công sào dẫn đường, các Pò ải, Mường giang gánh lễ vật, hai nàng Hương và noọng Hải Va mang tư trang, thắp hương, chăm lo cho Sjay. Thầy bắt đầu hát và làm những động tác thể hiện đoàn quân lên đường dâng lễ tổ:

 Ngựa ta được thổ địa ta về

 Sjay ta được công sào ta lên

 Thổ công giữ đầu bản

 Công sào quản đầu thôn

Bản người có quân hôn

Thôn mình không được động

  Ngựa ta được thổ địa dẫn đường

 Sjay ta được công sào dẫn lộ

 Bản thổ thổ đi trước

 Mường thổ thổ dẫn đường

Dậy thôi ông thổ công

Đi thôi ông công sào thổ địa

 Thổ địa cưỡi ngựa trắng lên đường

 Công sào phi ngựa bạch trước Sjay

 Dậy thôi đôi Pò Ải gánh gồng

 Đi thôi đôi Mường Giang gánh lễ

Pò ải nhấc đòn gánh lên vai

Mường giang đặt đòn gánh lên cổ

 Khiêng nặng đi rầm rập

 Gánh nặng đi ào ào

 Gánh nặng bởi gạo nếp

 Chở nặng bởi hoa quả

 Gánh nặng đi trước quan

 Gánh nặng đi trước Sjay

 Dậy thôi ba nắm thóc nuôi ngựa

 Sáu cum lúa nuôi lừa

 Gà ve vẩy trên đường

 Mỗi người mang mình vàng mình bạc

 Hai nàng đeo túi áo lên đường

Bốn nàng mang túi vía cùng bước

 Dậy đi bát gạo vía

 Dậy đi quả trứng mệnh

Mình vàng mình bạc đi đón mệnh

 Dậy đi ơi cô nàng pha trà

 Dậy đi ơi cô nàng ủ rượu

 Rượu này ủ giờ ngọ men thơm

 Rượu này ủ giờ trưa men ngọt

Rắc men không mắng chó

 Ủ rượu không chửi con

 Chim nhạn xuống đỡ vén

 Chim én xuống đỡ vùi

 Ba trưa ngọt nước mía

 Ba ngày rỏ nước đường

Giọt rượu rơi xuống bàn ngát hương

Giọt rượu rơi xuống bàn mát dịu

 Dậy thôi nàng thắp hương

 Dậy thôi cô chong đèn

 Hương tắt em hãy thắp

 Đèn tắt em hãy chong

 Hương đừng tắt giữa lộ

 Đèn đừng lụi giữa đường

Hương tắt em đi thắp

Đèn tắt em hãy đốt

Hương đừng tắt giữa lộ

Đèn đừng lụi giữa đường

Hương tắt em đi thắp

Đèn tắt em đi thế

 Dậy thôi gốc Sjay già quản lễ

 Đi thôi quan nha môn quản của

 Dậy thôi mười thành tổ

 Chín thành Sjay dậy cùng một lượt

 Chuyển lên gốc nghiến cao

 Lên chỗ ngọn diễn cong

 Thân diễn làm ống lần ruộng mạ

Ngọn diễn làm vỏ dao chạm rồng

 Gốc diễn làm âm dương trần thế…

 Chuyển lên nương lưng núi

 Chuyển lên ruộng bậc thang

 Lên nơi cây dáy dại trên đá

 Cây dáy ngứa trên vực

Sinh cạnh gốc cây dáy phát đờm

Ai rơi phải cây dáy sinh ho

Ho lục khục trong miệng

Ho khục khặc trong cổ

Ho thắt cổ gầy còm

Quan Sjay ném cây dáy xuống vực

 Quẳng cây dáy xuống khe

 Biến thành con cất vó dưới nước

 Lên nơi trẻ chăn trâu ruộng thang

 Gái chăn trâu ruộng trũng

 Trẻ chăn ngựa quên ăn

 Gái chăn trâu quên chạc

 Trẻ chăn ngựa quên nhà

 Gái chăn trâu quên chồng

 Đàn ông mắc dây yếm khó về

 Đàn bà vướng dây địu khó lại

 Chuyển lên xứ cỏ lác cứa chân

 Chuyển lên chốn cỏ đa cứa cẳng

 Sjay lên không cứa chân

 Sjay về không cứa cẳng

Ngựa Sjay quen lên xuống

Quân quan quen đi về

 Qua chỗ vịt lặn nước sì sầm

  Trâu đằm nước ì oặc

 Vịt lặn nước đầm trên

 Trâu ngụp nước đầm dưới

Lên chỗ vực quăng chài

 Quay lên chỗ câu cá

Được hai ba con cá nàng cười

Giật mấy lần được cá nàng khóc

Khóc đi lại khóc về

Biến thành con cất vó mặt nước

Mới thành cô áo đỏ bờ mương

Mới thành cô áo vàng bến nước

Mới thành nàng yêu tinh hà bá

 

 

 Con Pựt nhìn thấy rừng hoa trắng

Nhìn thấy xứ gái trai áo trắng

 Con đỉa bằng cổ chầy

Con vắt tựa mõ trâu

Cớ sao em lại chết ao trắng

Bởi bố tiếc con vịt đuôi biếc

Bởi bố tiếc con gà hoa mơ

Em phải về chết ở ao trắng

Chỗ này mệnh trời thế chớ câu

Nơi này lậu đường gia đừng ở

Chuyển lên nàng chém cành dọn lối

 Chuyển lên cô Lìm là   giăng bẫy

Lưới người bày mọi chốn

Lưới người hãy giăng xa chốn này

Chỗ này đường dâng hoa nhà Sjay

Chỗ này lễ hương nhang nhà Bụt

Nơi này nơi con lộ Sjay về

Chốn này nơi con đường Sjay lên

 

 

Chuyển lên xứ cây bứa

 Vùng rừng xanh cây bền

 Vùng rừng xanh cổ thụ

 Đến rừng sâu hương quế

 Chốn rừng già hương trầm

 Miền rừng thơm ngào ngạt

 Ngựa Sjay vào rừng cây xanh thẳm

 Nhà Sjay gọi lục nhâm thu vía

 Lên đến chốn chim én lượn sà

 Nơi hang dơi trú ngụ

 Chuyến xuống vùng chuối rừng

 Ngoặt xuống miền lá dong

 Gái đẹp người vào rừng lấy chuối

 Gái xinh người xuống khe lấy lá

 Tàu dưới vương phân hổ

 Tàu trên dính cứt chim

 Tàu giữa lá non mềm em chọn

 Hái hoa về cống nàng

 Ngắt nụ về cống mẹ

Con Pựt nom thấy ta nhìn thấy

La soi thấy la nhìn

 Nhìn thấy gốc mồ mả giữa rừng

 Nom thấy chốn tổ tiên bên suối

 Mồ mả có nhiều ngôi

 Ngôi thấp ngôi ông bác

 Ngôi cao ngôi ông chú

 Ngôi hai bên chú thím

 Ngôi chính giữa ông tổ

 Ngựa Sjay đến đất mộ ta dừng

 Lên đến chốn tổ tông ta xuống

 Dừng ngựa Sjay vào trình

 Dừng bước quan vào tâu

Dừng chân ông thổ công

Dừng thôi ông công sào thổ địa

Thổ công cưỡi ngựa bạc dừng chân

Công sào phi ngựa trắng dừng bước

Dừng chân hỡi các chàng khiêng lễ

Dừng chân hỡi các giang gánh của

Các chàng khiêng lễ đặt đòn gánh

Các giang nhấc đòn gánh khỏi vai

Hai em đeo túi vía dừng chân

Bốn nàng mang túi vía dừng bước

Dừng thôi bát gạo vía

Dừng thôi quả trứng mệnh

Dừng nhé em pha trà

Dừng ơ cô rắc men ủ rượu

Dừng ơ cô thắp hương

Dừng ơ cô chong đèn

Hai em sửa mâm hoa cho đẹp

Bốn nàng coi đèn hương cho sáng

Dừng thôi gốc Sjay già quản lễ

Dừng thôi quan nha môn quản của

Chín vị thánh cùng dừng

Đoàn đi trước đứng đợi

Quân mã đều dừng chân

Ghìm cương ngựa dừng vó

Quay ngang ngựa đứng lại hết thảy.

Khi đoàn quân lên tới nơi là lúc vào trình tổ, khi vào trình tổ, các thầy ngồi xuống, trang nghiêm trình tổ, đoạn ca trình tổ bắt đầu:

Chập tối từ trần thế lên đến

Khuất mặt gà từ gia đình lên

Xin tổ mở cánh cửa hai bên

Giang cánh cửa hai phía

Mở cửa vàng cửa bạc hai ngả

Hai cô ơi bốn nàng

 Mau têm trầu đầy cơi

 Hãy bổ cau đầy đĩa

 Mời tổ ăn miếng trầu tráng miệng

 Ăn miếng cau tráng họng

 Trầu ngọt miệng xin thưa

 Trà ngọt họng sẽ kể

 Kể về ông gốc nhà

 Kể về bà chủ hộ

 rơi xuống chỗ này là

 Yên bái chính là tỉnh

 Yên Bình là nơi huyện

 Xuân Lai nay là xã

 Trung Tâm hiện là thôn

 Năm trước sống tốt

 Năm ngoái ở yên

 Chớp mắt sang năm nay

 Cái đau sợ xuống quấy

 Cái ốm lo đến gần

 Hôm nay ngày 10 tháng 7

 Hoa mận nở trước nhà

 Hoa đào tươi trước ngõ

 Kể đến ông gốc nhà

 Thứ đến bà chủ hộ

 Hơn sáu mươi sợ tai nạn

 Ngoài bảy mươi lo hạn

 Mười người mười bao gạo

 chín người chín bao thóc

 Bịch thiên địa đựng vía

 Cả bịch gạo về cho

 Cả bồ muối về nộp

 Bịch tóc đắp ao trên

 Bồ muối chắn khe dưới

 Cả cầu sắt giải vận

 Cả cầu đồng giải hạn

 Cầu mục ta vứt đi

 Cầu chắc, cầu tốt ta đem bắc

 Cả gốc tre đem trồng

 Cả chuối con trồng bên

 Tre về trồng đất tốt

 Chuối đem trồng đất mát đất lành

 Đêm mọc một hai lá

 Sáng đâm chồi ba ngọn

 Ve sầu không cắt ngọn

 Đom đóm không cắt chồi

Đàn gà trời chẳng lông

Lũ gà trời giang cánh

 Thứ nữa là con trai

 Bên là chàng trai trẻ

 Cả hai áo song thân

 Cả hai cùng bố mẹ

 Ba mươi lo tai

 Hơn bốn mươi lo hạn

 Trần thế dựng cây tre

 Dựng cây danh giải hạn

 Có cả lầu một cột

 Cả biệt thự hai tầng

 Tầng dưới đầy thịt cá

 Tầng trên hoa quả đầy

 Cả bánh dầy chiếc xinh

 Cả bánh giò chiếc đẹp

 Thứ nữa đến con trai

 Bên là người vợ trẻ

 Sinh con có nhiều bề

 Sinh được con nhiều lứa

  Cả hai áo hai thân

 Hai ba người anh em

 Lo được hai chén cơm ngũ sắc

 Bốn chén nếp nhiều màu

 Áo đẹp lên dâng mẹ

 Có cả lầu bốn cột

 Cả biệt thự nhiều tầng

 Tầng dưới nhiều thịt cá

 Cả bánh dầy tròn xinh

 Cả bánh giò mịn đẹp

 Có cả ba gánh rượu

 Có cả chín gánh trà

 Năm gánh hoa gánh quả

 Rượu này ủ giờ ngọ men thơm

 Ủ giờ trưa trước bản

 Ủ rượu không mắng chó

 Ủ trà không chửi trẻ

 Ba trưa rỏ nước ngọt

 Ba ngày ngọt nước đường

 Rượu lên dâng Mường Tổ

 Trà lên dâng Mường Phật

 Rượu lên lễ Mường Sjay

Giọt rượu rơi xuống bàn ngát hương

Giọt rượu rơi xuống bàn mát dịu

 Đau yếu có bù nhìn đi thế

 Cả hình nộm thế thân

 Cả hình nhân thế mạng

 Con tổ tổ hãy đỡ

 Cháu tổ tổ hãy che

 Nòi ta sinh nó khoẻ

 Giòng giống ta ta quý

 Ở dưới lên lhông chắp tay không

 Không ngửa tay lên rỗng

 Tiền đem lên nhiều trăm

 Bạc đem lên đếm vạn

 Các em hãy đem chậu ra lót

 Đem mâm đồng ra đựng

 Chẳng đốt tiền không hoá

Chẳng hoá chẳng thành bạc thành tiền

 Bạc về giao chỗ mộ được yên

 Tiền về đặt tổ sơn được mát

 Được tiền hãy giúp thân

 Được bạc xin giữ mệnh

 Nhà Sjay đeo túi áo bên mình

Nhà quan ôm túi vía theo Sjay

Con Pựt chào mộ tổ ta về

 Ngựa ta nhắc tổ sơn ta lên

 Mộ hãy ăn hãy ngồi

 Sjay nhắn Sjay lên đường

 Tổ vừa ăn nhẩn nha thư giãn

 Quan nhắn quan hành lộ…”

Sau khi trình tổ xong, các quan sẽ thu vía lại, các thầy làm động tác thu vía đồng thời ca đoạn hát thu vía:

“…Tổ sẽ đưa vía về

 Sjay sẽ đón vía lại

 Ba lần xin âm dương

 Sáu lần được cả sáu

 Bố con rủ nhau về

 Anh em rủ nhau lại

 Ông con rủ nhau đến

 Bà cháu rủ nhau lại

 Tốt lắm khi vía về

 Anh em rủ nhau đến

 Chị em rủ nhau lại

Rủ nhau lời tha thiết

 Vung tay lại lon ton

 Vía về nhiều không ít

 Vía về nhiều khôn buồn

 Vía ở tối về sáng

 Vía ở đồng về nhà

 Tốt lắm…ơi vía về… đón vía lại…

            Tiếp đó, nhà Sjay còn hát ghẹo nàng hương:

…Ơ… nắng mường trời nắng gắt

 Nắng mường thiên nắng khô nắng khát

 Đường mường trời còn dài

 Đường mường thiên còn rộng

 Cho Sjay xin chén nước lấy sức

 Cho quan xin chén trà hương đỡ mỏi

 Mấy khi búp hoa nở đẹp hay

 Vất vả với nhà Sjay một đám

 Ơ… hầu Sjay hầu có mùa

 Hầu chồng hầu suốt đời ơ em…

Nàng hương xấu hổ không đối đáp nổi, nhà Pựt lại ghẹo tiếp:

…Ơ… Sao em lấy bẹ chuối làm củi

 Lấy rêu chuối làm nước vậy em

 Hòn đá ném xuống nước thành quầng

 Sao không đáp lại vài câu thế nhỉ?

Sau khi vào trình mộ tổ đã xong, đoàn người lại tiếp tục rời mộ tổ lên đường, qua rừng, qua núi, lên đến xứ kể chuyện tình yêu, lên đến xứ trai côi, gái goá, vào đến mường trai tài, gái giỏi, lên đến xứ 12 em pha trà, 12 cô ủ rượu :

Con Pựt vào trình mộ đã xong

 Cương ngựa nhằm mường trên cất bước

 Dậy thôi ông thổ công

 Lên thôi ông công sào thổ địa

 Thổ địa cưỡi ngựa bạch lên đường

 Công sào phóng thuyền hoa vun vút

 Dậy thôi đôi trai ải vai khiêng

 Đi thôi đôi trai giang vai gánh

 Dậy thôi cô thắp nhang

 Đi thôi cô giữ lửa

 Hai cô rửa mâm hoa cho sáng

 Bốn nàng trông mâm hương cho tỏ…

 Lên thôi gốc Sjay già quản lễ

 Lên thôi quan nha môn giữ của

 Dậy thôi mười quan thánh

 Chín quan Sjay dậy cùng dậy hết

 Chuyển lên chốn bà vượn đuôi dài

 Bước đến chốn bà gấu ăn cưới

 Ngày xưa bởi dệt vải được giàu

 Nay mới thành bà gấu ăn cưới

 Lên đến chốn lũ rùa lặn ruộng

 Chốn ba ba lặn giếng

 Khỉ mẹ dạy khỉ con hái quả

Rái cá dạy rái cá lặn ao

 Chó mẹ dạy chó con săn bắt

 Rùa mẹ dạy rùa con lặn nước

 Ba ba dạy ba ba lặn giếng

 Ngọn cây đan ngọn cây dày tán

 Lông chân buộc hàng rào gỗ nghiến

 Lễ đắt mới thả rùa xuống ruộng

 Thả ba ba xuống giếng

 Phóng ngựa qua lưng rùa kêu xoà

 Phi ngựa qua ba ba kêu xồng

 Lên đến chốn khỉ già mặt đen

 Lên đến xứ căng bầy đít nhọ

Khỉ lượm quả rừng già

Dựa lưng nhau ăn quả

Sải tay hái từ ngọn đến gốc

Ăn xong lên sườn dốc nằm ngủ

No bụng vào hang lớn nghỉ ngơi

Khỉ mẹ sinh con không tã cũng không địu

Cõng con lấy ngoẵm chân về cõng

 Con Pựt nom thấy chốn rừng thiêng

 Nhìn thấy xứ rừng già

 Cây to bằng cái sàn

 To bằng cả cái nhà người ở

Cây rằng: cao hơn lúa

Lúa rằng: cao hơn cây

Cây rằng: cao hơn nhà

Nhà răng: Cao hơn bịch

Cây queng quý làm nhà

Bìm bịp đậu còn rung

Chim chèo bẻo đu vóng còn đổ

Chốn này không có trầu vào lễ

 Không có cau vào mời

Gửi lời chào tất cả Sjay qua

 

 Lên chốn anh ngủ mê

 Lên nơi gã ngủ gật

 Ngủ ba ngày không gật

 Ngủ sáu ngày không xoay

Nhà Sjay đổ về trước

Gã quờ quạng đằng sau

Nhà Sjay đổ về sau

Hắn nghều ngoào về trước

Lửa cháy nó biết giúp

Hổ vồ nó biết doạ

Gái đẹp đi qua ngõ

Phải mùi đàn bà liền sinh ốm.

 

 

 Lên đến xứ kể chuyện tình yêu

 Chốn những người con gái con trai

 Chốn trâu đực không chuồng

 Chốn trai tơ không vợ

 Bước lên xứ trai khôn

 Lên đến mường gái khéo

 Khôn nó khôn lắt léo

 Khéo nó khéo đủ đường

 Giỏi nó giỏi đủ thứ

 Gái này may áo chồng không mướn

 May áo quan áo quân không mượn không nhờ

 Tay vục nước thành hoa

 Tay khoả nước thành lúa

 Lên đến xứ trai đần

 Chuyển sang mường trai vụng

 Đần nó đần đủ thứ

 Vụng nó vụng đủ đường

 Đóng chuôi dao phải nhờ

 Tra cán rìu đi mướn

 Đóng con dao nén tám

  Tra hái nhét nén ba

 Ai muốn lấy thêm còn cho nữa

 Chuyển đến xứ gái vụng

 Vụng nó vụng đủ thứ

 Đần nó đần đủ đường

 Lao con thoi một năm

 Chải mái tóc một ngày

 Sợi vải bằng bờ ruộng

 Mặt vải như bờ rào bờ dậu

 Chẻ lạt thành lạt lẹm

 Trai bá cổ còn khóc

 Bước vào mường trai khéo

Khôn nó khôn lắt léo

Khéo nó khéo đủ đường

Lanh nó lanh đủ thứ

Đóng con dao nén tám

Tra hái nhét tám tiền

Ai bán còn mua thêm

 

 Chuyển lên xứ goá vợ quản nhà

            Lên đến chốn bà goá quản bản

 Trai goá vợ có chày có cối

 Lại không sàng không nia

 Soỏng rách không biết dặm

Dậu thủng không biết đan

 Nhà bà goá không chày không cối

 Lại có sàng có nia

 Soỏng rách biết dặm đan

 Dậu thủng biết chêm sửa

 Mỗi người khác bịch thóc cũng ngán

 Mỗi người khác căn nhà cũng buồn

 Ông goá với bà goá

 Lân la hoá vợ chồng

Ví bằng người yêu với người vợ về bén

Vợ đẹp ở cái trán

 Người yêu đẹp ở đôi mắt

 Chồng chết vợ khóc lăn khóc lóc

Người yêu trên lưng đèo nghe tiếng

 Mai có còn chết nữa hay không

 Đội tang lây khăn đỏ về thắt

 Lấy khăn hồng về đội

 Lấy vịt gà ăn chay

 Thịt trâu làm đậu phụ

 Kẻ giàu chớ vội chê người nghèo

 Có việc họ đỡ đần

 Hổ bắt lợn giúp đuổi

 Kẻ nghèo hãy khoan chê người có

 Có cái gì họ cho

 Mọi người phi rồng bay phía trước

 Phóng lừa bay thẳng đường

 Mỗi người mang mình vàng hành lộ

 Lên xứ mười hai em pha trà

 Mười hai cô ủ rượu

 Lên đến cô thứ nhất

 Nàng này đưa con thoi một năm

 Mắt vải như mắt rào mắt dậu

 Khâu áo chồng còn mướn

 May áo quân áo quan còn nhờ

 Lấy dây sắn về xâu

 Lấy cỏ rác về may

 Khâu hý ha hý húi

 Kim liền đâm vào tay

 Lên đến nàng thứ hai

 Cô này chân đụng liền đá

 Tay cầm ống là quăng

 Mắt liếc ngang liếc dọc

 Lên đến nàng thứ ba

 Cô này ăn hết ba gắp cá nướng

 Không bỏ xương cho mèo

Vu cho mèo ăn vụng

Bấm cổ mèo chảy máu

 Lên đến nàng thứ tư

 Cô này ăn hết bốn quả mít

 Không bỏ xơ cho con…

 Lên đến nàng thứ năm

 Ông vãi đến đầu bản mắng gà

 Bà vãi đến đầu nhà mắng chó

Lên đến nàng thứ sáu

 Cô này bước ra cửa xiêu nhà

 Ra ruộng làm nhà đổ…

 Lên đến nàng thứ bảy

 Nàng này anh em qua cuối đồng gọi về

 Chú thím qua dưới ruộng mời lên

 Lên đến nàng thứ tám

 Anh em qua cuối đồng sợ lên

 Chú thím qua cuối đồng sợ đến

 Lên đến nàng thứ chín

 Cô này tay khoả nước thành hoa

 Tay vục nước thành quả

 Chân vẽ thành rồng phượng

 Lên đến nàng thứ mười

 Nàng này viết chữ được con trâu

 Bật dây thành số một

 Phát dấu chiếu mặt trời

 Lên nàng thứ mười một

 Nàng này ra đồng khiến nhà xiêu

 Ra ruộng làm nhà đổ

 Lên đến cô mười hai

 Nàng này đem hoa lên dâng cô

 Đem quả về dâng mẹ

 Nàng uyển chuyển múa ca

 Cô thiết tha dịu dàng

 Đem hoa lên dâng cô

 Trẩy quả lên dâng mẹ

 Hoa sắc đẹp cô nhìn

 Qủa ngọt tươi mẹ ngắm

 Trời nắng đem ra hong

 Trời trong đem ra phơi

 Hoa nở tươi cô nhìn

 Khuất mặt gà hoa đã đến nơi

 Chập tôi liền có quả đến nhà

 Em này về nộp của mới an

 Nàng này theo nộp lễ mới dứt..

 

 

Nhà Sjay hướng đầu rồng  phía trước

 Giật cương phi ngựa Sjay hành lộ

Nhà Sjay nhìn thấy la nhòm thấy

 Nhìn thấy đồng bao la

 Nhìn thấy xứ lắc lơ

 Nhìn thấy xứ sở này

 Khuất mặt gà vào nghe giấc mơ

 Ba mươi tết sang giêng

 Lấy con gì kêu trước cho tốt

 Lấy con gì khai xuân cho phải

 Tháng giêng, ba mươi tết

 Con gà đen gáy trước

 Con gà đen khai xuân

 Con gà đen gáy trước không tốt

 Con gà đen khai xuân không phải

 Con trần thế không yên

 Cháu trong nhà không ổn

 Chập tối vào nghe mơ

 Khuất mặt gà nghe mộng

 Xem con gì kêu trước thì tốt

 Xem con gì gáy trước thì phải

 Con bìm bịp gáy trước

 Con bìm bịp khai xuân

 Con bìm bịp kêu trước không tốt

 Con bìm bịp gáy trước không phải

 Con trần thế không yên

 Cháu gia đình đau ốm

 Vắng gà vào nghe mộng

 Xem con gì kêu trước

 Con gì về khai xuân

 Con mèo đen kêu trước

 Con mèo đen khai xuân

 Con mèo đen kêu trước không tốt

 Con mèo đen khai xuân không phải

 Trần thế lắm miệng bằng về sau

 Nhà cửa lắm đuôi vằn về quấy

 Chập tối vào nghe mơ

 Vắng nhà vào nghe mộng

 Con chó đen khai xuân

 Con chó đen sủa trước không tốt

 Con chó đen khai xuân không phải

 Chập tối vào nghe mơ

 Khuất mặt gà vào nghe mộng

 Con gì về kêu trước thì tốt

 Con gì về khai xuân thì phải

 Nghe thấy con trâu đen kêu trước

 Trâu cà đen khai xuân

 Con trâu đen khai xuân là tốt

 Trâu cà đen khai xuân là phải

 

Con Pựt nhìn thấy la nhìn thấy

 Nhìn thấy chốn đầu rồng nắng đỏ

 Nhìn thấy ngả đầu mường khói hồng

 Nhìn thấy ba mươi xứ lôi nắng

 Tám mươi xứ lôi vàng

 Ông lôi con nối vải không tới

 Con dệt áo không đụng

 Xứ này chín mươi hai mặt trời

 Dội nắng xuống trần gian cạn kiệt

 Lợn uống nước ống giang

 Nai uống nước ống nứa

 Mòng chết nắng giữa nương

 Khỉ căng chết co quắp cành cây

 Gà vịt không nước uống

 Trần thế không biết làm thế nào

 Chẳng biết tính sao đây

 Tìm đến ông lôi nắng

 Cậy đến ông lôi lớn

 Ông lôi liền giương cung lên bắn

 Bắn lên hơn ba chục tầng lầu

 Bắn thẳng chín mươi hai mặt trời

 Mặt trời lặn xuống biển bặt tăm

 Mọi người trên mặt đất tối mù

 Chẳng biết đường đi lại làm ăn

 Lợn, nai chốn rừng già chết đứng

 Chúng sinh nơi trần thế héo hon

Lợn uống nước ống giang

Vịt uống nước ống nứa

Ống giang cứa cổ nai xây sát

 Ống nứa cứa cổ vịt có khoang

 Mới thành vịt cổ vằn

 Mới thành ngỗng cổ dài

 Mới thành nai cổ thắt

  Vịt ơi, vịt cõng gà sang biển đi gáy

 Một mặt trời toả sáng xuất hiện

 Mọc nó mọc phương Đông

 Lặn nó lặn phường Tây

 Khi ấy mới lập tạo đêm ngày

 Khi ấy ba mươi ngày mới kể làm tháng

 Mười hai tháng là một năm

 Khi ấy mới đặt làm ngày canh ngày giáp

 Mới đặt làm ngày giáp ngày canh

 Ba mươi ô cán vàng

 Ba mươi dù tán hoa

 Tháng giêng sai giáp nào đi trước

 Giáp nào bước theo sau

 Mới thành ra lục nhâm thu mệnh

 Tháng giêng sai giáp tý đi trước

 Giáp dần bước theo sau

 Mới phải là lục nhâm thu mệnh

 Ba mươi ô cán vàng

 Tám mươi dù tán hoa

 Tháng giêng sai giáp nào đi trước

 Giáp nào bước theo sau

 Mới thành ra lục nhâm thu mệnh

 Tháng giêng sai giáp tuất đi trước

 Giáp tý bước theo sau

 Mới phải là lục nhâm thu mệnh

 Ba mươi ô cán vàng

 Tám mươi dù tán hoa

 Tháng giêng sai giáp nào đi trước

 Giáp nào tiếp theo sau

 Mới thành ra lục nhâm thu mệnh.

Con đường vẫn tiếp tục, khi đoàn người vào mường ngũ cốc thuần hoá các con vật thành vật nuôi trong nhà:

 Nhà Sjay hướng rồng bay phía trước

 Ra roi phi ngựa bay lên đường

 Mọi người mang mình vàng hành lộ

 Nom thấy xứ ngũ rồng

 Nhìn thấy mường ngũ cốc

 Ngũ cốc đang vò đầu

Ngũ cốc tính sao đây

 Lấy con gì cày nương nuôi nhà

 Lấy con gì cày ruộng nuôi thân

 Ngũ cốc lao xuống sàn

 Ngũ cốc phóng xuống bãi

 Bắt gà đi mắc vạy

 Gà mắc vạy chẳng đi

 Gà thắng ách chẳng bước

 Roi trong tay liền vụt

 Gà bay vút vào rừng

 Biến thành con gà cỏ

 Ngũ cốc lại vò đầu

 Giờ biết làm sao đây

 Lấy con gì làm nương nuôi nhà

 Lấy con gì cày ruộng nuôi thân

 Ngũ cốc bắt con mèo thắng ách

 Lôi con mèo mắc vạy

Mèo mắc vạy khhông đi

Mèo thắng ách chẳng bước

Roi trong tay liền vụt

Mèo chạy tót vào rừng

Hoá thành cáo bắt gà

Ngũ cốc lại bứt tai

Ngũ cốc lại vò đầu

Gìơ biết làm sao đây

Lấy con gì cày nương nuôi nhà

Lấy con gì làm ruộng nuôi thân

Ngũ cốc phóng xuống sàn

Ngũ cốc lao xuống bãi

Liền bắt chó đi cày

Chó mắc vạy không đi

Chó thắng ách chẳng bước

Tay cầm roi liền vụt

Chó chạy tọt vào rừng

Biến thành con gấu chó

Ngũ cốc lại vò dầu

Ngũ cốc phóng xuống sàn

Ngũ cốc lao xuống bãi

Ngũ cốc bắt bò đi mắc vạy

Bò nào bò mắc vạy chẳng đi

Bò gì bò thắng ách không bước

Quen tay roi liền vụt

Bò chạy tót vào rừng

Hoá thành ra con nai

Ngũ cốc lại bứt tai

Lấy con gì làm nương nuôi nhà

Lấy con gì cày ruộng nuôi thân

Ngũ cốc lao xuống sàn

Ngũ cốc phóng xuống bãi

Ngũ cốc bắt con dê mắc vạy

Dê mắc vạy không đi

Dê thắng ách chẳng bước

Roi trong tay lại vụt

Dê chạy tót vào rừng

Hoá thành con sơn dương

Ngũ cốc lại vò đầu

Gìơ biết tính sao đây

Ngũ cốc phóng xuống sàn

Ngũ cốc lao xuống bãi

Ngũ cốc bắt lợn đi mắc vạy

Lợn nào lợn thắng ách nó chịu

Tay cầm roi liền vụt

Nó chạy tọt vào rừng

Hoá thành con lợn lòi

Ngũ cốc lại bứt tai

Lấy con gì làm nương nuôi nhà

Lấy con gì làm ruộng nuôi thân

Ngũ cốc bước xuống thang

Ngũ cốc lao vào bãi

Ngũ cốc bắt ngựa đi mắc vạy

Ngựa gì ngựa mắc vạy không đi

Ngựa gì ngựa thắng ách chẳng bước

Roi trong tay quen vụt

Ngựa chạy tót vào rừng

Hoá thành con sói núi

Ngũ cốc lại vò đầu

Giừo biết tính sao đây

Ngũ cốc lại xuống thang

Ngũ cốc lao vào bãi

Ngũ cốc bắt trâu đi mắc vạy

Trâu mắc vạy liền đi

Trâu thắng ách liền bước

Con chuột trong bui chuối mách rằng:

“ Lấy dây về xiên mũi mới được”

Con trâu hắt xì hơi ba cái

Từ đấy trâu ra ruộng trước chủ

Chủ chỉ biết vác cày theo sau

Cày bừa đến giờ ngọ

Thả trâu lên lưng đồi ăn cỏ

Ăn hết đồi dây ngọt

Ă hết rừng cỏ thơm

Trâu ăn đến giờ dậu

Khác rủ nhau về chuồng

Con lớn chúng nghiêng sừng vào cửa

Con nhỏ chúng nghiêng tai vào bãi

Khác conkhác cái cọc chúng chầu

Mỗi con mỗi chiếc cột chúng đứng

Từ đó mới nằm sấp đếm trâu

Mới nằm ngửa đếm của

Bờ ao trồng cây luồng

Ngon buông gió đung đưa

Khi ấy gà nhìn vịt đùa phai

Trâu gọi trâu lặn nước

Tạm biệt xứ ngũ cốc

Bước sang mường ngọ cáo

Giết gà mổ vịt lấy cái gì về tra

Lấy chiếc lẹm về tra

Tra đi rồi khảo lại

Tra trước mặt thiên đình

Tra trước mặt tiên sinh

Tra trước mặt tiên sinh tiên đình

Giết mèo lấy cái gì về giết

Giết mèo lấy ống lẹm về tra

Tra đi rồi khảo lại

Tra trước mặt tiên sinh thiên đình

Giết chó lấy cái gì về tra

Giết chó lấy dùi đục về khảo

Khảo đi lại khảo lại

Tra trước mặt tiên sinh thiên đình

Mổ lợn lấy cái gì về mổ

Mổ lợn lấy ống lẹm về khảo

Khảo đi rồi khảo lại

Khảo trước mặt tiên sinh

Khảo trước mặt tiên sinh thiên đình

Ba mươi trâu nhọc vai gieo mạ

Chín mươi trâu nhọc lưng cày nương

Tháng giêng kiếm cây lý

Tháng hai kéo cây phay

Tháng ba bắc máng đưa nước về ruộng mạ

Tháng tư người người đưa gieo mạ

Tháng năm người nhổ mạ đi cấy

Tháng bảy lúa ra đòng

Tháng tám lúa đầy bông

Tháng chín lúa vồng lên trĩu hạt

Tháng mười lúa vàng trải khắp đồng

Người nhộn nhịp đầy mường liềm hái

Người đòn gánh, dậu, bung đầy bản

Gánh về để bịch lớn sau nhà

Gánh về để bịch to trước cửa

Trời mưa hong gác bếp                         

Trời nắng đem phơi giàn

Khô tốt đem xuống máng đi choỏng

Đem vào cối mới giã

Gĩa nhịp chầy vung vẩy

Gĩa đung đưa uốn mềm

Xôi chín thành dẻo thơm

Mới đem đi xuống cối mà giã

Đưa lên tay nặn vo

Mới thành ra bánh dày chiếc đẹp

Mới nên thành bánh moọc chiếc xinh

Mới thành chiếc bánh dầy đắp vía

Mới thành chiếc bánh moọc bồi mệnh

Bánh dẻo mềm đuôi én

Bánh thơm ngọt đuôi xoè

Mười hai thứ bánh ngọt

Bánh ngọt lên dâng cô

Bánh thơm lên dâng mẹ

Sau khi thuần hoá các con vật trong mường ngũ cốc, đoàn người tiếp tục đến xứ quỷ “ Dà Dìn”. Tại đây, đoàn người phải lừa để lấy cho được cây gậy thần mới mong qua được sông:

Con Pựt nom thấy đã nhìn thấy

Nhìn thấy xứ  Dà Dìn  ngủ trưa

Mường  Dà Dìn ngủ vắng

Dà Dìn ngủ ba ngày không trở

Ngủ sáu, bảy ngày không lật

Dà Dìn ăn là nuốt

Dà Vài ăn chẳng nuốt

Ăn như cò mổ, mổ ba lần mới nghỉ

Rỉa ba lần nó nuốt nó đi

Sjay động đến mới thức

Sjay chạm đến mới tỉnh

Bà cựa làm trời rung

Quẳng tay thành trời chớp

Dà Dìn có chiếc gậy

Chỉ gốc muôn vật chết

Chỉ ngọn liền sống lại

Gậy này đi dâng lễ mới an

Gậy này lên dâng lễ mới lọt

Con Pựt vào cửa trước

Bà lủi ra cửa sau

Con Pựt vào cửa sau

Bà loằng quằng cửa trước

Trộm được dậy Dà Dìn qua phai

Vớ được gậy Dà Vài vượt sông

Dà Dìn ơ… hãy lấy hai ống bắng khoác cổ

Hai cái vò treo khoeo!

Nước ơi… cạn! Cạn! Cho Dà Dìn qua phai

Cạn…Cạn! Cho Dà Vài qua sông!

Nước trên phai liền rút

Nước lòng sông liền cạn

Dà Dìn hai ống bắng khoác cổ

Hai chiếc vò treo khoeo

Nước ơi…dâng! Dâng cho Dà Dìn chết

Dâng!...Dâng! Cho Dà Vài bỏ thân

Nước đầu sông ùa về

Nước mặt phai tràn tới

Dà Dìn ngã bỏ thân

Dà Vài hồn lìa các

                        Phần nào cuốn theo nước thành đỉa

Mảnh nào rơi trên cạn thành vắt

Đoạt được gậy Dà Dìn qua phai

Lấy được gậy Dà Vài qua sông

Trộm được gậy Dà Dìn hành lễ

Lấy được gậy Dà Vài nộp của.

Sau khi lấy được cây gậy, ra được cửa sông, đoàn quân mới dừng lại để chuẩn bị gọi “sa dạ sa dồng” chuyển lễ vật, bắt đầu công cuộc vượt biển đầy gian lao. Ra đến cửa biển, đoạn hát bắt đầu:

 Con Pựt nhìn thấy đã nom thấy

Nhìn thấy chốn chửa biển nắng hồng

Nom thấy chốn bến than cuồn cuộn

Chốn này trăm cửa biển vể thônng

Đôi bên những núi cao lồng bóng

Nước biển đỏ như máu

Nước biển nóng như lửa

Nước giằng đi xé lại

Người phàm không biết sang

Trần tục không biết vượt

Ngựa ta vấp cửa biển phải dừng

Ngựa ta vấp bến than phải đứng

Dừng để gọi Dạ Sa qua than

Dừng để gọi Sa Dồng vượt biển

Dừng thôi ông thổ công

Dừng thôi ông công sào, thổ địa

Thổ công cưỡi ngựa bạch dừng chân

Công sào cưới ngựa trắng dừng lộ

Dừng thôi đôi người khiêng

Dừng ơ… đôi người gánh

Đôi Ải nhấc đòn khiêng khỏi vai

Các Giang nhấc đòn gánh khỏi cổ

Hai cô đeo áo vía dừng đường

Bốn nàng đeo áo via dừng lộ

Dừng ơ… bát gạo vía

Dừng thôi quả trứng mệnh

Hai cô sửa mâm hương dừng đường

Bốn nàng sửa mâm hoa dừng lộ

Dừng ơ… cô pha trà

Dừng thôi cô hầu rượu

Dừng thôi gốc Sjay già quản lễ

Dừng thôi quan nha môn quản của

Mười Sjay gốc cùng dừng

Chín Sjay cùng dừng lại tất cả

Đoàn đi trước đứng đợi

Số đi ngựa dừng quân

Cầm cương ngựa quay ngang

Cầm đầu yên dừng lại tất cả”

Ra tới cửa biển, câu chuyện tiếp tục với đoạn hát “Đốt vàng gọi sa dạ sa dồng” đi biển. “Khảm hải” (vượt biển) bắt đầu từ đây với những đoạn ca bất hủ kể về những cuộc đời và thân phận có thật trong đời sống xã hội tộc người:

                               Mo choòng liệc sa dạ sa dồng

                               Ngò liệc thâng sa dạ khảm thông

Ngò liệc thâng sa dồng khảm hải

Làu sjư đếch làu sjư

Làu sjư đếch làu sjó

Sjư mừa sa sa dạ khảm than

Sjư mừa liệc sa dồng khảm hải

Sa dạ dú pù thin liền khan

Sa dồng dú pù sung liền ngoạc

Khoái mà pây khảm hải hẩư quan

Khoái khoái mà khảm than hẩư sjay

Khoái khoái chuyển thu kháu bưởng soa

Khoái khoái chuyển thu khen thu kha bưởng soại

Sa dạ ơi sa dồng

Nhập hồn khảu pựt va khảm hải, lố nò!

Dịch nghĩa :

Đốt vàng gọi sa dạ sa dồng đi biển

 

Ta gọi đến sa dạ sang than

Ta gọi đến sa dồng vượt biển

Chữ tiếp chữ, lời tiếp lời

Giấy gọi tờ tiếp tờ

Chữ lên tìm sa dạ vượt than

Công hàm tìm sa dồng vượt biển

Sa dạ ở núi đá liền thưa

Sa dồng ở núi cao liền đáp

Mau về đi chèo thuyền vượt biển cho quan

Mau về khuân của sang lò than cho sjay

Mau mau nhập gối phải

Chuyển gối trái, hai tay

Sa dạ ơi sa dồng

Mau mau nhập hồn ta vượt biển…

Sau khi đã gọi ‘‘sa dạ sa dồng’’ đi biển, ‘‘sa dạ sa dồng’’  tự khái quát lên thân phận của mình với những nỗi cay đắng, cực nhục khôn tả xiết, ăn đói, mặc rách, nước mắt lúc nào cũng chảy hai hàng, đi làm việc cho quan không hẹn ngày trở lại, không mong gặp anh em. Đoạn hát giúp người nghe hình dung một cách chân thực nhất về thân phận nhân vật này:

À lới! Đét nàng ơi

Khôm lai đếch khôm lai

Khôm lai them khôm quả lố nò

Chiều lăng pền sa dạ khảm thông

Chiều lăng pền sa dồng khảm hải lố nò

Ngò hăn khôm ăn mính ngò lai

Ngò hăn khôm ăn thân ngò quả lố nò

Công pò mé sinh mà

Chiều lăng au nặm tha dào nả lố nò!

Vằn vằn pây khảm hải hẩư quan

Vằn vằn pây khảm than hẩư sjay lố nò

À lới! Đét nàng ới!

Mọi vằn dám kha pây

Chắc đảy mà là vạ

Chắc nhằng hăn pì noọng lụ đai

Chắc nhằng hăn pì chài rụ bấu, lố nò

Sửa khoá véng pín tao

Khừn vằn hác hộn háo đâư mỉnh, lố nò

Vằn vằn quan xa mà

Chèo lừa va khảm hải

Khỏ bấu thai chằng nhằng

Pó mé sinh hắt lăng pện nỏ

Vằn nạy quan tẻo xa

Vèo ngò mà khảm hải

Bấu kể cần bấu chắc

Bấu bắc mỉnh thâng cần bấu rụ lố nò

Dịch nghĩa:

  Chao ơi! Trời đất ơi!

Cay đắng lắm, cực nhục thay

Thân phận nỗi này, sống chết làm sao

Đời hoá thành Sa Dạ sang sông

Kiếp người làm Sa Dồng qua biển

Tôi thấy cay cho phận tôi lắm

Tôi thấy đắng cho phận tôi nhiều

Trời đất ơi, cha mẹ hỡi

Sinh con về nỗi khổ con mang

Lấy nước mắt rửa mặt

Đêm ngày chảy hai hàng

Ngày ngày đi chèo thuyền qua biển cho quan

Ngày ngày khuân của sang lò than cho Sjay

Mỗi ngày bước chân đi

Được trở về, may hoạ

Không mong quay về gặp anh em

Không tưởng được nom mặt anh cả

Quần áo rách lá đao

Đêm ngày bụng cồn cào đói lả

Ngày ngày, quan tìm về

Bắt chèo thuyền qua biển

Khổ không chết mới sống

Cha mẹ sinh ta để làm gì

Hôm nay, quan lại tìm

Gọi tôi về chèo thuyền qua biển

Không nói chẳng ai biết

Không tỏ, chẳng ai rõ thân tôi

 Tiếp đó, câu chuyện bắt đầu kể về hai anh em trai nhà nọ sớm mồ côi cha mẹ, sống nghèo khổ nhưng hết mực yêu thương nhau:

À lới! Đét nàng ới!

Vằn cón soong pì noọng

Liệng căn đảy quá kéo cà dèng

Dịch nghĩa :

 

Ngày nọ, tôi có hai anh em

Như đôi chim tha mồi

Cùng kiếm củi lần hồi nuôi nhau

Thế nhưng sau khi người anh lấy vợ, trở nên giàu có thì bi kịch bắt đầu ập đến, anh sung sướng bao nhiêu thì em khổ cực bấy nhiêu nhưng anh vẫn bỏ mặc người em tội nghiệp, đói nghèo :

Pì chài au đảy mìa

Vằn vằn chắc kin dú hôn hỷ lố nò!

Nhằng noọng khỏ pền thai

Pì bấu dai bấu dử lô nò!

À lới! Đét nàng ới!

Dịch nghĩa:

 

Rồi anh lấy được vợ

Vun vén ngày càng giàu

Ngày ngày, anh sung sướng

Em khổ tưởng chết đi

Anh không hề nhòm ngó

Bỏ mặc em đói nghèo

Thấy người em chồng khổ cực, rách rưới, chị dâu thương tình, lén mang kim chỉ vá áo cho em:

Pây chèo lừa tặm đăm

Noọng mà thâng pác tu

Pì lùa noọng quảy xỏm tin suôn

Hăn noọng bặng dào dần khát quả lố nò!

Pì lùa tốc nặm tha

Mừng tốp khảu tuổng bá cạ noọng:

“Sjửa áo khát đúc lăng

Khửn lườn pí xa khêm phung hẩư”

Dịch nghĩa:

 

Đi chèo thuyền đến tối

Em về tới cổng nhà

Tưởng xót em đi xa lâu lại

Tưởng thương em, mong mỏi gặp nhau quý nhau

Chị dâu quấy cong chàm

Bên góc vườn, tay đen

Nom thấy em rách rưới

Chị thương em nước mắt ứa ra

Chị lại gần, khẽ bảo

Vừa nói, tay chỉ lưng áo em:

-“ Rách hết rồi

Lên nhà, chị lấy kim khâu lại, mau em”!

Thế nhưng, chẳng may bàn tay chị dâu đang nhuộm chàm đã in vết chàm đen lên lưng em, người anh về biết được đã ghen tức và giết em trai mình một cách tàn nhẫn:

Ngợ pì noọng điếp căn chắng dèng

Khâư chắc vằn lộm thân tả xác lố nò

Pì chài liền yếm hăn

Phả mừng xỏm đúc lăng noọng áo lố nò!

Pì phát sính bì bồm

Bấu tươn noọng khỏ khôm chập nả lố nò

Liền cạ: “ Nộc choóc kin khảu nua

Pì lùa chùa áo nhạu, lố nò!

À lới! Đét nàng ới!

Phăn phằn pí béc gươm lồng khả

Phăn phăn pí béc chạ lồng au

Hẳm thua noọng pây hỏi chai riềng

Au kha noọng pây khoen chai cọ lố nò!

À lới! Đét nàng ới!

Dịch nghĩa:

Không ngờ tay nhuộm chàm

Lưng em in dấu bàn tay chị

Ai ngờ dấu chàm đen

Anh làm em nên tội

Anh thấy bàn tay chàm

In trên lưng em chú

Anh giận dữ hằm hằm

Xa nhau nay gặp, chẳng chút lòng thương em

Rằng: “Chim sẻ ăn gạo nếp

Em chú tằng tịu với chị dâu”

Hằm hằm anh mang gươm đến chém

Chặt đầu em đem treo ngọn cọ

Chân em treo ở ngọn vông

Mâu thuẫn lúc này đã được nâng lên đến cực điểm và kết thúc rất bi thảm. Đó không còn chỉ là mối quan hệ anh em, mâu thuẫn anh em mà đó là quan hệ giai cấp, mâu thuẫn giai cấp, quan hệ giữa kẻ giàu với người nghèo, mâu thuẫn giữa tầng lớp thống trị và bị trị trong xã hội cũ. Thân phận người em được khắc hoạ rất rõ nét, khi sống thì đói rách thảm thương, bị hắt hủi, không nơi nương tựa, khi chết cũng chưa hết khổ. Ở cõi âm, quan phủ lại bắt người em về làm ‘‘sa dạ sa dồng’’ (nô lệ chèo thuyền) cùng đoàn người vượt biển cõi âm, mang lễ vật lên công nạp cho vua Trời:

Vằn thai tằng mường phạ khảu chồm

Vằn thai tằng mường cần khảu dỏm

Noọng thai mừa mường phạ

Chắng biển pền sa dạ khảm thông

Chắng biển pền sa dồng khảm hải

Dịch nghĩa:

Em chết cả mường bản lại xem

Em chết cả mường người đến ngó

Hồn em bay trên không

Mới hoá thành sa dạ sang sông

Mới biến thành sa dồng qua biển

Bắt đầu từ đây, Khảm hải hiện lên cảnh ẩm phủ, cảnh vượt biển ma hung dữ cùng với số phận của ‘‘sa dạ sa dồng’’ trong cái khổ cực, gian nan ấy:

Vằn mừa bấu phén phục loòng đang

Vằn thai noọng kẻ càng chầy nò!

Thua nhằng hỏi chai riềng

Kha nhằng khoen chai cọ

Khôm lai đếch khôm lai

Khôm lai thêm khôm quả lố nò

Dịch nghĩa:

Ngày chết chẳng tấm chiếu bó thân

Ngày chết mang mình trần em đi

Đầu còn treo ngọn cọ

Chân còn treo ngọn vông

Trời đất…ơi, cha mẹ hỡi

Cay đắng lắm, cực nhục thay

Đúng là cái khổ chồng chất cái khổ, chết rồi mà vẫn khổ hơn khi sống khi phải làm thân nô lệ chèo thuyền phục vụ quan:

Thai pây ngợ cạ soác mỉnh thân

Quan tẻo pắt mà thâng hắt tở lố nò

Vằn vằn pây khảm hải hẩư quan

Vằn vằn pây khảm than hẩư sjay, lố nò

Dịch nghĩa:

Ngỡ chết đi là đời được yên

Lại bị quan bắt về làm tớ

Ngày ngày đi chèo thuyền vượt biển cho quan

Ngày ngày khuân của sang lò than cho sjay

Cái đói, cái khổ của thân phận nô lệ chèo thuyền vượt biển được khắc hoạ rõ nét trong lời hát:

À lới! Đét nàng ới!

Khảu bấu nhằng sắc boóc sắc chang

Au lăng pây kin tàng khảm hải

Mìa ngò nhằng bâư yểm đâư đang

Au pây tối đảy sắc boóc sắc chang

Sắc boóc vạy hung hang

Sắc chang vạy pây tàng khảm hải lố nò

À lới! Đét nàng ơi!

Mình ngò pây khảm hải chắng an

Mình ngò pây khảm than chắng mát lố nò!

Vằn lảu sjay chắng xa

Vằn trà sjay chắng liệc lố nò!

Au pẻng đeéc ăn đây

Au pẻng dày ăn miạc

Au lừa bióoc pù va

Pất cáy thêm phòng sa lừa ngần

Mừa chầu sjay mường nưa

Khôm lai tởi chèo lừa khảm hải, lố nò!

Dịch nghĩa:

Gạo chẳng còn đầy ống

Lấy gì để ăn đường qua biển

Vợ chỉ còn chiếc yếm che thân

Cởi trao mang theo đường đổi gạo

Được ống để nấu ăn

Nửa ống để dành phần vượt biển

Chao ơi! Trời đất ơi!

Thân tôi đi vượt biển mới an

Mệnh mình phải chèo thuyền mới mát

Việc lớn Sjay mới tìm

Ngày khó Sjay mới gọi

Mang pẻng đéc cỗ đẹp

Mang bánh giã tròn xinh

Đun đẩy thuyền đầy hoa

Thuyền vàng, bạc, vịt gà… bắt phải chèo đi

Đi hầu chúa bên trên

Cống quan Sjay mường trời

Cay đắng lắm, làm người chèo thuyền qua biển

Cay đắng, khổ sở là thế nhưng vẫn phải ra đi mà còn ra đi nhưng không hẹn ngày trở lại, không biết bao giờ được đoàn tụ, đành để lại lời nhắn với anh em họ hàng, với gia đình vợ con:

À lới! Đét nàng ới!

Vằn pây chắc đảy tẻo rụ đai

Sắng mọi cần dú lăng mát mẻ lố nò

Vằn vằn pây khảm hải nàn mà

Mạy sum cắp mạy sa oóc lèng

À lới! Đét nàng ới!

Mừa hâư chắng đảy quản dảo lườn

Mừa hâư chắng đảy tươn mìa lục

Cỏi dú nớ cỏi dú

Cỏi dủ nở tằng pú đẳm luông

Cỏi dú nớ tằng mường đẳm táng

Cỏi dủ nớ ăn lườn sjí coóc

Cỏi dú nớ ăn đoóc sjí sâu

Còi dú nớ pình ohày sjí chím

Cỏi dú nớ cạu phừn soong sảng

Còi dú nờ ăn mỏ pác phiêng

Cỏi dú nớ ăn kiềng sam lịn

Dịch nghĩa:

Chao ơi! Trời đất ơi!

Hôm nay đi có còn trở lại hay không

Xin chào nhắn anh em ở lại mát mẻ

Đời người đi vượt biển khó về

Không nhìn thấy cây sum cây sa ra quả

Bao giờ được vun vén cửa nhà

Lúc nào được bế con cùng vợ

Hãy ở nhé, xin chào, ở nhé

Ở lại nhé, ông tổ nhà

Ở lại nhé, ông tổ nội

Ở lại nhé, bốn cột bảy kèo

Ở lại nhé, cái nhà bốn góc

Ở lại nhé, cây củi đương hồng

Ở lại nhé, khuôn bếp bốn thanh

Ở lại nhé, cái nồi miệng bằng

Ở lại nhé, cái kiềng ba lưỡi

Trong nhà đã dặn, ngoài ngõ cũng nấn ná chia tay:

Chuyển oóc thâng pác tu

Tằng mọi dường cỏi dú hẩư an

Còi dú nớ pài hà bưởng noọc

Cỏi dú nớ khót thoóc bưởng đâư

Còi dú nờ noọng chắng mà vằn ngoà

Cỏi dú nớ a chắng mà vằn cón

Cỏi dú nờ chất chỏ tu ải

Cỏi dú nớ ngọ tài tu mòn

Cỏi dú nớ ăn sích mạy bay

Cỏi dú nớ ăn đây mạy viền

À lới! Đét nàng ới!

Ăn đây sam vằn hắt

Ăn đây chất vằn tó

Chắng pền ló khửn lồng

Chắng pền tàng pì noọng pây tèo

Dịch nghĩa:

Ta bước chân ra cửa

Nhắn mọi thứ đằng sau hãy ở cho yên

Ở lại nhé, mái cọ bên ngoài che dột

Ở lại nhé, sợi lạt buộc chắc bên trong

Ở lại nhé, em mới đến hôm qua

Ở lại nhé, em mới về hôm trước

Ở lại nhé, tổ bảy đời đại môn

Ở lại nhé, quanh năm đòi canh cửa

Ở lại nhé, sàn ghép gỗ bay

Ở lại nhé, thang cây gỗ viền

Chiếc thang ba ngày làm

Cầu thang bảy ngày đóng

Mới thành lối đi lại

Mới thành lối anh em lên xuống

Đúng là một sự ra đi đầy hiểm nguy rình rập, không biết liệu mình có được quay về nữa không nên đi đến đâu cũng thấy nhớ, nhìn thấy gì cũng thấy thương, chỗ nào cùng thấy gắn bó, yêu thương:

À lới! Đét nang ới!

Dám lồng tháng tài ất

Mừng sjoại ủm lục ỷ thả rà

Mừng soa ủm lục va thả ngò

Chuyển lồng tháng tải soong

Mầư còi ngòi lục ỷ thả rà

Mầư cói ngòi lục va thả ngò lố nò

Dám lồng tháng tải sam

Cỏi dú nớ noọng nhí tằng lai

Cỏi dú nớ noọng chài tằng bản

Dám lồng tháng tài sjí

Cỏi dú nớ bác pả tằng lai

Cỏi dú nớ pì chài tằng mường lố nò

Chuyển lồng tháng tài hả

Cỏi dú nờ bàn khoả tằng lai

Cỏi dú nớ bạn tồng tằng mường lố nò

Chuyển lồng tháng tải hốc

Còi dú nờ pất cáy tẩư cai

Cỏi dú nớ mò vài tẩư làng

Chuyển lồng tháng tài chất

Còi dù nờ tằng sam mặt đí

Cỏi dú nớ tằng sjí mặt đin

Dịch nghĩa:

 

Chao ơi! Trời đất ơi!

Bước xuống bậc thứ nhất

Tay trái bế con nhỏ đợi chồng

Tay phải ôm con thơ còn dại

Chuyển xuống bậc thứ hai

Mình hãy trông con nhỏ đợi chồng

Mình hãy bế con thơ quay lại

Bước xuống bậc thứ ba

Ở lại nhé, gái nhỏ cả mường

Ở lại nhé, trai tơ cả bản

Chuyển xuống bậc thứ tư

Ở lại nhé, bác bá cả mường

Ở lại nhé, các anh của bản

Chuyển xuống bậc thứ năm

Ở lại nhé, bè bạn khắp mường

Ở lại nhé, bạn bè trong bản

Chuyển xuống bậc thứ sáu

Ở lại nhé, gà vịt dưới sàn

Ở lại nhé, trâu bò dưới bãi

Chuyển xuống bậc thứ bẩy

Ở lại nhé, ba tấc đất chôn nhau

Ở lại nhé, miếng đất bằng ta đứng

Nhắn lại tất cả, gửi lại tất cả để ra đi nhưng ‘‘sa dạ sa dồng’’ vẫn không ngừng than thân trách phận cho số kiếp cực khổ:

Mình ngò khỏ pền thai

Tẩư làng bấu mặt nhù

Pác tu bấu mặt kép

Vằn pây chắc đảy tẻo rụ đai

Lườn cần dú bưởng lăng mát mẻ, lố nò!

Dịch nghĩa:

Thân tôi khổ đến chết

Dưới bãi chẳng sợi rơm

Cổng vườn chẳng vỏ trấu

Ngày đi được trở về may hoạ

Nhắn nhà người ở lại mát mẻ đằng sau

Đoạn đường gian nan, từ biệt gia đình, bản làng để ra đi bắt đầu hiện lên, từ nhà ra đến cổng, từ cổng xuống đến đồng, rồi từ đồng ra biển lớn mênh mông:

 

À lới! Đét nàng ới!

Chuyển oóc thâng cum tù

Qúa pác tu dí dèng

Lồng thang nà dí dọi

Óóc pác hải dí dường

Dịch nghĩa:

Chao ơi! Trời đất ơi!

Ta bước khỏi mái nhà

Ta chuyển qua cổng lớn

Xuống cuối đồng dùng dằng

Ra cửa biển mênh mông

Ra đến biển là hình ảnh của thuyền, của biển hiện ra với đầy những khó khăn, nguy hiểm cùng với đó là tâm trạng của ‘‘sa dạ sa dồng’’:

À lới! Đét nàng ới!

Nặm hải đeng pền lượt

Năm hải đướt pền phầy

Hắt rừ đây ca nò!

Quân quan dặng pắc hải lý lường

Binh mạ dú pé luông chắc chạy

Lừa ơi! Pây tỷ hâư

Hẩư ngò thả khát châư pện nò

À lới! Đét nàng ới!

Lừa sjay pây puốn bióoc sằng mà

Lừa sjay pây puốn va sằng tẻo

Pé quảng lắc quảng lý

Năm pắn pí sjí phừn

Nặm phoòng tứn lai kha

Mưa hâư lừa chắng mà lố nò

Dịch nghĩa:

Chao ơi! Trời đất ơi!

Nước biển đỏ như máu

Nước biển nóng như lửa

Làm sao được bây giờ

Quân quan đứng cửa biển chói hồng

Binh mã đừng theo hàng sửng sốt

-“ Thuyền ơi, thuyền đi đâu

Để tôi đợi ruột rầu nát tan”

Ôi thôi! Đất thấp hỡi trời cao

Thuyền Sjay đi buôn hoa chưa về

Thuyền quan đi buôn quả chưa lại

Biển rộng lắc rộng lơ

Nước xoáy lao nhiều luồng

Bao giờ thuyền trở lại, thuyền ơi

Đoạn ca tiếp nói lên sự hung dữ của biển cả mênh mông, sự lênh đênh, gian khổ của những thân phận nô lệ chèo thuyền, đồng thời khắc hoạ sự mong manh giữa cái sống và chết:

 

À lới! Đét nàng ới!

Nặm nhì nhược tò pây

Nặm hải luây tò tèo

Nặm hải đeng pền lượt

Nặm hải đướt pền phầy

Hắt rừ đây hợi mỉnh lố nò

Dịch nghĩa:

Ôi chao, nước hỡi biển trời

Nước “ bì bời” giằng đi

Nước gầm xô vật lại

Nước biển đỏ như máu

Nước biển nóng như lửa

Biết làm sao thân hỡi

Nước đừng kéo lấy tôi, nước nhé

            Biết là gian nan, khổ cực là vậy nhưng thuyền tới là phải đi:

À lới! Đét nàng ới!

Lừa sjay pây puốn bióoc ngám mà

Lừa sjay pây puốn va ngám tèo

Mà làu lồng pác hải lồng lừa

Mà làu ham au cúa lồng tảng lố nò!

Dịch nghĩa:

 

A! Thuyền kia đã về rồi

Thuyền Sjay đi buôn hoa đã về

Thuyền quan đi buôn quả đã lại

Về, ta xuống cửa biển giập giờn

Về, ta khiêng của Sjay xuống tảng

Hiểm nguy không thể tránh khỏi, đường đi vẫn phải đi, ‘‘sa dạ sa dồng’’ tự an ủi, động viên mình vượt qua sóng gió trùng khơi:

Dá lao lăng hợi mính

Dá lao lăng nặm phựn dá lao

Dú bốc bấu kin nguộn mất mính

Bấu kin nguộn tằng kính mất thân

Nặm tốc tát dá lo

Nặm fòng ba dá động lố nò

Dịch nghĩa:

Đừng sợ gì, ta hỡi

Đừng lo gì nước xoáy nước lật, đừng sợ

Ở cạn ta đã không ăn nguộn bỏ thân

Ta đã không ăn nguộn cả cành bỏ xác

Nước dậy thác chớ lo

Nước phong ba “ nàng hương” đừng sợ

Hàng loạt các lễ vật dâng lên quan nhà Trời được các nô lệ chuyển lên thuyền, chuẩn bị vượt biển:

Mà làu ngoày hua lừa oóc bốc

Tốc hua lừa oóc phắng

Lồngg lừa mời thâng pú thổ công

Lồng lố ông công sào thổ tỳ

Thổ tỳ khuý mạ pẹc lồng lừa

Công sào khuý mạ khao lồng tảng

Lồng lố tối pò ải thư tham

Lồng lố tối mường giang thư tháp

Lồng lố pát khảu khoăn

Lồng lố ăn kháy mỉnh

Lồng lố quan tang chế cảo pang

Lồng lố quan nha môn cáo cúa

Lồng lố soong noọng bióoc seo la

Lồng lố soong noọng á seo sjay

Mời nàng nẳng lừa bióoc hẩư an

Mời nàng nẳng lừa va hẩư định

Chèo pây lố chèo pây

Dịch nghĩa:

 

Về ta kéo đầu thuyền khỏi cạn

Dắt con thuyền ra bến

Xuống thuyền mời đến ông thổ công

Xuống thôi mời đến ông công thổ địa

Thổ địa cưỡi ngựa bạch xuống thuyền

Công sào phóng ngựa trắng xuống tảng

Xuống thôi đôi trai ải vai khiêng

Xuống thôi các trai giang vai gánh

Xuống thôi bát gạo vía

Xuống thôi quả trứng mệnh

Xuống thôi quan Sjay già quản lễ

Xuống thôi quan nha môn quản của

Xuống thôi hai nàng hương

Xuống thôi hai cô nàng hầu Sjay

Mời em xuống ngồi thuyền cho yên

Mời em ngồi tảng bióoc cho vững

Chèo đi thôi, chèo đi

Đã ra đi, lênh đênh trên biển khỏi, các nô lệ chèo thuyền chảng còn biết làm gì ngoài cầu may cho minh được bình an trở về:

Óoc phắng hải nặm luây tó tèo

À lới! Đét nàng ới!

Cụm lừa pây hẩư an

Dá hẩư lừa đúng đính pan khoang

Cụm cùa pây hẩư an thâng tỳ ca nò!

Dịch nghĩa:

Ra cửa biển, nước xô đuổi lại

Hãy thương tôi, đất hỡi trời ơi

Phù hộ cho thuyền đi bình yên

Đừng để thuyền lật ngang chìm người

Đừng để thuyền tròng trành ngả ngiêng

Phù hộ cho thuyền tôi sang bên kia bờ

Lúc này, đoàn người phải vượt qua mười hai rán nước, với nguy hiểm ngày càng nhiều, sự sống ngày cang mong manh hơn. Ở hai rán nước đầu tiên, họ đã phải chống chọi với các loại cá độc hung dữ, nước to, sóng lớn luôn làm con thuyền chao đảo. Các ‘‘sa dạ sa dồng’’ phải gắng sức lắm mới có thể vượt qua:

Rán đầu tiên :

Chèo oóc giàn tài ất

Hăn pia tất kết băng

Pia phặt thang bì bồm

Nặm khửn sung cợ fạ

Dịch nghĩa:

Chèo ra rán thứ nhất

Thấy cá tất vảy mỏng

Đuôi quật búng nước sôi

Nước bắn lên lưng trời

            Rán thứ hai:

Chèo pây giàn tải soong

Hăn pia mjàng kết sáy

Pia kẻo pây pền sá

Nặm phòng ba tỳ từn

Nặm phựn khửn nhí nhắng

Mọi cần nẳng hẩư đây dá động

            Dịch nghĩa:

 

Chèo đi rán thứ hai

Thấy cá miàng vẩy nhỏ

Cá từng lũ kéo đi

Nước ầm ỳ lắc lư

Nước sôi to phùn phụt

Mọi người ngồi cho vững đừng run

Ở rán thứ ba, mối nguy hiểm đã tăng lên với cảnh thuồng luồng nổi cơn thịnh nộ, nước biển đã trở thành biển máu, các ‘‘sa dạ sa dồng’’ kinh hoàng, chỉ còn biết hối thúc mình mau vượt quan sóng gió:

Chèo pây giàn tải sam

Hăn mì ngược hò sjáy kin cần

Nặm sì sùm fòng đeng

Khoái khoái làu chèo pây hẩư khói

Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ ba

Thuồng luồng nổi phong ba ăn người

Nước trồi lên như máu

Ta chèo mau vượt khỏi nơi này

Đến rán thứ tư, mọi thứ có về hiền hoà hơn, ta đã nghe tiếng gà gáy, nước biển chỉ còn vỗ ầm ì, sự sống dường như đã hiện ra:

Chèo thâng giàn tài sjí

Đảy nhìn cáy thủ thí khăn tàn

Đảy nhìn cáy dương gian khăn rọn

Nặm pé coỏng nhí nhắng

Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ tư

Nghe tiếng gà dương thế gáy ran

Nghe tiếng gà dương gian gáy rộn

Nước biển vỗ ầm ỳ

Sang rán thứ năm, tiếng gà mường Trời đã rõ hơn như thúc giục các ‘‘sa dạ sa dồng’’ mau mau tới đích:

Chèo pây giàn tài hả

Đảy hăn cáy mường fạ khăn sung

Đảy hăn cáy mường bân khăn dặng

Chèo pây dá đảy chắng tó tèo ca nờ!

Dịch nghĩa :

 

Chèo đi rán thứ năm

Nghe tiếng gà mường trời gáy cao

Nghe tiếng gà mường thiên hỗn độn

Chèo đi, đừng nấn ná nơi này

Tưởng được bình an nhưng không đó chỉ như một bước chuẩn bị để đón nhận sự nguy hiểm mới mà rán thứ sáu đang chờ đợi:

Chèo pây giàn tài hốc

Hăn mì nặm lài sáy mòng mu

Chèo pây lố chèo pây

Mọi cần căm cốc chèo hẩư mắn

Nặm tốc tát dá lo

Nặm fòng ba dá động

            Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ sáu

Thấy nước vằn mông mốc

Xé nhau đục vật vờ

Chèo đi thôi,chèo đi

Mọi người cầm cán dầm cho vững

Nước cuộn thác chớ lo

Biển nổi bão phong ba đừng run đừng sợ

Tới rán thứ bảy thì biển ác, quỷ dữ xuất hiện bủa vây, đe doạ tính mạng, họ phải tự cứu lấy mình bằng cách mang vàng, bạc, châu báu ra chuộc hòng thoát thân:

Chèo pây giàn tài chất

Nặm fòng lu ác quả

Tỳ nạy mì ngọ chỉ te phống

Tý nạy mì ngọ lồm té kéo

Khoái khoái au ngần chỉa lồng loòng

Khoái khoái au nhàu làng thể mình

Đảy ngần cỏi pà thân

Đảy chèn cỏi hẩư thôi ca nờ!

Dịch nghĩa:

 

Chèo đi rán thứ bảy

Nước ào kéo ầm ầm

Nơi đây có ngọ quỷ chặn đường

Nơi đay có ngọ lồm bủa vây

Chực ăn người đi biển

Chực nuốt mảng nuốt thuyền

Mau mau lên lấy tiền ra thế

Đem vàng bạc ra lễ chuộc thân

Có bạc mới được qua

Vừa thoát khỏi hiểm nguy, sang rán thứ tám, đoàn người lại gặp sức nước xoáy dữ ầm ầm, ào ào:

Chèo pây giàn tài pét

Nặm pắn pí cợ dảo

Nặm hộn háo fòng ba

Nặm tốc lồng Long Vương

Khoái khoái chèo lừa pây hẩư khảm lố nò!

            Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ tám

Nước đổ xuống ầm ầm

To hơn bịch đựng lúa

Nước xoáy dữ ào ào

Nước thét gào kéo xuống Long Vương

Nhanh nhanh tay chèo qua vượt khỏi

Vừa ra khỏi vực sâu của chốn Long Vương, ở rán thứu chín, sức mạnh của những cột nước còn hung dữ hơn nhiều, nước như nuốt chửng đoàn người, như lôi lấy thuyền, những người nô lệ chèo thuyền chỉ còn biết kêu xin biển cả mênh mông đừng giết chết mình:

Chèo pây giàn tải cảu

Nặm khửn sung cợ fạ

Nặm fòng ba rì rồm

Pé ơi, dá đảy khả ngò nờ

Dá hẩư lừa đúng đính pan khoang

Dá hẩư lừa tốc chang nả pé a nờ!

            Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ chín

Trông thấy nước dựng đứng chấm trời

Khắp mặt biển nước sôi gầm réo

Biển ơi, đừng giết tôi

Nước hỡi, nước đừng lôi lấy thuyền

Đừng cho tôi bỏ thân chốn này, biển hỡi

Qua rồi, ta chèo đi

Qua được rán thứ chín, tiếng hát của ‘‘sa dạ sa dồng’’ đã trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, tâm trạng trở nên vui vẻ, phấn chấn hơn, tay chèo khoẻ mạnh, đều đặn hơn, niềm vui sống tăng lên, nỗi sợ hãi tan dần:

Chèo pây giàn tài slíp

Nặm phân phất bên pay

Bặng lừa khay sjí coóc

Giàn tốc giàn dí dòng

            Dịch nghĩa:

Chèo đi rán thứ mười

Thuyền lướt theo nước trời băng băng

Cán rầm tung bốn góc

Rán lại rán bay đi

Sang rán thứ mười một, dường như biển không còn đủ sức đe doạ đoàn người nữa, thuyền vẫn hướng về phía trước, với niềm vui, niềm tin và hy vọng tới đích của các ‘‘sa dạ sa dồng’’:

Chèo pây giàn sjíp ất

Fòng tốc fòng chắc chạy

Nặm tẹp mà tốc lăng

Chèo khoái lố chèo pây

Hẩư lừa làu thâng phắng cỏi an

Chèo hẩư thâng đon sài còi tổ lố nờ!

            Dịch nghĩa:

Chèo đến rán mười một

Sóng đuổi sóng xô đi

Nước đuổi về sau lưng

Chèo mau lên chèo cố

Cho thuyền đến cửa biển ta dừng

Cho thuyền đỗ bãi cát vàng bình an

Chèo đến rán thứ mười hai, niềm tin, hy vọng đó đã trở thành hiện thực với tiếng reo vui duy nhất của cả trường thơ:

Chèo thâng giàn sjíp soong

Chèo khoái lố chèo khoái

Chèo đếch dớ chèo báo

            Dịch nghĩa:

Chèo đến rán mười hai

A! Bờ biển kia rồi

Ta chèo mau lên thôi

Sau đó là cảnh thuyền cập bờ, lời ca lúc này như có phần an ủi, vỗ về, sai khiến nhưng lại rất trìu mến, thân mật của quan quân xứ âm. Ta nghe như thân phận của ‘‘sa dạ sa dồng’’ sắp được sung, sắp hết nỗi gian truân, khổ cực:

Chèo đếch mà ngò páo

Chèo báo mà ngò son:

“Khoái lố! Ngoáy hua lừa khảu bốc

Tốc hua lừa khảu phắng

Chèo lừa khảu đon sác bửa chai

Chèo lừa khảu đon sjài bửa loạn”

“Mời nàng hương soong a

Mời noọng còi pù bióoc khửn la

Mời a còi pù va sjeo sjay”

            Dịch nghĩa:

Chèo mau lên, hỡi người trai trẻ

Trai trẻ hãy lắng tai

Trai trẻ nghe tôi bảo

Lại đây nghe tôi dạy

“ Mau lên ta kéo thuyền vào cạn

Cùng lôi tảng vào bến

Kéo thuyền vào bãi cát chói hồng

Kéo thuyền vào bãi bướm vàng vờn bay”

“ Mời nàng hương hai cô

Mời em hãy ôm hoa lên bến

Mời nàng hãy ôm hương hầu Sjay”

Cảnh tượng cập bến thật đông vui, tấp nập, người nói, người mời, người ôm hoa, ôm hương, gánh gồng tấp nập, rầm rập lên bến, ra thuyền:

Quân quan khửn făn fi

Mè nhình là căm chúp oóc lừa

Pò chài là căm ô oóc tảng

Ham háp khửn nhí nhắng sjeo sjay

Cúa miạc háp au pây hẩư cần lố nò!

            Dịch nghĩa:

Quan quân lên bời bời

Đàn bà là cầm nón ra thuyền

Đàn ông là cầm ô lên bến

Tay trái xách giày hoa ra tảng

Tay phải xách giày đẹp lên bờ

Gánh gồng lên rầm rập theo Sjay

Bao của quý khiêng đi lễ người

Đó là cảnh sống giàu sang, sung túc của các quan âm phủ, họ có người phục dịch, có của cải đầy vơi nhưng thân phận ‘‘sa dạ sa dồng’’ khi đã chèo thuyện vượt qua biển dữ cập bến thì chẳng ai đoái hoài, lại một mình ngồi trơ bên bờ biển ngắm đường về nước cuốn gầm rung:

Sjíp soong giàn khảm quá

Chắng chắc thân sa dạ đảy nhằng

Chắng chắc thân sa dồng đảy sổng lố nò!

Binh mạ sjay nhì nhằng

Kẻo khảu chợ Đường Chu

Nhằng ngò dú bưởng lăng

Nẳng nả pé viến khoăn viến mỉnh lố nò!

Khôm lai tởi sa dạ khảm thông

Khôm lai tởi sa dồng khảm hải.

            Dịch nghĩa:

Mười hai rán qua rồi

Bây giờ mới biết tôi sống sót

Binh mã Sjay rầm rập

Kéo vào chợ Đường Chu

Sau lưng trơ lại tôi

Ngồi bên bờ biển đất trời mênh mông

Tự than thân trách phận

Cay đắng lắm đời Sa Dạ Sa Dồng

Chèo thuyền qua lò than, qua biển

Nhìn đường về, nước cuốn gầm rung.

Sau khi qua cơn vượt biển vô cùng gian nan, dâng được lễ vật lên cõi trên, đoàn người vào chợ Đường Chu để mua sắm các lễ vật, phục vụ cho việc giải hạn. Thầy Bụt tiếp tục ca:

Con thỉnh Sjay gốc đàn

Cháu thỉnh quan đầu ghế

Thỉnh đến quan xuống nước không trôi

Quan vào lửa không cháy

Người tài bận việc khác

Người đẹp thì về xuôi

Mỗi mình con đi bản

Con trẻ mới tập nói

Trai trẻ mới tập lời

Câu được lại câu chăng

Phép không tới cha giúp

Chữ chưa lọt cha sửa

Tứ linh quay về nhập con quan

Tứ linh quay về nhập con hoa

Nhà Sjay qua biển cả đã thông

Nhà Sjay vượt bến than đã lọt

Gà vỗ cánh trong chuồng

Gốc Sjay già nộp lễ

Vịt vỗ cánh trong quây

Quan nha môn nộp của

Sjay ta lên tận nhà

Nhà Sjay chiếu thấy ta dọi thấy

Nhìn thấy đôi cầu sắt trên trời

Nhìn thấy đôi cầu bạc lưng không

Nhìn thấy chốn khảo sát tình yêu

Nom thấy nơi vật cấn gái trai

Những ai có tình yêu

Sang cầu Kiều mới được

Ai không có tình yêu

Ngồi cầu Kiều thui thủi

Gà con có mấy lông

Người yêu có mấy chàng

Gà con có mấy đực tốt lông

Người yêu có mấy chàng tài giỏi

Trời nào trời không sao

Gái nào gái không trai

Thiếu gì gái ôm gối một mình

Thiếu gì người chưa có người yêu

Ngồi cầu Kiều vò võ

Ai có được người yêu

Sang cầu Kiều mới được

Em nàng hương theo ta

Các nàng hương mang mâm hoa theo Sjay

Gà con có mấy con

Gà con có mấy đực tốt lông

Hỡi em có mấy chàng trai đẹp

Trời nào trời không sao

Gái nào gái không trai

Người nào có người yêu

Sang cầu Kiều mới được

Thiếu gì người chưa có người yêu

Ngồi cầu kiều đơn chiếc

Ba mươi sáu chước

Tám mươi hơn mưu

Một chước dù chết Sjay phóng qua

Chảo dầu sôi sùng sục

Vạc dầu lửa đùngđùng

Chảo sôi không người đảo

Vạc đun chẳng người lấy

Phóng ngựa lên đầu chợ Đường Chu

Thuyền bay, mảng phóng là con Pựt

Chốn Đường Chu làm dễ

Cơm đường Chu ăn ngon

Lửa Đường Chu sưởi ấm

Củi không nhóm khác hồng

Lửa không thổi khác cháy

Thiếu gì gái không chồng có con

Đồng tiền dăm ba bảy con lợn

Nơi này quả phong lưu khác lạ

Lạt bụng rơi xuống nước thành cá

Dặm gianh rơi xuống nước thành thóc

Chốn Đường Chu làm dễ

Xứ Đường Chu ăn ngon

Lửa Đường Chu sưởi ấm

Phóng ngựa vào giữa chợ Đường Chu

Như mảng bay nhà Pựt

Đến hàng ông bán sắt mặt đen

Ông bán vó mặt rỗ

Ông bán dao mỏng môi

Người bán dùi miệng tròn

Anh bán nồi miệng bằng

Người bán kiềng mặt vênh

Quay sang chỗ hàng vịt, hàng gà

Qua hàng lợn, hàng ngỗng, hàng ngan

Chuyển lên chỗ hàng lụa, hàng là

Sang hàng vải, hàng vóc

Chuyển đến hàng áo hoa trăm vẻ

Áo hồng tươi nghìn màu

Tuyển lấy áo hoa đẹp

Chọn lấy hoa nặng chùm

Tuyển lấy hoa trĩu cành

Phi ngựa ra khỏi chợ Đường Chu

Lướt thuyền qua đuôi hổ nhà Bụt

Lên đến mường hai em quản hoa

Mười hai nàng mẹ sinh

Mẹ nào được chia hoa xuống trần

Nàng nào được chia hoa xuống thế

Theo Sjay lên nhà lớn lĩnh rượu

Lên đến mẹ Hoàng ca

Lên đến nàng Hoàng đế

Có phải nàng chia hoa xuống trần

Có phải nàng sẻ hoa tới nhà

Theo Sjay lên lầu cả lĩnh trà

Theo quan lên nhà lớn lĩnh hoa lĩnh rượu

Lên đến mẹ Xích ca

Lên đến nàng Xích đế

Có phải mẹ ban hoa xuống nhà

Trao hoa xuống gia đình này chăng?

Theo Sjay về nhà cả lĩnh trà

Theo quan lên nhà lớn lĩnh hoa nhận rượu

Lên đến mẹ Thánh ca

Lên đến nàng Thánh đế

Bà có được chia hoa xuống trần

Nàng có được chia hoa xuống thế

Theo Sjay lên lầu lớn lĩnh trà

Theo quan lên lầu cả lĩnh hoa lĩnh rượu

Lên đến mẹ Hắc ca

Lên đến nàng Hắc đế

Mẹ này được chia hoa xuống nhà

Có phải nàng trao hoa xuống thế?

Theo Sjay lên nhà lớn lĩnh trà

Theo quan tới lầu cả lĩnh hoa nhận rượu

Lên đến mẹ Bach ca

Lên đến nàng Bạch đế

Có phải mẹ chia hoa xuống nhà

Phải chăng nàng chia hoa đến cửa

Theo Sjay lên lầu cả lĩnh trà

Theo quan lên nhà lớn lĩnh hoa lĩnh rượu

Chuyển lên bà dệt vải che mắt

Chuyển lên bà dệt chăn che mặt

Bà này đừng gieo hoa xuống thế

Bà này chớ chia hoa xuống nhà

Bà này trao chỗ khác

Sinh người sinh khác nơi

Chuyển lên mẹ thuyền hoa

Lên llên nàng trôi mảng

Mẹ này khéo gieo hoa xuống trần

Nàng này khéo chia hoa xuống thế

Theo Sjay lên nhà cả lĩnh trà

Theo quan lên lầu lớn lĩnh hoa nhận rượu

Lên đến mẹ lầu hoa

Lên tới nàng lầu thử

Đến tới mẹ lầu hoa

Bước sang nàng mụ chéo

Mẹ nào được trao hoa xuống nhà

Cô nào nào được ban hoa đến cửa

Theo Sjay tới lầu cả nhận trà

Theo quan lên lầu lớn lĩnh hoa nhận rượu

Giờ đây hoa đầy gian mẹ trông

Hoa đầy nhà mẹ nom mẹ giữ

Có cả áo lắm sắc nhiều vẻ

Hoa hồng sắc nhiều màu

Áo lắm hoa dâng mẹ

Trời hửng mẹ đem phơi

Trời nắng mẹ ra trông

Hoa dâng mẹ đầy nhà

Trà cùng rượu đầy điện.

Sau khi vào chợ mua sắm đầy đủ lễ vật, công việc giải hạn bắt đầu để cầu mong cho tai qua nạn khỏi, gia đình mạnh khoẻ, đầm ấm yên vui. Thầy hát:

Hương thơm con lên tìm

Hương hoa con lên thỉnh

Con thỉnh mười gốc thánh

Thỉnh tới chín gốc Sjay

Thỉnh đến Sjay xuống nước không trôi

Thỉnh đến quan vào lửa không cháy

Thỉnh đến thánh đầu ghế

Trình Sjay ngồi bàn thờ

Thỉnh Sjay không một lời nào giấu

Trình quan không một câu gì giữ

Mời Sjay xuống trần thế giải vận

Mời Sjay xuống gia đình giải hạn

Kể có sinh có mệnh

Nơi có gốc có cành

Kể về nơi gốc tích gia đình

Sư tổ sinh hoàng gia là kể

Kể về nơi ông tổ gốc nhà

Bà gốc chủ gia đình

Sáu chục tuổi sợ vận

Hơn sáu chục tuổi lo hạn

Sợ hạn- hoa lần tới

Sợ vận hoa xuống tìm

Bồ câu sợ chết đói

Bạch hạc sợ chết khô

Lo căng rừng chết đói

Trần thế dựng bịch thóc lên bù

Dựng bịch muối lên nộp

Có cầu sắt lên bắc

Cả cầu đồng lên đóng

Cả gốc tre lên trồng

Cả chuối con lên trồng

Chuối lên trồng đất tốt

Tre đem trồng đất mát đất lành

Nhà nhiều sinh nhiều số

Có nhiều gốc nhiều cành

Có sinh con nhiều lứa

Có sinh cháu nhiều bề

Có con trai trong nhà

Có nàng dâu trong buồng

Hơn bốn mươi sợ nạn tai

Ngoài bốn mươi lo hạn

Sợ vận hoa lần tới

Lo hạn hoa đến tìm

Chúng sinh có nhiều con nhiều số

Sinh nhiều mệnh nhiều cành

Thiên cổ tạo bồ thiên

Mường thiên tạo giữa trời

Mẹ hoa có chia hoa xuống nhà

Mẹ hoa có trao hoa đến cho

Cả hai áo hai thân

Hai ba người anh em

Mười mấy sợ có tai

Hơn hai mươi lo hạn

Đông- Tây- Nam- Bắc cả bốn phương ta giải

Cả năm lành chảy suốt

Cả đời toàn gặp may

Cái đau không xuống quấy

Ốm yếu không dám màng

Sung sướng chảy về mình

Lo sầu tan bay biến

Đau yếu có bù nhìn đi thế

Có bù nhìn một mắt

Bù nhìn đi thế thân

Thế ốm đau bệnh tật u sầu

Thế cho cả ống to ống nhỏ

Thế cho cả lớn bé trong nhà

Ba năm không đòi rượu

Năm năm không đòi hoa đòi lễ

Nhà Pựt xuống trần thế giải vận

Con quan xuống gia đình giải hạn

Nhà Sjay xuống giải vận được an

Nhà Sjay xuống giải hạn được mát

Dậy thôi ông thổ công

Đi thôi ông công sào thổ địa

Thổ địa cưỡi ngựa bạch lên đường

Công sào phi ngựa trắng hành lộ

Đi thôi đôi trai ải vai khiêng

Đi thôi đôi mường giang vai gánh

Hai cô đeo áo vía lên đường

Bốn nàng đeo áo mệnh hành lộ

Dậy thôi bát gạo vía

Dậy thôi quả trứng mệnh

Nàng áo vàng áo bạc đón mệnh

Đi thôi cô em gái hầu trà

Ơ… cô nàng hầu rượu

Dậy thôi gốc Sjay già nộp của

Đi thôi quan nha môn điểm lễ

Mười ông chủ cùng dậy

Mười ông Sjay cùng dậy đồng loạt

Dậy thôi đôi người khiêng

Đi thôi đôi trai trẻ vai gánh

Trai ải mang gồng gánh qua nhà

Vợ ải nấp đằng xa trộm ngắm

Aỉ mang gánh qua đồng

Vợ ải nấp bờ đầm nhìn trộm

Trai ải vào chia khiêng chia gánh

Chia bịch thiên bịch sang

Chia về bịch ngọc hoàng một cột

Chia cả bịch gạo đầy về cho

Chia cho cả bồ muối về nộp

Bịch thóc đắp ao trên

Bồ  muối đắp khe dưới

Bịch thóc ông chủ nhà

Bồ muối bà chủ hộ

Cả cầu sắt về đóng

Cả cầu đồng lên bắc

Cầu gãy Sjay vứt ra

Cầu mục Sjay ném đi

Ta lấy cầu vững tốt vào thế

Cầu sắt ông góc nhà

Cây mệnh bà góc cửa

Nước vỗ rễ không rung

Đêm mọc một hai lá

Sáng đâm ngọn ba ngọn

Ve sầu không cắt ngọn

Đom đóm không cắt chồi

Cây mọc lên cao vút

Trăng lên cây vẫy gió hiên ngang

Đi đâu có người đón

Ra đường có người gọi người mời

Chuối vía bà chủ hộ

Chuối đem trồng sau nhà

Chuối đem trồng bờ ao trước thổ

Ve sầu không cắt ngọn

Đom đóm không cắt lá

Từ nay quản lộc mệnh cho khoẻ

Từ nay quản năm tháng cho rộng

Cả hai cặp bốn vía

Cả bốn vía vợ chồng

Xuống sàn chẳng vịn thang

Đi xa không cần gậy

Ra đồng chẳng mỏi chân

Đi ruộng không chồn gối

Cái năm qua cho trọn

Cài kỳ hạn cho vẹn

Lộc mình cho nó khoẻ

Trường sinh cho nó vững nó bền

Đêm nay tạo lộc mệnh cho khoẻ

Đêm nay ban năm tháng cho rộng

Lộc mệnh cả hai áo hai thân

Trường sinh cho cả chồng cả vợ

Lộc mệnh được nhiều sinh nhiều số

Cả nhiều cây nhiều cành

Cây sinh con nhiều bề

Cây sinh cháu nhiều lứa

Sinh về được con trai

Sinh về có con gái

Cả hai áo hai thân

Cả hai người chồng vợ

Hơn bốn mươi lo tai

Ngoài bốn sợ hạn

Bịch thiên địa không rỗng

Bồ ngọc hoàng chẳng cạn

Bồ câu không chết đói

Bạch hạc chẳng chết khát chết khô

Căng khỉ không chết héo

Có cầu sắt lên lót

Có cầu đồng lên bắc

Cầu mệnh cho hai áo hai thân

Cầu mệnh cho cả chồng cả vợ

Cầu mệnh ông chủ nhà

Cầu mệnh bà chủ hộ

Cầu mục ta vứt đi

Cầu tốt cầu mới ta đem bắc

Ta tạo cho lộc mệnh bền vững

Ta tạo cho năm tháng rộng dài

Lộc mệnh cũ hai áo hai thân

Lộc mệnh của cả hai vợ chồng

Ra đồng không mỏi chân

Đi ruộng không chùn gối

Xuống sàn không vịn thang

Đi xa không chống gậy

Ta trao cho lộc mệnh khoẻ khoắn

Ta trao cho năm tháng rộng dài.

Nhà Pựt nhìn thấy. Kìa! Nhìn thấy

Nhìn thấy kia cây đa giữa trời

Nhìn thấy chốn cây si giữa bản

Cây đa ba mươi gậy

Cây si cung trăng chín mươi cành

Chín mươi gậy về gốc

Bảy mươi gậy về bản

Diều hâu tha vịt tha gà về ngọn

Cát tha trâu tha bò về gốc

Mới thành xứ “ Mật” loạn

Mới thành những linh hồn loạn lạc

Mật chết đuối trên sông

Mật đắm thuyền bến dưới

Mật ngã cây chết đói

Mật ngã quả chết co

Mật thắt cổ thè lưỡi

Mật mới chết giữa đồng không chăn

Mật chết giữa đồng không không liệm

Quá lến chốn hành tinh

Phi qua chỗ ngũ đạo hành khiển

Phóng lên vùng linh hồn tai nạn

Vượt lên chốn ma gà

Lên đến chốn Phạm Nhan

Vượt qua quan ngũ hải

Lến tới chốn vua ba

Vượt qua nàng hành khiển

Lên đến nàng chúa ba

Vượt qua cô chúa nguyền

Vượt qua miền cô ba

Lên đến chốn hà bà yêu tinh

Nhà Pựt nhìn thấy ta nhìn thấy

Nhìn thấy gốc cây mạ

Nhìn thấy gốc tổ tiên bên ngoại

Sjay ta gặp tổ ngoại dừng chân

Quân ta gặp tổ tông dừng bước

Dừng ngựa vào xin vía

Dừng lại xin lá bùa đắp mệnh

Dừng chân ơ…thổ công

Dùng ngựa thôi công sào thổ địa

Thổ địa cưỡi ngựa bạch dừng đường

Công sào cưỡi ngựa trắng dừng lại

Dừng lại thôi trai ải vai khiêng

Dừng nhé đôi trai giang vai gánh

Dừng ơ… nàng thắp hương

Dừng thôi em thắp đèn

Dừng thôi ông tổ nhà

Dừng thôi gốc tổ nội

Hai em đeo túi vía dừng đường

Quan tổ nâng túi vía dừng bước

Dừng ơ… bát gạo vía

Dưng ơ… quả trứng mệnh

Cốt lõi giấy đón vía

Cốt vàng cùng cốt bạc đón mệnh

Dừng lại ông Sjay già nộp lễ

Dừng lại quan nha môn nộp của

Mười Sjay chủ cùng dừng

Chín Sjay chủ dừng lại tất cả

Đoàn đi trước đứng đợi

Toán đi sau dừng quân

Mọi người cầm cương ngựa quay ngang

Mọi người cầm đầu yên dừng lại.

Sau khi thầy đã làm xong lễ giải hạn, được quan quân chấp thuận thì việc nộp lễ vật được bắt đầu:

Con Pựt nay dừng đường

Cháu quan nay dừng lộ

Con thỉnh mười gốc Sjay

Cháu thỉnh chín Sjay tổ

Mười Sjay gốc đều thỉnh

Chín Sjay tổ thỉnh cầu tất cả

Thỉnh  đến Sjay xuống nước không trôi

Thỉnh đến quan vào lửa không cháy

Thỉnh Sjay giữ đầu ghế

Trình Sjay ngồi nơi trốc bàn bàn thờ

Thỉnh thánh Sjay dâng rượu đến nhà

Trình quan nay nộp lễ đến điện

Con còn trẻ tập nói

Cháu còn nhỏ tập lời

Câu được lại câu chăng

Người giỏi lại đi Hác

Người tài lại đi Keo

Mỗi mình con hành lễ

Phép không đến cha giúp

Chữ chẳng rõ cha sửa

Rượu nay đặt đến nhà

Trà nay đặt đến điện.

Đến đây, coi như công việc đã hoàn tất, mọi con đường đã đi qua, lễ vật đã được dâng lên, cầu phúc đã được chấp thuận, đoàn người bắt đầu trở về nhà, thầy ca đoạn hát “Hồi gia”:

Của đắt ta hồi đường

Lễ đắt ta hồi lộ

Về thôi ông thổ công

Về thôi ông công sào thổ địa

Thổ địa cưỡi ngựa bạch hồi đường

Công sào phóng ngựa trắng hồi lộ

Cưỡi bầy ngựa đuôi bông

Phi như mây như gió

Về thôi đôi trai ải vai khiêng

Về thôi đôi trai giang vai gánh

Quan tổ mang áo vía lại đường

Quan tổ đeo túi vía hồi lộ

Xuống thôi bát gạo vía

Xuống thôi quả trứng mệnh

Cả cốt giấy đón vía

Cả xương vàng cốt bạc đón mệnh

Xuống thôi cô hầu trà

Về thôi em hầu rượu

Hai em đeo túi vía lại đường

Bốn nàng mang túi vía hồi lộ

Mười Sjay gốc cùng xuống

Chín Sjay chủ cùng xuống tất cả

Lúc ngược cưỡi ngựa giấy nhẩn nha

Lúc xuống cưỡi mây gió hồi nhanh

Mười đoạn làm một đoạn Sjay xuống

Mười trượng làm một trượng Sjay hồi

Xuống đến xứ sở các vì sao

Xuống đến chốn mười hai mặt trời

Xuống đá xếp đá chồng

Xuống đến vùng đá treo

Tảng chen tảng đá ở

Xuống đến thửa ruộng ba trăm mạ

Thửa ruộng năm ngàn bung

Xuống cây đa lưng trời

Xuống cây si giữa bản

Xuống xứ ba mươi ông lôi nắng

Tám mươi xứ lôi lớn

Xuống chân  trời nườm nượp

Lũ lượt buông chân trời

Xuống thang ba trăm bậc lên trời

Cầu thang năm bậc lên đến tổ

Cầu thang trời xuống thế

Rời thang trời cùng xuống tất cả

Quay xuống vùng chuối lá

Thẳng xuống khe lá dong

Quay xuông hang chim én lượn chao

Xuống đến chỗ hang dơi trú ngụ

Chuyển xuống ba mươi xứ lôi nắng

Tám mươi mường lôi vàng

Chuyển xuống chốn mồ mả ở rừng

Nơi mộ tở ở khe

Mồ mả hãy ở an

Tổ tiên hãy sống mát

Cây không đạp xuống bản

Cây không đổ xuống nhà

Rễ cây không vào xiên

Rễ cây không vào cuốn

Sjay nhắn Sjay xuống đường

Quan nhắn quan hồi lộ

Xuống rừng già cổ thụ

Chốn cây cao vút trời

Xứ thung dày cây mạ

Xuống rừng dày cây quế

Chốn rùng già ngát hương

Xuống rừng lớn bạt ngàn

Xuống rừng rộng ngát hoa

Chuyển xuống xứ ba ba lặn giếng

Xuống chỗ bà đười ươi đuôi dài

Quay xuống chỗ bà gấu ăn cưới

Xuống chỗ ông kéo chài chắn lối

Cô lìm là giăng bẫy

Xuống tới chốn rừng cây hoa trắng

Xuống đến chốn trai gái áo màu

Quay xuống em quăng chài

Ngoặt tới cô câu cá

Vịt lặn nước nghì ngụp

Trâu lội khe sì sầm

Vịt lặn nước đầm trên

Trâu ngâm mình đầm dưới

Chuyển xuống thần rừng già

Quay xuống thần rừng rộng

Cây bằng bịch thân trường

Cây bằng nhà người ở

Khỉ ăn quả trên cây cao

Con leo lại con lượm

Xuống đến chốn khỉ già mặt đen

Xuống đến chốn căng đàn nhăn mặt

Xuống đến ông thổ công

Xuống đến nơi công sào thổ địa

Thổ địa giữ đầu bản

Thổ công quản đầu thôn

Bản người ta hỗn độn

Thôn mình vẫn lặng yên

Xuống cây si đầu bản

Xuống cây nhãn giữa thôn

Ngựa ác Sjay phóng xuống

Các quan Sjay cùng phi ngựa xuống

Xuống ruộng lớn điểm quân

Xuống đồng quang điểm ngựa

Xuống cây sung ven ruộng

Xuống cây dướng bờ ngòi

Xuống đường mình thẳng dong

Ngoặt ao lớn trước cửa

Xuống đến khóm gừng già tăng lực

Xuống đến chỗ gừng gié chữa đau

Gừng già tăng sức lực

Gừng gié chữa lúc đau lúc ốm

Xuống đến ra thì là dậy phép

Xuống rau hẹ dạy lời

Xuống rau húng cuống tía

Xuống cây chàm nhuộm đen

Xuống lá chàm nhuộm mũ

Chuyển xuống vườn trầu vàng

Chuyển xuống giàn trầu rậm

Xuống cây mận bên cổng

Cây đùm đũm trước nhà

Xuống cây mận hoa trắng

Xuống cây đào hoa hồng

Chuyển xuống ba tấc bằng

Chuyển xuống bốn mặt đất

Chuyển xuống chốn thần linh thổ địa

Chỗ gà vịt râm ran bãi sàn

Trâu bò kêu vang đồng

Đến cầu thang ba ngày làm

Cầu thang bảy ngày đóng

Mới thành chỗ đi lại

Mới thành chỗ minh quân lên xuống

Xuống đến chỗ cầu thích

Xuống đến giàn ống bương

Xuống đến nơi canh cửa

Tổ bảy đời chốt giữ đại môn

Tổ năm đời giữ cổng cho chắc

Đóng cửa ngăn kẻ gian

Đóng cửa mình ở trong

Vui vẻ ùa đến mình

Sầu muộn tan xa hết

Xuống đến chốn nàng tro

Xuống đến ông vua bếp

Nước không rơi gác giữa

Nước không đổ xuống bếp

Tàn nổ không cháy chảo

Tàn văng không cháy nhà

Xuống tấm thát bên bếp

Xuống đuôi hổ đệm ngồi

Xuống chân ghế gỗ dâu

Xuống bàn thờ thừng mực

Xuống tấm chiếu trải hoa

Xuống bàn hoa sáng bừng

Nơi mâm hương mâm hoa ngời chói.

KẾT LUẬN

 “Khảm hải” (vượt biển) nói riêng cũng như hát “Pựt” nói chung là một trường chuyện thơ dân gian của người Tày được sử dụng như một loại văn tế, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội tộc người.

Toàn bộ nội dung “Khảm hải” phản ánh đời sống xã hội hiện thực của tộc người, thể hiện lịch sử xã hội truyền thống của tộc người, có sức tố cáo xã hội gay gắt, lên án tầng lớp thống trị đồng thời bênh vực, ngợi ca ý chí, nghị lực phi thường của người dân lao động nghèo khổ.

Khảm hải” được lưu truyền lâu đời trong cộng đồng, có ý nghĩa trao truyền, giáo dục các thế hệ tộc người, đề cao tình cảm gia đình, tình nghĩa anh em, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Cũng bởi ý nghĩa cao cả này mà “Khảm hải” tồn tại và sống mãi trong tâm trí cộng đồng. “Khảm hải” cũng như hát “Pựt” thể hiện nghệ thuật dân ca, ngôn ngữ của tộc người. Nghệ thuật chuyển tải hiện thực đời sống xã hội vào thơ ca vô cùng đặc sắc, thể hiện trình độ văn học, ý nghĩa khái quát cao của tộc người. Với vai trò và ý nghĩa như vậy, “Khảm hải” xứng đáng được nghiên cứu và bảo tồn nhằm phát huy giá trị của nó trong cộng đồng cũng như quảng bá tới các tộc người khác và bạn bè quốc tế.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

                                                                                                             Ban Biên tập Cổng TTĐT

6946 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h