Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Ý kiến phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái tại phiên thảo luận tại tổ sáng ngày 22/10/2022 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

22/10/2022 17:19:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 22/10 Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại phiên thảo luận này, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái đã có nhiều ý kiến phát biểu và kiến nghị về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái xin trích bài phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ.

“Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, trước tiên tôi đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội liên quan đến các nội dung thảo luận. Tôi đồng tình cao với ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận là các ý kiến đánh giá về nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành, phát triển kinh tế xã hội để đạt được kết quả 9 tháng tích cực trên nhiều mặt và cũng khá toàn diện như các đại biểu đã phát biểu. Tôi xin nêu thêm một số vấn đề thực tiễn tại địa phương cơ sở.

Thứ nhất, những vướng mắc về vấn đề thể chế chính sách nhất là những thể chế chính sách liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, lâm nghiệp, đấu thầu, đầu tư đã được đề cập nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục cụ thể.

Thứ hai, đó là việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở công lập nói chung nhất là lĩnh vực y tế. Các vấn đề liên quan đến hợp tác liên doanh, liên kết để triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế. Đây là vấn đền lớn và đang vướng mắc ở các địa phương và một số bệnh viện trung ương.

Thứ ba, vấn đề thiếu số lượng lớn giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật để đảm bảo triển khai chương trình GDPT năm 2018.

Thứ tư, giá cả vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, năng lượng biến động lớn, một số mặt hàng tăng cao, tăng liên tục gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Thứ năm, thị trường vốn, thị trường tín dụng đối với các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong đại dịch covid 19, đến nay cũng hết sức khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn nói vung nhất là nguồn vốn giá rẻ.

Với những khó khăn như vậy tôi xin kiến nghị một số nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023:

Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương chủ động và nâng cao hơn nữa năng lực dự báo, cảnh báo, khuyến nghị không chỉ các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô và mà cả những vấn đề sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng mà chúng ta phụ thuộc vào thị trường xuất nhập khẩu để các doanh nghiệp, các địa phương có định hướng chỉ đạo linh hoạt, kịp thời các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội phù hợp với diễn biến tình hình thế giới, tình hình khu vực.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chủ động rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế chính sách trong đó đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung một số bộ luật trong chương trình, kế hoạch, cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến phát triển vùng kinh tế xã hội. Trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh cho 6 vùng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, hiện nay cái khó nhất là thiếu các cơ chế, chính sách về liên kết phát triển vùng cũng như là các chính sách để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Thực tế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một số Nghị quyết về việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với một số địa phương tuy nhiên các chính sách đó vẫn chủ yếu tập trung ở một số thành phố trực thuộc trung ương và một số tỉnh được xác định là các trung tâm động lực phát triển vùng trong khi một số vùng kinh tế xã hội như vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì ít, thậm chí là chưa có cơ chế đặc thù kể cả ở cấp vùng lẫn cấp địa phương. Do đó, khó khăn cho các vùng trong việc phát huy các lợi thế, tiềm năng cũng như thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội. Tôi kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa ra một số chính sách đặc thù cho vùng, như vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đó là chính sách liên quan đến phát triển kinh tế lâm nghiệp; đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long đó là chính sách phát triển liên vùng liên quan đến sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản…

Tôi kiến nghị Chính phủ đề nghị với Quốc hội ban hành một số Nghị quyết của Quốc hội phân cấp, ủy quyền một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh nhất là trong chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, cho phép đơn giản hóa quy trình thủ tục thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp để tháo gỡ về việc thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật giúp cho các địa phương triển khai chương trình GDPT năm 2018 nhất là ở địa bàn vùng cao. Thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, theo đó, với một số môn  nhất là với môn Nghệ thuật nên cho phép các địa phương tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng. Do thực tế hiện nay chúng ta chỉ có duy nhất một trường Đại học đào tạo giáo viên nhạc họa trong khi tất cả các trường trên cả nước đều có nhu cầu; nhiều địa phương có trường cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật nhưng không thể tuyển được đối tượng này do không đảm bảo đạt chuẩn. Tôi kiến nghị cho phép tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng đối với môn Nghệ thuật, thậm chí cả môn Tiếng Anh và Tin học áp dụng với địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để đảm bảo nhu cầu giáo viên.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiến hành tổng kết đánh giá mô hình trường PTDT Nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú nhất là các vấn đề liên quan đến điều kiện đạt chuẩn, chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên, nhân viên, bởi các chính sách này hiện có nhiều điểm đã lạc hậu, rất bất cập và khó khăn cho các địa phương thực hiện.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị y tế công lập nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc liên doanh, liên kết trong đầu tư cơ sở vật chất cung cấp dịch vụ khám bệnh chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Chính phủ cũng có giải pháp đẩy nhanh lộ trình cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập ở các lĩnh vực khác, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc thiếu định mức hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá, giá các loại dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước; do đó các địa phương không có đủ cơ sở để thực hiện được cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước.”

1702 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h