Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

25/10/2022 07:31:51 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiều 24/10, tham gia phiên thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ

Nội dung cụ thể như sau:

Tôi xin tham gia vào nội dung thứ nhất của phiên thảo luận buổi chiều ngày hôm nay về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thứ nhất, về sự cần thiết sửa đổi Luật, tôi hoàn toàn thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật do từ khi có Luật có hiệu lực thi hành đến nay lực lượng tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã 11 lần sửa đổi các khuyến nghị. Theo đánh giá, đến nay Việt Nam mới tuân thủ hoàn toàn được 13 trên 40 khuyến nghị của FATF, còn 27 trên 40 khuyến nghị bị xếp hạng là tuân thủ một phần hoặc chưa tuân thủ.

Ngoài ra, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của nền tảng công nghệ, nhất là công nghệ số, các chiêu thức rửa tiền tại Việt Nam diễn ra dưới nhiều hình thức thông qua hoạt động đầu tư bất động sản, góp vốn đầu tư, lợi dụng thị trường chứng khoán. Cùng với đó, các hình thức mới phát sinh khác như: núp bóng hình thức kinh doanh online, đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số - là những hình thức rất mới và khó quản lý. Do đó, cần thiết sửa đổi Luật để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện luật, bao quát được những hành vi rửa tiền mới phát sinh và phù hợp với cam kết quốc tế, tránh chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi, giám sát của FATF.

Về đối tượng báo cáo, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật như: Công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ Mobile Money, dịch vụ chuyển tiền bưu chính, các công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo, kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng số. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định trong Luật đảm bảo bao quát nhất.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 4 quy định về đối tượng báo cáo có quy định của Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo ngoài quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này. Sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị làm rõ: được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức gì, thực tế thẩm quyền bổ sung đối tượng báo cáo nếu như vậy là thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Chính phủ chỉ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi đề nghị cân nhắc quy định việc bổ sung đối tượng báo cáo này là nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết để điều chỉnh các đối tượng báo cáo này cho phù hợp với từng thời kỳ. Do đó, dự thảo Luật quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về nội dung thứ tư, tại Điều 37 quy định về thời hạn báo cáo đối với giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong thời hạn 2 ngày làm việc đối với hình thức báo cáo bằng văn bản, tôi cho rằng thời gian 2 ngày tương đối ngắn, các đối tượng báo cáo cần thời gian để thu thập thông tin, đánh giá. Do đó, tôi đề nghị kéo dài thời gian để đối tượng báo cáo bằng văn bản trong khoảng từ 3 đến 5 ngày làm việc.

Tại Điều 44 quy định về áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch trong một số trường hợp, tôi cho rằng việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp cũng như Bộ luật dân sự. Theo đó, cần quy định cụ thể tại luật trường hợp nào được áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 44 chưa rõ nội hàm như có cơ sở hợp lý để nghi ngờ hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động tội phạm. Quy định như này rất chung chung, chưa rõ nội hàm và dễ bị áp dụng một cách tùy tiện. Do đó, tôi đề nghị quy định hết sức cụ thể đối với trường hợp nào được áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch.

Vấn đề cuối cùng của Luật Phòng, chống rửa tiền, điều khoản thi hành tại Khoản 1, Điều 63 quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước theo hướng tách chức năng phòng, chống rửa tiền ra khỏi cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Về vấn đề này, hiện tại Cục Phòng, chống rửa tiền là 1 đơn vị trực thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Do đó, nếu áp dụng điểm này, đề nghị làm rõ sự cần thiết việc tách Cục Phòng, chống rửa tiền ra thành một đơn vị độc lập, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như nghị quyết của Quốc hội, không nên quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy trong luật hoặc quy định các điều kiện phát sinh về cơ cấu tổ chức bộ máy, từ đó làm tăng biên chế. Trường hợp cần thiết thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc thành lập đơn vị đầu mối về phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung thứ hai, tôi xin tham gia về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ nhất, tôi hoàn toàn tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 này. Quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, xử lý nghiêm minh vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật hành chính của Nhà nước với kỷ luật của Đảng. Tôi cũng thống nhất với nội dung theo Tờ trình của Chính phủ và tán thành với phương án thứ nhất là đưa nội dung quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vào nghị quyết của kỳ họp thứ tư.

Nội dung cuối cùng, tôi xin tham gia về nội quy kỳ họp Quốc hội. Tôi xin tham gia về việc gửi tài liệu cho các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Thời gian vừa qua, có rất nhiều các dự án luật, dự thảo nghị quyết, thời gian gửi tài liệu rất chậm. Do đó, tôi đề nghị phải theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra còn hình thức gửi tài liệu giấy hay tài liệu điện tử. Tôi cũng thống nhất là 2 hình thức như ý kiến đa số của cơ quan thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Tuy nhiên, đối với những dự án luật và dự thảo nghị quyết thì những tài liệu chính như tờ trình, dự thảo luật và báo cáo thẩm tra, tôi đề nghị gửi bản giấy cho các đại biểu Quốc hội để các đại biểu có thể dễ dàng tra cứu, rà soát, đối chiếu trong quá trình nghiên cứu, góp ý vào dự thảo luật một cách thuận tiện hơn so với bản điện tử”.

1291 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h