Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Công dân số Đất quế - Đầu tàu quan trọng trong hành trình Chuyển đổi số huyện Văn Yên

05/11/2022 07:36:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để vận hành tốt “đoàn tàu” kinh tế - xã hội trong nền công nghiệp 4.0, những “công dân số” được ví như đầu tàu, là chìa khóa mở những “nút thắt” đồng thời quyết định sự thành công của hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ở huyện Văn Yên, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những “công dân số” của huyện đang từng bước chiếm lĩnh tri thức, làm chủ khoa học công nghệ,ứng dụng rộng rãi trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống

Đồng Chí Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên (thứ 3 từ trái sang) theo dõi quá trình cài đặt sàn thương mại điện tử PostMart.vn trên điện thoại thông minh tại ngày hội CĐS

Đề án chuyển đổi số của huyện Văn Yên đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Văn Yên “đứng đầu” trong 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số. Quán triệt sâu sắc quan điểm “Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, huyện Văn Yên xác định “Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải có con người chuyển đổi số hay nói cách khác là phải có công dân số”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, truyền thông làm "khâu đột phá" để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho mỗi người dân; huyện Văn Yên đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời công dân số và quy trình xét, công nhận công dân số huyện Văn Yên. Bộ tiêu chí quy định 05 tiêu chí cơ bản mà công dân huyện Văn Yên cần phấn đấu để trở thành công dân số, đó là: (1) có điện thoại thông minh; (2) có tài khoản định danh điện tử; (3) có tài khoản dịch vụ công; (4) có sử dụng nền tảng sổ sức khỏe điện tử; (5) có sử dụng nền tảng thanh toán điện tử. Đồng chí Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Bộ tiêu chí tạm thời công dân số huyện Văn Yên đã bám sát các tiêu chí cơ bản của công dân toàn cầu, định hướng xây dựng công dân số nêu trong các nghị quyết, chiến lược về CĐS của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, rất thiết thực, sát sườn và không quá khó khăn để mỗi người dân tham gia thực hiện”

Hiện thực hóa mục tiêu 50% dân số trên địa bàn trở thành công dân số trong năm 2022, Văn Yên là huyện đầu tiên trong tỉnh Yên Bái chỉ đạo thành lập và tổ chức ra mắt Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Đến nay, toàn huyện đã có 25/25 xã, thị trấn thành lập Tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, với 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố thành lập Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, với 1.322 thành viên. Các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng thực sự đã trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”  tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và kỹ năng sử dụng các ứng dụng nền tảng công nghệ số, nhất là triển khai cài đặt các ứng dụng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến, sổ sức khỏe điện tử, các app thanh toán không dùng tiền mặt…; hướng dẫn các đảng viên tại các chi bộ cài đặt, sử dụng và sinh hoạt thuần thục trên nền tảng “sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.

Là địa phương được UBND huyện Văn Yên chọn làm điểm để thực hiện Đề án CĐS của huyện giai đoạn 2021 - 2025, thị trấn Mậu A đã tổ chức Ngày hội chuyển đổi số, phát động Tháng chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân trên địa bàn; Thị trấn Mậu A đã đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua các ứng dụng, dịch vụ tiện ích. Triển khai ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử đến 100% chi bộ trực thuộc; tổ chức các kỳ họp, hội nghị, làm việc từ xã theo hình thức không giấy tờ; sử dụng chữ ký số để các hoạt động kinh tế - xã hội không bị gián đoạn. Cùng với đó, Thị trấn Mậu A đã tập trung xây dựng công dân số, gia đình số, nhà văn hoá số; hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, sử dụng thành thạo các ứng dụng số, sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Đến nay, UBND thị trấn Mậu A đã cấp giấy chứng nhận trên 5.000 công dân số và trên 4.000 gia đình số.

Các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng xã Châu Quế Hạ hướng dẫn người dân trên địa bàn cài đặt và sử các ứng dụng nền tảng số

Với cách làm linh hoạt, những địa phương vùng sâu, xa của Văn Yên lại trở thành điểm sáng trong chuyển đổi số, phát triển công dân số. Điển hình như ở thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, nơi có 100% số dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn; lãnh đạo xã không ngồi chờ mà chủ động thay đổi ý thức của người dân thông qua phát động tuần lễ chuyển đổi số. Với sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp Viễn thông, đến nay 95% hộ gia đình trong thôn Khe Bành có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh, sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang hoặc 4G; 100% đảng viên Chi bộ thôn sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Chi bộ; 100% người dân trong thôn đủ 14 tuổi trở lên được cấp mã định danh điện tử. 80% người dân trong thôn có điện thoại thông minh được tạo tài khoản dịch vụ công sử dụng dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, được cài đặt và sử dụng nền tảng: Thanh toán không dùng tiền mặt; chăm sóc khách hàng của ngành điện lực; hồ sơ sức khỏe điện tử; Tư vấn khám sức khỏe từ xa VOV Bacsi24 và một số nền tảng số hữu dụng khác.

Từ kinh nghiệm tổ chức CĐS tại thôn Khe Bành, xã Châu Quế Hạ, đến nay toàn huyện có 18/25 xã, thị trấn tổ chức thành công ngày hội CĐS; trên 17.500 công dân được công nhận đạt tiêu chuẩn công dân số huyện Văn Yên; Trên 1.700 đảng viên tại 85 chi bộ cài đặt ứng dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt Đảng. Dự kiến đến hết tháng 11/2022, toàn huyện sẽ có khoảng trên 24.000 công dân số,  đạt tỷ lệ trên 55% dân số trong toàn huyện là công dân số.

Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp của huyện đã chủ động học hỏi, tiếp cận công nghệ số, đưa 103 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện lên sàn thương mại điện tử là Postmart.vn; Voso.vn. Thông qua công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm OCOP của huyện trên sàn đã phát sinh đơn hàng đều đặn góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo việc làm cho lao động địa phương. Ông Đặng Công Long, Giám đốc HTX Quế Văn Yên chia sẻ: “Khi đưa sản phẩm của HTX lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đã nhiều người biết đến sản phẩm Quế Văn Yên, đặc biệt các sản phẩm quế đạt chứng nhận OCOP, việc quảng bá sản phẩm ra thị trường rộng rãi trên cả nước. Từ đó không chỉ tăng doanh thu mà còn nâng cao thu nhập cho HTX”.

Đối với ngành Giáo dục Văn Yên, cuộc cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội để đào tạo nguồn “nhân lực số”, “công dân số” cho tương lai. Theo đó, ngành Giáo dục Văn Yên đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đến nay toàn huyện có 16 trường, 86 phòng học tiên tiến, 41/60 điểm trường đã bố trí đủ điều kiện về phòng máy để học tin học, có 611 máy tính để phục vụ dạy học; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được kết nối đường truyền băng thông rộng để sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý trường học, ứng dụng công nghệ thông tin trong  soạn giảng, lớp học kết nối, lớp học không biên giới; 100% các trường học trên địa bàn huyện đã tổ chức ngày hội CĐS trường học. Nhờ đó đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, làm phong phú thêm kho tư liệu số, giúp học sinh vùng khó tiếp cận, kết nối với lớp học ở các vùng thuận lợi, ở các khu vực, các nước trên thế giới.

Tại UBND huyện Văn Yên, mỗi ngày bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp rất nhiều lượt công dân đến làm TTHC, một số người dân chưa hiểu hết các quy trình thực hiện. Do vậy, cán bộ, công chức ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc ban đầu; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kết nối lên cổng dịch vụ công của tỉnh để tra cứu và nộp hồ sơ trên môi trường mạng. Chính từ sự chủ động này mà việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử của Văn Yên có nhiều thuận lợi. Đến nay, có 98/98 thủ tục hành chính của huyện đủ điều kiện được cung ứng trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái. Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái tại cấp huyện mức độ 3 đạt 99,1%; mức độ 4 đạt 99,6%. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%.

Vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, kỹ năng... Những công dân trên vùng đất Quế Văn Yên đang dần khoác lên mình diện mạo mới của tri thức, công nghệ, sẵn sàng thay đổi nhận thức để coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó chủ động ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần để huyện Văn Yên chuyển đổi số thành công./.

2643 lượt xem
Theo Trang TTĐT huyện Văn Yên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h