Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn về giải ngân vốn xây dựng cơ bản

11/12/2022 11:42:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh đã trả lời giải trình các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh

 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đoàn Hữu Phung trả lời chất vấn:

 

Như các đại biểu đã biết, năm 2022 là năm có nhiều thách thức, bất lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư công như: mưa nhiều, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, thậm trí còn khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu; bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm đầu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nên khối lượng công việc nhiều, kế hoạch vốn được Trung ương giao muộn. Song với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giám sát của HĐND tỉnh, kết quả giải ngân vốn đầu tư của tỉnh đến hết 30/11/2022 đạt 3.066,7 tỷ đồng, bằng 54,3%, cao hơn tỷ lệ chung cả nước (cả nước giải ngân đạt 51,8%) và đứng thứ 17/63 tỉnh; tuy nhiên, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,4%), đồng thời chưa bảo đảm kịch bản giải ngân.

Kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu do một số khó khăn, vướng mắc chính sau:

Thứ nhất, Thời tiết năm 2022 diễn biến bất thường, đặc biệt là mưa nhiều gây khó khăn trong việc tổ chức thi công; đặc biệt đối với các dự án trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải ngoài mưa còn sương mù, nồm, đường trơn...; bên cạnh đó giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh, thay đổi liên tục dẫn đến một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thứ hai, Quy trình quản lý, thủ tục cấp phát vốn nước ngoài còn phức tạp, do đó thời gian giải ngân vốn bị kéo dài; vốn nước ngoài vay lại năm 2022 được Trung ương giao thấp hơn so với nhu cầu và tỷ lệ vốn cấp phát quy định, do đó một số dự án đã có khối lượng thực hiện, có vốn nước ngoài cấp phát nhưng có hoặc không đủ tỷ lệ vốn vay lại thì không giải ngân được.

Thứ ba, Công tác giải phóng mặt bằng vẫn luôn là nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; mặc dù đã được quan tâm, thường xuyên tháo gỡ khó khăn, song khối lượng công việc lớn, các cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm; các chế độ, chính sách chưa có sự linh hoạt, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, thậm trí cản trở các đơn vị thi công; thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc; một số dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nên công tác đánh giá hiện trạng rừng phải trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nên thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Thứ tư, Một số dự án lớn, quy mô phức tạp, có tính chất đặc thù; một số dự án phải thi tuyển kiến trúc nên thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian, do đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Thứ năm, Với khối lượng công việc chuẩn bị đầu tư của năm 2022 lớn (đặc biệt đối với các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 400 dự án); do địa hình đồi núi phức tạp nên công tác khảo sát, thiết kế gặp nhiều khó khăn; một số đơn vị chủ đầu tư chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị tư vấn. Do đó, công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư các công trình khởi công mới còn chậm.

Để bảo đảm giải ngân đáp ứng yêu cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các ngành, địa phương và các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục chủ động, linh hoạt, nỗ lực và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, Các đơn vị chủ đầu tư có dự án sử dụng vốn nước ngoài chủ động, bám sát tiến độ xử lý các đề nghị tại các bộ, ngành trung ương, nhà tài trợ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, đặc biệt đối với thủ tục kiểm đếm và xác minh kết quả; các thủ tục rút vốn và hoàn thiện chứng từ giải ngân với Bộ Tài chính và nhà tài trợ.

Thứ hai, Tiếp tục vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án; thực hiện theo hướng làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công ngay đến đó.

Thứ ba, Khẩn trương hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và khởi công trước ngày 20/12/2022 đối với các dự án khởi công mới theo kế hoạch đặc biệt đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tạm ứng vốn mức tối đa đối với các hạng mục, dự án có tính cấp bách bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.

Thứ tư, Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm toàn diện về việc không giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2022 do nguyên nhân chủ quan, không phải do nguyên nhân khách quan.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước trả lời chất vấn như sau:

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và là điểm nghẽn đối với tiến độ triển khai các dự án đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết liệt vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và đã đạt được những kết quả tương đối khả quan, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo kế hoạch như dự án Đường nối Quốc lộ 32C với Quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái; dự án Đường nối Quốc lộ 32 (Gia hội, Văn Chấn) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); dự án Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La)… Trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện đền bù GPMB 154 dự án với tổng diện tích thu hồi đất là 1.305,35ha; tổng số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng 9.468 hộ, gia đình, tổ chức (trong đó dự án trọng điểm của tỉnh có 26 dự án; (18 dự án đã khởi công; 08 dự án chưa khởi công) với tổng diện tích thu hồi đất là 635,8ha và 3.107 số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng). Với một khối lượng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng rất lớn như đã nêu nhưng công tác GPMB cơ bản đã đáp ứng được tiến độ thi công theo kế hoạch. Tuy nhiên, theo phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh có 03 dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể:(1) Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Đây là dự án mở mới tuyến đường nhằm kết nối các huyện phía tây của tỉnh với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng chiều dài 69km đi qua địa bàn 04 xã thuộc huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên với tổng diện tích thu hồi là 168,78ha và 351 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Tính riêng đoạn tuyến đang triển khai thực hiện đầu tư từ Km0 - Km30 dự án phải thu hồi 50,62ha với 201 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng.

- Nguyên nhân của việc chậm tiến độ GPMB do đây là dự án mở mới, quy mô lớn; chính sách giải phóng mặt bằng ban đầu là “tuyên tuyền vận đồng người dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu” phục vụ công tác thi công; đồng thời dự án triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn với trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số; khu vực dự án đi qua chủ yếu là đất lúa, nương ngô, vườn cây của nhân dân là nguồn thu nhập chính của gia đình dẫn đến việc người dân bị mất đất sản xuất gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Công tác vận động tuyên truyền hiến đất, cây cối, vật kiến trúc trên đất gặp nhiều khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, nhận thức của người dân còn thấp, không ổn định tâm lý, dễ bị kích động, nên thường xuyên thay đổi quan điểm trong quá trình thực hiện, do đó việc tổ chức vận động người dân hiến đất và tài sản trên đất theo chủ trương chung chưa đạt kết quả như chỉ đạo. Ngoài ra trong dự án có một số diện tích rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng; tuy nhiên theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc chuyển đổi mục đích đất rừng cần phải được thực hiện điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

- Để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, sớm ổn định đời sống của người dân trong vùng dự án, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4353/UBND-XD ngày 02/12/2022, trong đó, chỉ đạo dừng triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án theo chính sách “tuyên tuyền vận đồng người dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu” và cho phép UBND huyện Mù Cang Chải, và UBND huyện Văn Yên phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Mù Cang Chải, UBND huyện Văn Yên tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện quy hoạch 3 loại rừng và phối hợp với các cơ quan Trung ương để sớm có quyết định chấp thuận chuyển đổi mục đích đất rừng theo quy định.

(2) Dự án đường nối Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh Yên Bái.

- Dự án có tổng chiều dài 4,15km qua địa bàn thành phố Yên Bái với tổng diện tích đất thu hồi là 45,68ha và có 244 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay đã phê duyệt phương án đền bù hỗ trợ được 173 hộ (Đã chi trả được 158/173 hộ, 15 hộ/173 hộ chưa nhận tiền, 03 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng); bàn giao được 2km/4,15km (tuy nhiên không liền mạch, xôi đỗ), đạt 48,19% khối lượng mặt bằng cho đơn vị thi công.

- Nguyên nhân của việc chậm tiến độ GPMB do công tác triển khai thực hiện công tác GPMB trên địa bàn thành phố nói chung và dự án này nói riêng có nhiều phức tạp; cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng còn để xẩy ra sai sót dẫn đến công tác triển khai còn chậm, sửa chữa điều chỉnh nhiều lần nhất là trong công tác xác định nguồn gốc thửa đất, thời điểm tạo dựng vật kiến trúc; công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng còn chưa chặt chẽ; đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn thấp không phù hợp với nhu cầu thực tế.

- Để khắc phục các khó khăn này, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ khó khăn; xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và đã ban hành Văn bản số 3640/UBND-TNMT ngày 26/10/2022 cho phép bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình xây dựng khác tạo lập trước thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất mà không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố Yên Bái tăng cường tăng cường công tác dân vận chính quyền, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch và khắc phục những thiếu sót, kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân có đất bị thu hồi theo đúng quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm trong công tác công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

(3) Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái” (bao gồm các hạng mục: Đường nối từ đường Điện Biên đến đường nối cầu Bách Lẫm đến cầu Văn Phú, Kè hồ Nam Cường, Kè chống lũ suối Hào Gia, Kè chống lũ suối cầu Dài, đường nối đường Nguyễn Tất Thành đến đường Âu Cơ và 02 khu tái định cư).

- Dự án triển khai trên địa bàn thành phố Yên Bái với tổng diện tích đất thu hồi là 95,08ha và có 841 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Đến nay dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 109/824 hộ (đạt 13%), chi trả bồi thường GPMB được 100/824 hộ (đạt 12%).

- Nguyên nhân của việc chậm tiến độ GPMB do dự án có quy mô lớn, sử dụng nguồn vốn vay của WB nên các chính sách GPMB phải tuân thủ theo yêu cầu của Nhà tài trợ; công tác GPMB còn tồn tại tập trung chủ yếu của hạng mục Kè chống lũ suối Hào Gia, Kè chống lũ suối cầu Dài, đường nối đường Nguyễn Tất Thành đến đường Âu Cơ do không xác định được ranh giới thu hồi đất với dự án trước đây do UBND thành phố đã triển khai; công tác bản đồ thu hồi đất gặp nhiều khó khăn; tiến độ xây dựng khu tái định cư chậm; quy mô đường nối đường Nguyễn Tất Thành đến đường Âu Cơ điều chỉnh mở rộng từ 20,5 m thành 50m phải điều chỉnh dự án và làm tăng số hộ dân bị ảnh hưởng.

- Để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp với Chủ đầu tư, UBND thành phố Yên Bái, trong đó chỉ đạo thành lập các Tổ công tác trực tiếp xuống hiện trường tổ chức rà soát, xác định ranh giới thu hồi đất chồng lấn; chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trường đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư và tăng cường cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố Yên Bái tăng cường tăng cường công tác dân vận chính quyền, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch; giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định phê duyệt để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Ngoài những giải pháp cụ thể đối với các dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nêu trên, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo chính quyền các địa phương, Chủ đầu tư thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính như sau:

1) Công tác giải phóng mặt bằng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đề nghị Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật về đất  đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận của đa số người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

2) Thực hiện đầy đủ quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; khắc phục những thiếu sót nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người dân có đất bị thu hồi; kịp thời, giải quyết các kiến nghị của người dân theo đúng quy định pháp luật; kiên quyết thực hiện quy trình tổ chức cưỡng chế các trường hợp đã giải quyết đúng chính sách nhưng cố tình chây ỳ, chống đối không chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh.

3) Tăng cường năng lực, bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; xem xét lại mô hình tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; có chính sách ưu đãi phù hợp về mặt kinh tế và động viên tinh thần cho các cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

4) Tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực nằm trong phạm vi các dự án đang triển khai; kịp thời ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép; đảm bảo xác định hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, vật kiến trúc trên đất một cách chính xác, đúng quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình vi phạm theo quy định của pháp luật.

5) Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; nghiên cứu vận dụng tối đa, linh hoạt các chính sách của nhà nước trong quá trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

2918 lượt xem
Nguyễn Hiên - Thu Nga - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h