Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng văn hóa, con người Yên Bái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

18/02/2023 07:42:31 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trên cơ sở quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa, tỉnh Yên Bái đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng văn hóa, con người Yên Bái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong sự nghiệp đổi mới và mục tiêu phát triển bền vững

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; coi văn hoá là hồn cốt trong chủ trương, đường lối, chính sách, trong từng lĩnh vực, trọng tâm tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chương trình hành động số 40-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 09/6/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; Kế hoạch của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái, Kế hoạch số 270/KH-UBND tỉnh, ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dan tỉnh về việc triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái với mục tiêu chung đó là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng.... đối với kinh tế, xã hội và con người. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực trong tỉnh, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xây dựng cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.

Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa.

Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Tuyên truyền, giáo dục trong đảng viên và nhân dân nhận thức, vận dụng

một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu mới.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý các hoạt động lãnh đạo, quản lý văn hóa, nhất là việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

2. Coi trọng xây dựng văn hóa trong chính trị, phấn đấu xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị trở thành tấm gương đạo đức trong xã hội

Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà

nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 16-QĐ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái”. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong cán bộ, công chức, viên chức.

Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

3. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong hệ thống động lực phát triển đất nước, Hồ Chí Minh luôn cho rằng xét cho đến cùng, con người chính là nguồn động lực quan trọng nhất, quyết định nhất. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục, đào tạo cần phải tiếp tục được coi là quốc sách hàng đầu, chiến lược “trồng người” phải trở thành một trong những chiến lược trọng tâm, hợp thành chiến lược phát triển đất nước.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, cần phải tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có năng lực, trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

4. Tập trung xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”… nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân”; góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Xây dựng con người Yên Bái với những phẩm chất tốt đẹp "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cũng chính là làm cho người dân Yên Bái trở nên phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, đạo đức, thể chất, tâm hồn, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; làm cho người dân Yên Bái có hiểu biết sâu sắc, tự hào về truyền thống và văn hoá của các dân tộc trong tỉnh.

Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng con người Yên Bái trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngày 09/6/2021, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện rất cụ thể, rõ ràng.

Về mục tiêu, Kế hoạch của Tỉnh ủy đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân và sự tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển; phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, yêu quê hương đất nước, thấm nhuần tinh thần dân tộc, vừa mang đặc trưng văn hóa con người Việt Nam, vừa thấm đậm nét riêng của con người Yên Bái…

Về mục tiêu cụ thể, Kế hoạch của Tỉnh ủy xác định xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần với 5 chuẩn mực: Thân thiện, Nhân ái, Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập với các yêu cầu là:

Thân thiện: Có lối sống gần gũi, niềm nở, tôn trọng, đối xử tốt, chân thành với người khác; luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi cần thiết; văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh.

Nhân ái: Biết yêu thương, tôn trọng mọi người, có lòng bao dung, vị tha, bảo vệ chân lý, lẽ phải; sống có nghĩa có tình, tương trợ giúp đỡ anh em, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và những người xung quanh; có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, luôn gắn kết với người khác trong tình yêu thương; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đoàn kết: Luôn có ý thức đoàn kết, liên kết, có trách nhiệm xây dựng và gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp sức cùng cộng đồng xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; bình đẳng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, gia đình với người khác và cộng đồng.

Sáng tạo: Chủ động nghiên cứu, tìm tòi cái mới, hữu ích từ thực tế công việc và cuộc sống; từ đó, mạnh dạn áp dụng trong học tập, lao động, sản xuất và cuộc sống để giải quyết công việc được nhanh chóng, đạt hiệu quả, năng suất, chất lượng cao.

Hội nhập: Luôn học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để nắm bắt thời cơ, chủ động tham gia các hoạt động và phát triển cùng cộng đồng; nỗ lực học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, hiểu biết pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, của tỉnh; tích cực, chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Kế hoạch của Tỉnh ủy đề ra 05 nhiệm vụ chung của các cấp ủy, chính quyền, ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội:

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh về các chuẩn mực con người Yên Bái thông qua nhiều hình thức, hướng mạnh về cơ sở, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Gắn nội dung nhiệm vụ xây dựng con người Yên Bái với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”  tạo sự đồng thuận giữa các tầng lớp nhân dân.

- Chú trọng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc.

- Phát động các phong trào thi đua xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phong trào thi đua tạo môi trường văn hóa, động lực tinh thần để mỗi người dân Yên Bái phấn đấu hoàn thiện, phát triển bản thân theo các chuẩn mực “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

- Hằng năm, tổ chức đánh giá việc thực hiện xây dựng con người Yên Bái theo các chuẩn mực đã xác định.

- Chú trọng triển khai thực hiện các nội dung giải pháp trọng tâm của Kế hoạch số 37-KH/TU được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ gắn với việc tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về xây dựng con người gắn với phát triển văn hóa; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm, lồng ghép với triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh về triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Tiếp tục triển khai các phong trào thi đua rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, địa phương về xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tạo môi trường văn hóa, động lực mới để mỗi người dân Yên Bái tự phấn đấu hoàn thiện bản thân theo 05 chuẩn mực: Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, tích cực cùng cộng đồng chung tay xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm, nhiệm vụ xây dựng các phẩm chất con người Yên Bái trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, xây dựng và phát huy các chuẩn mực của con người Yên Bái, tạo sự gắn kết giữa xây dựng con người và phát triển văn hóa. Nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của Kế hoạch số 37-KH/TU theo chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều hoạt động thiết thực theo từng nhóm đối tượng: Cán bộ, đảng viên; công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; doanh nhân và những người sản xuất kinh doanh; tri thức; công nhân; nông dân; thế hệ trẻ; phụ nữ.

Đối với cán bộ, đảng viên, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung; có uy tín cao và thực sự tiền phong, gương mẫu, nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Ngày thứ 7 cùng dân” góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, từng bước đẩy lùi bệnh quan liêu, xa dân và đã nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đối với công chức, viên chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao tinh thần gương mẫu, tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người thân và gia đình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chủ động tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng văn hóa công sở gắn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo tác phong lao động và làm việc văn minh, hiệu quả.

Đối với lực lượng vũ trang, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11, ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo, nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”, Thông tư số 27/2017/TT-BCA, ngày 22/8/2017 của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của công an nhân dân; Thông tư số 52/2012/TT-BCA, ngày 10/8/2012 của Bộ Công an quy định về xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an nhân dân” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Công an nhân dân học tập thực hiện 06 điều Bác Hồ dạy”; phong trào “Tuổi trẻ Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”  trong thanh niên lực lượng vũ trang... Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, “việc tử tế”; hình ảnh đẹp về những cán bộ, chiến sĩ Công an gương mẫu, tận tụy trong công việc, ứng xử văn hóa, vì nhân dân phục vụ.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xứng danh“Bộ đội Cụ Hồ”; thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 08/7/2016 của Quân ủy Trung ương về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”, phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện phong trào thi đua quyết thắng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đảng viên, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tỉnh có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh; luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao cảnh giác cách mạng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh xây dựng môi trường sinh thái, môi trường cảnh quan doanh trại đơn vị xanh, sạch, đẹp, nền nếp, chính quy. Chủ động đấu tranh chống ảnh hưởng văn hóa xấu độc, phản động, các âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân.

Thường xuyên tiến hành đánh giá việc triển khai việc chấp hành Điều lệ Quân nhân chuyên nghiệp; Điều lệnh Công an nhân dân; quy chế, quy trình công tác, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tại các đơn vị, xây dựng tác phong chính quy của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và xây dựng hình ảnh thân thiện của người cán bộ chiến sĩ trong lòng nhân dân, tổ chức bình xét các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc để kịp thời biểu dương, khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội.

Đối với doanh nhân và những người sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong khối doanh nghiệp, doanh nhân giai đoạn 2021-2025 với tinh thần: “Doanh nhân tài ba, quốc gia hưng thịnh”, “Tạo việc làm bền vững cho người dân là yêu nước”, “Làm giàu chân chính là yêu nước”,“Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái và Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động,phát huy nội lực của từng doanh nghiệp, tiếp tục phát triển Câu lạc bộ “Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Yên Bái”; Câu lạc bộ “Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái”, lồng ghép tuyên truyền các chuẩn mực con người Yên Bái trong sinh hoạt câu lạc bộ. Tổ chức hiệu quả chương trình “Ngày cuối tuần cùng doanh nghiệp”; tổ chức 04 chương trình "Cà phê doanh nhân" với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, định hướng mới của Trung ương, của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Đối với trí thức, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Triển khai Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 06/4/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Ðề án 11-ÐA/TU của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" năm 2022. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các trại sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sỹ; trao giải thưởng về văn học - nghệ thuật, tiếp tục phát động các cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích, tôn vinh trí thức có thành tích trong hoạt động văn học - nghệ thuật, khoa học và phát triển công nghệ.

Đối với công nhân, việc triển khai các quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế làm việc của doanh nghiệp trong đó có các chuẩn mực con người Yên Bái được các doanh nghiệp chú trọng thực hiện gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Đối với nông dân, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chú trọng duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tuân thủ hương ước, quy ước, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, hạn chế, xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh.

Đối với thế hệ trẻ, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2018-2022” của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn. Chủ động thực hiện các chương trình thanh niên, các đề án thanh niên tham gia phát triển kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện, cơ hội về việc làm cho thanh niên.

Đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, nhân rộng và triển khai đồng bộ mô hình “Trường học hạnh phúc”; “Lớp học hạnh phúc”, phát huy hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giáo dục cho thế hệ trẻ có hành vi ứng xử văn hóa, phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục đạo đức, thúc đẩy hình thành nhân cách con người và mỗi người tự hoàn thiện nhân cách.

Đối với phụ nữ, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Triển khai tốt các phong trào thi đua: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào "Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Phụ nữ nông thôn, đô thị tích cực thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp đỡ nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”; phong trào “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”....

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" để góp phần làm cho nhân tố con người được phát huy trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Công tác phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU về xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 10/5/2021 về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2021; Kế hoạch số 63-KH/TU ngày 25/02/2022 của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái năm 2022. Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào một trong số các chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

5. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội

Yên Bái là vùng đất được biết đến bởi những dấu ấn riêng biệt - đặc biệt về văn hóa. Trên 30 dân tộc trên mảnh đất Yên Bái anh hùng đều mang những bản sắc văn hóa riêng. Đó là vùng đồng bào Tày ở Yên Bình, Lục Yên; vùng đồng bào Dao ở Văn Yên; vùng đồng bào Thái ở khu vực cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ, Văn Chấn; vùng đồng bào Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải…

Hiểu được những giá trị của bản sắc văn hóa, đặc biệt là sức mạnh văn hóa trong quá trình phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa gắn với xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, tạo sức mạnh nội sinh cho sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Như vậy, giải pháp để Yên Bái đổi mới, phát triển cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh mềm của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (01 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 119 di tích cấp tỉnh); 574 di sản văn hóa phi vật thể (01 di sản được Unesco ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật Xòe Thái); 05 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên, Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, Hạn Khuống của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải; Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên). Triển khai sâu rộng các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tạo sự lan tỏa trong xã hội, khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các địa phương.

Xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được xếp hạng, ghi danh, công nhận để đưa vào danh mục bảo tồn và phát huy giá trị để tránh sự xuống cấp, mai một, thất truyền. Lựa chọn các di tích trọng điểm, đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm nâng tầm và làm giàu giá trị văn hóa tỉnh Yên Bái, gắn với phát triển du lịch, đẩy tự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai công tác lưu giữ sách cổ của các dân tộc. Bảo tàng tỉnh sưu tầm và lưu giữ hơn 200 cuốn sách cổ của các dân tộc Dao, Thái, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Thư viện tỉnh phục chế sách cổ của các dân tộc, số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số để lưu giữ và phục vụ bạn đọc tại địa chỉ website: Thuvientinhyenbai.gov.vn.

Triển khai công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số, các chương trình giao lưu giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái hằng năm nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc, động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, lựa chọn, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ quần chúng là người dân tộc thiểu số để tham gia các hội thi, hội diễn quy mô cấp khu vực và toàn quốc.

Triển khai hiệu quả công tác vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú", tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái.

Triển khai Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy hiệu quả Dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Phù Lá, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Tham mưu triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Triển khai Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - Khảo cổ học Hắc Y gắn với phát triển du lịch (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên) trong giai đoạn 2023-2025. Dự án Bảo tồn thôn văn hóa truyền thống tiêu biểu dân tộc Tày (huyện Lục Yên) (dự kiến hoàn thành vào năm 2025).

Đặc biệt lưu ý, việc khai thác, phát huy tài nguyên văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống cần đảm bảo nguyên tắc phát triển hài hòa, không tận dụng, khai thác triệt để giá trị kinh tế của văn hóa, không vì mục đích thương mại, lợi nhuận và mục tiêu phát triển nóng mà xâm hại đến cảnh quan, không gian di tích, di sản; không được làm biến dạng môi trường, môi sinh, nhất là đối với những khu văn hóa sinh thái, văn hóa thiên nhiên, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quán triệt sâu sắc quan điểm “chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hoá và các danh lam thắng cảnh” để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến đặc thù “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thương hiệu “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Chú trọng mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm:

 - Vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy (gồm các huyện Yên Bình và Lục Yên): Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ven hồ tại các xã Vũ Linh, Phúc An, Ngọc Chấn, Phúc Ninh, Xuân Lai, Yên Thành (huyện Yên Bình); các xã Khai Trung, Lâm Thượng, Mường Lai, Phan Thanh, Tân Lĩnh (huyện Lục Yên). Xây dựng các khu trưng bày và bán các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền như: Các loại đá quý và tranh đá, các loại nông sản đặc sản...

- Vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (gồm thành phố Yên Bái và phía nam của huyện Trấn Yên): Xây dựng khu biểu diễn nghệ thuật, nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng đủ điều kiện đăng cai các sự kiện, giải thể thao quy mô khu vực và quốc gia, các khu vực công viên vui chơi, giải trí, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương và du khách khi đến thành phố. Hình thành một số khu kinh doanh thương mại như chợ đêm, phố đi bộ để thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm, xây dựng sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng. Xây dựng hoàn chỉnh khu du lịch đầm Vân Hội - Đầm Hậu. Phát triển làng nghề truyền thống tại các vùng phụ cận thành điểm du lịch và cung cấp các sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách tham quan, mua sắm.

- Vùng du lịch miền Tây (gồm các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ): Tiếp tục tập trung khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc thiểu số; tập trung phát huy giá trị danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, nghệ thuật Xòe Thái…

Duy trì hoạt động thường niên các lễ hội theo hướng đổi mới phương thức nhưng vẫn bảo đảm giá trị truyền thống như: Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Hình thành một số khu kinh doanh thương mại chợ đêm, phố đi bộ tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải để giới thiệu, quảng bá văn hóa các dân tộc trong vùng.

- Vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên (gồm phía Bắc của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên): Phát triển loại hình du lịch tâm linh theo hướng chuyên nghiệp, duy trì Lễ hội Quế huyện Văn Yên, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Hình thành các điểm du lịch cộng đồng để bảo tồn, phát huy, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Dao, Tày, Phù Lá, Mông… trên địa bàn.

Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 1.500.000 lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm, chiếm khoảng 7% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ (không bao gồm các ngành dịch vụ công của Nhà nước); tạo việc làm cho khoảng 12.500 lao động. Đến năm 2030, đón trên 2.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 800.000 lượt khách, tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2030 đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 23,4%/năm, chiếm khoảng 12,8% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ.

Tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa. Phát triển tích cực hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa , nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa. Triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiếp tục xây dựng, thực hiện các hương ước, quy ước theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, lồng ghép các chuẩn mực con người Yên Bái vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố góp phần xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình tới làng, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đã góp phần hình thành, phát triển các giá trị văn hóa, xây dựng các phẩm chất của con người Yên Bái. Tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch. Phát huy bản sắc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đã khơi dậy và thúc đẩy ý chí quyết tâm của người dân Yên Bái trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, động viên, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo của nhân dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới góp phần phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người Yên Bái, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh. Triển khai thực hiện tiêu chí đánh giá “Gia đình hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chú trọng nhân rộng các mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình” trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về cơ sở. Hệ thống thư viện công cộng được củng cố, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin và tri thức, hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Yên Bái.

Chú trọng phát triển thể chất, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của con người Yên Bái thông qua việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Thực hiện dự án lắp đặt thiết bị tập luyện tập luyện thể thao ngoài trời đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân./.

2987 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h