Là bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên về quản lý, điều trị bệnh lao và các bệnh về phổi, thời gian qua, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái đã triển khai có hiệu quả công tác khám sàng lọc lao tại cộng đồng để thu dung người bệnh mắc lao vào điều trị kịp thời, phấn đấu năm 2030 chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Phổi tỉnh cùng các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái hướng dẫn bệnh nhân lao dùng thuốc tại nhà.
Mắc lao từ năm 2021, chị Nguyễn Thị Nụ ở thôn Lắc Mường, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên đã được khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh. Tại nhà, chị tiếp tục điều trị có sự hỗ trợ của Phòng khám Đa khoa khu vực Phong Dụ Hạ. Đến nay, chị Nụ khỏi bệnh.
Chị Nụ chia sẻ: "Được các y, bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chia sẻ, tôi đã khỏi bệnh lao. Tôi và người thân luôn kiểm tra sức khỏe”. Hiện nay, toàn tỉnh 50 bệnh nhân mắc lao đang được theo dõi, điều trị tại cộng đồng.
Ông Trịnh Văn Lum ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi có tiền sử viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lại mắc lao nên được cán bộ Trạm Y tế xã quan tâm, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc, theo dõi sức khỏe nên tôi rất yên tâm điều trị bệnh”.
Bác sĩ Phạm Thu Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tuy Lộc cho biết: "Đối với bệnh nhân mắc lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn… Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc”.
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức nhiều hoạt động của Chương trình phòng, chống lao tại cơ sở y tế trên toàn tỉnh; thực hiện giám sát định kỳ, giám sát chuyên đề tại các đơn vị. Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Từ tháng 7/2022, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm đem lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị. Đồng thời, cập nhật liên tục phác đồ điều trị hen - COPD theo hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Trung ương, hội chẩn từ xa với trung ương, với Bệnh viện Đa khoa tỉnh các ca bệnh khó, bệnh nhân có nhiều bệnh nền để không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn số ngày nằm viện, hạn chế chuyển viện, tăng tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân.
Chỉ tính năm 2022 và 2 tháng đầu năm, Bệnh viện đã điều trị cho trên 230 bệnh nhân lao; khám, sàng lọc cho trên 13.900 lượt người bệnh. Năm 2023, Bệnh viện đã có kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương khám, tư vấn, quản lý bệnh nhân hen - COPD trong toàn tỉnh, đồng thời sẽ triển khai thêm 11 kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh.
Y, bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh tầm soát lao tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Bạch Xuân Thủy - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế và Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Bệnh viện sẽ phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng với những đối tượng nguy cơ, chiến lược 2X (Xquang- X-pert) với sự trợ giúp của kỹ thuật nội soi phế quản và máy xét nghiệm Gene Xpert nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc lao, kể cả lao tiềm ẩn để đưa vào quản lý, điều trị.
Đối với việc điều trị, đơn vị kiểm soát thật tốt tất cả các trường hợp điều trị, đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ với các loại thuốc phối hợp, đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian có giám sát, đánh giá kết quả điều trị từng tháng không để bệnh nhân tiến triển thành lao kháng thuốc.
Ngoài các thể lao phổi, lao màng phổi, Bệnh viện cũng có kế hoạch cụ thể để phát hiện quản lý, điều trị các thể lao ngoài phổi (lao màng não, lao xương, lao cột sống...), lao đồng nhiễm HIV, lao trẻ em, lao trên các bệnh nền mãn tính...
Đồng thời, tăng cường truyền thông kiến thức về phòng, chống bệnh lao trong toàn tỉnh bằng nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau giúp cho người dân hiểu biết hơn về bệnh lao để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tránh lây lan và mắc bệnh lao. Người dân khi có những biểu hiện nghi mắc lao như: gầy sút cân không rõ nguyên nhân, kém ăn, ra mồ hôi trộm, ho kéo dài trên 15 ngày hoặc viêm nhiễm đường hô hấp điều trị kháng sinh không hiệu quả..., hãy đến khám tổng quát, sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao, điều trị sớm mang lại kết quả tốt nhất, tránh mọi biến chứng có thể xảy ra!
2327 lượt xem
Theo Báo Yên Bái
Là bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên về quản lý, điều trị bệnh lao và các bệnh về phổi, thời gian qua, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái đã triển khai có hiệu quả công tác khám sàng lọc lao tại cộng đồng để thu dung người bệnh mắc lao vào điều trị kịp thời, phấn đấu năm 2030 chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh.Mắc lao từ năm 2021, chị Nguyễn Thị Nụ ở thôn Lắc Mường, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên đã được khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh. Tại nhà, chị tiếp tục điều trị có sự hỗ trợ của Phòng khám Đa khoa khu vực Phong Dụ Hạ. Đến nay, chị Nụ khỏi bệnh.
Chị Nụ chia sẻ: "Được các y, bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chia sẻ, tôi đã khỏi bệnh lao. Tôi và người thân luôn kiểm tra sức khỏe”. Hiện nay, toàn tỉnh 50 bệnh nhân mắc lao đang được theo dõi, điều trị tại cộng đồng.
Ông Trịnh Văn Lum ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi có tiền sử viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lại mắc lao nên được cán bộ Trạm Y tế xã quan tâm, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc, theo dõi sức khỏe nên tôi rất yên tâm điều trị bệnh”.
Bác sĩ Phạm Thu Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tuy Lộc cho biết: "Đối với bệnh nhân mắc lao phác đồ điều trị từ 1 đến 3, sau khi điều trị liều tấn công ở bệnh viện đã ổn, bệnh nhân được ra viện và về nhà tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thấy điều trị tại viện đã đỡ, không tuân thủ điều trị theo phác đồ, bỏ dở điều trị hoặc quên không dùng thuốc theo hướng dẫn… Việc này rất nguy hiểm vì nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng cũng như có dẫn đến lao kháng thuốc”.
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức nhiều hoạt động của Chương trình phòng, chống lao tại cơ sở y tế trên toàn tỉnh; thực hiện giám sát định kỳ, giám sát chuyên đề tại các đơn vị. Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Từ tháng 7/2022, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm đem lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị. Đồng thời, cập nhật liên tục phác đồ điều trị hen - COPD theo hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Trung ương, hội chẩn từ xa với trung ương, với Bệnh viện Đa khoa tỉnh các ca bệnh khó, bệnh nhân có nhiều bệnh nền để không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn số ngày nằm viện, hạn chế chuyển viện, tăng tỷ lệ điều trị khỏi cho bệnh nhân.
Chỉ tính năm 2022 và 2 tháng đầu năm, Bệnh viện đã điều trị cho trên 230 bệnh nhân lao; khám, sàng lọc cho trên 13.900 lượt người bệnh. Năm 2023, Bệnh viện đã có kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương khám, tư vấn, quản lý bệnh nhân hen - COPD trong toàn tỉnh, đồng thời sẽ triển khai thêm 11 kỹ thuật mới để phục vụ người bệnh.
Y, bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh tầm soát lao tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Bạch Xuân Thủy - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh, thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế và Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Bệnh viện sẽ phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng với những đối tượng nguy cơ, chiến lược 2X (Xquang- X-pert) với sự trợ giúp của kỹ thuật nội soi phế quản và máy xét nghiệm Gene Xpert nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc lao, kể cả lao tiềm ẩn để đưa vào quản lý, điều trị.
Đối với việc điều trị, đơn vị kiểm soát thật tốt tất cả các trường hợp điều trị, đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ với các loại thuốc phối hợp, đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian có giám sát, đánh giá kết quả điều trị từng tháng không để bệnh nhân tiến triển thành lao kháng thuốc.
Ngoài các thể lao phổi, lao màng phổi, Bệnh viện cũng có kế hoạch cụ thể để phát hiện quản lý, điều trị các thể lao ngoài phổi (lao màng não, lao xương, lao cột sống...), lao đồng nhiễm HIV, lao trẻ em, lao trên các bệnh nền mãn tính...
Đồng thời, tăng cường truyền thông kiến thức về phòng, chống bệnh lao trong toàn tỉnh bằng nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau giúp cho người dân hiểu biết hơn về bệnh lao để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, tránh lây lan và mắc bệnh lao. Người dân khi có những biểu hiện nghi mắc lao như: gầy sút cân không rõ nguyên nhân, kém ăn, ra mồ hôi trộm, ho kéo dài trên 15 ngày hoặc viêm nhiễm đường hô hấp điều trị kháng sinh không hiệu quả..., hãy đến khám tổng quát, sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao, điều trị sớm mang lại kết quả tốt nhất, tránh mọi biến chứng có thể xảy ra!