Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Yên Bái tham dự Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030

20/04/2023 13:33:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 20/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái .

Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ảnh Chinhphu.vn)

Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.

Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp-xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc-Nam, hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3-5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế-xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (ảnh Chinhphu.vn)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng QHTTQG đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KTXH và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển KTXH của cả nước). Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đó là: Phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện QHTTQG của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Bộ, cơ quan Trung ương và của địa phương mình; kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình.

Ngay sau Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trọng việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu kinh nghiệm và những vướng mắc, hạn chế trong quá trình lập quy hoạch. Lập quy hoạch là công việc lần đầu tiên thực hiện với nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, trong quá trình triển khai không tránh khỏi những hạn chế.

Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng, nỗ lực, xem nhiệm vụ lập quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần thực hiện trong năm 2023; nhanh chóng giải quyết các vướng mắc; các địa phương theo dõi và chỉ đạo sát sao, nỗ lực và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ nhưng phải nâng cao chất lượng quy hoạch, có giải pháp phù hợp, khả thi, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu về quy hoạch; tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời, thống nhất, chính xác. Đối với việc thực hiện các chính sách phải đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách đảm bảo tính thống nhất đồng; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác lập quy hoạch; đổi mới công tác thẩm định của hội đồng thẩm định…

2827 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h