Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bình phát triển làng nghề gắn với du lịch

16/05/2023 20:09:14 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Là mảnh đất có nhiều tiềm năng du lịch với những bản sắc văn hoá riêng biệt, thời gian qua, để phát triển du lịch làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa, huyện Yên Bình đã tập trung quy hoạch làng nghề, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử gắn hoạt động tham quan du lịch trải nghiệm với việc mua sắm các sản phẩm làng nghề.

Làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm xã Phúc An là làng nghề đầu tiên được công nhận của huyện Yên Bình

Nằm sát ven hồ Thác Bà, người dân thôn Đồng Tâm xã Phúc An đã gắn bó với nghề đan rọ tôm từ nhiều đời nay. Từ việc đan rọ tôm kiếm kế sinh nhai, giờ đây đan rọ tôm đã trở thành nghề làm giàu của nhiều hộ dân trong thôn. Tới thăm gia đình bà Trần Thị Chinh, một trong những hộ có thâm niên làm nghề đan rọ tôm của thôn Đồng Tâm, trước sân nhà bà phơi đủ các loại: giang, tre, nứa, thân rọ và hom rọ. Bà Chinh cho biết: “Nghề này được cái dễ làm. Từ trẻ con đến người già, ai cũng làm được mà thu nhập lại khá đối với nông dân. Trước đây nghề đan rọ tôm chỉ rầm rộ nhất vào tháng 6 dương lịch đến hết tháng 12 rồi thưa dần cho đến vụ xuân. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển đã có nhiều đoàn du khách đến tham quan trải nghiệm đan và mua rọ tôm mang về làm kỷ niệm nên chúng tôi có việc làm quanh năm”.

Toàn xã phúc An có 80% số hộ là nghề đan rọ tôm, tuy nhiên nơi khởi nguồn và có số hộ đan rọ nhiều nhất là thôn Đồng Tâm. Năm 2017 thôn Đồng Tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp giấy công nhận làng nghề mở ra hướng phát triển mới cho sản phẩm rọ tôm của Phúc An. Ngày nay, sản phẩm rọ tôm không chỉ trở thành hàng hóa có "thương hiệu" của xã Phúc An, mà đây còn là sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của huyện Yên Bình mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Ngày nay, dù cho cuộc sống hiện đại đã lan tỏa đến những bản làng vùng cao, đường bê tông trải dài khắp ngõ xóm. Đồng bào Dao ở Yên Thành cũng có thể xuống chợ hoặc có thể đặt hàng online để mua vải dệt công nghiệp về may quần áo... Nhưng những người phụ nữ dân tộc Dao quần trắng ở Yên Thành vẫn dành thời gian để tự tay mình thêu những bộ trang phục truyền thống. Bởi với họ từng đường kim mũi chỉ là gửi gắm vào đó tình yêu với bản sắc của dân tộc mình và sự chân trọng nghề truyền thống đã được  thế hệ đi trước truyền lại. Bà Lê Thị Thương, thôn Trung Tâm xã Yên Thành chia sẻ: “Tôi được  mẹ dạy thêu và làm bộ trang phục người Dao quần trắng từ khi mới 10 tuổi. Đã hơn 30 năm, tôi luôn trân trọng, gìn giữ nghề thêu của người Dao. Với phụ nữ người Dao chúng tôi ai cũng phải biết thêu để tự tay may trang phục cô dâu khi xuất giá  đồng thời đây cũng là cách mà chúng tôi giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Không chỉ giữ nghề thêu cho riêng mình mà tôi còn truyền dạy lại cho các con cháu  để gìn giữ bản sắc dân tộc”.

Phụ nữ Dao quần trắng xã Yên Thành tự tay thêu trang phục truyền thống

Xã Yên Thành, nơi có 95 % đồng bào dân tộc Dao quần trắng sinh sống, còn lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao quần trắng như: lễ cấp sắc, chữ nôm dao hay các điệu múa truyền thống...  Bà Vi Thị Thắm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành cho hay: “Để bảo tồn phát huy giá trị văn hoá các dân tộc gắn với phát triển du lịch, những năm gần đây xã Yên Thành đã chú trọng khôi phục bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy cho thế hệ trẻ về văn hoá truyền thống như học tiếng nói, chữ viết, các điệu múa hát truyền thống, làm quen với nghề thủ công như thêu, dệt… Qua đó đã bồi đắp tình yêu văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ. Ngày nay, các nét đẹp văn hoá của người Dao Yên Thành đã được du khách thập phương biết đến thông qua các hoạt động như: việc trưng bày không gian văn hoá, tham gia hoạt động con đường sắc màu văn hoá tại Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, hội diễn nghệ thuật quần chúng trình diễn trang phục các dân tộc…

Huyện Yên Bình hiện có hơn 11 vạn người gồm 5 dân tộc chính là  Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đoàn kết sinh sống ở 22 xã và 2 thị trấn. Chứa đựng trong mình những nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng sông Chảy và các lớp trầm tích về văn hóa tâm linh như đình Khả Lĩnh, chùa Phúc Hoà, đền mẫu Thác Bà... đã đưa Yên Bình trở thành một trong 3 vùng văn hóa đặc sắc của tỉnh Yên Bái gắn liền trong tổng thể di tích quốc gia hồ Thác Bà. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch những năm gần đây bên cạnh việc  khôi phục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ độc đáo của đồng bào các dân tộc. Yên Bình còn quan tâm khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm. Ngoài Làng nghề đan rọ tôm ở thôn đồng tâm xã Phúc An đã được công nhận, hiện nay Yên Bình đã xây dựng một số làng nghề đó là: làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh), làng du lịch sinh thái Đồng Tý (xã Phúc An), làng nghề dệt, thêu thổ cẩm; làng nghề làm nhà sàn của người Dao quần trắng xã Yên Thành; làng nghề đan lát tại xã Phúc Ninh... Những điểm đến trên hàng năm đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, các làng nghề phát triển còn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi của du khách; một số sản phẩm còn bị tư thương ép giá, giá không ổn định, không có thị trường tiêu thụ...

Để Yên Bình thực sự có những làng nghề đạt chuẩn tiêu chí theo quy định và hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế của huyện nói chung, trong thời gian tới huyện Yên Bình đã có những giải pháp cụ thể. Theo đó, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Tập trung phát triển các làng nghề hiện có song song với nâng cấp, mở rộng và hình thành các làng nghề mới, phục dựng các nghề có truyền thống lâu đời theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tạo sinh kế và sự phát triển bền vững cho người dân làm nghề. Xác định hướng đi cụ thể, chi tiết gắn với liên kết chuỗi và thị trường đích cho từng sản phẩm của mỗi làng nghề. Cùng với đó, quan tâm, phát triển dịch vụ du lịch, các sản phẩm du lịch mới hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch của huyện theo chiều sâu như: du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, homestay, vui chơi, giải trí, sinh thái… theo hướng kết nối các tour, tuyến, góp phần đưa du lịch của huyện phát triển bền vững.

Có thể khẳng định, du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hoá và mua sắm những hàng hoá của các làng nghề. Từ những sản phẩm tiêu dùng trong đời sống đến chuyển hướng sáng tạo thành những sản phẩm nghệ thuật, phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng. Việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch làng nghề là bước đi đúng đắn góp phần để Yên Bình nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái đưa du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói của nền kinh tế địa phương./.

1858 lượt xem
CTV: Hồng Giang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h