Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Những kết quả bước đầu xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái

23/06/2023 15:39:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục và đào tạo, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng giáo dục và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Từ năm 2021 đến nay, việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã được đưa vào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái hằng năm của Tỉnh ủy; vận dụng sáng tạo các tiêu chí mô hình “Trường học hạnh phúc” của UNESCO (lấy cảm hứng từ mô hình Happy School), tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% trường học triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và từ năm 2021 đến nay, việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã được đưa vào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm; phát động phong trào thi đua xây dựng trường học hạnh phúc trong toàn ngành; hướng dẫn khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng Trường học hạnh phúc; lồng ghép chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc trong các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành; đưa nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc vào biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời nghiêm túc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, định hướng, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân, cụ thể hóa và triển khai phù hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào “Thầy cô thay đổi - Trường học hạnh phúc” và “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”... với mong muốn góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh.

Trong năm đầu triển khai (năm học 2021 - 2022), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, lựa chọn 04 trường tại thành phố Yên Bái để thực hiện thí điểm (trường mầm non Thực hành, trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường THCS Quang Trung và trường THPT Nguyễn Huệ).

Chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo các tiêu chí “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”. Tổ chức cuộc thi “Trường học xanh, sạch đẹp, an toàn và thân thiện” tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các đơn vị trường học và trong cộng đồng thu hút được nhiều người quan tâm. Qua cuộc thi, các trường học đã tích cực cải tạo, sửa chữa khuôn viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tăng cường chăm sóc cây xanh, tạo nhiều không gian vui chơi và học tập cho học sinh phù hợp với từng cấp học. Nhiều nhà trường đã triển khai xây dựng “phòng chờ hạnh phúc” tạo không gian thư giãn sau mỗi giờ nghỉ giải lao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (Mầm non Suối Giàng, Mầm non Thượng Bằng La, TH&THCS Thượng Bằng La, Tiểu học Sơn Lương huyện Văn Chấn; Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái; Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Kiên Thành, TH&THCS Hòa Cuông, Tiểu học thị trấn, THCS thị trấn cổ Phúc huyện Trấn Yên;...), đặc biệt các trường trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã sáng tạo trang trí phòng chờ, lớp học gắn với mô hình “Sắc màu văn hóa các dân tộc Mường Lò”.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt công tác chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được phát huy năng lực sở trường, sự sáng tạo của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng bầu không khí tâm lý thuận lợi, tập the sư phạm đoàn kết trong từng đơn vị.

Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình trường học gắn với thực tiễn, cụ thể hóa mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Tiêu biểu như mô hình “Trường học du lịch” ở các trường: Phổ thông DTNT THCS Mù Cang Chải, TH&THCS Hoàng Văn Thụ, TH&THCS Sơn A, TH&THCS Lê Hồng Phong (thị xã Nghĩa Lộ), trường THCS Tú Lệ, trường TH&THCS Suối Giàng (Văn Chấn); mô hình “Trường học nông trại” ở trường Phổ thông DTNT THCS và trường Phổ thông DTBT TH An Lương (Văn Chấn), Phổ thông DTNT THPT Miền Tây.

Quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương: Thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tổ chức cho học sinh được tham quan, học tập tại các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Trong năm học 2021 - 2022, đã có 93 lượt trường học và các đoàn học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh với gần 14 nghìn lượt học sinh đã tham quan, học tập và tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Xây dựng thành công mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” ở các trường thuộc thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên... Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú hoặc thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian trong nhà trường.

Các cơ sở giáo dục đã chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch bài dạy, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triến năng lực của học sinh phù hợp với đối tượng học sinh. Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, đã đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực. Coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập; đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” (theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg, ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chỉnh phủ); Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (Thông tư số 06/2019/TT- BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ GD&ĐT); bổ sung 05 chuẩn mực về con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường. Các cơ sở giáo dục đã có nhiều giải pháp để chia sẻ, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn như phát động phong trào “Cùng em đến trường”, “Hành trình địa chỉ đỏ”, “Nuôi heo đất”, “Tương thân tương ái”; các thầy giáo, cô giáo nhận đỡ đầu những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa...

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 168 cơ sở giáo dục đăng ký xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; các nhà trường còn lại cũng tích cực triển khai xây dựng mô hình, phấn đấu đạt được những tiêu chí phù hợp trong bộ tiêu chí tạm thời. Căn cứ kết quả đạt được của các đơn vị, Sở GD&ĐT đã ban hành Quyết định công nhận 165 trường đạt tiêu chuẩn “Trường học hạnh phúc”, đạt tỷ lệ 37,5%, vượt 3,5% so với chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh.

Năm học 2022 - 2023, phong trào xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tiếp tục được triển khai nhân rộng, toàn tỉnh có 288 trường đăng ký triển khai mô hình, tăng 123 trường so với năm trước, tỷ lệ đạt 62,3%. Trong đó, việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được các trường quan tâm thực hiện; đặc biệt có 09 trường THPT đăng ký thực hiện dự án và đề tài nghiên cứu về văn hóa địa phương, qua đó đề ra các giải pháp tích cực, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Để việc xây dựng trường học hạnh phúc đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc tham mưu xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về đánh giá trường học hạnh phúc. Trong đó, quy định cụ thể quy trình đánh giá, mức độ đánh giá và tổ chức khảo sát bằng phiếu đối với cán bộ quản lý, giáo viên; phụ huynh học sinh; học sinh (không khảo sát mầm non)…

Qua kết quả đạt được, có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục và đào tạo, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng giáo dục và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Từ phong trào xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, cơ sở vật chất, môi trường, cảnh quan khuôn viên nhà trường có nhiều sự thay đổi theo hướng thân thiện, thoáng mát, có nhiều không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm hứng cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khi tham gia giảng dạy, học tập tại nhà trường; các phong trào thi đua đối mới, sáng tạo trong dạy học được triển khai đồng bộ, rõ nét hơn; cách ứng xử của thầy cô, của học sinh có nhiều thay đổi tích cực; khoảng cách giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa thầy cô với học sinh, giữa gia đình với nhà trường... ngày càng được rút ngắn lại, gần gũi hơn, thân thiện hơn (khi đi qua các trường học có lúc sẽ bắt gặp đâu đó các hình ảnh rất đời thường như thầy, cô giáo đang gội đầu, cắt tóc, chải đầu, buộc tóc, chăm sóc... cho học sinh nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười hạnh phúc... lúc này các thầy, các cô đúng như là người cha, người mẹ của các em học sinh).

Những kết quả bước đầu đạt được trong xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc trong thời gian qua sẽ là tiền đề, là động lực để ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

1905 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h