CTTĐT - Con tàu 561 đưa đoàn công tác số 12 cưỡi sóng, vượt gió đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, với hải trình dừng chân tại các đảo Đá Nam, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/9. Trong trái tim chúng tôi đều trào dâng cảm xúc vinh dự, tự hào vì lần đầu được đến với Trường Sa.
.
Cùng với rất nhiều món quà ý nghĩa mà đoàn công tác tỉnh Yên Bái mang theo dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, hành trang tôi mang theo là một hộp đất nhỏ đựng ít đất quê hương, một số gói hạt rau giống, một ít kẹo xanh đỏ sắc màu cho bọn trẻ. Thật ngỡ ngàng khi đặt chân lên đảo, trước mắt tôi là một màu xanh đầy sức sống bởi những hàng phi lao, bàng vuông, phong ba. Tôi dường như quên mất sự mệt mỏi của hải trình hàng trăm hải lý, cảm giác say sóng ngất ngây, cái nóng tháng năm bỏng rát mang theo vị mặn mòi của những cơn gió biển. Một cảm giác thật gần gũi, thân thương, cảm xúc dâng trào như trở về quê hương, khi bắt gặp mái chùa cong vút hiện lên dưới bóng cây xanh, bóng dáng ngôi chùa quen thuộc, gần gũi như hình ảnh cây đa bến nước sân đình của làng quê Bắc Bộ trên đất liền; tiếng chuông chùa ngân nga, ngân nga, thanh bình, yên ả. Hiện tại quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa, ngôi chùa tôi đến thăm nằm trên đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Trường Sa lớn là những ngôi chùa thật đẹp. Đây không chỉ là điểm tựa tinh thần cho quân, dân trên đảo đến chiêm bái, vơi bớt nỗi nhớ đất liền, mà là những cột mốc tâm linh, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Lũ trẻ nhỏ ùa đến, nô đùa ríu rít đón nhận những viên kẹo nhỏ lấp lánh sắc màu, ôm chúng vào lòng, bẹo đôi má xinh xinh rám màu nắng biển, tôi ước gì mình mang được nhiều quà, nhiều đồ chơi, cả những cây kem mát lạnh cho bọn trẻ. Lớp học trên đảo cũng khá đầy đủ, khang trang, hiện Trường Sa có ba trường học là Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Những người thầy nơi đây cũng rất đặc biệt, lớp học ghép, các bạn nhỏ theo lứa tuổi, chương trình khác nhau, nên các thầy phải vất vả hơn nhiều.
Thầy Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa chia sẻ: Được đi dạy tại Trường Sa là một niềm tự hào, tôi thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương bằng cách viết đơn tình nguyện ra đảo, không chỉ dạy chữ mà yêu thương, chăm chút những đưa trẻ nơi đây như con của mình. Giữa biển cả mêng mông, tiếng ê a học bài, tiếng hát vang vang của trẻ thơ sao đáng yêu đến thế: “Quê em ở Trường Sa/ những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…
Qua lời giới thiệu của anh lính đảo, tôi tìm đến một cây bàng vuông cổ thụ, đổ vào đó chút đất tôi mang theo từ đất liền, dịu dàng đất mẹ nơi núi non cao được hòa cùng lớp đất mạnh mẽ, kiên cường đá sỏi nơi hải đảo xa xôi. Một cảm xúc thật lạ trào dâng nơi trái tim, tôi bất giác nghĩ đến mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, thấy tự hào biết bao dòng máu con lạc cháu hồng; núi non là mẹ, biển cả là cha, là quê hương tôi đấy, như máu thịt yêu thương không thể tách rời.
Thật khó tưởng tượng giữa trùng khơi đầy nắng gió, mùa mưa chịu trên 10 cơn bão quét qua, nhưng Trường Sa vẫn hiên ngang trong bão tố. Những chiến sĩ đang trấn giữ phên dậu của Tổ quốc, dù phải nâng niu từng giọt nước ngọt quý giá vẫn chắt chiu chăm bón những luống rau xanh tốt, những giàn bầu, bí, mướp trĩu quả để giúp cho mỗi tấc đất, hòn đảo giữa biển khơi thêm sức sống mới, đủ đầy và mạnh mẽ hơn.
Tặng hạt rau giống cho đồng chí Lý Quốc Bắc, thượng úy, trạm Rađa trung đoàn 292, thuộc sư đoàn 377, người con của quê hương Yên Bái đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Thật xúc động và bất ngờ khi vừa kết thúc hải trình về đất liền, đồng chí Bắc đã thông tin “Đồng chí ơi những hạt rau giống đã nảy mầm rồi đấy”. Cảm xúc vui khó tả, khi tưởng tưởng chỉ ít ngày nữa thôi, trêm mâm cơm buổi chiều của người lính đảo sẽ có một đĩa rau xanh mướt được gieo trồng từ hạt giống gửi tặng từ Yên Bái xa xôi. Trong lòng tôi cứ ngân nga câu hát: Không có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/Như đã vững bền, như đã tốt tươi.
Đến với Trường Sa, dường như mỗi người đều trở thành “ca sĩ”, cùng với những cây văn nghệ nòng cốt, các thành viên trong đoàn đều hòa chung giai điệu ngợi ca quê hương đất nước. Chúng tôi hát mọi nơi có thể, buổi sáng sớm trên boong tàu chào đón bình minh hay buổi chiều hoàng hôn dần xuống biển, cả khi nấu ăn, rửa bát cùng chiến sĩ. Đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa đúng vào ngày sinh nhật Bác đem lại cảm xúc không thể nào quên. Giữa đại dương mêng mông tiếng saxophone “Tổ quốc gọi tên mình” hòa quyện cùng tiếng sóng biển cứ ngân lên tha thiết. Tiết mục xòe Thái của Yên Bái thật ấn tượng, tất cả chiến sỹ, quân dân trên đảo cùng nắm tay nhau chung nhịp kết đoàn, vòng xòe hoa cứ dài thêm mãi, những cái nắm tay thật chặt như không muốn rời xa. Mỗi ca khúc được cất lên từ trái tim đều mang hơi ấm đất liền, là sợi dây đặc biệt, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, là động lực giúp cán bộ, chiến sỹ vững chắc tay súng giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trước khi đến với Trường Sa, được nghe nhắc nhiều về lễ tưởng niệm các đồng chí hy sinh và mất tích trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa. Và khi hòa chung cảm xúc của gần 300 đại biểu trên tàu 561, chúng tôi đã khóc thật nhiều, bất chợt câu thơ “35 năm Gạc Ma lịch sử, họng súng vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng”, làm trái tim tôi quặt thắt. 35 năm đã qua kể từ ngày các chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, vẫn trăn trở, đau đáu một nỗi niềm, các anh vẫn còn nằm lại nơi đây, để trở thành 64 bông hoa đỏ thắm giữa ngàn dặm biển xanh đầy bão tố, “Các đồng chí đã hóa sóng ngàn năm xô bờ đất mẹ, hóa màu xanh cho đất nước thanh bình, hóa dân tộc trong tinh thần bất khuất, hóa Tổ quốc trong ý chí kiên trung”. Hơn bao giờ hết tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc lớn lao đến thế. Chúng tôi rưng rưng thắp nén hương thơm, thả ngàn hạc giấy, cùng những bông cúc vàng, mắt hướng về đảo Gạc Ma. Một chị ở cùng phòng B9 với tôi thốt lên: mọi người nhìn kìa, những bông hoa kết thành hình chữ S đấy. Một cảm xúc nghẹn ngào, vòng hoa mang ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ lá cờ Tổ quốc sáng rực lên trong ráng chiều của biển, cứ quấn lấy mạn tàu như không muốn rời xa.
Nhà giàn DK1 sừng sững hiện ra như pháo đài thép vững chắc trên biển, mặc dù đồng chí chỉ huy cảnh báo, sóng lớn và những ai sợ độ cao cần cân nhắc khi lên nhà giàn. Nhưng ai cũng quyết tâm, muốn được một lần đặt chân lên cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Sau nhiều lần tiếp cận, tôi và đoàn công tác cũng lên tới nhà giàn, chút lo lắng như tan biến khi bắt gặp ánh mắt khích lệ của những người lính đảo. Anh lính trẻ với nụ cười thân thiện, mang đến cho tôi một hộp sữa chua, cảm giác sao mà ấm áp, thân thương đến thế. Theo chân chiến sỹ, tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của các anh, mặc dù không gian chật hẹp, nhưng đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Nhà giàn DK1 được trang bị máy lọc nước biển để cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác rau xanh, có cả hệ thống điện năng lượng mặt trời; tôi dũng cảm leo lên tận sân thượng để tận mắt thấy bãi đậu trực thăng trên Nhà giàn DK1, thật xúc động, tự hào khi ngắm người chiến sĩ bồng súng hiên ngang đứng canh biển trời Tổ quốc. Giống như khi lên đảo An Bang, Đá Nam, Đá Thị tôi cảm phục vô cùng khi thấy những hộp rau xanh tốt đủ các loại được các anh tận dụng trồng ở những nơi có thể như mép hành lang, lan can; nắng biển chiều như dịu lại khi bắt gặp hình ảnh chiến sĩ ngồi đọc báo dưới cây dừa nhỏ, xanh mướt được đặt ngay trên sàn tầng 2 nhà giàn. Mặc dù các nhà giàn, trạm dịch vụ kinh tế - khoa học, kỹ thuật (gọi tắt là DK) đã có nhiều cải tiến, nhưng những chiến sỹ trên nhà giàn là những người lính phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ nhất về điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần.
Đứng giữa con đường rộng thênh thênh lộng gió, dưới chân cột cờ Trường Sa sừng sững ghi dấu mốc chủ quyền biển đảo, sao thấy thân thương quá đỗi. Hát quốc ca chào cờ trên đảo Trường Sa, tôi lại liên tưởng đến tiếng hát hào hùng được vang lên từ những buổi sáng chào cờ trên quê hương tôi. Yên Bái quê tôi cũng có cột cờ Trường Sa như thế, được xây lên ngay trên sân trường tiểu học và THCS xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, cột mốc được xây lên bằng tình yêu biển đảo. Biết bao buổi sáng chào cờ các em đã hát vang bài quốc ca dưới chân cột cờ, ngồi dưới chân cột cờ vẽ những bức tranh thật đẹp, nắn nót viết thư, gửi gắm tình cảm yêu thương đến các chú hải quân nơi hải đảo xa xôi. Những đứa trẻ ở nơi non cao này, dù chưa một lần đến với Trường Sa, nhưng đã thấy biển đảo quê mình gần gũi, thân thuộc lắm. Từ trong tiềm thức, từ sâu thẳm trái tim, các em đều biết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩa tình Yên Bái - Trường Sa được gửi gắm qua những món quà ý nghĩa, những cánh thư nhỏ, những món quà quê như măng, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạc đỏ, tai chua… được đóng hộp cẩn thận gửi tặng chiến sỹ nơi đảo xa. Nhiều hoạt động ý nghĩa từ phong trào “xuân biên giới - tết hải đảo”, “nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “vì biển đảo quê hương”. Người dân Yên Bái tự hào khi góp sức ủng hộ quân chủng Hải Quân đóng xuồng CQ mang tên Yên Bái. Và Yên Bái cũng được đón nhận thật nhiều tình cảm của chiến sỹ, từ năm 2019 thực hiện chương trình phối hợp với Cục Chính trị Hải quân, đã có gần 20 nhà đại đoàn kết của người dân Yên Bái được xây lên từ tấm lòng của những người chiến sỹ Hải Quân. Qua hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng do quân chủng Hải Quân thực hiện, người dân Yên Bái hiểu hơn về biển đảo quê hương, nhiều bạn trẻ háo hức dự tuyển vào Học viện Hải Quân, nhiều người con Yên Bái đã xung phong đến hải đảo xa xôi, góp sức mình bảo vệ bình yên biển trời Tổ quốc. Không xa đâu Trường Sa ơi, vì triệu triệu trái tim trên đất nước này, trong đó có người dân Yên Bái chúng tôi luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cùng gìn giữ không gian sinh tồn và phát triển, xây dựng Trường Sa ngày thêm vững bền, mạnh mẽ, sinh sôi.
“Tạm biệt Trường Sa”- “tạm biệt đất liền”, “cả nước vì Trường Sa”-“Trường Sa vì Tổ quốc”, lời tạm biệt cũng là lời hứa quyết tâm cứ vang lên theo những cánh tay dài vẫy mãi. Trong trái tim tôi mãi ngàn con sóng vỗ, cùng chung nhịp đập yêu thương của tình yêu tổ quốc, của máu thịt Trường Sa không thể tách rời. Cảm ơn những hòn đảo xinh đẹp, nụ cười trìu mến, tình cảm thân thương, những giọt mồ hôi nóng bỏng trên vai người lính đảo đã cho tôi hiểu hơn về giá trị đích thực của cuộc sống thanh bình. Cảm ơn con tàu 561 đã gắn kết tình cảm giữa những người con khắp mọi miền Tổ quốc, trở nặng nghĩa tình Yên Bái - Trường Sa.
2212 lượt xem
CTV: Thúy Mùi - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Con tàu 561 đưa đoàn công tác số 12 cưỡi sóng, vượt gió đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, với hải trình dừng chân tại các đảo Đá Nam, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/9. Trong trái tim chúng tôi đều trào dâng cảm xúc vinh dự, tự hào vì lần đầu được đến với Trường Sa.Cùng với rất nhiều món quà ý nghĩa mà đoàn công tác tỉnh Yên Bái mang theo dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, hành trang tôi mang theo là một hộp đất nhỏ đựng ít đất quê hương, một số gói hạt rau giống, một ít kẹo xanh đỏ sắc màu cho bọn trẻ. Thật ngỡ ngàng khi đặt chân lên đảo, trước mắt tôi là một màu xanh đầy sức sống bởi những hàng phi lao, bàng vuông, phong ba. Tôi dường như quên mất sự mệt mỏi của hải trình hàng trăm hải lý, cảm giác say sóng ngất ngây, cái nóng tháng năm bỏng rát mang theo vị mặn mòi của những cơn gió biển. Một cảm giác thật gần gũi, thân thương, cảm xúc dâng trào như trở về quê hương, khi bắt gặp mái chùa cong vút hiện lên dưới bóng cây xanh, bóng dáng ngôi chùa quen thuộc, gần gũi như hình ảnh cây đa bến nước sân đình của làng quê Bắc Bộ trên đất liền; tiếng chuông chùa ngân nga, ngân nga, thanh bình, yên ả. Hiện tại quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa, ngôi chùa tôi đến thăm nằm trên đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Trường Sa lớn là những ngôi chùa thật đẹp. Đây không chỉ là điểm tựa tinh thần cho quân, dân trên đảo đến chiêm bái, vơi bớt nỗi nhớ đất liền, mà là những cột mốc tâm linh, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Lũ trẻ nhỏ ùa đến, nô đùa ríu rít đón nhận những viên kẹo nhỏ lấp lánh sắc màu, ôm chúng vào lòng, bẹo đôi má xinh xinh rám màu nắng biển, tôi ước gì mình mang được nhiều quà, nhiều đồ chơi, cả những cây kem mát lạnh cho bọn trẻ. Lớp học trên đảo cũng khá đầy đủ, khang trang, hiện Trường Sa có ba trường học là Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Những người thầy nơi đây cũng rất đặc biệt, lớp học ghép, các bạn nhỏ theo lứa tuổi, chương trình khác nhau, nên các thầy phải vất vả hơn nhiều.
Thầy Bành Hữu Tình trên đảo Trường Sa chia sẻ: Được đi dạy tại Trường Sa là một niềm tự hào, tôi thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương bằng cách viết đơn tình nguyện ra đảo, không chỉ dạy chữ mà yêu thương, chăm chút những đưa trẻ nơi đây như con của mình. Giữa biển cả mêng mông, tiếng ê a học bài, tiếng hát vang vang của trẻ thơ sao đáng yêu đến thế: “Quê em ở Trường Sa/ những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…
Qua lời giới thiệu của anh lính đảo, tôi tìm đến một cây bàng vuông cổ thụ, đổ vào đó chút đất tôi mang theo từ đất liền, dịu dàng đất mẹ nơi núi non cao được hòa cùng lớp đất mạnh mẽ, kiên cường đá sỏi nơi hải đảo xa xôi. Một cảm xúc thật lạ trào dâng nơi trái tim, tôi bất giác nghĩ đến mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, thấy tự hào biết bao dòng máu con lạc cháu hồng; núi non là mẹ, biển cả là cha, là quê hương tôi đấy, như máu thịt yêu thương không thể tách rời.
Thật khó tưởng tượng giữa trùng khơi đầy nắng gió, mùa mưa chịu trên 10 cơn bão quét qua, nhưng Trường Sa vẫn hiên ngang trong bão tố. Những chiến sĩ đang trấn giữ phên dậu của Tổ quốc, dù phải nâng niu từng giọt nước ngọt quý giá vẫn chắt chiu chăm bón những luống rau xanh tốt, những giàn bầu, bí, mướp trĩu quả để giúp cho mỗi tấc đất, hòn đảo giữa biển khơi thêm sức sống mới, đủ đầy và mạnh mẽ hơn.
Tặng hạt rau giống cho đồng chí Lý Quốc Bắc, thượng úy, trạm Rađa trung đoàn 292, thuộc sư đoàn 377, người con của quê hương Yên Bái đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Thật xúc động và bất ngờ khi vừa kết thúc hải trình về đất liền, đồng chí Bắc đã thông tin “Đồng chí ơi những hạt rau giống đã nảy mầm rồi đấy”. Cảm xúc vui khó tả, khi tưởng tưởng chỉ ít ngày nữa thôi, trêm mâm cơm buổi chiều của người lính đảo sẽ có một đĩa rau xanh mướt được gieo trồng từ hạt giống gửi tặng từ Yên Bái xa xôi. Trong lòng tôi cứ ngân nga câu hát: Không có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/Như đã vững bền, như đã tốt tươi.
Đến với Trường Sa, dường như mỗi người đều trở thành “ca sĩ”, cùng với những cây văn nghệ nòng cốt, các thành viên trong đoàn đều hòa chung giai điệu ngợi ca quê hương đất nước. Chúng tôi hát mọi nơi có thể, buổi sáng sớm trên boong tàu chào đón bình minh hay buổi chiều hoàng hôn dần xuống biển, cả khi nấu ăn, rửa bát cùng chiến sĩ. Đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa đúng vào ngày sinh nhật Bác đem lại cảm xúc không thể nào quên. Giữa đại dương mêng mông tiếng saxophone “Tổ quốc gọi tên mình” hòa quyện cùng tiếng sóng biển cứ ngân lên tha thiết. Tiết mục xòe Thái của Yên Bái thật ấn tượng, tất cả chiến sỹ, quân dân trên đảo cùng nắm tay nhau chung nhịp kết đoàn, vòng xòe hoa cứ dài thêm mãi, những cái nắm tay thật chặt như không muốn rời xa. Mỗi ca khúc được cất lên từ trái tim đều mang hơi ấm đất liền, là sợi dây đặc biệt, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, là động lực giúp cán bộ, chiến sỹ vững chắc tay súng giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trước khi đến với Trường Sa, được nghe nhắc nhiều về lễ tưởng niệm các đồng chí hy sinh và mất tích trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa. Và khi hòa chung cảm xúc của gần 300 đại biểu trên tàu 561, chúng tôi đã khóc thật nhiều, bất chợt câu thơ “35 năm Gạc Ma lịch sử, họng súng vẫn tươi nguyên và máu chảy ròng ròng”, làm trái tim tôi quặt thắt. 35 năm đã qua kể từ ngày các chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, vẫn trăn trở, đau đáu một nỗi niềm, các anh vẫn còn nằm lại nơi đây, để trở thành 64 bông hoa đỏ thắm giữa ngàn dặm biển xanh đầy bão tố, “Các đồng chí đã hóa sóng ngàn năm xô bờ đất mẹ, hóa màu xanh cho đất nước thanh bình, hóa dân tộc trong tinh thần bất khuất, hóa Tổ quốc trong ý chí kiên trung”. Hơn bao giờ hết tôi cảm nhận được tinh thần dân tộc lớn lao đến thế. Chúng tôi rưng rưng thắp nén hương thơm, thả ngàn hạc giấy, cùng những bông cúc vàng, mắt hướng về đảo Gạc Ma. Một chị ở cùng phòng B9 với tôi thốt lên: mọi người nhìn kìa, những bông hoa kết thành hình chữ S đấy. Một cảm xúc nghẹn ngào, vòng hoa mang ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ lá cờ Tổ quốc sáng rực lên trong ráng chiều của biển, cứ quấn lấy mạn tàu như không muốn rời xa.
Nhà giàn DK1 sừng sững hiện ra như pháo đài thép vững chắc trên biển, mặc dù đồng chí chỉ huy cảnh báo, sóng lớn và những ai sợ độ cao cần cân nhắc khi lên nhà giàn. Nhưng ai cũng quyết tâm, muốn được một lần đặt chân lên cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Sau nhiều lần tiếp cận, tôi và đoàn công tác cũng lên tới nhà giàn, chút lo lắng như tan biến khi bắt gặp ánh mắt khích lệ của những người lính đảo. Anh lính trẻ với nụ cười thân thiện, mang đến cho tôi một hộp sữa chua, cảm giác sao mà ấm áp, thân thương đến thế. Theo chân chiến sỹ, tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của các anh, mặc dù không gian chật hẹp, nhưng đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Nhà giàn DK1 được trang bị máy lọc nước biển để cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt và canh tác rau xanh, có cả hệ thống điện năng lượng mặt trời; tôi dũng cảm leo lên tận sân thượng để tận mắt thấy bãi đậu trực thăng trên Nhà giàn DK1, thật xúc động, tự hào khi ngắm người chiến sĩ bồng súng hiên ngang đứng canh biển trời Tổ quốc. Giống như khi lên đảo An Bang, Đá Nam, Đá Thị tôi cảm phục vô cùng khi thấy những hộp rau xanh tốt đủ các loại được các anh tận dụng trồng ở những nơi có thể như mép hành lang, lan can; nắng biển chiều như dịu lại khi bắt gặp hình ảnh chiến sĩ ngồi đọc báo dưới cây dừa nhỏ, xanh mướt được đặt ngay trên sàn tầng 2 nhà giàn. Mặc dù các nhà giàn, trạm dịch vụ kinh tế - khoa học, kỹ thuật (gọi tắt là DK) đã có nhiều cải tiến, nhưng những chiến sỹ trên nhà giàn là những người lính phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ nhất về điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần.
Đứng giữa con đường rộng thênh thênh lộng gió, dưới chân cột cờ Trường Sa sừng sững ghi dấu mốc chủ quyền biển đảo, sao thấy thân thương quá đỗi. Hát quốc ca chào cờ trên đảo Trường Sa, tôi lại liên tưởng đến tiếng hát hào hùng được vang lên từ những buổi sáng chào cờ trên quê hương tôi. Yên Bái quê tôi cũng có cột cờ Trường Sa như thế, được xây lên ngay trên sân trường tiểu học và THCS xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, cột mốc được xây lên bằng tình yêu biển đảo. Biết bao buổi sáng chào cờ các em đã hát vang bài quốc ca dưới chân cột cờ, ngồi dưới chân cột cờ vẽ những bức tranh thật đẹp, nắn nót viết thư, gửi gắm tình cảm yêu thương đến các chú hải quân nơi hải đảo xa xôi. Những đứa trẻ ở nơi non cao này, dù chưa một lần đến với Trường Sa, nhưng đã thấy biển đảo quê mình gần gũi, thân thuộc lắm. Từ trong tiềm thức, từ sâu thẳm trái tim, các em đều biết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩa tình Yên Bái - Trường Sa được gửi gắm qua những món quà ý nghĩa, những cánh thư nhỏ, những món quà quê như măng, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạc đỏ, tai chua… được đóng hộp cẩn thận gửi tặng chiến sỹ nơi đảo xa. Nhiều hoạt động ý nghĩa từ phong trào “xuân biên giới - tết hải đảo”, “nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “vì biển đảo quê hương”. Người dân Yên Bái tự hào khi góp sức ủng hộ quân chủng Hải Quân đóng xuồng CQ mang tên Yên Bái. Và Yên Bái cũng được đón nhận thật nhiều tình cảm của chiến sỹ, từ năm 2019 thực hiện chương trình phối hợp với Cục Chính trị Hải quân, đã có gần 20 nhà đại đoàn kết của người dân Yên Bái được xây lên từ tấm lòng của những người chiến sỹ Hải Quân. Qua hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng do quân chủng Hải Quân thực hiện, người dân Yên Bái hiểu hơn về biển đảo quê hương, nhiều bạn trẻ háo hức dự tuyển vào Học viện Hải Quân, nhiều người con Yên Bái đã xung phong đến hải đảo xa xôi, góp sức mình bảo vệ bình yên biển trời Tổ quốc. Không xa đâu Trường Sa ơi, vì triệu triệu trái tim trên đất nước này, trong đó có người dân Yên Bái chúng tôi luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cùng gìn giữ không gian sinh tồn và phát triển, xây dựng Trường Sa ngày thêm vững bền, mạnh mẽ, sinh sôi.
“Tạm biệt Trường Sa”- “tạm biệt đất liền”, “cả nước vì Trường Sa”-“Trường Sa vì Tổ quốc”, lời tạm biệt cũng là lời hứa quyết tâm cứ vang lên theo những cánh tay dài vẫy mãi. Trong trái tim tôi mãi ngàn con sóng vỗ, cùng chung nhịp đập yêu thương của tình yêu tổ quốc, của máu thịt Trường Sa không thể tách rời. Cảm ơn những hòn đảo xinh đẹp, nụ cười trìu mến, tình cảm thân thương, những giọt mồ hôi nóng bỏng trên vai người lính đảo đã cho tôi hiểu hơn về giá trị đích thực của cuộc sống thanh bình. Cảm ơn con tàu 561 đã gắn kết tình cảm giữa những người con khắp mọi miền Tổ quốc, trở nặng nghĩa tình Yên Bái - Trường Sa.