Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Sức mạnh của báo chí trong kỷ nguyên số

21/06/2023 10:45:04 Xem cỡ chữ Google
Thiết chế báo chí cần coi trọng hơn sức mạnh trong việc điều chỉnh các hoạt động quản trị quốc gia.

Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Quyền lực mềm

Kể từ khi những tờ báo in đầu tiên xuất hiện trên thế giới trong những năm đầu tiên của thế kỷ 17, đến nay, lĩnh vực báo chí đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một thiết chế xã hội không thể thiếu đối với cuộc sống của con người.

Không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin, thúc đẩy giao tiếp xã hội, báo chí hiện đại còn lan tỏa tri thức, trở thành một phương tiện giải trí, tạo ra những diễn đàn trao đổi bình đẳng cho các chủ thể khác nhau trong xã hội.

Sức mạnh của báo chí dựa vào khả năng truyền tải thông tin đến số đông, kết nối xã hội, thu hút các luồng ý kiến, phân tích, bàn luận, thậm chí tranh luận, từ đó tạo ra các luồng dư luận xã hội khác nhau.

Xã hội càng hiện đại thì cá nhân càng chủ động và tích cực tham gia bày tỏ ý kiến và trao đổi về các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, những dư luận xã hội đa chiều, đặc biệt là các dư luận theo hướng phê phán, có thể tạo ra áp lực xã hội, tác động mạnh mẽ và thay đổi nhận thức, hành vi của cá nhân, tổ chức.

Từ góc nhìn quản trị cộng đồng, do mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng, báo chí từ lâu đã được coi là quyền lực. Quyền lực báo chí bắt nguồn từ khả năng lan tỏa thông tin, tri thức, hình thành áp lực xã hội, tạo ra sự thay đổi có tính thuyết phục và tự nguyện. Chính bởi đặc điểm này mà quyền lực báo chí được coi là quyền lực "mềm”.

Nhân loại đang từng bước vượt qua xã hội công nghiệp để chuyến lên sống trong xã hội thông tin, đặc trưng bởi sự sáng tạo, phổ biến, và kiểm soát thông tin đã trở thành những hoạt động kinh tế - văn hóa nền tảng.

Trong tiến trình đó, thiết chế báo chí cũng đối diện với nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải liên tục vận động để thích ứng với bối cảnh mới, nhờ đó mới có thể duy trì và gia tăng được sức mạnh mềm trong thế giới hiện đại.  

Báo chí trong kỷ nguyên số

Khái niệm "kỷ nguyên số” đề cập đến một giai đoạn phát triển lên tầm cao mới của xã hội loài người, bắt đầu với sự xuất hiện của máy tính cá nhân từ cuối những năm 1970, internet vào đầu những năm 1990, và điện thoại thông minh vào những năm 2010.

Với khả năng lưu trữ khối lượng thông tin khổng lồ dưới dạng số hóa mà không cần đến không gian vật chất quy mô lớn, công nghệ số giúp con người có thể tiếp cận và trao đổi thông tin một cách tự do, cởi mở, nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Nền tảng công nghệ số đã giúp các phương tiện báo chí được hiện đại hóa nhanh chóng. Nhờ lợi thế về tốc độ xuất bản tin bài, cập nhật thường xuyên, khả năng tiếp cận độc giả dễ dàng và không bị giới hạn cả về không gian và thời gian, các trang báo điện tử nhanh chóng đẩy các loại báo in xuống vị trí thứ yếu.

Các tòa soạn hội tụ với những phương thức truyền thông đa phương tiện, hiện đại và hấp dẫn, đang dần thay thế những tòa soạn truyền thống, vốn ngày càng trở nên đơn điệu và kém linh hoạt.

Kỷ nguyên số cũng là một yếu tố chủ chốt đẩy cao giá trị của "quyền lực truyền thông”. Đó là khả năng chiếm lĩnh, làm chủ lĩnh vực thông tin, sẵn sàng ứng biến với mọi tình huống để có thể chủ động định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội theo mong muốn. Có thể nói, kiến tạo và tích lũy được quyền lực truyền thông đã trở thành một trong những điều kiện then chốt nhất để có thể bảo vệ và gia tăng lợi ích cho các chủ thể khác nhau trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào thông tin và được kết nối chặt chẽ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với một quy luật phổ biến là cho dù tồn tại dưới bất kỳ dạng thức nào thì quyền lực cũng luôn đối diện với nguy cơ bị lạm dụng, lợi dụng để phục vụ những lợi ích vị kỷ.

Với thiết chế báo chí, quyền lực truyền thông có thể bị lợi dụng cho các mục đích thiển cận khi báo chí trở thành công cụ để bôi đen, tô hồng, hoặc xuyên tạc thực tế.

Cho dù xảy ra bất cứ khả năng nào, nếu quyền lực báo chí bị lợi dụng cho các mục đích thỏa mãn lợi ích của cá nhân, nhóm trên cơ sở xâm phạm lợi ích chung thì đều sẽ không có lợi, thậm chí cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội.

Phụng sự phát triển

Mặc dù đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các mạng xã hội, thiết chế báo chí vẫn có những ưu điểm tuyệt đối trên phương diện quyền lực truyền thông. Đó là tính chính danh của các cơ quan báo chí với tư cách chủ thể tổ chức, đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, trang thiết bị ngày càng hiện đại, thể loại ngày càng đa dạng, hấp dẫn, cũng như tính trách nhiệm cao đối với các sản phẩm.

Để phụng sự phát triển, thiết chế báo chí trước hết cần thực hiện chức năng thông tin một cách có đạo đức. Có nghĩa là, thông tin không chỉ nhanh chóng, trung thực, chính xác, và khách quan mà còn phải đặt trong quan hệ với lợi ích của cộng đồng. Ý thức cao về các giới hạn đạo đức và sứ mệnh phụng sự lợi ích cộng đồng sẽ giúp thiết chế báo chí giảm bớt nguy cơ bị lạm dụng cho các lợi ích vị kỷ, thiển cận.

Thiết chế báo chí cần coi trọng hơn sức mạnh trong việc điều chỉnh các hoạt động quản trị quốc gia. Thay vì chạy theo khai thác những vấn đề liên quan đến cá nhân lãnh đạo hay người nổi tiếng, cả khu vực công và khu vực tư nhân, báo chí cần quan tâm nhiều hơn đến các thách thức lãnh đạo, định hướng dư luận quan tâm đến các vấn đề chính sách cũng như những tranh cãi về quan điểm, cách thức giải quyết các vấn đề chính sách nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày.

Thiết chế báo chí cần ý thức hơn về khả năng gây ảnh hưởng đến quy trình chính sách của Nhà nước. Không đơn giản chỉ bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời và chính xác đến với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ quản trị, báo chí cần ý thức hơn về khả năng kiến tạo các hành động trong cộng đồng trước những vấn đề mới xuất hiện, từ đó giúp chính quyền sớm nhận thức ra những kịch bản chính sách được người dân ủng hộ để có thể nhanh chóng ứng phó, đáp ứng đúng nhu cầu và đạt hiệu quả cao nhất.

Thiết chế báo chí cần ý thức về khả năng vun đắp văn hóa quản trị cho mỗi cá nhân, chính quyền, cũng như cả cộng đồng xã hội. Thực hiện sứ mệnh này, báo chí không chỉ là phương tiện phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước, mà còn phải trở thành diễn đàn để cá nhân, nhóm bày tỏ ý kiến, nguyện vọng.

Nhờ đó, báo chí sẽ trở thành phương tiện để lãnh đạo chính quyền kịp thời nắm bắt và phản hồi trước các nguyện vọng chính sách. Làm được như vậy, báo chí sẽ góp phần giảm bớt khoảng cách giữa chính quyền và người dân trước mỗi vấn đề chính sách, qua đó thúc đẩy ý thức văn hóa quản trị dựa trên sự hợp tác giữa chính quyền và công dân.

(Theo Vietnamnet)

 

1349 lượt xem

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h