Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

“Dân vận khéo” góp phần vì một Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” - Kỳ 2

20/07/2023 15:45:39 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Công tác dân vận và phong trào "dân vận khéo" đã góp phần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tự nguyện bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo động lực tinh thần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ... Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng... Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác Hồ về Dân vận khéo, trong đó, nhờ khéo tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã khơi dậy được ý thức, trách nhiệm công dân, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận trong quần chúng nhân dân để người dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đặc biệt, đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân để thực hiện các công việc cụ thể, có địa chỉ, sản phẩm rõ ràng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

 

Thời khắc 17 giờ 11 phút, ngày 15 tháng 12 năm 2021 (theo giờ Việt Nam), khi chủ trì phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO (bằng hình thức trực tuyến) diễn ra tại Paris (Pháp) gõ búa thông qua Hồ sơ Xòe Thái, chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mãi ghi dấu ấn không quên với người dân Việt Nam nói chung, với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, đặc biệt là cộng đồng người Thái 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.

Có một đêm mùa thu vô cùng đặc biệt, buổi tối ngày 24 tháng 9 năm 2022, không gian như hòa quyện trong hương lúa chín vàng thơm trải khắp cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Mọi người ai cũng hân hoan, phấn khởi khi cùng về hội tụ trên mảnh đất cửa ngõ vùng Tây Bắc giàu truyền thống, xứ sở của những sắc thái văn hóa đa sắc màu, nơi có những điệu xòe Thái làm đắm say lòng người. Đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc anh em xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất, gương mặt rạng ngời cùng chung niềm háo hức được chứng kiến những khoảnh khắc đầy ý nghĩa trong Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ Thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải - sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa, quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương, do tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh có di sản tổ chức.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” mang nội dung đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Thái, tâm điểm là màn đại xòe với sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân của Thị xã Nghĩa Lộ và một số địa phương, đơn vị trường học trong tỉnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

“Điệu xòe có từ bao giờ ?”. Nếu dùng thời gian để trả lời câu hỏi này thì sẽ không thể ấn định được mốc thời gian cụ thể. Chỉ biết rằng, Nghệ thuật Xòe Thái là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái. Với sức sống mãnh liệt, từ bao đời nay, nối tiếp các thế hệ, Nghệ thuật Xòe Thái với những vòng xòe, điệu múa phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết, là sợi dây gắn kết cộng đồng, cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc. Như một lẽ tự nhiên, từ nhiều năm nay, người ta gọi những vòng xòe có hàng trăm, hàng ngàn người tham gia là những màn đại xòe.

 

“Đại xòe” hai từ thật ngắn gọn, nhưng chứa đựng trong đó là cả một ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Vậy, “những màn đại xòe ở Yên Bái có từ bao giờ?”. Câu hỏi ấy gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện đã nhiều lần được nghe kể từ bà Hoàng Thị Hạnh, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, một người sinh ra, lớn lên ở Văn Chấn, trọn cuộc đời gắn bó sâu sắc với vùng Tây Bắc; người đã có nhiều năm công tác ở Thị xã Nghĩa Lộ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái:

“Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về việc cấm đốt pháo. Tháng 7 năm 1995, Thị xã Nghĩa Lộ được tái thành lập. Khi ấy, tôi đang là Phó Chủ tịch UBND thị xã, phụ trách khối văn xã; trong lòng rất trăn trở không biết làm gì để mang tới niềm vui cho bà con trong không gian tĩnh lặng của đêm giao thừa. Tôi đem điều băn khoăn ấy nói với đồng chí Vượng (Trưởng Phòng Văn hóa Thị xã). Hôm sau, đồng chí Vượng gặp tôi đề xuất: “Tôi tham mưu cho chị về điều chị trăn trở. Theo phong tục tập quán của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ, tết đến là xòe, xòe tức là múa. Người Thái có cả những hội xòe để vào xuân đón năm mới. Đầu làng cuối xóm ngoài cánh đồng gặt chưa cấy đều xoè hoa. Mùa xuân là mùa giao duyên nên tổ chức xoè hoa là một nét đẹp của người dân tộc Thái...”. Sau đó, tôi báo cáo với Chủ tịch UBND thị xã về ý tưởng tổ chức đêm xoè vào Xuân đúng giao thừa, đồng chí đồng ý luôn và giao tôi xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai. Đêm xòe năm ấy tổ chức ở sân trường cấp một hai Kim Đồng. Điện được giăng ra ngoài những cây bàng. Đống lửa giữa sân tạo nên một không khí vô cùng ấm áp. Bà con nô nức trẻ già trai gái đều đến hội xòe. Âm thanh không được lớn nhưng cũng đủ để mọi người vui. Các dân tộc thiểu số của thị xã Nghĩa Lộ và một số bà con của huyện Văn Chấn tham gia xòe không biết mệt. Trước đây, bà con đã từng tổ chức những vòng xòe vài chục người, nhiều nhất cũng chỉ tới 100, 200 người. Lần đầu tiên ở Nghĩa Lộ, vòng xòe năm ấy có khoảng 600 người tham gia. Sau đó, vào những ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, của thị xã, chúng tôi đều tổ chức hội xòe, tăng dần số lượng từ 700, 800 rồi 1.000 người. Dần dần, Yên Bái đã có những vòng đại xòe trên 2.000 người, 3.000 người, 5.000 người, gắn với lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò, Nghĩa Lộ và trở thành một biểu tượng đặc sắc trong đời sống văn hóa của tỉnh”.

“Đại xòe” hai từ thật ngắn gọn, nhưng phía sau nó là những câu chuyện dài, thú vị, chứa đựng sự trân trọng, tình yêu di sản mãnh liệt của người dân và tâm huyết, nỗ lực của những cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Để có được những màn biểu diễn thành công với hàng trăm, hàng ngàn người tham gia, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự trân trọng, đam mê, tình yêu di sản văn hóa của người dân, không thể không nhắc đến những người cán bộ “dân vận khéo”.

Họ là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, người có uy tín trong cộng đồng để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc xây dựng cộng đồng, trách nhiệm của các tầng lớp dân cư, tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Họ luôn ở cạnh nhân dân, trong nhân dân, cùng nhân dân, luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, khơi dậy được tình yêu và hành động chung tay bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong mỗi người dân.

Họ có thể là người có chức vụ trong hệ thống chính trị, là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, song nhân dân luôn cảm thấy gần gũi, quý mến, tin yêu bởi những nét đẹp trong tâm hồn, cốt cách, ứng xử khi thực thi nhiệm vụ cũng như lối sống, sinh hoạt hằng ngày của họ.

Ông Lò Văn Vy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thị xã Nghĩa Lộ là một trong những người như thế.

Là một thanh niên dân tộc Thái có trình độ Đại học Nông nghiệp ở Mường Lò, Nghĩa Lộ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Thời ấy, người có trình độ đại học không nhiều, Lò Văn Vy đã mang cả bầu nhiệt huyết, sự tận tâm, khát vọng phát triển, truyền cảm hứng, định hướng và nêu gương để con em trong cộng đồng học tập và trưởng thành. Lò Văn Vy đã lấy chính câu chuyện của bản thân mình làm tấm gương vượt khó để có bằng đại học, tạo niềm tin cho trẻ em và chỗ dựa tinh thần cho người già. 

Những ngày mới thành lập thị xã Nghĩa Lộ, Lò Văn Vy đã cùng lãnh đạo Thị xã đốt đuốc đến từng bản (Bản Tân, Bản Ten, Bản Ngoa, Bản Noỏng...) để vận động xoá mù chữ, vận động trẻ em không bỏ học, trở lại trường học; dạy dân cấy lúa thẳng hàng; động viên bà con khôi phục kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống đồng bào Thái, đặc biệt là xây dựng, hình thành và phát triển các đội múa xoè. Phong trào thi đua tham gia hội thi các điệu xoè cổ được anh Vy cổ vũ nhiệt tình bằng cả tiếng Thái và tiếng Việt. Một tối, ông đi tới 5 - 7 điểm để động viên, hướng dẫn nghệ nhân và bà con...

Hình ảnh ông “Trưởng bản Lò” (nick name của ông trên Facebook) cầm loa động viên, hướng dẫn bằng tiếng Thái cho hàng ngàn nghệ nhân và diễn viên quần chúng luyện tập trên sân vận động Thị xã Nghĩa Lộ phục vụ các sự kiện lễ hội lớn đã trở nên quen thuộc. Tận tâm và trách nhiệm, ông Lò Văn Vy, người đã có tới 13 năm làm công tác dân vận (từ tháng 10/2010), cùng với bao người khác đã thầm lặng đóng góp vào thành công của những sự kiện quan trọng ấy.

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Yên Bái; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của tỉnh, cùng với triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Yên Bái đã có một hệ thống văn bản chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp (bao gồm nhiều nghị quyết, chính sách, đề án, kế hoạch...) với những bước đi, lộ trình, nhiệm vụ rất cụ thể đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với nhiều chuyển biến tích cực trong tham gia gìn giữ, bảo vệ di sản, cảnh quan môi trường, không gian, phong tục tập quán... gắn với môi trường tồn tại và phát triển của di sản, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hằng năm, tỉnh đều bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cùng với việc xây dựng các chuyên đề, tổng hợp các tư liệu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh; triển khai thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp tổ chức và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành các hoạt động truyền dạy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống có nguy cơ mai một; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số. Các địa phương trong tỉnh thường xuyên chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống tại các di tích đã được xếp hạng các cấp. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ diễn xướng dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh có trên 1.500 đội văn nghệ thôn bản, trong đó có khoảng 200 đội xòe.

Thực hiện chính sách đối với nghệ nhân, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái được công nhận đã được hưởng chế độ theo Điều 9, Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 21/6/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII - kỳ họp thứ 13 Quy định về giải thưởng và mức thưởng đối với tập thể, cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc tế, khu vực, trong nước, cấp tỉnh và danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái (mỗi nghệ nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng công nhận và thưởng 8 triệu đồng).

Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền, vận động và công tác dân vận, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tự nguyện bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa (các nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, đặc biệt là truyền dạy, thực hành Nghệ thuật Xòe Thái và nhiều hình thức trình diễn dân gian khác của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, một số nghề thủ công truyền thống, tiếng nói, chữ viết...), góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.

 

 

3147 lượt xem
Đồ họa: Thanh Bình CTV: Hồng Thanh Tâm

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h