Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Kinh tế

Đến 2030, trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện

04/08/2022 07:16:06 Xem cỡ chữ Google
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện

Theo đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể cho đến năm 2030 như sau:

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm. Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

Tỉ lệ che chủ rừng đạt khoảng 54 - 55%. Tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 90%; chất thải rắn đô thị đạt 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn là cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng

Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là: Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng.

Cụ thể, hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, trong đó: Phát triển hệ thống đô thị trong vùng kết nối nội vùng và với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai.

Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc. Rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù trong phát triển vùng.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số, trung tâm sản xuất điện, điện tử, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế. Thí điểm xây dựng một số khu kinh tế qua biên giới.

Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến đường quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng, cụ thể:

Giai đoạn 2021 - 2025: Về đường bộ, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, gồm: Hữu Nghị - Chi Lăng, Tuyên Quang - Phú Thọ, Chợ Mới - Bắc Kạn, Tuyên Quang - Hà Giang và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tập trung đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai 1 (Quốc lộ 4), vành đai 2 (Quốc lộ 279) và vành đai 3 (Quốc lộ 37) và một số tuyến như Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 3B, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12, Quốc lộ 15, Quốc lộ 31, Quốc lộ 32C...

Về hàng không, đầu tư cảng hàng không Sa Pa theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư nâng cấp cảng hàng không Điện Biên. Về đường sắt, cải tạo, nâng cấp các ga hàng hoá để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; đầu tư kết nối tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Về đường thủy, đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng để kết nối thuận lợi về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các cảng cạn tại Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thuỷ điện trong vùng.

Giai đoạn 2026 – 2030: Về đường bộ, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hoà Bình - Mộc Châu - Sơn La, Đoan Hùng - Chợ Bến vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình...).

Về hàng không, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc các hình thức đầu tư khác đối với các cảng hàng không trong vùng như: Nà Sản, Lai Châu với phương châm đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về đường sắt, đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Về đường thủy nội địa, đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thuỷ điện trong vùng.

Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng

Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số. Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, phát huy vai trò hệ thống các điểm không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát triển công nghiệp vùng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng. Phát triển nông nghiệp vùng theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp.

Phát triển các ngành dịch vụ và thương mại của vùng theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai và biến đổi khí hậu vùng.

Xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng…

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung nguồn lực và khuyến khích xã hội hóa thực hiện các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, chương trình hỗ trợ sinh kế, dịch vụ, hỗ trợ nhà ở gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Đầu tư xây dựng các đường tuần tra biên giới, kè bảo vệ mốc quốc giới, kè bảo vệ bờ sông, suối biên giới; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối từ các xã biên giới vào các đồn biên phòng, đường từ đồn, trạm biên phòng ra các mốc quốc giới và đường tuần tra biên giới. Tiếp tục đầu tư và triển khai việc sắp xếp, bố trí dân cư trên tuyến biên giới. Thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.

Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng - ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn, lật đổ, kích động biểu tình, "ly khai, tự trị" của các thế lực thù địch, phản động; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các đối tượng cầm đầu, cốt cán, chống đối cực đoan; không để các đối tượng có điều kiện hoạt động; không để các thế lực bên ngoài có điều kiện can thiệp…

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình.

Trước ngày 30 tháng 9 năm 2022, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời đề xuất các nội dung điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề án được giao; định kỳ hằng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

2309 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h