Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Ý kiến đóng góp của đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

24/10/2023 17:07:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Thảo luận tại tổ 15, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng:

Đồng chí Đỗ Đức Duy Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại tổ thảo luận

Trước tiên, cá nhân tôi bày tỏ sự thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đối với 6 nội dung thảo luận tại Tổ sáng ngày hôm nay.

Tôi xin bổ sung thêm về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn mà đạt được kết quả như báo cáo của Chính phủ lá rất đáng trân trọng và chúng ta tiếp tục khẳng định là một trong những quốc gia phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững sau đại dịch. Có được kết quả này tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ trên tinh thần bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, vừa đảm bảo các giải pháp cấp bách, trước mắt, vừa đảm bảo các giải pháp căn cơ lâu dài. Trong đó thể hiện ở một số điểm mà tôi đánh giá rất cao.

Thứ nhất, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được Chính phủ quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, trong đó, ngoài việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các luật, các văn bản hướng dẫn dưới luật, cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật lần đầu tiên được ban hành, như: Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhờ có Nghị định 73, cũng như chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương đã mạnh dạn, sáng tạo ban hành cơ chế, chính sách phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong việc đưa ra các giải pháp, điều hành kinh tế - xã hội để đạt được kết quả, vừa là duy trì tăng trưởng nhanh so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, nhưng luôn luôn phải bảo đảm ổn định.

Thứ ba, Chính phủ luôn nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nghẽn để giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như tháo gỡ khó khăn về thị trường tài chính, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chúng tôi rất ấn tượng khi phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực thường xuyên làm việc với các vùng miền, các địa phương tiếp nhận và xử lý nhanh các vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, mặc dù trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, nguồn lực có hạn, trong khi các nhiệm vụ chi từ ngân sách Nhà nước rất lớn, nhưng Chính phủ đã chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, điển hình là quyết tâm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, triển khai các đề án, chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người có công và nhiều chính sách an sinh xã hội khác. Qua đó thấy rằng chính phủ đã triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, bài bản quan điểm: phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ, hài hòa với phát triển và tăng trưởng kinh tế theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về các kiến nghị đề xuất, trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra cũng như thực tiễn tại địa phương, chúng tôi kiến nghị 5 vấn đề như sau:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo để hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cũng như kế hoạch triển khai các quy hoạch quốc gia, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương thu hút đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án mới cũng như để cho các doanh nghiệp nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa phương.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại, kéo dài thuộc thẩm quyền mà đã được Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chỉ ra từ nhiều Kỳ họp, như: Khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, giáo dục, thiếu vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; tuyển dụng giáo viên vùng cao; hỗ trợ các đối tượng chịu tác động bởi Quyết định 861 của Chính phủ và Quyết định 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 của Chính phủ về thu và quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới được Quốc hội thông qua trong các kỳ họp gần đây, điển hình như Luật Khám, chữa bệnh để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Thứ tư, báo cáo của Chính phủ đã khẳng định, nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ suy giảm những năm vừa qua. Trên thực tế đây là quyết định đúng đắn, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp những năm gần đây là rất tích cực. Trong 9 tháng năm 2023, có những địa phương tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 6%, trong đó có tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn gặp những khó khăn cố hữu. Đó là, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhất là chi phí về thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Dường như chúng ta thiếu sự chủ động, phụ thuộc rất nhiều vào chi phí các mặt hàng này nhập khẩu từ nước ngoài. Vấn đề thứ hai là giải quyết thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, chúng tôi mong muốn phải có dự báo, cảnh báo, định hướng cho các địa phương, các ngành hàng, bà con nông dân để đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, tăng năng suất chất lượng nhưng phải đảm bảo đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực bảo đảm phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản thực sự bền vững, ổn định đời sống cho người nông dân.

Thứ năm, liên quan đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn và cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Hội nghị trung ương 8 khóa XIII. Trước mắt là bổ sung các chính sách vào các Luật sẽ sủa đổi bổ sung giai đoạn tới, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh ưu đãi với người có công, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, đảm bảo quan điểm phát triển văn hóa xã hội hài hòa với phát triển kinh tế.

Thứ sáu, năm nay thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề, chúng tôi kiến nghị Quốc hội sớm tổng hợp và phân bổ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai như hệ thống các đê, kè, đường giao thông, công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển kinh tế tại các địa bàn chịu tác động nặng nề của thiên tai. 

1336 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h