Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tích cực tham gia các ý kiến thảo luận tại tổ

25/10/2023 07:25:01 Xem cỡ chữ Google
Thực hiện Chương trình Kỳ họp Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã tham gia thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện thực hiện ngân sách Nhà nước 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận ở tổ sáng 24/10.

Tham gia Tổ thảo luận số 15 cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận, phát biểu ý kiến thảo luận, các ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội đối với nhiều nội dung quan trọng. 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, năm nay, với điều kiện cực kỳ khó khăn, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vượt bậc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. 

Theo đại biểu, bài học quan trọng đầu tiên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cả hệ thống chính trị. Đây là một bài học rất quý. Kinh nghiệm cho thấy, những lúc khó khăn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có những phản ứng rất nhanh, năng động, sáng tạo. Đồng thời, các địa phương đã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ hai là sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn. Thứ ba, là việc chủ động sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, linh hoạt trong xử lý các tình huống khó khăn trước mắt, hướng tới các mục tiêu chiến lược lâu dài. 

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua chính sách cải cách tiền lương, đại biểu cho đây là một điểm nhấn, một dấu ấn của Quốc hội, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự và tạo ra một tâm trạng xã hội phấn khởi. "Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, nếu không sẽ không có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước và thế giới hết sức khó khăn” - đại biểu Trà khẳng định. 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vượt bậc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu cho biết, chúng ta đã nỗ lực trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, công vụ, các nghị định để cơ cấu lại công vụ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. 

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, các báo cáo của Chính phủ đã được thực hiện một cách chi tiết, căn cơ, bài bản, phân tích rõ kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của những tồn tại khó khăn, đề ra các giải pháp khả thi trong thời gian tới. Đại biểu bày tỏ đồng tình rất cao và tham gia thêm một số vấn đề liên quan đến địa phương. 

Về vấn đề hiện nay giáo viên rất thiếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, một số môn không có nguồn tuyển như: tin học, ngoại ngữ…, đại biểu cho biết, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần song chậm được tháo gỡ, gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương, dẫn đến các địa phương phải có nhiều giải pháp trước mắt để xử lý như: biệt phái giáo viên, bố trí giáo viên dạy thêm giờ, bố trí giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều; dạy online cho học sinh. Đây là giải pháp tình thế, không đảm bảo chất lượng dạy và học. 

Trong khi nguồn tuyển rất khó khăn do hầu hết sinh viên ra trường không muốn lên công tác tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do chế độ đãi ngộ thấp chưa đảm bảo cho giáo viên trong khi việc tìm kiếm công việc ở đô thị, vùng thuận lợi khá dễ dàng, vẫn được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đảm bảo các chế độ khác như giáo viên bình thường.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với nhân viên trường học như kế toán, nhân viên thiết bị trường học thu nhập khá thấp, không đủ trang trải cuộc sống dẫn đến nhiều nhân viên trường học bỏ nghề dẫn đến nhiều giáo viên ở các trường vùng cao phải kiêm nhiệm thêm cả nhiệm vụ của nhân viên trường học. 

"Để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt tại các cơ sở trường học vùng khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, tôi đề nghị Nhà nước cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng, nhất là đối với các môn như Tiếng Anh, Tin học… sau đó tiếp tục đào tạo để nâng chuẩn theo quy định. Đồng thời, nghiên cứu xem xét điều chỉnh tăng chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên trường học, có chính sách ưu đãi trong tuyển dụng đối với giáo viên, nhân viên trường học của các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc là người địa phương để đảm bảo tính ổn định” - đại biểu Luận phát biểu. 

Liên quan đến việc chuyển đổi quyền sử dụng  đất, quyền sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho biết, trong thời gian qua, các địa phương miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội… 

Đại biểu đề nghị, trong khi Luật Đất Đai, Luật Lâm nghiệp chưa được sửa đổi, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương trong việc quyết định chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. 

Liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, qua nắm bắt tại địa phương, đại biểu thấy rằng việc triển khai chương trình này còn nhiều khó khăn, bất cập, do nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, trong đó có nguyên nhân từ việc thủ tục hướng dẫn rất rườm rà, phức tạp, khó khăn; việc giao vốn chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh vốn…

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh bổ sung và ban hành mới các văn bản hướng dẫn theo hướng rõ ràng, dễ triển khai, dễ thực hiện, bổ sung làm rõ một số thuật ngữ, từ ngữ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản, gây khó khăn cho các địa phương. Nên thực hiện việc giao vốn thực hiện cho cả giai đoạn, không thực hiện việc giao vốn cho từng dự án, tiểu dự án dẫn đến khó thực hiện. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (ảnh) đánh giá các báo cáo của Chính phủ cũng đã rất thẳng thắn đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách Nhà nước hàng năm và từ đầu nhiệm kỳ đến nay. 

Về thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, đại biểu cho biết các yếu tố yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt yêu cầu đề ra; trong đó có rất nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về thị trường, về dòng tiền, thủ tục hành chính… tác động rất lớn đến thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023. 

Mặc dù, theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách Nhà nước đạt dự toán song Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá những yếu tố này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước năm 2023 giảm khoảng 10,7%; có 2/3 chiếm tỷ trọng lớn từ khu vực sản xuất kinh doanh không đạt. 

Đó là, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giảm hơn so với dự toán, giảm hơn so với thực hiện năm 2022; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là thu từ tiền sử dụng đất cũng rất khó khăn. Một số địa phương không thực hiện được đấu giá quyền sử dụng đất nên số thu từ tiền sử dụng đất 9 tháng đầu năm giảm mạnh. Nếu đạt được như dự toán của Chính phủ thì từ nay đến cuối năm, việc thu từ tiền sử dụng đất sẽ đạt hơn 72.000 tỷ đồng. 

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, việc thu từ sử dụng đất của một số địa phương khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng vốn đầu tư phát triển của các địa phương; thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng đến việc thu thuế thu nhập cá nhân, thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. 

Bên cạnh đó, việc thu vốn cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước từ doanh nghiệp vẫn còn bất cập, chưa được cải thiện mà dự kiến cả cả giai đoạn 2021 - 2025, nguồn thu này dự kiến hụt khoảng 180.000 tỷ so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương cũng như nguồn lực của ngân sách Trung ương dành cho đầu tư công. 

Đại biểu thống nhất với nhiều chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó có dự toán tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 là 1,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng gần 80.000 tỷ, khoảng 5% so với ước thực hiện của năm 2023. 

"Phân tích kỹ cơ cấu của số tăng thu, chúng tôi thấy chủ yếu tăng thu từ tiền sử dụng đất, tăng khoảng 76,8 nghìn tỷ so với ước thực hiện của năm 2023. Tôi cho rằng đây là phương án khá rủi ro, trong điều kiện, bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc; đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn khả năng thu từ các khoản thu khác để đảm bảo tính bền vững cũng như an toàn trong thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước” - đại biểu kiến nghị. 

 

1123 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h