Theo báo cáo của Đoàn giám sát, việc xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Yên Bái tiếp tục có nhiều kết quả tích cực. Đến hết ngày 30/6/2023, có tổng cộng 03/09 đơn vị cấp huyện (đạt 33,3%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, có 99/150 xã (tương đương 66%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 24 xã so với cuối năm 2020. Trong đó, có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 23 xã so với năm 2020, và 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 05 xã so với năm 2020. Các tiêu chí về nông thôn mới đề ra trong các năm 2021, 2022 đều được hoàn thành và vượt qua kế hoạch của Hội đồng nhân dân tỉnh. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm sau tăng cao so năm trước.
Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái đã có 46 xã đạt 19 tiêu chí, 39 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 32 xã đạt từ 9 đến 14 tiêu chí, 18 xã đạt từ 6 đến 8 tiêu chí và 15 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Kết quả triển khai các nội dung thành phần, với 11 nội dung thành phần UBND tỉnh, các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, gắn với việc thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các tiểu nội dung theo đúng yêu cầu đề ra, kết quả cụ thể:
02 tiêu chí có từ 90% số xã đạt chuẩn trở lên là các tiêu chí về: Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (đạt 90%); Quốc phòng và an ninh (đạt 100%).
05 tiêu chí có từ 80% đến 90% số xã đạt chuẩn trở lên là các tiêu chí về: Điện có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt (đạt 84,67%); Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (đạt 82,67%); Thông tin và Truyền thông (đạt 84%); Văn hóa (đạt 83,33%); Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (đạt 81,33%).
06 tiêu chí có từ 70% đến 80% số xã đạt chuẩn trở lên là các tiêu chí về: Giáo dục và Đào tạo (đạt 78,67%); Cơ sở vật chất văn hoá (đạt 76%); Lao động (đạt 76,0%); Giao thông (đạt 71,33%); Nhà ở dân cư (đạt 70,67%); Thu nhập đạt 70%).
Còn 04 tiêu chí đạt từ 50% đến 70% là các tiêu chí về: Trường học (đạt 68%); Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (đạt 62,0 %); Quy hoạch (đạt 60,7%); Môi trường và An toàn thực phẩm (đạt 53,33%).
Còn 02 tiêu chí đạt dưới 50% là các tiêu chí về: Hộ nghèo (đạt 44,67 %); Y tế (đạt 45,33%).
Đối với việc triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở 06 Chương trình chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và ban hành 05 kế hoạch để triển khai thực hiện các Chương trình về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cấp huyện đã ban hành Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; ban hành kế hoạch thực hiện từng chương trình hoặc ban hành lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.
Về tiến độ giải ngân vốn so với kế hoạch tính đến hết 30/6/2023, năm 2022, vốn đầu tư phát triển: 212.123/218.460 triệu đồng, bằng 97% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 204.483/210.820 triệu đồng, bằng 97% kế hoạch; Vốn ngân sách địa phương: 7.640/7.640 triệu đồng, bằng 100% kế hoạch; Vốn sự nghiệp: 13.722/38.640 triệu đồng, bằng 35,5% kế hoạch.
Năm 2023, vốn đầu tư phát triển: 83.525/201.770 triệu đồng, bằng 41,4% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 79.098/153.490 triệu đồng, bằng 51,5% kế hoạch; Vốn địa phương: 4.427/48.280 triệu đồng, bằng 9,2% kế hoạch.
CTV: Việt Linh