Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Giữ gìn và phát huy nghệ thuật Khèn của người Mông trong đời sống đương đại

15/11/2023 09:47:20 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây Khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.

Khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Nghệ thuật Khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Với mong muốn bảo tồn, gìn giữ tiếng Khèn - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn, nghệ nhân Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy cho con em trong bản từ động tác cầm Khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa Khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình.

Nghệ nhân Thào Cáng Súa chia sẻ: Muốn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu, sau này mình già đi, thế hệ con cháu mình sẽ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc để mang tiếng Khèn đi giao lưu với bạn bè thế giới.

Khèn (tiếng Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông.

Khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người nam giới dân tộc Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như gỗ, sặt, nứa. Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Thông qua đó, Khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.

Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng Khèn, cùng với những trò chơi dân gian thể hiện bản sắc văn hóa, độc đáo riêng của người Mông.

Các điệu Khèn vui được trình diễn trong những ngày đi chơi hội, những ngày đầu xuân năm mới, những ngày lễ, ngày Tết; gần đây là ngày đại đoàn kết, các lễ hội văn hóa - du lịch, các sự kiện văn hóa lớn gắn với đồng bào Mông tại các địa phương,… Trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ các bài múa Khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng Khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu thương con người, tình làng nghĩa bản.

Theo lời kể của nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, trước đây, người Mông có sử dụng Khèn trong đám cưới. Đám cưới thường có 6 bài Khèn: mời nhà trai vào nhà, làm lễ xin ma nhà cho cô dâu về nhà chồng, mời uống rượu, tiễn cô dâu về nhà chồng, cúng ma nhà trai, nhận con dâu.

Nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải truyền dạy thổi Khèn Mông cho đồng bào

Trong những năm qua, Khèn Mông được tỉnh Yên Bái quan tâm đầu tư bảo tồn, khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Đến năm 2023, huyện Mù Cang Chải (nơi có tới 91% số dân là đồng bào Mông sinh sống) đã thành lập được 14 đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở tất cả các xã trên địa bàn huyện; huyện Trạm Tấu đã thành lập được 08 đội văn nghệ ở 8/10 xã có số đông người Mông sinh sống; huyện Văn Chấn có đội văn nghệ dân tộc Mông xã Suối Giàng; tất cả các đội văn nghệ này đều có thể trình diễn nghệ thuật Khèn với nhiều bài Khèn, nhiều động tác khác nhau.

Huyện Mù Cang Chải có 02 lớp truyền dạy nghệ thuật Khèn với trên 20 học viên đã hoàn thành khóa học (01 lớp mở tại xã Mồ Dề, người truyền dạy là nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa; 01 lớp mở tại xã Lao Chải, người truyền dạy là ông Giàng A Rùa). Huyện Trạm Tấu có 02 lớp truyền dạy với 16 học viên đã hoàn thành khóa học (02 lớp đều mở tại xã Bản Công, người truyền dạy là ông Hờ A Thào, bản Tà Chử, xã Bản Công). Ngoài ra, trong các cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành các di sản văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày, biết thổi khèn để đi chơi tết, đi tìm vợ, truyền nghề (thầy khèn trong các đám tang), gần đây là thông qua các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở.

Tính đến hết năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã 03 lần tổ chức Hội thi trình diễn Khèn Mông huyện Mù Cang Chải (vào các năm 2015, 2017, 2022), thu hút rất đông các đội tham gia với nhiều màn biểu diễn chất lượng, hay, hấp dẫn. Năm 2022, huyện Mù Cang Chải lần đầu tiên tổ chức Festival khèn Mông (dự kiến 2 năm tổ chức một lần). Đối với khối học sinh trung học phổ thông, huyện tổ chức Hội thi múa Khèn, múa khăn, định kỳ 2 năm tổ chức một lần đã thu hút đông đảo học sinh tham gia học để trình diễn được nhiều điệu Khèn ấn tượng, đặc sắc (đến nay đã tổ chức 02 lần vào các năm 2019 và 2021).

Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều có các chương trình dạy và học Khèn tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa thay vì tập thể dục như bình thường. Cơ bản tại các trường học trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ trình diễn được các điệu Khèn cơ bản. Qua đó, đã chăm lo phát triển thể lực cho các em học sinh, mở rộng các hoạt động, văn hóa, văn nghệ lành mạnh phù hợp với lứa tuổi và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện và đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.

Nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Yên Bái được xác định là một di sản văn hóa tiêu biểu của người Mông, tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm, bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất như: Đề án giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, giai đoạn 2013 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển du lịch huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 21-NQ/HU, ngày 28/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 10/CTr-UBND, ngày 16/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/HU của Huyện ủy Mù Cang Chải, … trong đó, riêng đối với nghệ thuật Khèn của người Mông đều hướng tới việc khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phát huy giá trị văn hóa của di sản, đưa di sản trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu (từ việc chế tác Khèn làm sản phẩm lưu niệm; phục vụ các hoạt động du lịch trải nghiệm đến việc trình diễn cách chế tác Khèn, trình diễn nghệ thuật múa Khèn, thổi Khèn,…)

Trên địa bàn tỉnh, tính đến hết năm 2022, đã có 09 nghệ nhân người Mông được các cấp công nhận thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, chủ yếu là nghệ thuật Khèn. Trong đó, có 03 nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng; có 06 nghệ nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, khi mà các giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một thì những nỗ lực truyền lửa để gìn giữ giá trị văn hoá của tiếng Khèn Mông là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết.

998 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h