Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải - Niềm tự hào của người Mông nơi rẻo cao tỉnh Yên Bái

20/11/2023 13:16:58 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đến với các bản Mông vùng cao ở tỉnh Yên Bái, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống. Đến hôm nay, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông nơi rẻo cao tỉnh Yên Bái.

Việc thực hành di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được những người phụ nữ duy trì thường xuyên

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian. Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, mà còn giúp các địa phương này có thêm động lực tạo ra các mặt hàng thổ cẩm đa dạng để quảng bá, giới thiệu với du khách, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

Từ xưa đến nay, trong quá trình lịch sử tộc người, di sản văn hóa phi vật thể này đã tồn tại xuyên suốt, được cộng đồng tự bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng nói chung và người phụ nữ Mông nói riêng. Cả cuộc đời của họ gắn liền với công việc thêu thùa, may vá, dệt vải, vẽ, thêu hoa văn để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp cho bản thân, con cái, gia đình, dòng họ,… Các em gái người Mông, từ khi mới 8 - 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy học dệt vải, cắt, khâu, thêu thùa, vẽ hoa văn để tạo trang phục. Bởi vậy, trong dân ca Mông mới có câu hát:

Lớn lên anh theo cha đi cày nương

Theo anh vào rừng sâu săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo anh chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới….

Khi đến tuổi trưởng thành, các thiếu nữ người Mông không tiếc thời gian, ngày đêm cặm cụi, tỉ mẩn, trang trí hoa văn cho bộ váy áo cưới thật đẹp để chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời - cuộc sống hôn nhân. Trong tập quán của người Mông, vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ được đánh giá thông qua khả năng thêu thùa, khâu vá, vẽ hoa văn và bộ trang phục cô dâu mặc trong lễ cưới sẽ phản ánh phẩm chất này.

Từ xưa đến nay, việc thực hành di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được những người phụ nữ duy trì thường xuyên, liên tục, nhuần nhuyễn từ đời này qua đời khác, trước hết là để phục vụ nhu cầu của đời sống thường ngày trong các gia đình, dòng họ (làm váy, áo, gối, địu, đai váy, …); cùng với sự phát triển của hoạt động trải nghiệm văn hóa tộc người tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong những năm gần đây, di sản đã được phát huy, mở rộng để phục vụ nhu cầu của khách du lịch với nhiều  sản phẩm thủ công được ưa chuộng như: túi, balo, khăn trải bàn, rèm trang trí, chăn, tranh các loại, …

Với sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội, sự mai một về văn hóa cũng đã diễn ra trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong để tạo nên những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng văn hóa tộc người vẫn không thể vắng bóng trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái. Đặc biệt việc duy trì, bảo tồn tốt những giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người như y phục, lễ nghi, một số tập quán xã hội và tín ngưỡng đã góp phần duy trì, bảo tồn những giá trị nguyên gốc của di sản, đáp ứng nhu cầu của đời sống tộc người.

Đến với các bản Mông vùng cao ở tỉnh Yên Bái, chúng ta không khó để bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống. Họ tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và sáp ong đã nóng chảy. Vào những khi  nông nhàn, đâu đâu cũng có thể gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông đang say sưa tạo tác. Tạo hoa văn để làm y phục và các sản phẩm thủ công truyền thống khác từ vải khác đối với người phụ nữ Mông, giống như cơm ăn, nước uống và hít thở không khí hằng ngày, trong bất cứ không gian, thời gian, hoàn cảnh nào cũng có thể thực hành và thực hành thuần thục, đó còn được coi như tiêu chuẩn để đánh giá về một người vợ, người mẹ khéo tay, đảm đang trong gia đình, dòng họ người Mông.

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều chương trình, nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh nhằm giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Mông mà nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như thế. Có thể kể đến như: các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức tại các địa phương trong cả nước mà tỉnh Yên Bái có tham gia; các hoạt động mừng Đảng mừng xuân hằng năm; lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động du lịch "mùa vàng", "mùa nước đổ", "lễ hội hoa tớ dày" trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, ... trong đó chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành và phô diễn hiệu quả tại những sự kiện này đã góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 02 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái, lĩnh vực tri thức dân gian đều thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình hoa văn này, đó là: Bà Lý Thị Ninh và bà Hờ Thị Chư, ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông khá hiệu quả, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tháng 5/2020, huyện Mù Cang Chải đã Quyết định thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm Chế Cu Nha với 20 thành viên (ở các bản Dề Thàng, Chế Cu Nha, Thào Chua Chải), đến nay, tổ này đã lên tới 35 thành viên, trong đó có 10 thành viên ở các xã lân cận như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề, … Tổ đã hình thành Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công để phục vụ thị trường cả trong và ngoài nước, phục vụ khách du lịch (đặc biệt là khách nước ngoài) khi đến với huyện Mù Cang Chải. Ngoài việc thêu hoa văn trên vải thì việc sử dụng nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong được tổ hợp tác thực hành rất thường xuyên để tạo các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ nhu cầu trong cộng đồng, đặc biệt là sự ưa chuộng của du khách quốc tế đối với loại hình nghệ thuật này. Từ hoạt động của tổ, các thành viên đã tổ chức 02 lớp truyền dạy nghề ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, đưa số lượng người thực hành di sản lên trên 70 người; phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện Mù Cang Chải mở lớp tập huấn cho 26 chị em về nghề thêu dệt thổ cẩm, tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải; từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã phối hợp với các trường học truyền dạy cho hơn 50 học sinh thuần thục các kỹ thuật về vẽ, thuê hoa văn trên vải. Tới đây, Hợp tác xã có kế hoạch tổ chức truyền dạy ngay tại làng nghề cho những cá nhân có nhu cầu, đồng thời làng nghề cũng là nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm và mua sắm của du khách (đặc biệt là khách quốc tế) khá hiệu quả trong những năm gần đây. Hợp tác xã cũng luôn chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các triển lãm nghề thủ công trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá trên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Hoạt động của tổ hợp tác không chỉ giúp bảo tồn, gìn giữ, quảng bá, phát huy giá trị của di sản mà còn giúp cho các thành viên có thêm thu nhập hằng tháng, ổn định hơn về kinh tế đối với nhiều chị em. Nghệ nhân Lý Thị Ninh - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Các sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua hết đến đấy. Trung bình mỗi tháng, mỗi chị em có thêm thu nhập 5-6 triệu đồng. Trong nhóm, chị em nào tranh thủ làm lúc rảnh rỗi cũng được 2 - 3 triệu đồng".

Trong những năm gần đây, thực hiện dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã phối hợp với Hợp tác xã thổ cẩm Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đến với đông đảo công chúng thủ đô và du khách quốc tế, thu hút rất nhiều người tham gia trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm như: gối các loại, chăn, túi đeo, khăn trải bàn, áo, tranh và nhiều sản phẩm trang trí khác. Tại đây, các nghệ nhân đã trực tiếp tham gia tạo sản phẩm và hướng dẫn du khách thực hành như một hoạt động bảo tồn, kết nối cộng đồng, giới thiệu, quảng bá và phát triển sâu rộng di sản của cộng đồng đến cộng đồng du khách trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Bằng nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu, các sản phẩm của Hợp tác xã hiện không chỉ bán ở trong huyện, trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều có các chương trình dạy và học vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa, phấn đấu mỗi học sinh bán trú tự làm ít nhất 01 sản phẩm làm vật dụng cá nhân. Tại trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải đã có 01 tổ tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải với 15 học sinh nữ, hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống phù hợp với lứa tuổi, giới tính và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện và đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.

Tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, năm 2022, đã hình thành tổ hợp tác sản xuất và phát triển sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Mông xã Suối Giàng với 5 thành viên, trong đó có thực hành thuần thục và đầy đủ các họa tiết hoa văn được tạo từ sáp ong truyền thống, tổ hợp tác hoạt động tương đối ổn định và đã cho ra được nhiều sản phẩm thủ công có giá trị nghệ thuật phục vụ hoạt động trải nghiệm và mua sắm của khách du lịch khi đến với Suối Giàng.

Năm 2021, Tỉnh đoàn Yên Bái phát động cuộc thi "Tuổi trẻ Yên Bái giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc", thí sinh Khang Thị Bla, sinh năm 1998, dân tộc Mông ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải bằng tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc, lấy cảm hứng từ nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong, đã thể hiện tác phẩm của mình thông việc kể về quy trình vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông đầy sinh động và hấp dẫn. Tác phẩm sau khi được đăng tải đã thu hút đông đảo lượng người truy cập, theo dõi, bình chọn, được Ban Tổ chức đánh giá cao và xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi đã thể hiện vai trò của di sản trong cộng đồng tộc người Mông cũng như sự đánh giá cao về giá trị của di sản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó coi di sản nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là một di sản tiêu biểu của đồng bào Mông, được chú trọng truyền dạy và phổ biến trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, mà còn giúp các địa phương này có thêm động lực tạo ra các mặt hàng thổ cẩm đa dạng để quảng bá, giới thiệu với du khách, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

1124 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h