Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.
Phụ nữ Mông sử dụng các bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Đây là động lực lớn để phụ nữ người Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh này tiếp tục gìn giữ, sáng tạo và phát huy giá trị của loại hình này.
Những nữ “họa sĩ” người Mông
Đến Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện vùng cao Mù Cang Chải, mọi người đã được tận mắt quan sát các công đoạn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông để tạo ra hoa văn đẹp mắt trên những bộ váy áo thổ cẩm.
Các nữ “họa sĩ” người Mông khi vẽ sẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại. Khi vẽ, họ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết cổ truyền. Khi vẽ, người thợ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp sẽ chấm lần tiếp theo, giống như viết bút mực nước.
Sáp ong dùng để vẽ hoa văn có ba màu vàng, đen và trắng. Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ". Khi sử dụng, người Mông cho sáp vào chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, đun nhỏ lửa sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ C là có thể dùng để vẽ.
Người Mông ở Yên Bái sử dụng bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó, ghép lại thành các bộ phận như, vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Khi vẽ, người Mông không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn với nhiều mô típ khác nhau với đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật, hình kỷ hà cùng mảng màu tối, sáng, nóng, lạnh phù hợp. Sau khi vẽ xong, tấm vải được đem đi nhuộm, luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn.
Chị Lý Thị Ninh, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông cho biết, bà và mẹ đã truyền dạy cho chị ngay từ khi mới lên 5 tuổi. Trong Tổ, chị là người am hiểu về ý nghĩa các hoa văn, kỹ thuật tạo hình trên váy áo. Người Mông quan niệm, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt giúp kết nối với thần linh, đồng thời thể hiện cá tính, ước vọng của con người về cuộc sống.
Theo chị Ninh, để tạo ra một bộ trang phục đẹp, đúng bản sắc truyền thống của người Mông trải qua nhiều công đoạn như se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Các công đoạn đều rất quan trọng, song khâu dùng sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công nhất, đòi hỏi sự khéo léo, giàu sức sáng tạo để làm ra sản phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất.
Khi vẽ, người Mông cũng không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn khác nhau. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chị Hờ Thị Bla (bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha) đã học vẽ sáp ong và thêu váy áo từ khi mới 10 tuổi. Theo chị, là phụ nữ Mông, ai cũng tập và biết làm những công việc này. Các công đoạn đều có độ khó riêng, đặc biệt là vẽ những hoa văn chính, nếu không biết làm có khi mất cả ngày cũng chưa vẽ xong nhưng khi thuần thục không có gì khó.
Chị Hờ Thị Bla cho biết thêm, nghệ thuật dùng sáp ong vẽ, tạo hoa văn trên vải là kỹ thuật phổ biến và độc đáo của đồng bào Mông. Theo văn hóa của người Mông, hầu hết nữ giới từ thuở thiếu thời đã học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành phải có khả năng sử dụng thuần thục kỹ thuật này. Trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính mình, gia đình, sau đó là tạo vật dụng để biếu, tặng, trao đổi.
Phát huy giá trị di sản
Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Trong đó, người thợ chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành, phô diễn hiệu quả tại những sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Những phụ nữ Mông tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và khi sáp ong đã nóng chảy, đặc biệt là những lúc nông nhàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Thực hiện Dự án "Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội phối hợp với Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải đến đông đảo công chúng Thủ đô và du khách quốc tế, thu hút nhiều người tham gia trải nghiệm, mua sắm.
Với chủ trương xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở triết lý du lịch “Xanh, hài hòa, bản sắc, an toàn, thân thiện”, huyện dựa chủ yếu vào khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn cũng như sự thân thiện, mến khách của con người. Chính vì thế, việc phát huy giá trị của các di sản có ý nghĩa rất lớn trong chủ trương phát triển du lịch của huyện.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, nghệ thuật khèn Mông và dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là nguồn động viên rất lớn cho bà con, nhất là người Mông. Bồi đắp thêm niềm tự hào của bà con đối với bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, từ đó có thêm ý thức, trách nhiệm tiếp tục gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa này phục vụ phát triển du lịch.
Chị Lý Thị Ninh, tổ hợp tác Thổ cẩm xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, giới thiệu sản phẩm cho du khách. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Ông Trịnh Thế Bình cho biết thêm, huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ đón nhận hai Di sản này, dự kiến vào ngày 23/12 tại Trung tâm huyện với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó, có Festival khèn Mông và Hội thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây sẽ là hai trong các hoạt động tiếp tục quảng bá các di sản đến nhân dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào truyền dạy, phổ biến trong cộng đồng, trong trường học, coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Có thể thấy rằng, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải và nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn là di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Mông. Nguồn di sản văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Yên Bái - điểm đến hấp dẫn, thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.
1728 lượt xem
Báo Tin tức TTXVN
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.Đây là động lực lớn để phụ nữ người Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh này tiếp tục gìn giữ, sáng tạo và phát huy giá trị của loại hình này.
Những nữ “họa sĩ” người Mông
Đến Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện vùng cao Mù Cang Chải, mọi người đã được tận mắt quan sát các công đoạn đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông để tạo ra hoa văn đẹp mắt trên những bộ váy áo thổ cẩm.
Các nữ “họa sĩ” người Mông khi vẽ sẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại. Khi vẽ, họ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết cổ truyền. Khi vẽ, người thợ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp sẽ chấm lần tiếp theo, giống như viết bút mực nước.
Sáp ong dùng để vẽ hoa văn có ba màu vàng, đen và trắng. Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ". Khi sử dụng, người Mông cho sáp vào chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, đun nhỏ lửa sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ C là có thể dùng để vẽ.
Người Mông ở Yên Bái sử dụng bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó, ghép lại thành các bộ phận như, vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Khi vẽ, người Mông không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn với nhiều mô típ khác nhau với đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật, hình kỷ hà cùng mảng màu tối, sáng, nóng, lạnh phù hợp. Sau khi vẽ xong, tấm vải được đem đi nhuộm, luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn.
Chị Lý Thị Ninh, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông cho biết, bà và mẹ đã truyền dạy cho chị ngay từ khi mới lên 5 tuổi. Trong Tổ, chị là người am hiểu về ý nghĩa các hoa văn, kỹ thuật tạo hình trên váy áo. Người Mông quan niệm, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt giúp kết nối với thần linh, đồng thời thể hiện cá tính, ước vọng của con người về cuộc sống.
Theo chị Ninh, để tạo ra một bộ trang phục đẹp, đúng bản sắc truyền thống của người Mông trải qua nhiều công đoạn như se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Các công đoạn đều rất quan trọng, song khâu dùng sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công nhất, đòi hỏi sự khéo léo, giàu sức sáng tạo để làm ra sản phẩm đẹp nhất, ưng ý nhất.
Khi vẽ, người Mông cũng không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn khác nhau. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chị Hờ Thị Bla (bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha) đã học vẽ sáp ong và thêu váy áo từ khi mới 10 tuổi. Theo chị, là phụ nữ Mông, ai cũng tập và biết làm những công việc này. Các công đoạn đều có độ khó riêng, đặc biệt là vẽ những hoa văn chính, nếu không biết làm có khi mất cả ngày cũng chưa vẽ xong nhưng khi thuần thục không có gì khó.
Chị Hờ Thị Bla cho biết thêm, nghệ thuật dùng sáp ong vẽ, tạo hoa văn trên vải là kỹ thuật phổ biến và độc đáo của đồng bào Mông. Theo văn hóa của người Mông, hầu hết nữ giới từ thuở thiếu thời đã học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành phải có khả năng sử dụng thuần thục kỹ thuật này. Trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính mình, gia đình, sau đó là tạo vật dụng để biếu, tặng, trao đổi.
Phát huy giá trị di sản
Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Trong đó, người thợ chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành, phô diễn hiệu quả tại những sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Những phụ nữ Mông tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và khi sáp ong đã nóng chảy, đặc biệt là những lúc nông nhàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Thực hiện Dự án "Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội phối hợp với Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải đến đông đảo công chúng Thủ đô và du khách quốc tế, thu hút nhiều người tham gia trải nghiệm, mua sắm.
Với chủ trương xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở triết lý du lịch “Xanh, hài hòa, bản sắc, an toàn, thân thiện”, huyện dựa chủ yếu vào khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn cũng như sự thân thiện, mến khách của con người. Chính vì thế, việc phát huy giá trị của các di sản có ý nghĩa rất lớn trong chủ trương phát triển du lịch của huyện.
Ông Trịnh Thế Bình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết, nghệ thuật khèn Mông và dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là nguồn động viên rất lớn cho bà con, nhất là người Mông. Bồi đắp thêm niềm tự hào của bà con đối với bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình, từ đó có thêm ý thức, trách nhiệm tiếp tục gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa này phục vụ phát triển du lịch.
Chị Lý Thị Ninh, tổ hợp tác Thổ cẩm xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, giới thiệu sản phẩm cho du khách. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Ông Trịnh Thế Bình cho biết thêm, huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ đón nhận hai Di sản này, dự kiến vào ngày 23/12 tại Trung tâm huyện với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó, có Festival khèn Mông và Hội thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây sẽ là hai trong các hoạt động tiếp tục quảng bá các di sản đến nhân dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào truyền dạy, phổ biến trong cộng đồng, trong trường học, coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Có thể thấy rằng, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải và nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn là di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Mông. Nguồn di sản văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Yên Bái - điểm đến hấp dẫn, thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.