Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Kinh tế

Điều hành giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

08/09/2022 16:26:37 Xem cỡ chữ Google
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022.

Điều hành giá linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.

Thông báo nêu rõ: Trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế có chiều hướng suy giảm ở một số nền kinh tế lớn, xung đột chính trị giữa một số quốc gia có diễn biến phức tạp… tác động đến mặt bằng giá thế giới và trong nước. Trong bối cảnh đó, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. CPI tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước, bình quân 8 tháng năm 2022 ước tính tăng khoảng 2,58%-2,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, công tác điều hành giá đạt được kết quả tích cực đến thời điểm này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân. Chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, cùng với các chính sách của các bộ, ngành được triển khai tích cực, nhanh chóng, hiệu quả đã góp phần ổn định tỷ giá, đảm bảo cán cân thương mại, kiểm soát được tín dụng, thanh khoản của nền kinh tế góp phần kiểm soát lạm phát chung. Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong 4 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng, tình hình cạnh tranh chiến lược, tăng cường các chính sách bảo hộ, phòng vệ thương mại và hạn chế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thương mại giữa các nước đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành giá phải bám sát tình hình thế giới, không được chủ quan, lơ là, đảm bảo cung cầu trong nước để ổn định kinh tế.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Các Bộ, ngành, địa phương bám sát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 tại các văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 2 năm 2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02 tháng 3 năm 2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2022 và Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2022.

Ổn định thị trường tiền tệ

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chú trọng tập trung vào các biện pháp quản lý chung: Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế; đánh giá kỹ các yếu tố, nguy cơ có thể dẫn đến nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp; ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường trong nước, giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp, đảm bảo điều tiết theo giá thị trường.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đã đề ra.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục vụ tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao tình hình trong nước và thế giới, đánh giá tác động chính sách về tỷ giá và tín dụng đối với cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Rà soát việc áp dụng các chính sách tài khóa, đặc biệt là với các chính sách sắp hết hiệu lực, nghiên cứu dư địa còn lại của các chính sách thuế, phí đặc biệt liên quan đến xăng dầu. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Không để xảy thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngành, địa phương trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường phối hợp trong công tác điều hành, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, trong đó:

Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động trong việc đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan (i) tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu; trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước; (ii) tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá; (iii) thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định. Trong đó:

Đối với vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phối hợp quản lý hiệu quả nguồn cung, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, giữ hàng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với giá lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi, Bộ Công Thương và các Bộ ngành phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi.

Đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ triển khai các quy định tại Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về việc bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế; tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế kê khai theo quy định tại Luật Dược; theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Rà soát hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, chuẩn bị các điều kiện cho phép, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời điểm điều hành phù hợp.

Đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

3994 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h