Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo giải trình một số nội dung cử tri quan tâm

09/01/2024 10:29:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại Phiên giải trình về một số vấn đề được cử tri quan tâm do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, Giám đốc các sở, ngành của tỉnh đã báo cáo giải trình và làm rõ một số ý kiến kiến nghị của cử tri. Cổng Thông tin điện tử trân trọng đăng tải nội dung giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Quang cảnh phiên giải trình ý kiến cử tri

* Nội dung đề nghị giải trình:

Hiện nay, trên địa bàn một số xã, phường của thành phố Yên Bái như xã Giới Phiên, xã Âu Lâu, phường Hợp Minh (trước đây thuộc huyện Trấn Yên sáp nhập vào thành phố Yên Bái), có một số hộ gia đình đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chưa kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận để sang tên đổi chủ, bị mất giấy chứng nhận của chủ cũ, nay có nhu cầu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua đối chiếu, kiểm tra, hồ sơ gốc lưu tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Trấn Yên đã bị mất, thất lạc, nên không có căn cứ để Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thực hiện việc cấp lại giấy chứng nhận cho nhân dân. Đề nghị cho biết các giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên.

* Sở Tài nguyên và Môi trường:

Nội dung này Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện. Theo đó, đã có phương án xử lý và thống nhất để các Chi nhánh trực thuộc thực hiện tại Thông báo kết luận số 45/TB-VPĐK ngày 04/6/2021, trong đó có nội dung:

“(2) Về phương án xử lý đối với việc thẩm định hồ sơ đăng ký biến động đất đai nhưng đã mất hồ sơ gốc, đề nghị các chi nhánh căn cứ hồ sơ đã lập đối chiếu với bản đồ đã sử dụng để cấp Giấy chứng nhận trước đây làm căn cứ thẩm định. Trường hợp mất cả bản đồ đã sử dụng để cấp Giấy chứng nhận thì thực hiện lập hồ sơ, sơ đồ thửa đất theo hiện trạng sử dụng, niêm yết công khai theo quy định, xin ý kiến xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của UBND cấp xã để hoàn thiện hồ sơ giải quyết cho người dân. Giải thích cho công dân biết việc phải thực hiện nội dung này trước khi nhập hồ sơ vào Bộ phận phục vụ Hành chính công hoặc có thông báo tạm dừng hồ sơ để thực hiện nội dung phát sinh ngoài thủ tục hành chính, chuyển Bộ phận phục vụ Hành chính công tạm dừng hồ sơ đảm bảo đúng quy định”.

* Nội dung đề nghị giải trình:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ví dụ, theo phản ánh của cử tri xã Đông An, huyện Văn Yên, hiện tại toàn bộ các nhà văn hóa thôn vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đề nghị UBND tỉnh làm rõ hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lý do chậm cấp giấy chứng nhận, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, lộ trình thực hiện như thế nào?

* Sở Tài nguyên và Môi trường:

Theo Luật Đất đai năm 2013 chỉ bắt buộc đăng ký đất đai lần đầu; còn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không bắt buộc mà thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất, do đó không có số liệu khảo sát, thống kê chi tiết các nhà văn hoá, trường học, trạm y tế đang sử dụng đất mà chưa được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, về kết quả cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức sử dụng đất tính đến ngày 31/8/2023 như sau:

Toàn tỉnh đã cấp được 4.669 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) với diện tích đã cấp là 175.625,0 ha cho các tổ chức sử dụng đất. Trong đó, đã cấp 1.037 Giấy chứng nhận cho đất cơ sở giáo dục đào tạo, diện tích cấp là 393,0ha, chiếm 89,7% diện tích cần cấp (438,0ha); 407 Giấy chứng nhận cho đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, diện tích cấp là 119,1ha, chiếm 75,4% diện tích cần cấp (158,0ha); 57 Giấy chứng nhận cho đất cơ sở văn hoá, diện tích cấp là 13,1ha, chiếm 9,0% % diện tích cần cấp (145,0ha).

Về cơ bản các trường học đã được cấp Giấy chứng nhận, do năm 2009 và 2010 thực hiện dự án kiên cố trường, lớp học trong đó có nội dung cấp Giấy chứng nhận cho các trường học, các điểm trường và nhà công vụ giáo viên nên cơ bản đã giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận cho đất giáo dục (đối với các điểm trường vướng mắc về nguồn gốc hoặc có tranh chấp chưa cấp được để lại tiếp tục xử lý); về đất văn hoá tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đạt thấp chủ yếu do hiện trạng đất chưa bóc tách riêng biệt được.

Nguyên nhân cấp GCN chậm:

- Đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan: Về cơ bản đất trụ sở cơ quan khi được giao đất đã được cấp Giấy chứng nhận, tuy nhiên vẫn có những tổ chức được bàn giao đất và công trình xây dựng từ chủ đầu tư (thường là các Ban Dự án của cấp huyện) theo hình thức “chìa khoá trao tay” nên các đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng mà không hoàn thiện các thủ tục về giao đất và cấp Giấy chứng nhận.

- Đối với đất cơ sở giáo dục đào tạo: Các trường mầm non, tiểu học, THCS thường sử dụng đất nhưng có nguồn gốc không rõ ràng, không hoàn thiện các thủ tục để được nhà nước giao đất trước khi xây dựng công trình dẫn đến khó khăn khi thẩm định hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ yếu đất có nguồn gốc do UBND cấp xã tự bố trí vào quỹ đất công ích của xã hoặc lấy đất công ích của xã đổi đất cho các hộ gia đình, cá nhân hoặc vận động người dân “hiến đất” để xây dựng trường học nhưng không làm thủ tục về đăng ký đất đai. Mặt khác, nhiều vị trí được bố trí xây dựng trường học không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, sau khi xây dựng trường học cũng không bổ sung, điều chỉnh quy hoạch trong các kỳ quy hoạch sử dụng đất tiếp theo.

Các trường học cũng thường xuyên có sự sắp xếp, chia tách, sáp nhập giữa các điểm trường, giữa các cấp học hoặc đổi đất giữa trường học với các công trình công cộng của UBND cấp xã như trạm y tế, nhà văn hoá,....mà không thực hiện các thủ tục về đất đai dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức sử dụng đất.

- Đối với đất xây dựng nhà văn hoá: Tỷ lệ đất cấp cho nhà văn hoá còn rất thấp, nguyên nhân do trước đây chưa được UBND cấp xã quan tâm để làm thủ tục giao đất, cấp Giấy chứng nhận. Những năm gần đây việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hoá trở thành tiêu chí để xét chuẩn nông thôn mới thì mới được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, các quỹ đất xây dựng nhà văn hoá cũng được Uỷ ban nhân dân cấp xã bố trí vào quỹ đất công ích, hoặc đổi đất công ích của xã cho các hộ gia đình, cá nhân mà không làm thủ tục đất đai và cũng không bám sát quy hoạch sử dụng đất nên khi được hướng dẫn lập hồ sơ đều bị vướng mắc.

Giải pháp: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Đo đạc, lập bản đồ địa chính tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái”, trên cơ sở kết quả đo đạc, UBND cấp huyện thực hiện việc trích nguồn kinh phí 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất hàng năm để xây dựng dự án rà soát, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức sử dụng đất.

* Nội dung đề nghị giải trình:

Qua tiếp xúc cử tri tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, cử tri phản ánh: Dự án di dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành từ năm 2018, nhưng cho đến nay 68 hộ dân thuộc dự án di dời vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của các hộ dân, người dân không yên tâm sinh sống và phát triển sản xuất. Ví dụ: Như việc không được vay vốn để phát triển kinh tế do không có tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - người dân không có tài sản khác để thế chấp.

Đề nghị giải trình làm rõ nguyên nhân vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đến khi nào 68 hộ dân thuộc dự án di dời thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?  Đồng thời, làm rõ trên địa bàn toàn tỉnh còn bao nhiêu hộ thuộc các dự án di dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện dự án và phương hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?

* Sở Tài nguyên và Môi trường:

(1) Nguyên nhân vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Dự án di dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca được triển trong giai đoạn 2016-2018:

Trên cơ sở nội dung báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên tại Văn bản số 197/TNMT-ĐĐ, quỹ đất tái định cư di dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca thuộc Dự án được triển khai thực hiện từ những năm 2017 - 2019; Chủ đầu tư thực hiện dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, dự án mới triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với 20 hộ gia đình có đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 4,23 tỷ đồng; còn 14 hộ gia đình có nhà ở trên đất (gồm 07 hộ đã được cấp giấy chứng nhận đất ở, 07 hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận đất ở) chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ vì chưa có phương án của cấp có thẩm quyền cho phép là bồi thường, hỗ trợ bằng tiền hay bồi thường, hỗ trợ bằng đất. 

Ngày 26/6/2020, UBND huyện Trấn Yên có Văn bản số 645/UBND-TTPTQĐ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái về việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong công tác thu hồi đất xây dựng công trình Di dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp để giải quyết. Bên cạnh đó, quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình để làm nhà ở tại thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca chưa được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Do đó, UBND huyện Trấn Yên chưa có cơ sở để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình.

Nội dung trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để dẫn đến chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình thuộc diện di dời nêu trên chủ yếu là do trách nhiêm của Chủ đầu tư thực hiện dự án, do vướng mắc trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, do thiếu vốn thực hiện, không triển khai đầy đủ các hạng mục của dự án; UBND cấp huyện chưa thực hiện việc lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nên chưa có đủ cơ sở để giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình theo quy định.

(2) Đối với nội dung trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu hộ thuộc dự án di dân chưa được cấp Giấy chứng nhận”:

Ngày 29/9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 2159/STNMT-QLĐĐ về việc rà soát, hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các khu tái định cư bố trí cho các hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận được báo cáo của 06/09 huyện, thành phố, thị xã (còn Uỷ ban nhân dân 3 huyện: Lục Yên, Văn Yên và Mù Cang Chải hiện chưa có báo cáo), qua tổng hợp báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã về các khu tái định cư, kết quả như sau:

- Tổng số khu tái định cư trên địa bàn 06 huyện, thành phố, thị xã gồm 58 khu với tổng diện tích là 50,3 ha (trong đó: Thị xã Nghĩa Lộ: 31 khu/16,13 ha; Thành phố Yên Bái: 01 khu/1,64 ha; Huyện Trạm Tấu: 02 khu/3,99 ha; Huyện Trấn Yên: 04 khu/8,37 ha; Huyện Văn Chấn: 14 khu/17,38 ha; Huyện Yên Bình: 06 khu/2,79 ha).

Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của UBND 6 huyện, thị xã, thành phố như đã nêu trên cho thấy: Đã có 626 hộ gia đình, cá nhân di dân đã được bố trí tái định cư với diện tích 12,24 ha đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để có đủ số liệu báo cáo trên địa bàn tỉnh còn có bao nhiêu hộ thuộc dự án di dân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc 3 huyện còn lại báo cáo (là huyện Lục Yên, Văn Yên và huyện Mù Cang Chải) và sẽ tổng hợp báo cáo tổng số hộ di dân chưa được cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh.

- Về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án. Phương hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề trong thời gian tới.

Theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 và Điều 105 Luật Đất đai thì thẩm quyền giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, do thời điểm thực hiện dự án di dân đã triển khai từ nhiều năm trước, các khu tái định cư đã được UBND cấp huyện bố trí tái định cư cho các hộ dân ở và sinh sống từ lâu nhưng trong quá trình triển khai dự án đã chưa thực hiện, hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến chưa có cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân.

- Về giải pháp: Để giải giải quyết được dứt điểm các vấn đề nêu trên, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy cần thực hiện các nội dung sau:

a) Đối với UBND cấp huyện

UBND cấp huyện cần chủ động rà soát các dự án di dân, trong đó xác định chính xác số lượng hộ gia đình đã được bố trí tái định cư nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận. Tiến hành phân loại hồ sơ theo hướng các trường hợp đủ điều kiện lập hồ sơ giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đối với các trường hợp đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

Đối với các công trình, dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện như chưa đủ cơ sở pháp lý, hồ sơ thiếu chưa đảm bảo theo quy định thì đề xuất các giải pháp để tháo gỡ và xin ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành để được hướng dẫn giải quyết cho từng trường hợp và từng khu đất. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

b) Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho người dân. Kịp thời nắm bắt, hướng dẫn UBND cấp huyện về trình tự, thủ tục đưa danh mục vào bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (nếu có) và thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các công trình, dự án làm cơ sở để UBND cấp huyện giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân di dân theo quy định.

1115 lượt xem
Tiến Lập (tổng hợp)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h