Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Văn bản mới

Bộ NN&PTNT ra công điện khẩn chống cúm gia cầm lây sang người

24/10/2022 13:42:02 Xem cỡ chữ Google
Sau khi Bộ Y tế thông tin có 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ, ngày 21/10, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố -Ảnh minh họa

Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 5/10/2022 đã có 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ, sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm virus cúm A/H5.

Tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp; trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm  tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5,…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy định của Luật Thú y.

Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Các địa phương này tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao; chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch.

Với các địa phương khác, rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vaccine cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vaccine.

Các tỉnh, thành phố hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đồng thời, tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm,...) và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm A/H5.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam.

Các tỉnh, thành phố thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao Cục Thú y tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm;  chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vaccine cúm gia cầm để đánh giá hiệu lực các loại vaccine đã được phép lưu hành tại Việt Nam, các loại vaccine mới đăng ký kiểm nghiệm, khảo nghiệm, lưu hành theo quy định. Cục Thú y tổ chức thanh tra, kiểm tra việc xét nghiệm virus CGC tại các phòng thử nghiệm, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định…

Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức thành lập các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc, hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh phòng dịch.

 

1677 lượt xem
Theo Chinhphu.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h