Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Chính trị

Đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

08/06/2020 15:39:30 Xem cỡ chữ Google
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Văn Yên triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV trong bối cảnh đất nước, tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và đã thực hiện có hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thành toàn diện 24/24 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ huyện đề ra; trong đó, có 20 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lãnh đạo, đảng viên và nhân dân xã Viễn Sơn trong chuyến công tác tại huyện Văn Yên.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 38,5 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; xác định tập trung phát triển đối với 8 sản phẩm có lợi thế trong 11 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Triển khai xây dựng được 6 chuỗi giá trị, 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ của huyện. 

Đây là những đột phá phát triển kinh tế so với nhiệm kỳ trước, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,8%/năm, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,2%, cao hơn bình quân của tỉnh 6,3%. Huyện đã xây dựng được 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết. 

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tổng giá trị sản xuất ngành CN - TTCN trên địa bàn năm 2020 ước đạt 1.030 tỷ đồng, vượt 14,4% so với Nghị quyết; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,3%.

Hoạt động thương mại phát triển rõ nét; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 2.170 tỷ đồng, vượt 7,4% mục tiêu Nghị quyết, tăng 41,2% so với năm 2015. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản; phát triển thế mạnh về du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa như đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn... và phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2020, lượng khách du lịch đến với huyện ước đạt 300.000 lượt người, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 150 tỷ đồng. 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 9.000 tỷ đồng, vượt 9,8% mục tiêu kế hoạch. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút 63 dự án đầu tư vào huyện, với tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng; thành lập mới 119 doanh nghiệp, 49 hợp tác xã; toàn huyện hiện có 209 doanh nghiệp, gấp gần 2 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách năm 2019 đạt 181,4 tỷ đồng; dự kiến năm 2020 đạt 225 tỷ đồng, vượt 40,6% mục tiêu Nghị quyết. 

 

 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan các sản phẩm quế tại Lễ hội Quế Văn Yên. 

 

Huyện đã thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan, tổ chức theo hướng khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp.

Xây dựng và triển khai tích cực đề án chính quyền điện tử; thành lập và đưa Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã hoạt động liên thông từ 1/4/2019, giải quyết tốt các thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 99%; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trong nhiệm kỳ đã đào tạo 13.700 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70%, tăng 14,9% so với năm 2015; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31%.

Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn và đô thị; toàn huyện đã kiên cố hóa được 259,6 km đường giao thông nông thôn, 75,7 km đường giao thông đặc thù; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 48,3%; 100% các xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 90,6%. 

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án về công tác giáo dục và đào tạo. Hiện nay, toàn huyện có 68 cơ sở giáo dục, huy động được 34.637 học sinh; trong đó, 3.649 học sinh ở bán trú, so với đầu nhiệm kỳ giảm 24 trường, 82 điểm trường lẻ, 10 nhóm lớp, tăng 3.698 học sinh, tăng 1.522 học sinh bán trú; tỷ lệ quản lý, giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt 78%, tăng 19% so với năm 2015. 

Công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh; chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân ngày càng nâng cao. Toàn huyện có 68% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế, vượt 5% mục tiêu Nghị quyết; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ các loại vắc - xin đạt 99% đạt mục tiêu Nghị quyết. Bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới cho 2.648 lao động, vượt 1,8% Nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm được 6,08%, vượt 2,08% Nghị quyết; an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông được kiềm chế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. 

Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chú trọng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Nhiệm kỳ qua, đã mở 42 lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho 3.196 học viên và mở 4 lớp cập nhật kiến thức mới cho 882 đối tượng là cấp ủy viên cơ sở, bí thư chi bộ. 

Hoàn thành việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ 25/25 xã, thị trấn. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và đã giảm được 32 đầu mối cơ quan, đơn vị (26,2%), giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã và 185 thôn, khu phố, tổ dân phố (51,8%), giảm 62 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, 951 cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố, tinh giản được 185 biên chế. 

Quan tâm làm tốt công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ, nhất là tăng cường từ các phòng, ban của huyện về làm cán bộ chủ chốt của xã, thị trấn nhằm vừa đào tạo cán bộ vừa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển của cơ sở; đến nay, 80% xã, thị trấn có bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND không phải là người địa phương. 

Chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển, quản lý đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên mới kết nạp và trong nhiệm kỳ đã kết nạp 1.507 đảng viên, vượt 0,05% mục tiêu Nghị quyết. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm bình quân đạt 89,2%, vượt 9,2% mục tiêu Nghị quyết. 

Trong nhiệm kỳ, đã kiểm tra, giám sát 908 lượt tổ chức Đảng, 5.934 lượt đảng viên, tăng 35% tổ chức Đảng, tăng 59% đảng viên so với nhiệm kỳ 2010-2015; thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng, 101 đảng viên đã góp phần giáo dục, uốn nắn, phòng ngừa vi phạm, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Phong trào thi đua "Dân vận khéo” được đẩy mạnh và đã xây dựng được 877 mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa, tạo động lực, cổ vũ, động viên đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Hoạt động của HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới; vị thế, vai trò của HĐND các cấp được nâng lên. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND các cấp bám sát chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy, của cấp ủy cùng cấp và tình hình thực tiễn của địa phương gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và hướng mạnh về cơ sở. 

Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đạt được những kết quả trên là do, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành. 

Cùng đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Yên luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức, phát huy trí tuệ tập thể, đổi mới, năng động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trên cơ sở dự báo tình hình, quán triệt và nắm vững chủ trương, định hướng lớn của Trung ương trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, những chủ trương, định hướng quan trọng của Tỉnh ủy trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và căn cứ mục tiêu, yêu cầu phát triển của huyện đến năm 2025, Đảng bộ huyện Văn Yên xác định mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đó là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, xây dựng niềm tin vững chắc vào đường lối đổi mới của Đảng; phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết và ý chí, khát vọng phát triển; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến sâu, đa dạng sản phẩm làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững; thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu; không ngừng củng cố vững chắc quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quyết tâm xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện 3 đột phá. 

Một là, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển nhanh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. 

Hai là, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng nông thôn, hạ tầng đô thị và hạ tầng cụm công nghiệp. 

Ba là, phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với thị trường lao động và giải quyết việc làm; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để người lao động phát huy phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến, tạo sức mạnh nội sinh thúc đẩy xây dựng NTM; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Kết hợp với 5 chương trình trọng điểm cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới: 

Thứ nhất, xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng bền vững. 

Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển dịch mạnh kinh tế lâm nghiệp bền vững; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản, đưa Văn Yên trở thành trung tâm chế biến quế công nghệ cao, có giá trị, xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước; ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ du lịch. 

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. 

Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng nông thôn, hạ tầng đô thị và hạ tầng cụm công nghiệp. 

Thứ năm, phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Để thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Văn Yên tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống của huyện Anh hùng, tinh thần tiến công cách mạng; tập trung sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy các tiềm năng, lợi thế; với tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra, quyết tâm xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Luyện Hữu Chung - Bí thư Huyện ủy Văn Yên

 

1705 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h