Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái chủ động phòng chống dịch bệnh thủy đậu

15/03/2024 15:54:25 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 69 ca mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong với chẩn đoán Thủy đậu - Viêm phổi nặng - Suy gan cấp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 69 ca mắc bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus gây nên. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Mặc dù là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng bệnh thủy đậu rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, phải nhập viện điều trị và nguy cơ cao dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh, tim mạch, vận động và da liễu nặng nề kéo dài sau khi khỏi bệnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 69 ca mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, thành phố Yên Bái 21 ca,  huyện Yên Bình 11 ca, Trấn Yên 6, Lục Yên 6, Văn Chấn 4 ca; còn thị xã Nghĩa Lộ, Văn Yên và Mù Cang Chải, mỗi địa phương 7 ca. Toàn tỉnh ghi nhận 2 ổ dịch tại thành phố Yên Bái (4 ca) và huyện Yên Bình (4 ca); đặc biệt đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong với chẩn đoán thủy đậu - viêm phổi nặng - suy gan cấp. 

Để chủ động phát hiện, phòng chống dịch bệnh thủy đậu tại cộng đồng, các cơ sở điều trị và tại các trường học trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý các ổ dịch theo đúng quy định; chỉ đạo phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, kéo dài, bùng phát thành dịch; đề xuất các giải pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục những tồn tại của địa phương trong công tác phòng chống dịch. Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh thủy đậu bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh; củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch.

Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh thủy đậu; phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy đậu và các dịch bệnh khác cho trẻ em; phối hợp với Phòng giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn trang bị đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, có đủ nước sạch và có vị trí thuận lợi để người chăm sóc trẻ và trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện đa khoa Hữu Nghị 103, Bệnh viện đa khoa Trường Đức tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu vực điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người thăm, đặc biệt lưu ý các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Củng cố, kiện toàn đội cấp cứu lưu động. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, nhân lực sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có tình huống xảy ra. Thường xuyên cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các cán bộ làm việc tại khu vực khám bệnh, khoa truyền nhiễm, khoa nhi.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh thủy đậu, mỗi người dân nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

1759 lượt xem
Thu Nga

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h