Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024): Ký ức mở đường qua đèo Lũng Lô vào Điện Biên Phủ

17/04/2024 07:16:02 Xem cỡ chữ Google
Giữa núi rừng Tây Bắc, đèo Lũng Lô hiện ra hùng vĩ và hiên ngang. Với chiều dài 15km, độ dốc trên 10%, đèo nối hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La) đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Công binh phá đá mở đường đèo Lũng Lô năm 1953.

Ngày đêm phá đá mở đường

Tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái quyết định thành lập cung đường 13A, trong đó có đèo Lũng Lô.

Tại đây, đã có trên 124.000 lượt công binh và thanh niên xung phong cuốc đất, phá đá, nổ mìn để mở đường. Sau hơn 200 ngày đêm làm việc, tuyến đường qua đèo Lũng Lô đã thông suốt, nối chiến khu Việt Bắc với các tỉnh Tây Bắc, giúp hàng vạn ô tô, xe thồ chở vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhằm ngăn chặn quân và dân ta tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua tuyến đường này, thực dân Pháp đã ném xuống khu vực đèo Lũng Lô gần 12 nghìn tấn bom, có ngày ném tới 200 quả.

Một phần đèo Lũng Lô thuộc xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn còn là trọng điểm 7A, bản Dạ là trọng điểm 7B, có Binh trạm T.100 và cánh rừng già mênh mông, nơi che giấu hàng trăm ô tô, xe thồ chờ đêm xuống để vượt đèo ra trận.

Khu vực bản Mỏ là trọng điểm 7C qua xưởng sửa chữa ô tô và trạm thương binh; Bản Vằm là trọng điểm 7D, nơi đặt trụ sở Ban Chỉ huy công trường đường 13A, cũng là nơi làm việc của các đồng chí cán bộ cao cấp.

Bà Lương Thị Tuế (xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) là một trong số những người tham gia lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại đèo Lũng Lô thuở ấy. Giờ đây, dù đã 90 tuổi nhưng bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời đó.

Bà kể, trong suốt chiến dịch, ngày nào máy bay địch cũng quần thảo trên bầu trời bất kể ngày đêm, ném đủ các loại bom na pan, bươm bướm, nổ chậm… Hễ nghe tiếng máy bay từ xa, mọi người lại chạy vào hầm hay vách núi trú ẩn.

Khi máy bay đi, ai nấy lại tiếp tục tay cuốc tay xẻng mở đường. Ngày đó chỉ có xà beng và cuốc xẻng, nữ lo hót đất bê đá san gạt mặt đường, nam giới thì đào xới, lắm đoạn phải treo mình trên núi cao để đục đá.

"Gian khổ nhất là việc không đủ lương thực, thực phẩm vì máy bay địch ném bom làm tắc con đường vận chuyển. Mọi người chỉ còn cách vào rừng đào củ mài về để ăn thay cơm. Những người khỏe mạnh thì ăn củ xấu, củ to, ngon để dành cho thương binh hay những người đang ốm nặng", bà Tuế nhớ lại.

Góp phần vào chiến thắng chấn động địa cầu

Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, sức khỏe không đảm bảo nhưng tất cả vẫn hăng hái lao động với quyết tâm cao nhất. Ông Hà Văn Hổ (80 tuổi, ở thôn Thắm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, đoạn đường khe Thắm, qua cánh đồng Mỏ dài 3km có 3 con suối lớn, có đoạn là bãi sình lầy dài cả cây số, nhân dân đã quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, thậm chí cả bộ cột nhà để lót đường, bắc cầu thông xe.

Đoàn xe vận tải vượt đèo Lũng Lô phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xã Thượng Bằng La lúc bấy giờ cũng huy động hơn 300 người tham gia mở đường, số người này được chia làm 3 trạm, mỗi trạm có một nhiệm vụ riêng. Một trạm làm nhiệm vụ chuyên cảnh giới, khi thấy máy bay địch đến là cảnh báo dân công ẩn nấp, tránh; Một trạm chuyên cứu hộ xe chở hàng qua lại bị tắc, bị lún; Một đội làm nhiệm vụ cứu thương, tham gia vận chuyển vũ khí.

Hiện nay, Đèo Lũng Lô còn nguyên dấu tích lịch sử mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạc vào vách đá trước cửa hang vũ khí, khi Đại tướng dừng chân trên đường chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: "Nếu để một viên đạn ẩm mốc là có tội với đồng bào".

Chân đèo là nơi họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh sau khi hoàn thành bức ký họa cuối cùng có tên đèo Lũng Lô, mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến phấn khởi trở về sau khi toàn thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ cách thời điểm ký Hiệp định Giơ-ne-vơ có 34 ngày.

Đỉnh đèo là địa danh nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc "Hành quân xa" với ca từ "đâu có giặc là ta cứ đi", trên đường hành quân ra mặt trận...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: "Không có đường 13A thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ. Không có tuyến Lũng Lô - đèo Chẹn thì không có đường 13A. Không có Chiến dịch Điện Biên Phủ thì còn lâu kẻ thù mới sụp đổ hoàn toàn".

Tuyến đường huyết mạch thời bình

Ông Nguyễn Tiến Giảng, nguyên Giám đốc Sở GTVT Yên Bái kể, đèo Lũng Lô được coi là tuyến đường độc đạo duy nhất từ thủ đô kháng chiến Tuyên Quang (nơi tập trung hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu) nối liền với đường 41 vận chuyển hàng hóa, vũ khí lên Điện Biên Phủ.

Một đoạn đèo Lũng Lô, thuộc xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, con đường 13A lại một lần nữa góp phần vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Ngày 27/4/2011, Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại, minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Giờ đây, Đèo Lũng Lô là tuyến đường huyết mạch gần nhất nối từ Yên Bái sang Sơn La và Điện Biên.

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, năm 2023, Đèo Lũng Lô được đầu tư nâng cấp sửa chữa với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng từ Km 344+250 đến Km 354+750 trên tuyến QL37 (tiền thân là đường 13A) với mặt đường thảm nhựa asphalt dày 7 cm.

668 lượt xem
Theo Báo Giao thông

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h