Ngày 27/8/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3269/QĐ-BVHTTDL công nhận địa danh Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là di tích cấp Quốc gia.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia - Khu ủy Tây Bắc
Địa điểm Khu ủy Tây Bắc thuộc bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía Đông, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Đông Bắc. Để đến với Di tích có thể đi bằng đường bộ khá thuận lợi. Từ thành phố Yên Bái ngược về phía Bắc qua cầu Yên Bái, theo đường Quốc lộ 32 tới Trung tâm xã Phù Nham rẽ phải theo đường liên xã khoảng 1,5km rồi qua cầu treo bắc qua dòng ngòi Nhì đi khoảng 0.5km là đến Di tích.
Nơi đặt trụ sở của Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1953 đến cuối năm 1954 là bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Trước đây bản Chanh được gọi là bản Chanh Quân, song do mật độ dân cư ngày càng đông nên bản Chanh Quân được tách thành hai bản là bản Quân và bản Chanh.
Vào thế kỷ XIX, khoảng năm 1873 khi giặc cờ Vàng (tàn quân của phong trào khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc - Trung Quốc) do Dịp Tài (theo cách đọc của người Thái, còn tên chính thức được ghi trong sử sách là Diệp Tài) cầm đầu kéo quân vào xâm chiếm đất Mường Lò, dân Phù Nham đã anh dũng đứng lên theo lời kêu gọi của vị thủ lĩnh người Thái là Cầm Ngọc Hánh chống lại giặc cờ Vàng.
Năm 1875 - 1896 hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào chống Thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích chỉ huy đã phát triển nhanh chóng. Ở Yên Bái đã hình thành các trung tâm hoạt động của nghĩa quân tại các vùng Đại Lịch, lòng chảo Mường Lò... trong thời gian đó, nhân dân các dân tộc tại các địa điểm trên đã đoàn kết một lòng cùng nghĩa quân chống lại bọn xâm lược và nhân dân xã Phù Nham cũng nhiệt tình tham gia những hoạt động đó.
Suốt một thời gian dài, người dân nơi đây sống trong cảnh nô lệ lầm than, làm tôi tớ cho bọn Phìa Tạo, bị giặc Pháp bắt phu, bắt lính, đói khát, bệnh tật... họ chỉ biết trông vào số phận. Đâu đó trong lịch sử cũng có những cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại bọn thống trị tàn ác, song không đạt được kết quả như mong muốn. Từ khi có ánh sáng của Đảng, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc nơi đây mới biết đến khái niệm “Độc lập - Tự do”. Có Đảng, có Bác Hồ và được cán bộ tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nhân dân xã Phù Nham đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương đất nước. Căn cứ Nong Bon là sợi dây nối nhân dân Phù Nham với Đảng. Tấm lòng của nhân dân Năm Hăn, Bản Chanh... qua những nắm cơm, hạt muối nuôi giấu cán bộ, qua những lần bị địch hăm doạ, đàn áp nhưng người dân Phù Nham vẫn không chịu khuất phục, một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, đấu tranh giải phóng xây dựng quê hương.
Sau thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12/1952), Thượng Lào (4/1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, quân số trên 15 ngàn quân với đầy đủ vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay để nhằm khống chế quân ta, chiếm lại khu Tây Bắc.
Tháng 9/1951, Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lý Thường Kiệt nhằm giải phóng phân khu Nghĩa Lộ do quân Pháp chiếm đóng từ năm 1947. Lực lượng bộ đội chủ lực tham gia có sư đoàn 312 phụ trách hướng chính, có sự phối hợp của các đơn vị địa phương tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Hướng phụ có trung đoàn 148 và bộ đội địa phương tỉnh Lào Cai. Do việc giữ bí mật chưa được tốt nên khi ta mở chiến dịch có tiêu diệt được một số sinh lực địch, chiếm được một số đồn nhưng sau đó ta lại phải rút quân ra vùng tự do, địch lại tái chiếm và đến ngày 1/11/1951 chiến dịch kết thúc.
Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5/1952 Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của khu XX (tiền thân của Khu ủy Tây Bắc).
Giữa năm 1953, Trung ương điều động đồng chí Trần Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La bổ sung vào Khu ủy, giám đốc công an khu Tây Bắc, ông Lò Văn Mười - Ủy viên ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn La về nhận công tác ở Khu.
Tháng 5/1952, trụ sở khu XX đóng tại làng Đồng Lý huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái). Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, chỉ trong vòng mười ngày ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); sau đó bộ đội ta mở đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12/1952 giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu).
Để việc lãnh đạo được sâu sát hơn, tháng 11/1952 khu XX đã chuyển trụ sở về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Thác Thiến - Km28, đường 13A). Đầu năm 1953, ta mở đường 13A từ Ba Khe sang nối với đường 41 (Hà Nội đi Sơn La - Lai Châu) ở Cò Nòi để chuẩn bị lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Thấy nguy cơ bị tấn công nên giặc Pháp bí mật rút bỏ cứ điểm Nà Sản (5/1953) để bảo toàn lực lượng.
Hòng lấy lại thế chủ động trên các mặt trận, chiến trường nói chung, trên địa bàn Tây Bắc nói riêng và bảo vệ cho số quân Pháp còn đóng ở thị xã Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để khống chế vùng Tây Bắc của ta.
Lúc này, Khu ủy được đóng ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên gần đường 13A rất dễ lộ và bị địch bắn phá ác liệt. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan và nhất là chuẩn bị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11/1953 Trung ương đã cho di rời toàn bộ Khu ủy Tây Bắc từ xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vào đóng tại bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái,
Tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc đã chuyển toàn bộ các cơ quan của Khu ủy vào đóng rải rác tại các bản làng của xã Phù Nham, huyện Văn Chấn.
Tại đây được sự che chở, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, các cơ quan của Khu ủy đã dựng nhà ở giống như nhà dân dọc bờ ngòi Nhì để đảm bảo bí mật. Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ.
Bản Chanh, xã Phù Nham vừa giải phóng được gần một năm (từ tháng 2/1952 đến thời điểm Khu ủy chuyển đến, tháng 11/1953), song chiến tranh vẫn để lại những dấu ấn nặng nề về cả mặt kinh tế và đời sống tinh thần của con người. Lợi dụng những khó khăn đó, bọn tàn binh, lũ tay sai nhen nhóm các hoạt động chống đối lại chính quyền cách mạng còn non trẻ hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc đang được toàn dân hưởng ứng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương các tỉnh đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí lương thực nổi dậy gây rối ở một số nơi như Sơn La, Lào Cai, Xà Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu -Yên Bái). Bọn phản động người Mông ở Suối Giàng, Phình Hồ cũng ngóc đầu dậy bắt liên lạc với nhau nhằm đánh chiếm vùng lòng chảo Mường Lò. Cũng trong năm 1953, Khu ủy đã phát động cuộc vận động quần chúng đánh đổ bọn Việt gian phản động, giữ vững an ninh ở địa phương.
Để huy động, động viên sức người sức của phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của Khu do đồng chí Lê Trung Đình, Thường vụ Khu ủy phụ trách, đóng trụ sở tại thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Trong thời gian hơn một năm Khu ủy đóng ở xã Phù Nham, nhân dân các dân tộc bản Chanh và một số bản của xã Phù Nham và huyện Văn Chấn đã đóng góp nhiều công sức dựng nhà cửa, lán trại, cung cấp lương thực thực phẩm cho cán bộ, quân đội để góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của bốn tỉnh Tây Bắc đi đến thắng lợi.
Cùng với Đảng bộ, quân dân địa phương, Khu ủy Tây Bắc đã phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, phát động chiến tranh nhân dân, tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, từ đó huy động được sức người sức của chi viện cho chiến trường. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Tây Bắc, quân dân Tây Bắc góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp của Mỹ bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, làm nức lòng quân dân cả nước và bầu bạn khắp năm châu.
Sau ngày hòa bình lập lại và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù trụ sở Khu ủy đã được chuyển rời đến địa phương khác, song vẫn tiếp tục phát huy truyền thống những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và xây dựng lực lượng cách mạng, cán bộ Khu ủy vẫn tiếp tục cùng với chính quyền 4 tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La) xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh vừa tham gia chiến đấu, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là nhiệm vụ tiễu phỉ và tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương miền Bắc - Xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam đánh đuổi Đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.
Đến nay, do yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, mặc dù Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại nữa, song địa danh bản Chanh, xã Phù Nham - nơi Khu ủy chọn đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc đã trở thành một địa danh khắc sâu vào tâm trí và tình cảm của những thế hệ cán bộ, nhân dân đã trực tiếp tham gia hoạt động, phục vụ kháng chiến. Nơi đây đã được ghi vào lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xứng đáng được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ về nguồn để các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong vùng mà trực tiếp là huyện Văn Chấn, xã Phù Nham phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, bảo tồn và khai thác giá trị của Di tích phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc và địa phương.
13023 lượt xem
Ban Biên tập
Ngày 27/8/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3269/QĐ-BVHTTDL công nhận địa danh Khu ủy Tây Bắc, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là di tích cấp Quốc gia.Địa điểm Khu ủy Tây Bắc thuộc bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía Đông, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Đông Bắc. Để đến với Di tích có thể đi bằng đường bộ khá thuận lợi. Từ thành phố Yên Bái ngược về phía Bắc qua cầu Yên Bái, theo đường Quốc lộ 32 tới Trung tâm xã Phù Nham rẽ phải theo đường liên xã khoảng 1,5km rồi qua cầu treo bắc qua dòng ngòi Nhì đi khoảng 0.5km là đến Di tích.
Nơi đặt trụ sở của Khu ủy Tây Bắc từ tháng 11/1953 đến cuối năm 1954 là bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. Trước đây bản Chanh được gọi là bản Chanh Quân, song do mật độ dân cư ngày càng đông nên bản Chanh Quân được tách thành hai bản là bản Quân và bản Chanh.
Vào thế kỷ XIX, khoảng năm 1873 khi giặc cờ Vàng (tàn quân của phong trào khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc - Trung Quốc) do Dịp Tài (theo cách đọc của người Thái, còn tên chính thức được ghi trong sử sách là Diệp Tài) cầm đầu kéo quân vào xâm chiếm đất Mường Lò, dân Phù Nham đã anh dũng đứng lên theo lời kêu gọi của vị thủ lĩnh người Thái là Cầm Ngọc Hánh chống lại giặc cờ Vàng.
Năm 1875 - 1896 hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào chống Thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích chỉ huy đã phát triển nhanh chóng. Ở Yên Bái đã hình thành các trung tâm hoạt động của nghĩa quân tại các vùng Đại Lịch, lòng chảo Mường Lò... trong thời gian đó, nhân dân các dân tộc tại các địa điểm trên đã đoàn kết một lòng cùng nghĩa quân chống lại bọn xâm lược và nhân dân xã Phù Nham cũng nhiệt tình tham gia những hoạt động đó.
Suốt một thời gian dài, người dân nơi đây sống trong cảnh nô lệ lầm than, làm tôi tớ cho bọn Phìa Tạo, bị giặc Pháp bắt phu, bắt lính, đói khát, bệnh tật... họ chỉ biết trông vào số phận. Đâu đó trong lịch sử cũng có những cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại bọn thống trị tàn ác, song không đạt được kết quả như mong muốn. Từ khi có ánh sáng của Đảng, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc nơi đây mới biết đến khái niệm “Độc lập - Tự do”. Có Đảng, có Bác Hồ và được cán bộ tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nhân dân xã Phù Nham đã tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương đất nước. Căn cứ Nong Bon là sợi dây nối nhân dân Phù Nham với Đảng. Tấm lòng của nhân dân Năm Hăn, Bản Chanh... qua những nắm cơm, hạt muối nuôi giấu cán bộ, qua những lần bị địch hăm doạ, đàn áp nhưng người dân Phù Nham vẫn không chịu khuất phục, một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng, đấu tranh giải phóng xây dựng quê hương.
Sau thất bại nặng nề ở Tây Bắc (12/1952), Thượng Lào (4/1953) và các mặt trận khác trên chiến trường Đông Dương, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, quân số trên 15 ngàn quân với đầy đủ vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay để nhằm khống chế quân ta, chiếm lại khu Tây Bắc.
Tháng 9/1951, Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Lý Thường Kiệt nhằm giải phóng phân khu Nghĩa Lộ do quân Pháp chiếm đóng từ năm 1947. Lực lượng bộ đội chủ lực tham gia có sư đoàn 312 phụ trách hướng chính, có sự phối hợp của các đơn vị địa phương tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Hướng phụ có trung đoàn 148 và bộ đội địa phương tỉnh Lào Cai. Do việc giữ bí mật chưa được tốt nên khi ta mở chiến dịch có tiêu diệt được một số sinh lực địch, chiếm được một số đồn nhưng sau đó ta lại phải rút quân ra vùng tự do, địch lại tái chiếm và đến ngày 1/11/1951 chiến dịch kết thúc.
Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5/1952 Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của khu XX (tiền thân của Khu ủy Tây Bắc).
Giữa năm 1953, Trung ương điều động đồng chí Trần Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La bổ sung vào Khu ủy, giám đốc công an khu Tây Bắc, ông Lò Văn Mười - Ủy viên ban hành chính kháng chiến tỉnh Sơn La về nhận công tác ở Khu.
Tháng 5/1952, trụ sở khu XX đóng tại làng Đồng Lý huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc tỉnh Yên Bái). Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, chỉ trong vòng mười ngày ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La); sau đó bộ đội ta mở đợt hai chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12/1952 giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu).
Để việc lãnh đạo được sâu sát hơn, tháng 11/1952 khu XX đã chuyển trụ sở về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Thác Thiến - Km28, đường 13A). Đầu năm 1953, ta mở đường 13A từ Ba Khe sang nối với đường 41 (Hà Nội đi Sơn La - Lai Châu) ở Cò Nòi để chuẩn bị lực lượng tấn công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Thấy nguy cơ bị tấn công nên giặc Pháp bí mật rút bỏ cứ điểm Nà Sản (5/1953) để bảo toàn lực lượng.
Hòng lấy lại thế chủ động trên các mặt trận, chiến trường nói chung, trên địa bàn Tây Bắc nói riêng và bảo vệ cho số quân Pháp còn đóng ở thị xã Lai Châu và che chở cho Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống chiếm khu lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên Phủ) và xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để khống chế vùng Tây Bắc của ta.
Lúc này, Khu ủy được đóng ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên gần đường 13A rất dễ lộ và bị địch bắn phá ác liệt. Để đảm bảo an toàn cho cơ quan và nhất là chuẩn bị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11/1953 Trung ương đã cho di rời toàn bộ Khu ủy Tây Bắc từ xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vào đóng tại bản Chanh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái,
Tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc đã chuyển toàn bộ các cơ quan của Khu ủy vào đóng rải rác tại các bản làng của xã Phù Nham, huyện Văn Chấn.
Tại đây được sự che chở, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, các cơ quan của Khu ủy đã dựng nhà ở giống như nhà dân dọc bờ ngòi Nhì để đảm bảo bí mật. Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ.
Bản Chanh, xã Phù Nham vừa giải phóng được gần một năm (từ tháng 2/1952 đến thời điểm Khu ủy chuyển đến, tháng 11/1953), song chiến tranh vẫn để lại những dấu ấn nặng nề về cả mặt kinh tế và đời sống tinh thần của con người. Lợi dụng những khó khăn đó, bọn tàn binh, lũ tay sai nhen nhóm các hoạt động chống đối lại chính quyền cách mạng còn non trẻ hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc đang được toàn dân hưởng ứng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương các tỉnh đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí lương thực nổi dậy gây rối ở một số nơi như Sơn La, Lào Cai, Xà Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu -Yên Bái). Bọn phản động người Mông ở Suối Giàng, Phình Hồ cũng ngóc đầu dậy bắt liên lạc với nhau nhằm đánh chiếm vùng lòng chảo Mường Lò. Cũng trong năm 1953, Khu ủy đã phát động cuộc vận động quần chúng đánh đổ bọn Việt gian phản động, giữ vững an ninh ở địa phương.
Để huy động, động viên sức người sức của phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu ủy Tây Bắc thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của Khu do đồng chí Lê Trung Đình, Thường vụ Khu ủy phụ trách, đóng trụ sở tại thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Trong thời gian hơn một năm Khu ủy đóng ở xã Phù Nham, nhân dân các dân tộc bản Chanh và một số bản của xã Phù Nham và huyện Văn Chấn đã đóng góp nhiều công sức dựng nhà cửa, lán trại, cung cấp lương thực thực phẩm cho cán bộ, quân đội để góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của bốn tỉnh Tây Bắc đi đến thắng lợi.
Cùng với Đảng bộ, quân dân địa phương, Khu ủy Tây Bắc đã phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, phát động chiến tranh nhân dân, tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, từ đó huy động được sức người sức của chi viện cho chiến trường. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Tây Bắc, quân dân Tây Bắc góp phần cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp của Mỹ bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, làm nức lòng quân dân cả nước và bầu bạn khắp năm châu.
Sau ngày hòa bình lập lại và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù trụ sở Khu ủy đã được chuyển rời đến địa phương khác, song vẫn tiếp tục phát huy truyền thống những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và xây dựng lực lượng cách mạng, cán bộ Khu ủy vẫn tiếp tục cùng với chính quyền 4 tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La) xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh vừa tham gia chiến đấu, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là nhiệm vụ tiễu phỉ và tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương miền Bắc - Xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam đánh đuổi Đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.
Đến nay, do yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, mặc dù Khu ủy Tây Bắc không còn tồn tại nữa, song địa danh bản Chanh, xã Phù Nham - nơi Khu ủy chọn đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc đã trở thành một địa danh khắc sâu vào tâm trí và tình cảm của những thế hệ cán bộ, nhân dân đã trực tiếp tham gia hoạt động, phục vụ kháng chiến. Nơi đây đã được ghi vào lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xứng đáng được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ về nguồn để các cấp bộ Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong vùng mà trực tiếp là huyện Văn Chấn, xã Phù Nham phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, bảo tồn và khai thác giá trị của Di tích phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc và địa phương.