Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025

09/08/2024 10:11:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn 3898/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.

Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục tiểu học như sau:

NHIỆM VỤ CHUNG

1. Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

2. Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; triển khai hiệu quả công tác đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn hiệu trưởng.

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nề nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

5. Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát động, tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học.

NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông

1. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trường học

Duy trì vệ sinh môi trường trong trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh, nhân viên, giáo viên, cán bộ quản lý; chủ động các phương án tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh và điều kiện thực tiễn, đề phòng trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh tại địa phương, nhà trường trên cơ sở đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm từ các năm học trước; kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học, lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định; không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường; công tác xã hội, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học, công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

2. Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục

a) Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt thực hiện và hoàn thành chương trình năm học

Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo quy định; bố trí thời gian thực hiện chương trình hiệu quả bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; linh hoạt trong tổ chức thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đối tượng học sinh, bảo đảm cuối năm học học sinh đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình.

b) Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn về giáo dục tiểu học đã được Bộ GDĐT ban hành, cụ thể:

- Bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.

- Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.

- Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mọi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục bảo đảm phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học; thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

- Đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, cơ sở giáo dục tiểu học chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn khi đảm bảo điều kiện thực hiện, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, có sự thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý; các hoạt động bán trú được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau giờ học buổi sáng đến trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều, thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kỹ năng sống, các năng lực, phẩm chất cần thiết, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương; việc tổ chức hoạt động bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí,... cho học sinh; tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh.

- Tổ chức các hoạt động cho học sinh ngoài giờ học chính thức trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh trong khoảng thời gian từ sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ học sinh đón về nhà; căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí; việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học

a) Tổ chức dạy học các môn Ngoại Ngữ 1

- Đối với lớp 1 và lớp 2: tiếp tục triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông. Đối với các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, gồm tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc đã được Bộ GDĐT ban hành chương trình, căn cứ vào điều kiện triển khai của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 và thực hiện lựa chọn tài liệu dạy học theo quy định của Bộ GDĐT.

Khi triển khai dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh; thực hiện kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp; việc học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định.

- Đối với lớp 3, lớp 4 và lớp 5: triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc; lựa chọn trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông và theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn ngoại ngữ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT.

Triển khai sử dụng Hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học theo Kế hoạch số 160/KH-BGDĐT bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài. Tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học ngoại ngữ qua truyền hình, các phương tiện truyền thông, các nguồn học liệu phù hợp khác. Đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GDĐT.

b) Tổ chức dạy học môn Tin học

Tổ chức dạy học môn Tin học bắt buộc cho tất cả học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Tin học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tin học, giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Căn cứ vào điều kiện thực tế, đội ngũ giáo viên, linh hoạt các giải pháp tăng cường hoạt động giáo dục Tin học và giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh lớp 1, lớp 2 để thực hiện “hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số” đồng thời làm cơ sở để học sinh tiếp cận, học tập thuận lợi môn Tin học ở các lớp 3, lớp 4, lớp 5. Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5 tăng cường thời lượng, nội dung theo từng chủ đề, mạch kiến thức nhằm củng cố, khắc sâu các kiến thức trong môn Tin học đồng thời tạo điều kiện để học sinh được nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, mở rộng kiến thức Tin học, phát triển năng lực Tin học.

Tổ chức tập huấn, xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục kỹ năng công dân số theo Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

4. Thực hiện hiệu quả tổ chức dạy học môn học Tiếng dân tộc thiểu số

Tiếp tục tổ chức thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP và Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 21/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương. Đối với tiếng dân tộc đã đủ điều kiện thực hiện, các trường tiểu học triển khai dạy học môn Tiếng dân tộc thiểu số (môn học tự chọn) theo Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT.

5. Thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) triển khai một số nhiệm vụ, gồm: (i) tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện khung nội dung giáo dục địa phương; rà soát, cập nhật số liệu, ngữ liệu trong tài liệu bảo đảm tính chính xác, khoa học, hiện đại quy định tại Điều 3 Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT; hoàn thiện việc biên soạn, thẩm định và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 theo quy định; (ii) thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại điểm d khoản 3 mục II Kế hoạch kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về tăng cường các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định “bố trí ngân sách thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương”; báo cáo kết quả triển khai thực hiện tại địa phương về Bộ GDĐT trước ngày 20/9/2024 để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

Tăng cường nghiên cứu các căn cứ pháp lý liên quan đến xác định bản quyền, định giá, tổ chức đấu thầu, đấu giá... để thực hiện đồng bộ các giải pháp về in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương giúp các cơ sở giáo dục có tài liệu tổ chức dạy học đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Đẩy mạnh việc quán triệt, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; thực hiện hiệu quả công tác tập huấn giúp giáo viên xác định được cách thức xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung giáo dục địa phương bảo đảm quy định theo Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với đặc thù của môn học, cấp học, lớp học.

6. Thực hiện giáo dục STEM

Tổ chức thực hiện giáo dục STEM tiếp cận theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GDĐT với những yêu cầu cụ thể như sau:

Các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM đến tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học trên địa bàn đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo quy định.

Chú trọng công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị chuyên đề, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đảm bảo triển khai thực hiện giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả và thiết thực.

Tăng cường tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cấp huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về vai trò của giáo dục STEM. Trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương cần hướng dẫn giáo viên sử dụng hiệu quả nguồn học liệu tại địa chỉ website https://stemtieuhoc.edu.vn và tổ chức lựa chọn tài liệu, các nguồn học liệu khác theo quy định.

7. Nâng cao hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá

a) Thực hiện linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

Các cơ sở giáo dục quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, trong đó có phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; vận dụng phù hợp nhũng thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống; dạy học tích hợp các nội dung giáo dục ở cấp tiểu học linh hoạt với các hình thức tổ chức phù hợp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học; nâng cao chất lượng và thực chất trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai hiệu quả phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học, học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện tiến trình dạy học mỗi bài học thành các hoạt động học với sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành; cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh; tham khảo các bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số dùng chung của Bộ GDĐT để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên.

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường.

b) Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức đánh giá

Thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT; bảo đảm phù hợp với kế hoạch dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp đánh giá áp dụng cho đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Các nhà trường cần xây dựng ma trận đề, ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra phục vụ cho đánh giá định kỳ đối với các môn học có bài kiểm tra định kỳ. Việc thực hiện các phương pháp, hình thức đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Thực hiện nghiêm túc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định, tránh khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các giáo viên về hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá thường xuyên; biên soạn đề và tổ chức thực hiện bài kiểm tra định kỳ cho các môn học theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT và Quyết định số 2904/QĐ-BGDĐT ngày 07/10/2022.

8. Thực hiện chương trình liên kết, có yếu tố nước ngoài

Khuyến khích các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện chương trình giáo dục tích hợp theo quy định; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu học tập đang dạng của người học.

Thực hiện hiệu lực, hiệu quả các giải pháp quản lý đối với các cơ sở giáo dục thực hiện các liên kết giáo dục với nước ngoài có sử dụng các chương trình giáo dục tích hợp đã được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt và cho phép thực hiện. Các Sở GDĐT cần chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo triển khai liên kết giáo dục và chương trình giáo dục tích hợp theo đúng quy định. Kiên quyết không để các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài khi chưa đảm bảo điều kiện triển khai.

II. Thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục

1. Rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp

Triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, bảo đảm thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và công bằng trong tiếp cận giáo dục, theo hướng thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông; khắc phục tình trạng nhiêu điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định; tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.

Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường, lớp cần ưu tiên thực hiện dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau bảo đảm thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường tiểu học; có thể bố trí điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người học (có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường) không thành lập trường liên cấp Mầm non - Tiểu học.

Đối với các trường liên cấp Tiểu học - Trung học cơ sở cần bảo đảm quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đến khối phòng học tập, khối phụ trợ cần được bố trí thành phần khu riêng biệt cho từng cấp học và khu sân chơi, bãi tập, thể dục thể thao cần bố trí dụng cụ, thiết bị vận động phù hợp cho từng cấp học; bảo đảm các quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó các phòng học bộ môn cần được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng học bộ môn có thể sử dụng chung cho một số môn học bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

2. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và bảo đảm hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

a) Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục

Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các quy định của Chính phủ và Bộ GDĐT; tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp dạy học chương trình xoá mù chữ và triển khai các giải pháp phù hợp khuyến khích đối tượng xoá mù chữ tham gia học tập; tăng cường công tác tập huấn, điều tra, phúc tra, nhập số liệu vào hệ thống, hoàn thiện, lưu trữ hồ sơ và thực hiện đúng quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó tập trung chỉ đạo mức độ đạt chuẩn cần gắn liền với các điều kiện bảo đảm nhằm tạo nền tảng củng cố, nâng cao thực chất chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, bảo đảm thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

b) Thực hiện hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GDĐT. Thực hiện tốt công tác tham mưu UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng mô hình trường tiểu học thật sự tiêu biểu, điển hình từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Khuyến khích các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện chương trình giáo dục tích hợp theo quy định; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu học tập của người học.

3. Triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một

a) Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, cụ thể: nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tham mưu UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số hàng năm; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ việc triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số; triển khai dạy học tăng cường tiếng Việt theo các tài liệu đã được Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt.

Chỉ đạo các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú tiếp tục triển khai tập huấn, bồi dưỡng năng lực dạy học tiếng Việt lớp 2, lớp 3 cho cán bộ quản lý và giáo viên trong năm học 2024-2025 nhằm nâng cao hiệu quả dạy học môn Tiếng Việt.

b) Tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một

Triển khai dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023, cụ thể: tham mưu UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định về nhân sự, kinh phí để thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại địa phương theo thẩm quyền quy định; hướng dẫn các Phòng GDĐT xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một phù hợp với điều kiện của địa phương; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhằm phát huy những kết quả đạt được trong việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; theo dõi, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một tại địa phương; tổng hợp và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện dạy học về Bộ GDĐT theo yêu cầu.

4. Thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật; trẻ em lang thang, cơ nhỡ

a) Đối với trẻ khuyết tật

Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch giáo dục người khuyết tật tại địa phương theo Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật. Tăng cường giáo dục hòa nhập. Bảo đảm các điều kiện để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, được học hòa nhập, được học tập và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Việc tổ chức dạy học cho học sinh khuyết tật phải được thực hiện trên cơ sở kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh khuyết tật. Tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập.

Tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập ở địa phương bảo đảm quyền được học, được tiếp cận với giáo dục đối với trẻ em khuyết tật.

b) Đối với trẻ em lang thang, cơ nhỡ

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học và thời khoá biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương. Nội dung học tập cần tập trung vào các môn Toán, Tiếng Việt nhằm rèn kỹ năng đọc, viết và tính toán cho học sinh. Căn cứ số lượng trẻ có thể tổ chức thành các lớp cùng trình độ hoặc các lớp ghép không quá hai trình độ. Đánh giá học sinh có hoàn cảnh khó khăn thực hiện theo quy định hiện hành và căn cứ vào mức độ đạt được so với nội dung và yêu cầu đã được điều chỉnh theo quy định.

5. Thực hiện hiệu quả lớp học linh hoạt, lớp ghép

Căn cứ số lượng học sinh, điều kiện từng trường, từng địa phương các cơ sở giáo dục dựa vào kết quả đánh giá năng lực, trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh tổ chức các lớp học linh hoạt, lớp ghép để thực hiện các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng. Tại các địa bàn khó khăn để bảo đảm quyền lợi và thuận lợi học tập của học sinh có thể tổ chức dạy học lớp ghép, trong quá trình tổ chức dạy học tại các lớp ghép phải bảo đảm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Công văn số 5335/BGDĐT-GDTH.

III. Củng cố và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục

1. Củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

a) Thực hiện tuyển dụng và linh hoạt các giải pháp bố trí, sử dụng giáo viên

Tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng giáo viên không phù hợp với chuyên ngành đào tạo đối với cấp tiểu học; thực hiện phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; thực hiện các giải pháp để bảo đảm có đủ giáo viên dạy học các môn Tiếng Anh, môn Tin học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên tại địa phương thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các trường liên cấp Tiểu học -Trung học cơ sở cần thực hiện biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng theo các quy định, trong đó bố trí giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đảm nhiệm dạy học phù hợp cho từng cấp học và phân công, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên rõ ràng, hợp lý bảo đảm hiệu quả hoạt động của tổ bộ môn, quy chế sinh hoạt chuyên môn, nhà trường.

b) Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các môn học để triển khai bồi dưỡng tại địa phương theo phương thức bồi dưỡng trực tuyến, thường xuyên, liên tục, ngay tại trường; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và cụm trường để nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đánh giá và bồi dưỡng thường xuyên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Tổ chức sinh hoạt chuyên môn và hướng dẫn giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn tham gia cùng xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

2. Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

a) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục tiểu học bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh và không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Tăng cường tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND cấp tỉnh cân đối, bố trí ngân sách phù hợp cho đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện mua sắm thiết bị dạy học để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ GDĐT. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học theo đúng quy định, bảo đảm có đủ thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có. Vào đầu năm học yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai danh mục, thiết bị đồ dùng dạy học hiện có của nhà trường, chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học, tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học với mục tiêu kiên quyết không để tình trạng “thiết bị đến trường mà không ra lớp”; rà soát nhu cầu và có kế hoạch bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; thực hiện rà soát, đề xuất các nội dung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học, các hạng mục, ưu tiên đầu tư, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

b) Nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học

Tiếp tục chỉ đạo các Phòng GDĐT và các nhà trường chủ động triển khai hiệu quả, thiết thực các hoạt động thư viện, hoạt động khuyến đọc; sắp xếp bố trí nhân viên thư viện đúng chuyên môn làm công tác thiết lập và vận hành thư viện; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên và nhân viên thư viện về công tác tổ chức hoạt động đọc cho học sinh; xây dựng thời khóa biểu dành cho tiết đọc thư viện và tiết học thư viện theo quy định; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kĩ thuật, học liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động thư viện, đặc biệt là phát triển thư viện số, thư viện trực tuyến; huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng trong quá trình tổ chức hoạt động nhằm góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Nhân rộng mô hình thư viện thân thiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Triển khai hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT nhằm tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thư viện trong các trường tiểu học, trong đó bảo đảm thư viện lưu trữ sách giáo khoa để sử dụng lâu dài và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

3. Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và giáo dục kỹ năng công dân số

a) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” phù hợp với kế hoạch, đề án triển khai thực hiện tại địa phương.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tập huấn sử dụng cho đội ngũ giáo viên bảo đảm tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến (tổ chức các tiết dạy học, các hoạt động giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên môn... bằng hình thức trực tuyến) đạt tối thiểu từ 2% đến 5% ở cấp tiểu học; khuyến khích các cơ sở giáo dục duy trì phương thức dạy học trực tuyến đối với một số môn học, hoạt động giáo dục; chuẩn bị các phương án sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức dạy học trực tiếp.

Thực hiện thí điểm một số nội dung chuyển đổi số (Thư viện số, Quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số, Kho học liệu số) theo kế hoạch của Bộ GDĐT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; bồi dưỡng đội ngũ về kỹ năng công nghệ thông tin sẵn sàng triển khai thực hiện các nội dung cụ thể về chuyển đổi số theo kế hoạch.

b) Triển khai thực hiện đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy ở cấp tiểu học

Triển khai thực hiện đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy ở cấp tiểu học thông qua dạy học môn Tin học, tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số thông qua tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

c) Triển khai Học bạ số

Thực hiện triển khai chất lượng, hiệu quả Học bạ số từ năm học 2024-2025 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

IV. Tăng cường thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục

1. Tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục tiểu học theo quy định[44], trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung sau:

a) Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục tiểu học; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lý, báo cáo.

b) Tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

c) Quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo theo quy định, trong đó thực hiện nghiêm việc lạm dụng vị trí công tác của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo.

2. Tăng cường quản lý việc thực hiện các liên kết giáo dục với nước ngoài có sử dụng các chương trình giáo dục tích hợp đã được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt và cho phép thực hiện. Không để các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài khi chưa đảm bảo điều kiện triển khai.

3. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng các nội dung kiểm tra: việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; công tác quản lý hoạt động dạy học; công tác quản lý các cơ sở giáo dục tiểu học tư thục, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các chương trình giáo dục tích hợp, chương trình giáo dục của nước ngoài, chương trình giáo dục bằng tiếng nước ngoài; nội dung giáo dục bắt buộc dành cho học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài.

V. Phát động các phong trào thi đua và đẩy mạnh công tác truyền thông

1. Tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dạy học đối với cấp tiểu học đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của ngành Giáo dục giai đoạn 2020 - 2025.

Triển khai các hoạt động cụ thể bám sát mục tiêu giáo dục, các tiêu chí thi đua theo hướng dẫn của Bộ GDĐT để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục tiểu học, góp phần tạo sự chuyển biến trong toàn ngành và hướng đến sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức triển khai sách giáo khoa cấp tiểu học. Tổ chức truyền thông đa phương tiện nhằm tuyên truyền, định hướng các chủ trương, chính sách mới về giáo dục; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông tại địa phương; nâng cao việc phân tích và xử lý thông tin để đáp ứng yêu cầu truyền thông của Ngành; đẩy mạnh truyền thông về nội dung, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông để tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Khuyến khích đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục viết bài và đưa tin các hoạt động của Ngành về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học,... để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn trên đây và căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ GDĐT kết quả thực hiện khi kết thúc năm học. Trong quá trình triển khai, nếu có những vấn đề vướng mắc, đề nghị các Sở GDĐT phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để kịp thời giải quyết.

 

1607 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h