Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Nhớ những ngày cùng Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khắc phục hậu quả thiên tai ở Mù Cang Chải tháng 8/2023: Hồi sinh vùng đất lũ

27/08/2024 10:20:51 Xem cỡ chữ Google
Lần thứ 2 trong vòng 1 tuần, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến vùng tâm lũ Mù Cang Chải để kiểm tra kết quả bước đầu và tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả trận mưa lũ xảy ra ngày 5/8/2023. Phóng viên Báo Yên Bái theo đoàn đã ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt, chính xác và những động viên, chia sẻ kịp thời của người đứng đầu tỉnh tạo động lực để Mù Cang Chải hồi sinh. Xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết trong sự kiện này.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân xã Hồ Bốn khi được Bảo hiểm xã hội huyện cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế bị thất lạc do lũ quét.

Bài 1: "THẦN TỐC" TỪ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

7 giờ sáng 19/8, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại Trạm Y tế xã Hồ Bốn – một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên địa bàn huyện Mù Cang Chải do lũ quét tràn qua. Những ngôi nhà, những bức tường đã gột rửa bùn đất đang được sửa chữa, Trạm Y tế đã được hỗ trợ trang thiết bị thay thế những thiết bị, đồ dùng đã bị lũ phá hỏng để trở lại hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Trạm Y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Trạm Y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải

Phòng khám và điều trị cho bệnh nhân được dọn dẹp, sửa chữa, bức tường nhà gạch men ốp trắng phau như chưa từng có cơn lũ kinh hoàng vừa đi qua. Y sĩ Mùa A Sùng vừa khám bệnh và đo nhịp tim cho bệnh nhi mới hai tuổi được mẹ đưa xuống Trạm từ hôm qua vừa dặn dò gia đình chú ý ăn uống đảm bảo vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để tránh dịch bệnh. Đợi y sĩ Sùng khám xong cho bệnh nhân, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tranh thủ hỏi thăm tình hình và động viên anh cùng các cán bộ y tế của Trạm. 

- Lũ quét đã phá hỏng Trạm, nay được tỉnh chỉ đạo khắc phục và đi vào hoạt động trở lại, các anh có phấn khởi không? - Bí thư Duy hỏi.

- Được thế này là tốt lắm rồi, Bí thư ạ! Tôi cũng không nghĩ là khắc phục nhanh như thế. Đúng là thần tốc! Mấy ngày trước thì sốt ruột lắm, chỉ mong sớm hoạt động trở lại để khám bệnh cho bà con -y sĩ Sùng bày tỏ phấn khởi.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ân cần vỗ vai y sĩ Sùng động viên, đồng thời cũng giao luôn nhiệm vụ cho đại diện các ngành có mặt: Tỉnh đặc biệt ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập lại quy hoạch theo hướng mở rộng khuôn viên Trạm Y tế xã Hồ Bốn, đầu tư xây dựng mới khu nhà điều trị cho bệnh nhân đảm bảo tiện nghi, khang trang hơn so với trước đây; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh lên phương án xây dựng kè suối Nậm Kim khu vực phía sau Trạm Y tế xã để đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai; Sở Y tế chịu trách nhiệm việc đảm bảo trang thiết bị cần thiết để mọi hoạt động của Trạm Y tế xã Hồ Bốn trở lại bình thường trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. 

Nghe xong những nội dung Bí thư vừa nói, anh Sùng nắm chặt tay Bí thư, cảm ơn người đứng đầu tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo rất cụ thể công tác khắc phục và quan tâm động viên cán bộ, nhân viên y tế tại Trạm. "Chúng tôi sẽ nỗ lực để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong thời điểm này, lũ quét vừa qua có thể xảy ra một số dịch bệnh”, anh Sùng hứa với Bí thư Duy. 

 Rời Trạm Y tế, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn. Khung cảnh hoang tàn, đổ nát từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã không còn, thay vào đó là không khí làm việc hết sức khẩn trương của lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, các thầy cô giáo trong nhà trường để cố gắng đón các em học sinh vào năm học mới đúng theo khung thời gian năm học. 

Các công trình nhà vệ sinh, nhà ở bán trú, phòng học vi tính bị hư hỏng nặng do thiên tai đã được sửa chữa, thay thế; việc khắc phục bước 1 tại nhà trường đã cơ bản hoàn tất, đủ điều kiện đón các em học sinh đến trường, nhất là học sinh lớp 1 và lớp 6 vào ngày 25/8. 

Khung cảnh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn ngày 19/8, tất cả đang nỗ lực để đón các em học sinh đến lớp vào ngày 25/8.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Quý cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Sở đã cử lực lượng đến những nơi bị ảnh hưởng, kiểm tra, khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công công trình khắc phục hậu quả sau thiên tai tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải và Trụ sở UBND xã Hồ Bốn với tổng mức đầu tư 3,2 tỷ đồng. 

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, đến nay việc khắc phục đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Sở quyết tâm chỉ đạo các đơn vị thi công huy động tối đa nhân vật lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất để các trường đón học sinh vào ngày 25/8. Kết thúc giai đoạn 1, chúng tôi sẽ triển khai ngay giai đoạn 2 để đảm bảo cho các cháu được học hành trong những phòng học mới khang trang hơn, hiện đại hơn”. 

Cùng Bí thư kiểm tra tất cả các hạng mục đang được thực hiện tại Trường Hồ Bốn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vương Văn Bằng cho biết: Các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới của nhà trường đã cơ bản được đáp ứng. Sở đã bố trí đầy đủ và thay thế toàn bộ bàn ghế bị hư hỏng, đảm bảo đầy đủ sách vở, cặp cho các em học sinh năm nay vào lớp 1. Thiết bị nhà bếp đã được được chuyển từ huyện Lục Yên sang và tiến hành lắp đặt cho nhà trường. Đối với các thầy cô bị ảnh hưởng do bão lũ, Sở đã huy động từ các nguồn được 230 triệu đồng để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, giúp các thầy cô yên tâm đứng lớp. Hứa với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Sở cam kết, các em học sinh sẽ đến trường vào ngày 25/8”.

Bí thư hỏi: 

 - Thế phòng học vi tính cho các cháu bố trí thế nào? 

- Thưa Bí thư, phòng học và các máy vi tính cũng đã được sửa chữa đảm bảo nhu cầu học tập trước mắt cho các em học sinh. Cũng đã có đơn vị cam kết hỗ trợ nhà trường đầy đủ các trang thiết bị và việc này cũng đang được triển khai-  ông Bằng trả lời. 

Quay sang thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Trường, Bí thư hỏi: 

- Trên cơ sở việc khắc phục hiện nay, thầy cho biết kế hoạch đón các cháu vào năm học mới thế nào? Những vướng mắc của nhà trường hiện nay ra sao?

- Dạ, sau khi khắc phục cơ bản, ngày 20/8 nhà trường sẽ huy động học sinh lớp 1, lớp 6 đến trường để chuẩn bị cho năm học mới, đến ngày 25/8 sẽ huy động toàn bộ học sinh ra lớp. Hiện nhà trường đang thiếu một lớp học,đề nghị tỉnh cho ghép các lớp ít lại thành một lớp để tạm thời khắc phục khó khăn. Đề nghị tỉnh sớm bố trí xây dựng thêm các phòng học và xây kè phía sau trường ra suối để mở rộng khuôn viên nhà trường; xây dựng lại khu vực nhà ở cho giáo viên - thầy Trường bày tỏ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của nhà trường. Chia sẻ, động viên các cán bộ, giáo viên trong nhà trường, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị tham gia khắc phục hậu quả lũ quét tại nhà trường vừa thần tốc, khoa học và linh hoạt trên tinh thần phấn đấu đến ngày 25/8 đón các cháu vào năm học mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự chung tay của các cấp, các ngành, chính quyền huyện Mù Cang Chải và đặc biệt là vai trò của lực lượng vũ trang trong việc giúp nhà trường khắc phục hậu quả thiên tai: "Tôi biểu dương ngành giáo dục, ngành xây dựng đã nỗ lực hết mình khắc phục khó khăn để sớm hoàn thành việc khắc phục thiên tai để nhà trường có được diện mạo như hôm nay. Nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai tại nhà trường chủ yếu là nguồn xã hội hóa. 

Đặc biệt là 4 thầy cô giáo của nhà trường có nhà bị sập, trôi hoàn toàn, nhiều thầy cô khác có nhà bị thiệt hại song vẫn chuyên tâm cho sự nghiệp "trồng người" ở vùng cao, vừa khắc phục thiệt hại của gia đình vừa tham gia việc chung cảu trường chuẩn bị đón năm học mới. Chúng tôi ghi nhận những khó khăn của nhà trường và tất cả đã nằm trong tính toán của tỉnh. Với khó khăn về phòng học của nhà trường, tỉnh đã có phương án xây dựng thêm hai phòng  học mới. 

Tuy nhiên hiện đang gặp khó khăn do có đường điện cao thế chạy qua khuôn viên nhà trường. Tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương làm việc với ngành điện để sớm di chuyển đường điện để triển khai xây dựng phòng học". 

"Việc này sẽ được triển khai ngay trong khắc phục giai đoạn 2 tại nhà trường”, Bí thư Duy nhấn mạnh thêm một lần nữa. "Sáng nay, tôi cũng đã đi kiểm tra việc xây dựng hệ thống kè suối Nậm Kim và tỉnh đã cho chủ trương để việc xây dựng được triển khai ngay trong thời gian tới". 

Chia sẻ với 4 thầy cô bị thiệt hại nặng nề về nhà ở, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành giáo dục tiếp tục vận động, giúp đỡ để các thầy cô khắc phục khó khăn, có được nơi ở mới an toàn, yên tâm công tác. Đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo đảm bảo tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung thêm một số hạng mục đáp ứng yêu cầu của nhà trường, đảm bảo đến ngày khai giảng nhà trường sẽ có một diện mạo mới, không còn dấu tích của trận lũ lịch sử ngày 5/8 vừa qua. 

"Nếu không có gì thay đổi, trong ngày khai giảng năm học mới, tôi sẽ trực tiếp đến dự Lễ khai giảng để động viên thầy và trò nhà trường. Không thì ít nhất cũng có một đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đến dự”, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định lời hứa.

Bài 2: NỖ LỰC TÌM NƠI Ở MỚI, AN TOÀN CHO NGƯỜI DÂN

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo huyện Mù Cang Chải đến ngày 25/9 phải hoàn thành việc bố trí đất ở và làm nhà mới cho các hộ gia đình có nhà bị sập, trôi hoàn toàn do ảnh hưởng của lũ quét để các hộ yên tâm khi có nơi ở mới an toàn hơn, vững chắc hơn nơi ở cũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình chị Mùa Thị Sầu - một trong 22 hộ có nhà bị sập, trôi ở xã Hồ Bốn được hỗ trợ làm nhà mới

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình chị Mùa Thị Sầu - một trong 22 hộ có nhà bị sập, trôi ở xã Hồ Bốn được hỗ trợ làm nhà mới

Sau khi kiểm tra xong việc khắc phục hậu quả thiên tai tại Trạm Y tế xã, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH và THCS xã Hồ Bố, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác tiếp tục ngược dốc kiểm tra tiến độ công tác bố trí đất tái định cư, làm nhà cho các hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, thiệt hại nặng, phải di dời. 

Chị Mùa Thị Sầu, ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn - là một trong 22 hộ của xã có nhà bị sập trôi hoàn toàn, nay được bố trí ở xen kẹp do được người thân nhường đất. Ngôi nhà nhỏ bằng khung sắt rộng 30 mét vuông lợp fibro xi măng được dựng lên từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và người thân trong gia đình. Chị Sầu khoe; "Đất này là của con trai mình nhường lại cho ông bà ngoại và nhà mình để làm nhà mới, sạt lở đã làm trôi cả hai nhà rồi, bây giờ về ở gần con trai. Trước mắt sẽ làm nhà ở cho hai ông bà trước, xong rồi đến nhà mình. Về đây sẽ an toàn hơn so với trước". 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy hỏi: "Thế hôm nọ ai giúp gia đình mình san lấp chỗ đất mới này?". Chị Sầu trả lời: "Máy đấy, máy làm chứ người không làm được đâu!". "Máy ở đâu?" - Bí thư hỏi tiếp. "Máy huyện chỉ đạo" - chị Sầu trả lởi. 

Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang đứng bên cạnh giải thích: Sau khi gia đình thống nhất và nhường lại vị trí đất, huyện đã chỉ đạo máy xúc đến giúp đỡ gia đình san gạt nền nhà để nhanh chóng làm nhà tại nơi ở mới. Nếu các hộ tự san gạt nền nhà sẽ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí”. Bí thư quay sang bảo chị Sầu: "Thế là tốt rồi, mấy hôm nữa về ở nhà mới gia đình phải làm cái nền cứng, giữ vệ sinh sạch sẽ. Có gì khó khăn cần giúp đỡ thì chị cứ trao đổi với chính quyền địa phương để hỗ trợ ngay”. Bí thư nói xong, ai nghe cũng thấy phấn khởi và ấm lòng hơn. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước thăm hỏi, động viên gia đình ông Giàng A Trống, bản Trống Là, xã Hồ Bốn.

Chia tay gia đình chị Sầu, đoàn công tác của tỉnh lại ngược dốc. Cái nắng gắt của vùng cao đã khiến nhiều thành viên trong đoàn thấm mệt, song ai cũng thể hiện rõ quyết tâm phải đi đến tận nơi ở mới của từng hộ gia đình. Hộ gia đình anh Giàng A Trống ở bản Trống Là có nhà bị sập trôi hoàn toàn được bố trí tái định cư ngay trên phần đất sản xuất của gia đình. Anh Trống cùng các thành viên trong gia đình đã san gạt mặt bằng, chuẩn bị vật liệu để dựng ngôi nhà mới. 

Bí thư Tỉnh ủy hỏi: "Bây giờ nhà mình đang ở tạm chỗ nào?". Anh Trống giọng nhừa nhựa chưa sõi tiếng phổ thông trả lời: "Gia đình tôi được bố trí ở nhà cộng đồng của bản. Xã bảo chúng tôi cứ yên tâm ở đó khi nào xong nhà mới thì chuyển sang ạ!”. "Thế bao giờ gia đình mình định làm nhà mới?” - Bí thư hỏi tiếp. Anh Trống bảo: "Đất vừa được máy của huyện hỗ trợ san gạt nên nền còn yếu, đợi mấy hôm nữa nền chắc gia đình sẽ làm ngay thôi. Tôi dự định làm nhà xây cột bê tông nhưng vẫn theo kiểu nhà người Mông truyền thống ”. 

"Thế gia đình mình định làm nhà to không?" - Bí thư hỏi. "Nhà tôi 10 khẩu nên định làm … mét thì mình không biết mấy mét đâu nhưng khoảng 8 sải tay dài". Nghe thế, Chủ tịch huyện Lê Trọng Khang giải thích: "Người Mông tính một sải bằng 1,5 m. Như vậy 8 sải thì bằng 12 mét đấy, rộng lắm! Tha hồ để lúa, để ngô".

Anh Trống khoe, làm nhà mới xong sẽ thuê máy sửa lại ruộng nương để trồng mía, trồng ngô. Tết xong thì chuyển sang trồng mía, thu nhập cao hơn. "Thế tiền hỗ trợ đã được nhận chưa?" - Bí thư hỏi. "Nhận hết rồi Bí thư ạ. Nhà nước hỗ trợ cho 40 triệu đồng, anh em hỗ trợ 50 triệu đồng. Hai đứa con đi làm công nhân ở Vĩnh Phúc được công ty hỗ trợ mỗi đứa 30 triệu đồng, tổng 60 triệu đồng. Huyện sẽ hỗ trợ thêm 20 triệu đồng nữa tiền san nền. Đã không làm thì thôi, làm thì phải làm to cho con cháu nó về, làm nhà vệ sinh, nhà tắm, nền cứng đầy đủ. Tôi tính hết khoảng 400 triệu đồng. Thiếu mình sẽ vay thêm con trai, con dâu. Vài năm trồng mía sẽ trả đủ thôi!".

Rời nhà anh Trống, đoàn lại tiếp tục đi sang khu đất tái định cư của xã Hồ Bốn ở bản Trống Là. Khu đất rộng 2.110 mét vuông dự kiến bố trí đất ở, đất sản xuất cho 4 hộ gia đình. Khu đất này có được là thu hồi của một hộ gia đình trong thôn. 

Ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngày 14/8, đã thực hiện xong công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để làm cơ sở cho UBND huyện Mù Cang Chải thực hiện công tác chi trả tiền cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Tổng kinh phí hỗ trợ thu hồi đất tại xã Hồ Bốn trên 300 triệu đồng, dự kiến san tạo mặt bằng xong trước ngày 20/8”. 

Đoàn công tác của tỉnh gặp gỡ, trao đổi với ông Giàng A Sinh - gia đình có đất sản xuất bị thu hồi làm khu tái định cư.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và tặng quà với ông Giàng A Sinh - gia đình có đất bị thu hồi làm khu tái định cư. Ông Sinh bảo: "Lúc mình khó khăn hoạn nạn được Nhà nước giúp đỡ, nay người khác gặp khó khăn thì mình cũng sẵn sàng giúp đỡ thôi. Thấy Nhà nước thu hồi đất để làm tái định cư, mình đồng ý luôn”. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nói: "Rất cảm ơn bác và gia đình, khi đất sản xuất của gia đình không nhiều, bác đã đồng ý cho thu hồi để đẩy nhanh làm nhà tái định cư cho người dân vùng lũ. Thấy bà con khó khăn về đất ở, bác đã vui vẻ, đồng thuận bàn giao đất cho huyện, cho xã. Việc làm của bác đã thể hiện nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ với nhau lúc khó khăn hoạn nạn, để các hộ không may bị thiệt hại sớm có nơi ở mới. Thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trân trọng cảm ơn bác và biểu dương tinh thần đoàn kết của bác và gia đình. Bác thật sự là một người cao tuổi mẫu mực, nêu gương sáng tại địa phương”.

Chia tay ông Sinh khi mặt trời đã đứng bóng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến kiểm tra việc san tạo mặt bằng khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải. Khu tái định cư sẽ có 16 lô đất, dự kiến bố trí cho 14 hộ, còn 2 lô đất dự phòng. Qua kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy biểu dương Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Mù Cang Chải và xã Lao Chải đã nỗ lực trong việc tìm đất tái định cư, tuyên truyền vận động người dân giao đất và sớm triển khai việc san gạt mặt bằng. 

"Việc bà con đồng thuận là điều kiện tiên quyết để sớm triển khai các bước tiếp theo để làm khu tái định cư, xã đã làm rất tốt. Tôi nghe xã báo cáo là có nền nhà là bà con sẽ dựng nhà mới ngay, không kiêng tháng 7 ngâu, như thế là tốt vì bà con có nơi ở mới sớm ngày nào thì sẽ tốt cho bà con ngày ấy, xã tiếp tục cử lực lượng hỗ trợ bà con dựng nhà mới nhé!” - Bí thư Tỉnh ủy nói. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn và trao quà cho 5 hộ gia đình đã nhường đất để làm khu tái định cư. "Do giữa trưa nắng các hộ gia đình không có mặt tại đây, quà của Bí thư Tỉnh ủy sẽ được chuyển đến bà con ngay trong chiều nay” - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải - Giàng A Vàng trả lời. 

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết, việc hình thành khu tái định cư Hồng Nhì Pá thực sự là rất nhanh, có thể gọi là "thần tốc”. "Tôi giao cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước chỉ đạo các ngành chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đất cho bà con để làm nhà mới. Đây là khu tái định cư đẹp, cách tuyến quốc lộ 32 khoảng 3 km nên sẽ định hướng để phát triển thành khu du lịch cộng đồng; giao cho Sở Xây dựng bố trí thiết kế mẫu nhà đẹp thống nhất chung cho các hộ dân tái định cư...” - Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy chỉ đạo. 

Toàn cảnh khu tái định cư Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải đang được san gạt để bố trí tái định cư cho 14 hộ bị thiệt hại do lũ quét.

Theo báo cáo của UBND huyện Mù Cang Chải, đến nay, 33 hộ gia đình đã dựng nhà xong (xã Lao Chải 26 nhà, Hồ Bốn 7 nhà), 55 hộ đã san nền (Lao Chải 32 nhà, Hồ Bốn 15 nhà, Khao Mang 6 nhà, Kim Nọi 2 nhà) và 80 hộ có nhà bị thiệt hại nặng đã khắc phục xong (xã Lao Chải 44 nhà, Hồ Bốn 27 nhà, Mồ Dề 1 nhà, Khao Mang 1 nhà, La Pán Tẩn 1 nhà, Kim Nọi  nhà). Đối với 41 hộ bị thiệt hại nhẹ cần khắc phục đến nay nhân dân đã khắc phục xong. Ngày 13/8, xã Lao Chải đã động thổ khu tái định cư Hồng Nhì Pá, dự kiến sẽ bố trí đất ở cho khoảng 16 hộ bị thiệt hại về nhà chưa có đất tái định cư. Ngày 15/8, xã Hồ Bốn động thổ khởi công khu tái định cư bản Trống Là, dự kiến sẽ bố trí đất ở cho 5 hộ. Dự kiến hoàn thành việc bố trí đất ở và làm nhà cho các hộ dân xong trong tháng 9/2023.  

Bài 3: HỒI SINH VÙNG ĐẤT LŨ

Cơn lũ dữ đi qua, những vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề đang có sự hồi sinh mạnh mẽ. Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền; tinh thần đoàn kết của người dân địa phương và sự chung tay giúp đỡ của cả nước, đã giúp người dân vùng lũ ổn định lại cuộc sống, gây dựng tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân xã Hồ Bốn khi được Bảo hiểm xã hội huyện cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế bị thất lạc do lũ quét.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân xã Hồ Bốn khi được Bảo hiểm xã hội huyện cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế bị thất lạc do lũ quét.

Sau khi trực tiếp thị sát tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã làm việc ngay với lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Mù Cang Chải về tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho người dân. 

 Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải - Nông Việt Yên báo cáo: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét ngày 11/8, huyện Mù Cang Chải đã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với lực lượng tăng cường của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, dân quân tự vệ và lực lượng Sư đoàn 316, Trung đoàn 174 với tổng số lực lượng tham gia khắc phục hậu quả trên 3.000 người. 

Đã huy động tất cả 80 phương tiện (30 máy xúc, 5 xe ô tô, 20 máy bơm nước….) tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường. Với những hộ mất nahf do sập, trôi, phải di dời khẩn cấp, đến nay, 33 hộ gia đình đã dựng nhà xong. UBND huyện đang tổ chức san tạo mặt bằng 2 khu tái định cư tập trung tại  2 xã Hồ Bốn và Lao Chải, dự kiến hoàn thành việc bố trí đất ở và làm nhà cho các hộ dân xong trong tháng 9/2023. Việc khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2. 

 Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã tiếp nhận hơn 2,4 tỷ đồng do các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi đến nhân dân vùng lũ. Đồng thời tiếp nhận, chuyển hơn 12 tấn gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm đến người dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn. 

"Tôi đánh giá cao sự chủ động và ứng phó linh hoạt của cấp ủy chính quyền cơ sở. Đặc biệt là các đồng chí đã huy động và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” - Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi lại với Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên và yêu cầu hai ngành nông nghiệp, ngành giao thông báo cáo công tác triển khai khắc phục của các đơn vị theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến kiểm tra ngày 11/8 đồng thời xem có đề xuất, kiến nghị gì.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hồ Bốn về công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do lũ quét.

Báo cáo với Bí thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận cho biết: Sở đã thành lập đoàn công tác hỗ trợ huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả thiên tai. Mù Cang Chải có 168 công trình thuỷ lợi bị thiệt hại, chiều dài kênh bị vùi lấp và sạt lở dài 31.000 m. Đến nay, ngành đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Nghĩa Văn xếp đá tạm các đầu mối bị phá vỡ; nạo vét kênh đối kênh bị vùi lấp, những đoạn kênh bị sạt, đứt gãy thì lắp đặt đường ống để dẫn nước với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Số lượng đường ống HDPE các loại đã được đơn vị đặt mua là 25.000m, số lượng ống đã được bàn giao cho các xã để lắp đặt là 15.800m. 

Với 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn bị ảnh hưởng, Sở đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Nghĩa Văn thực hiện sửa chữa, lắp đặt đảm bảo cấp nước cho các công trình là 920 m với kinh phí 32 triệu đồng. Về diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, ngành đã cử cán bộ hướng dẫn bà con các biện pháp khắc phục kịp thời, phù hợp với từng diện tích bị ảnh hưởng. 

Khắc phục hậu quả thiên tai trên tuyến quốc lộ 32, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đỗ Việt Bách cho biết: Việc khắc phục giao thông bước 1 đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, đã thực hiện cơ bản hoàn thành hót sụt taluy dương, xử lý tạm thời tại 2 vị trí sạt lở taluy âm mất toàn bộ nền, mặt đường đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông (đoạn từ Km 325- Km 330 cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe ô tô trên 9 chỗ ngồi lưu thông). 

Trước mắt, ngành sẽ chỉ đạo đơn vị thi công khôi phục, sửa chữa, gia cố lại cống, rãnh bị hư hỏng; láng nhựa mặt đường các đoạn tuyến bị hư hỏng; hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông và kè rọ thép taluy âm tại các vị trí sạt lở. Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra hiện trường, thống nhất về chủ trương để Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện xây dựng công trình khẩn cấp bước 2, dự kiến kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. 

Người dân xã Hồ Bốn đến trụ sở UBND xã làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT bị mất do lũ quét gây ra.

Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh báo cáo phương án và các giải pháp tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy ghi nhận biểu dương những kết quả trong công tác khắc phục bão lũ, đảm bảo tái định cư, khắc phục các công trình công cộng. 

Huyện Mù Cang Chải và các sở, ngành phát huy tốt vai trò trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ giúp đỡ các địa phương bị thiệt hại rà soát thiệt hại ngay từ đầu; cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện tổ chức phân công các thành viên cụ thể với tinh thần chủ động tích cực tham gia các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; việc vệ sinh hót dọn đất đá cơ bản xong, tổ chức rà soát kiểm đếm cơ sở hạ tầng, chăn nuôi đều vượt mốc thời gian đề ra. 

"Cấp ủy hành động, chính quyền và ngành chức năng phản ứng "thần tốc" trước mất mát của nhân dân và sự vào cuộc của cả cộng đồng đã tạo nên một nhịp "kết đoàn" ngay giữa tâm lũ, nhanh chóng xoa dịu những mất mát, đau thương”, người đứng đầu tỉnh khẳng định. Chỉ ra 5 yếu tố tạo nên nhịp "kết đoàn", người đứng đầu tỉnh khẳng định yếu tố quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Sự chỉ đạo sáng tạo, khoa học, phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng trong công tác khắc phục. 

"Một tuần trước đây, tôi đặt ra yêu cầu đó và các đồng chí đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với cách làm hết sức sáng tạo như việc sử dụng hệ thống bể tự hoại bằng chất liệu HDPE thay cho bể tự hoại xây đã giúp đẩy nhanh tiến độ khắc phục; việc khắc phục sạt đường tuyến taluy âm trên tuyến quốc lộ 32 gắn với thanh thải dòng chảy đã góp phần giảm chi phí về nguyên vật liệu, vừa đẩy nhanh tiến độ khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 tuyến quốc lộ 32. Đây là yếu tố thứ hai dẫn đến thành công” - người đứng đầu tỉnh khẳng định. 

Thứ ba, tất cả các sở, ngành của tỉnh, huyện Mù Cang Chải, các lực lượng và mỗi cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia khắc phục đều phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nhất là trách nhiệm nêu gương, phân giao trách nhiệm đúng người, đúng việc, bám nắm thôn bản, sát sao tình hình thực tế để báo cáo cấp trên có những chỉ đạo kịp thời. 

Thứ tư, đó là sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của bà con trên địa bàn các xã như việc đồng thuận trong việc bố trí đất tái định cư; các tổ chức hội đoàn thể bố trí giúp đỡ lực lượng quân đội tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Cuối cùng là sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh như hỗ trợ máy móc san gạt nền nhà tái định cư, hỗ trợ thanh  thải dòng chảy… để việc khắc phục bước 1 hoàn thành trước kế hoạch đề ra. 

Giao nhiệm vụ cụ thể trước mắt và lâu dài cho các sở, ngành và huyện Mù Cang Chải, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thống nhất với các giải pháp được đưa ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, nhiệm vụ thứ  nhất về hỗ trợ an sinh xã hội, tiếp tục rà soát hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ làm nhà tái định cư; hỗ trợ di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; tiếp tục hỗ trợ sửa chữa các công trình nước sạch cho bà con với tinh thần người khó khăn nhiều hỗ trợ nhiều, người khó khăn ít hỗ trợ ít, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch; hỗ trợ bà con trong việc làm các thủ tục, giấy tờ của người dân bị hư hại, mất do ảnh hưởng của thiên tai. 

Về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện rà soát để bổ sung thêm các diện tích bị thiệt hại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thực hiện việc chi trả hỗ trợ sản xuất của bà con xong trong tháng 8; hướng dẫn người dân cải tạo diện tích đất bị ảnh hưởng do thiên tai sớm đưa vào sản xuất, khôi phục các công trình thủy lợi đầu mối, công trình cấp nước do người dân tự làm để phục vụ sản xuất. 

Nhiệm vụ thứ 3, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị cần sớm khôi phục lại hoạt động khám chữa bệnh, phun tiêu độc khử trùng tại các xã bị ảnh hưởng do thiên tai; sớm triển khai thực hiện việc huy động học sinh ra lớp khi điều kiện về cơ sở hạ tầng đảm bảo để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Đồng chí cũng yêu cầu sớm thực hiện việc khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng công cộng bị ảnh hưởng do thiên tai, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 25/8, tập trung khắc phục một số điểm sạt lở ta luy âm trên tuyến quốc lộ 32. 

Đối với một số công trình sửa chữa trong giai đoạn 2 cần sớm hoàn thiện thủ tục về đất đai, mặt bằng, khảo sát thiết kế, Bí thư Tỉnh ủy giao cho các ngành chức năng khảo sát đảm bảo tính khả thi sao cho tiết kiệm, hiệu quả, nhất là tiết kiệm về mặt bằng do quỹ đất hạn chế; khẩn trương thực hiện các thu tục thu hồi đất đối với các hộ gia đình bị trôi, sạt nhà cửa hoặc phải di dời đã được bố trí tái định cư để thu hồi theo quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Đối với việc khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng sau giai đoạn 1, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy  yêu cầu cần điều chỉnh bổ sung công trình kè của Trường Phổ thông Dân tộc phổ thông dân tộc Bán trú TH và THCS Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện việc khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng. Tập trung giải quyết các thủ tục đất đai về lâm nghiệp, đo vẽ xác định hiện trạng đất, nhất là đất của các hộ đã san sẻ đất để làm tái định cư, các hộ được hỗ trợ đất làm nhà mới, phấn đấu đến ngày 26/8, thực hiện đo vẽ xong để xác định hiện trạng, phấn đấu thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trước tết Dương lịch. 

Sau thiên tai, sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cùng sự chung sức đồng lòng của tất cả các lực lượng, xã Hồ Bốn sẽ khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều gam màu sáng.

Đối với các công trình cấp bách trong phòng chống thiên tai ổn định lâu dài như kè suối Nậm Kim, tuyến quốc lộ 32, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện thủ tục để đề xuất hỗ trợ thực hiện và sớm triển khai trong quý IV năm nay. Đồng chí cũng yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng công an đảm bảo tốt công tác an ninh chính trị trên địa bàn; thực hiện chia sẻ hài hòa các nguồn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai. 

Cho biết cả hệ thống chính trị đã làm rất tốt công tác khắc phục cấp bách hậu quả của thiên tai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Mù Cang Chải dành thời gian để thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác từ thứ 2 (ngày 21/8) song vẫn duy trì lực lượng chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; tập trung vào chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo Chương trình hành động 135, các chương trình mục tiêu quốc gia… "Cả hệ thống chính trị quyết tâm cùng hành động để khoác chiếc áo mới khang trang và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho người dân vùng đất lũ” - Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy một lần nữa khẳng định quyết tâm.

Những ký ức đau thương do lũ quét gây ra ngày 5/8 ở Mù Cang Chải sẽ dần dần xoá mờ trong tâm trí của bà con vùng lũ song hình ảnh người đứng đầu tỉnh vượt suối, băng rừng tìm đất tái định cư cho dân; hình ảnh những người lính Cụ Hồ, thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác lưng áo ướt đẫm mồ hôi lo cho dân sẽ còn đọng lại mãi. Đất lũ hồi sinh, bức tranh bừng lên với nhiều gam màu sáng, đầy sức sống! Lẫn trong tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Kim yên ả những ngày sau lũ có cả tiếng cười nói vui tươi của tụi trẻ chăn trâu, nô đùa bên suối.

303 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h