Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn bản mới

Quy định, chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024

01/09/2024 07:48:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Tiêu chuẩn xét thăng hạng II viên chức chuyên ngành y, dược, dân số; Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; Phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm; Nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Sửa đổi quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…là một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Ảnh minh họa.

* Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có quy định về đối tượng, mức vay, phương thức vay,… có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2024.

Theo đó, đối tượng được vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Và điều kiện vay vốn là đối tượng này phải cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, vệ sinh hộ gia đình hoặc có nhưng bị hư hỏng và cần xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/loại công trình/khách hàng trong thời hạn vay tối đa là 05 năm (tức 60 tháng) với lãi suất như sau:

Lãi suất cho vay: 9,0%/năm

Lãi suất quá hạn: 130% lãi suất cho vay

* Tiêu chuẩn xét thăng hạng II viên chức chuyên ngành y, dược, dân số

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BYT, Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số từ 01/9/2024 như sau:

- Đáp ứng tiêu chuẩn chung:

Được người đứng đầu cử đi dự xét thăng hạng viên chức;

Đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;

Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng hạng chức danh được xét thăng hạng.

- Có thêm 01 trong các tiêu chuẩn dưới đây:

Được cấp bằng Chuyên khoa cấp II/Tiến sĩ chuyên ngành phù hợp chức danh dự xét thăng hạng;

Đạt danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân;

Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua từ cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên;

Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên;

Chủ nhiệm ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên và phải được nghiệm thu từ mức đạt trở lên;

Chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên, thành viên tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh trở lên và đã được nghiệm thu từ mức đạt trở lên…

* Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Ngày 01/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Theo Nghị định này, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: đường trục chính nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với dự án có tổng công suất sản xuất thiết kế đạt tối thiểu 100.000 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua thiết bị từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua giống cây trồng làm cây thức ăn chăn nuôi đối với dự án có diện tích đất trồng tối thiểu 10 ha/dự án. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ một lần không quá 30% giá trị mua một trong các đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao để phối giống, mức hỗ trợ tối đa như sau: 15 triệu đồng/đực giống đối với trâu, bò từ 12 tháng tuổi trở lên; 03 triệu đồng/đực giống đối với dê, cừu từ 06 tháng tuổi trở lên; 10 triệu đồng/đực giống đối với lợn từ 06 tháng tuổi trở lên và đã kết thúc kiểm tra năng suất cá thể; 10 triệu đồng/đực giống đối với hươu sao từ 06 tháng tuổi trở lên; không quá 02 con đực giống/hộ.

Hỗ trợ một lần không quá 30% giá trị mua một trong các loại gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ 01 ngày tuổi để nuôi sinh sản; mức hỗ trợ tối đa không quá 15.000 đồng/con; mỗi hộ chăn nuôi được hỗ trợ tối đa không quá 500 con gà hoặc 500 con vịt hoặc 500 con ngan giống cấp bố mẹ 01 ngày tuổi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2024.

* Bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế

Ngày 23/7/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52/2024/TT-BTC bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Cụ thể, các Thông tư về lĩnh vực thuế bị bãi bỏ toàn bộ gồm:

(1) Thông tư 181/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.

(2) Thông tư 11/2010/TT-BTC hướng dẫn nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế.

(3) Thông tư 151/2010/TT-BTC hướng dẫn áp dụng các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước với Quỹ phát triển đất.

(4) Thông tư 176/2010/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

(5) Thông tư 104/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

(6) Thông tư 30/2013/TT-BTC hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa.

(7) Thông tư 141/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.

(8) Thông tư 187/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.

* Cập nhật quy định về các hành vi bị cấm trong tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024

Theo đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 122/2013/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 122/2013/NĐ-CP về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Lợi dụng việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được bóc mở, kiểm tra, niêm phong, tạm giữ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân thay mặt, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

* Phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/9/2024.

Thông tư 09/2024/TT-BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: Phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức...

* Nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Nghị định 89/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/9/2024 quy định về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi phải được thực hiện theo các nguyên tắc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật;

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác;

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty nhà nước, công ty con chưa chuyển đổi.

* Sửa đổi quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định 97/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/9/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Trong đó sửa đổi quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với kiểm soát.

Theo đó, quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.

* Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:

- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH ) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH).

- Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

* Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 01/8/2024 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.

Theo Thông tư, Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ…

972 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h