Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Những việc người dân cần làm để bảo vệ sức khỏe mùa mưa lũ

18/09/2024 09:08:12 Xem cỡ chữ Google
Sau bão lũ vô số các vi sinh vật, chất thải… gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ vệ sinh cá nhân đến an toàn thực phẩm.

Trao tặng nước tinh khiết cho bà con vùng lũ.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ. Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Nguy cơ nhiều dịch bệnh sau lũ lụt

Sau cơn bão số 3, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Theo Cục Y tế Dự phòng, sau bão lũ, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như sốt xuất huyết, sốt rét, cảm cúm, da liễu, đau mắt đỏ, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy… Nguyên nhân do nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật.

Để chủ động phòng tránh dịch trước và trong mùa mưa lũ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ vệ sinh cá nhân đến an toàn thực phẩm.

Người dân cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn....

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và người dân cần phối hợp tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt; xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước, xử lý chất thải, thu gom, tiêu hủy súc vật, gia cầm bị chết, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Dự trữ nước, thực phẩm, thuốc men

Trước khi xảy ra lũ, lụt, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.

Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày; tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không; di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định; di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm; tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong tòa nhà mình ở.

Các địa phương cần chủ động sơ tán người dân khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp; có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.

Trong khi xảy ra lũ, lụt, người dân cần theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp.

Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau: Lập tức di tản đến khu vực trú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu; tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút; không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết; đề phòng rắn ở những vùng ngập nước.

Người dân cần sử dụng đèn pin thay vì sử dụng thiết bị chiếu sáng bằng ngọn lửa trần (nến, đuốc..) để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ; đề phòng lũ quét tiềm ẩn…

Sau khi xảy ra lũ, lụt, thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để trẻ em nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh; Không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng; sử dụng nước từ các nguồn an toàn (như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).

Làm sạch nguồn nước

Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ. Y tế các tỉnh, thành cần xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế đến địa bàn./.

1028 lượt xem
Theo Vietnam+

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h