CTTĐT - Trong cuộc chiến chống lại thiên tai bền bỉ và không ngừng nghỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với đồng bào, đồng chí về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Vững sáu điểm tựa ấy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ tiếp tục xây đắp và củng cố nên thành trì vững chắc, đó là quốc gia, dân tộc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Việt Nam, dải đất cong hình chữ S thân thương là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan xảy ra để lại hậu quả hết sức nặng nề, gây thiệt hại nhiều hơn về người, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Trong cuộc chiến chống lại thiên tai bền bỉ và không ngừng nghỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với đồng bào, đồng chí về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Vững sáu điểm tựa ấy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ tiếp tục xây đắp và củng cố nên thành trì vững chắc, đó là quốc gia, dân tộc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Cái tên Bão số 3 (Yagi) đã trở thành ký ức kinh hoàng về cơn cuồng phong với tốc độ càn quét điên cuồng, gây thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng về người và tài sản, để lại bao đau thương, mất mát, đổ nát hoang tàn, khủng khiếp và đầy ám ảnh.
Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, do tác động mưa lớn của hoàn lưu bão và nước sông dâng, ngập lụt nặng đã xảy ra ở 20 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó hàng loạt các đô thị khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang… trong tình trạng ngập lụt nặng nề, chìm trong biển nước.
Theo các báo cáo, thống kê sơ bộ đến ngày 17 tháng 9 năm 2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.930 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng.
Riêng đối với tỉnh Yên Bái, bão số 3 đã gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Tính đến thời điểm này, đã có 53 người chết, 01 người mất tích và nhiều người bị thương; trên 27.000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, hàng ngàn ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, công trình, cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc... bị thiệt hại nặng nề. ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) với quan điểm, mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hỗ trợ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Yên Bái đang khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách nhằm khắc phục hậu quả bão số 3, trước mắt tập trung quan tâm việc hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề để người dân sớm ổn định đời sống.
Trên diễn đàn đặc biệt không giấy tờ mang tên “Điểm tựa Việt Nam” (chương trình truyền hình trực tiếp do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 15/9/2024 nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung), khán giả truyền hình lặng đi khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gương mặt trầm buồn, đôi mắt vẫn quầng thâm sau nhiều đêm mất ngủ, giọng nói nghẹn ngào, run run xúc động, nhiều khi chực trào nước mắt, đã chia sẻ hết sức cảm động và sâu sắc về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh, trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, ai cũng cần điểm tựa.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sáu điểm tựa vững chãi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ đã giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những ngày ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi là một minh chứng sinh động về ý nghĩa của sáu điểm tựa đó.
Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào biển Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt, khẩn trương, triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão.
Bộ Chính trị đã ban hành kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, thông tin và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế tác động và khắc phục hậu quả bão số 3.
Sẽ còn đọng mãi trong lòng nhân dân hình ảnh vô cùng giản dị, gần gũi, thân thương, sự quan tâm, động viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, đã không quản ngại dầm mình trong mưa, băng qua nước lũ, lội trong bùn ngập... trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ.
Sẽ còn đọng mãi trong lòng nhân dân hình ảnh những người lãnh đạo oai phong, mạnh mẽ, quyết đoán trên chính trường là thế, trước những đau thương, mất mát của nhân dân, họ không giấu nổi sự xúc động, cảm thông sâu sắc, đau cùng nỗi đau của nhân dân; lo cho dân bữa ăn, nước uống, kiên quyết “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; lo lắng cho sự an nguy của người dân vùng bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất vẫn đang hiện hữu dù cơn bão đã qua.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chiếc áo giản dị quen thuộc, đẫm mồ hôi, lội bùn đến tận nơi động viên bà con và các cháu học sinh ở Yên Bái, dù đã chào chia tay rồi mà vẫn chưa rời đi được vì các cháu nhỏ ở điểm trường mầm non cứ ríu rít ùa vào đòi ông bế từng bé một. Người đứng đầu Chính phủ đã không kìm được nước mắt khi trực tiếp đến nơi đau thương nhất tại Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Những ngày sau đó, trong các cuộc họp, trên nhiều diễn đàn hay trong cuộc sống đời thường, mỗi khi nhắc đến Làng Nủ, ông lại xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt.
Sẽ còn đọng mãi hình ảnh hàng vạn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các lực lượng xã hội được huy động từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên tình nguyện và người dân ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân và tìm kiếm nạn nhân mất tích... Những ca vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân không thể sử dụng phương tiện giao thông, chỉ có duy nhất một cách là dùng cáng, võng vì phải vượt dòng nước lũ, băng qua những sườn đồi, dốc núi, đường đất trơn trượt trong đêm mưa xối xả, chạy đua từng phút với thời gian để giành giật sự sống cứu người.
Sẽ còn đọng mãi những nghĩa cử cao đẹp, sự ủng hộ về nguồn lực, chia sẻ, động viên về tinh thần đầy nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế hướng về các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn Bão số 3 (Yagi). Những chuyến hàng cứu trợ quốc tế xuyên đêm tới Sân bay Nội Bài; những chuyến xe hối hả chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu... từ khắp các tỉnh, thành phố trên mọi miền Tổ quốc hướng về vùng lũ.
Những bếp ăn thiện nguyện luôn đỏ lửa trong những nhiều ngày liên tục để cung cấp miễn phí các suất ăn, đủ các bữa trong ngày cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai và các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, là tấm lòng, tình cảm của các nhà hàng, các câu lạc bộ, các gia đình nơi đang an toàn. Các đội tình nguyện đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để hỗ trợ dọn dẹp bùn rác, đất đá, vệ sinh môi trường; giúp dân sửa chữa, thay dầu xe máy, đồ dùng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng hoàn toàn miễn phí...
Đặc biệt, nhân dân sẽ mãi ghi ơn những tấm gương dũng cảm, những người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh, quên mình trong khi giúp dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. Rất nhiều người gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề bởi mưa ngập, sạt lở đất nhưng đã gác lại việc nhà để lao vào tâm lũ giúp dân. Nhiều người đi làm nhiệm vụ, cứu được bao người nhưng khi trở về thì thiên tai, mưa lũ đã vĩnh viễn cướp đi cha, mẹ, anh, chị em, người thân... để lại nỗi đau đớn, xót xa, ám ảnh không biết bao giờ mới nguôi ngoai được.
Và còn đó rất nhiều những con người bình dị mà cao quý, những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, không phô trương, hình thức, không đòi hỏi sự ghi nhận, ấm tình dân tộc, trọn nghĩa đồng bào với trái tim đập chung một nhịp: Việt Nam.
Nhìn lại công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua, sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp trên hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự dũng cảm hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các lực lượng trong hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội, lực lượng tình nguyện… đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.
Đồng thời, tất cả những gì diễn ra trong đời sống xã hội đã làm sáng ngời thêm tình dân tộc, nghĩa đồng bào; nhân lên niềm tin, tạo điểm tựa vững chãi trong nhân dân, để lại dấu ấn tốt đẹp trong đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về một Việt Nam anh dũng, kiên cường, con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, giàu tình thương và lòng nhân ái.
Mưa bão đi qua, để lại hậu quả rất nặng nề với bao khó khăn, bộn bề, vất vả; những đau thương, mất mát chưa thể nguôi ngoai; phải cần đến rất nhiều nguồn lực và thời gian để tái thiết lại cuộc sống người dân, khôi phục cơ sở hạ tầng và phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cách tốt nhất và nhanh nhất để dần khép lại những ký ức kinh hoàng về siêu bão Yagi là tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh Việt Nam, thực hiện lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, đồng chí làm việc bằng hai, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3.
Vững sáu điểm tựa là yếu tố quan trọng để xây dựng và củng cố thành trì vững chãi, đó là một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc./.
10367 lượt xem
Hồng Thanh Tâm - Thanh Bình
Cổng thông tin điện tử tỉnh - Trong cuộc chiến chống lại thiên tai bền bỉ và không ngừng nghỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với đồng bào, đồng chí về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Vững sáu điểm tựa ấy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ tiếp tục xây đắp và củng cố nên thành trì vững chắc, đó là quốc gia, dân tộc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Việt Nam, dải đất cong hình chữ S thân thương là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan xảy ra để lại hậu quả hết sức nặng nề, gây thiệt hại nhiều hơn về người, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Trong cuộc chiến chống lại thiên tai bền bỉ và không ngừng nghỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với đồng bào, đồng chí về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Vững sáu điểm tựa ấy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ tiếp tục xây đắp và củng cố nên thành trì vững chắc, đó là quốc gia, dân tộc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Cái tên Bão số 3 (Yagi) đã trở thành ký ức kinh hoàng về cơn cuồng phong với tốc độ càn quét điên cuồng, gây thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng về người và tài sản, để lại bao đau thương, mất mát, đổ nát hoang tàn, khủng khiếp và đầy ám ảnh.
Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, do tác động mưa lớn của hoàn lưu bão và nước sông dâng, ngập lụt nặng đã xảy ra ở 20 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó hàng loạt các đô thị khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang… trong tình trạng ngập lụt nặng nề, chìm trong biển nước.
Theo các báo cáo, thống kê sơ bộ đến ngày 17 tháng 9 năm 2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.930 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng.
Riêng đối với tỉnh Yên Bái, bão số 3 đã gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Tính đến thời điểm này, đã có 53 người chết, 01 người mất tích và nhiều người bị thương; trên 27.000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, hàng ngàn ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, công trình, cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc... bị thiệt hại nặng nề. ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) với quan điểm, mục tiêu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hỗ trợ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Yên Bái đang khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách nhằm khắc phục hậu quả bão số 3, trước mắt tập trung quan tâm việc hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề để người dân sớm ổn định đời sống.
Trên diễn đàn đặc biệt không giấy tờ mang tên “Điểm tựa Việt Nam” (chương trình truyền hình trực tiếp do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 15/9/2024 nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung), khán giả truyền hình lặng đi khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gương mặt trầm buồn, đôi mắt vẫn quầng thâm sau nhiều đêm mất ngủ, giọng nói nghẹn ngào, run run xúc động, nhiều khi chực trào nước mắt, đã chia sẻ hết sức cảm động và sâu sắc về “sáu điểm tựa Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh, trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, ai cũng cần điểm tựa.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sáu điểm tựa vững chãi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ đã giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những ngày ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi là một minh chứng sinh động về ý nghĩa của sáu điểm tựa đó.
Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào biển Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt, khẩn trương, triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão.
Bộ Chính trị đã ban hành kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, thông tin và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế tác động và khắc phục hậu quả bão số 3.
Sẽ còn đọng mãi trong lòng nhân dân hình ảnh vô cùng giản dị, gần gũi, thân thương, sự quan tâm, động viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, đã không quản ngại dầm mình trong mưa, băng qua nước lũ, lội trong bùn ngập... trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ.
Sẽ còn đọng mãi trong lòng nhân dân hình ảnh những người lãnh đạo oai phong, mạnh mẽ, quyết đoán trên chính trường là thế, trước những đau thương, mất mát của nhân dân, họ không giấu nổi sự xúc động, cảm thông sâu sắc, đau cùng nỗi đau của nhân dân; lo cho dân bữa ăn, nước uống, kiên quyết “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; lo lắng cho sự an nguy của người dân vùng bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất vẫn đang hiện hữu dù cơn bão đã qua.
Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chiếc áo giản dị quen thuộc, đẫm mồ hôi, lội bùn đến tận nơi động viên bà con và các cháu học sinh ở Yên Bái, dù đã chào chia tay rồi mà vẫn chưa rời đi được vì các cháu nhỏ ở điểm trường mầm non cứ ríu rít ùa vào đòi ông bế từng bé một. Người đứng đầu Chính phủ đã không kìm được nước mắt khi trực tiếp đến nơi đau thương nhất tại Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai). Những ngày sau đó, trong các cuộc họp, trên nhiều diễn đàn hay trong cuộc sống đời thường, mỗi khi nhắc đến Làng Nủ, ông lại xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt.
Sẽ còn đọng mãi hình ảnh hàng vạn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các lực lượng xã hội được huy động từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên tình nguyện và người dân ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân và tìm kiếm nạn nhân mất tích... Những ca vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân không thể sử dụng phương tiện giao thông, chỉ có duy nhất một cách là dùng cáng, võng vì phải vượt dòng nước lũ, băng qua những sườn đồi, dốc núi, đường đất trơn trượt trong đêm mưa xối xả, chạy đua từng phút với thời gian để giành giật sự sống cứu người.
Sẽ còn đọng mãi những nghĩa cử cao đẹp, sự ủng hộ về nguồn lực, chia sẻ, động viên về tinh thần đầy nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế hướng về các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn Bão số 3 (Yagi). Những chuyến hàng cứu trợ quốc tế xuyên đêm tới Sân bay Nội Bài; những chuyến xe hối hả chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu... từ khắp các tỉnh, thành phố trên mọi miền Tổ quốc hướng về vùng lũ.
Những bếp ăn thiện nguyện luôn đỏ lửa trong những nhiều ngày liên tục để cung cấp miễn phí các suất ăn, đủ các bữa trong ngày cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai và các lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, là tấm lòng, tình cảm của các nhà hàng, các câu lạc bộ, các gia đình nơi đang an toàn. Các đội tình nguyện đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để hỗ trợ dọn dẹp bùn rác, đất đá, vệ sinh môi trường; giúp dân sửa chữa, thay dầu xe máy, đồ dùng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng hoàn toàn miễn phí...
Đặc biệt, nhân dân sẽ mãi ghi ơn những tấm gương dũng cảm, những người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh, quên mình trong khi giúp dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão. Rất nhiều người gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề bởi mưa ngập, sạt lở đất nhưng đã gác lại việc nhà để lao vào tâm lũ giúp dân. Nhiều người đi làm nhiệm vụ, cứu được bao người nhưng khi trở về thì thiên tai, mưa lũ đã vĩnh viễn cướp đi cha, mẹ, anh, chị em, người thân... để lại nỗi đau đớn, xót xa, ám ảnh không biết bao giờ mới nguôi ngoai được.
Và còn đó rất nhiều những con người bình dị mà cao quý, những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, không phô trương, hình thức, không đòi hỏi sự ghi nhận, ấm tình dân tộc, trọn nghĩa đồng bào với trái tim đập chung một nhịp: Việt Nam.
Nhìn lại công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua, sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp trên hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự dũng cảm hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các lực lượng trong hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội, lực lượng tình nguyện… đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.
Đồng thời, tất cả những gì diễn ra trong đời sống xã hội đã làm sáng ngời thêm tình dân tộc, nghĩa đồng bào; nhân lên niềm tin, tạo điểm tựa vững chãi trong nhân dân, để lại dấu ấn tốt đẹp trong đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về một Việt Nam anh dũng, kiên cường, con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, giàu tình thương và lòng nhân ái.
Mưa bão đi qua, để lại hậu quả rất nặng nề với bao khó khăn, bộn bề, vất vả; những đau thương, mất mát chưa thể nguôi ngoai; phải cần đến rất nhiều nguồn lực và thời gian để tái thiết lại cuộc sống người dân, khôi phục cơ sở hạ tầng và phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cách tốt nhất và nhanh nhất để dần khép lại những ký ức kinh hoàng về siêu bão Yagi là tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh Việt Nam, thực hiện lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào, đồng chí làm việc bằng hai, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3.
Vững sáu điểm tựa là yếu tố quan trọng để xây dựng và củng cố thành trì vững chãi, đó là một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc./.