Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

UBND tỉnh Yên Bái hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

27/09/2024 08:14:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Để việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do bão số 3 trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo thống nhất, kịp thời, hiệu quả, đúng chính sách, UBND tỉnh hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở như sau:

Do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng

I. ĐỐI TƯỢNG, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

1. Đối tượng hỗ trợ

Là các hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn; nhà ở bị hư hỏng nặng hoặc hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do ảnh hưởng của cơn bão sổ 3; hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% trở lên (trường hợp các hộ gia đình đã được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà theo Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025 nhưng bị thiệt hại do cơn bão số 3 vẫn được xem xét, hỗ trợ nếu đủ điều kiện theo quy định.

Lưu ý: Các hộ gia đình chỉ có các công trình phụ trợ như bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh ... nằm biệt lập với nhà ở bị thiệt hại, còn nhà ở không thiệt hại thì không đủ điều kiện xem xét, hỗ trợ.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

Việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 3 đảm bảo các nguyên tắc:

- Chỉ hỗ trợ đối với các hộ gia đình có nhà bị sập, trôi, đổ hoàn toàn, nhà bị hư hỏng nặng; hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để làm mới, sửa chữa nhà ở; hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái.

- Kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

- Công khai, minh bạch, trực tiếp đến người thụ hưởng.

- Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 01 lần theo 01 mức độ thiệt hại về nhà ở.

- Đảm bảo sự thống nhất giữa Ban Vận động Cứu trợ và UBND cùng cấp về nội dung, mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phân bổ, hỗ trợ đến người dân bị thiệt hại.

- Kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có biểu hiện lợi dụng chính sách để trục lợi.

II. TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THIỆT HẠI VỀ NHÀ Ở

1. Nhà ở bị sập, đổ, trôi hoàn toàn

Nhà ở bị sập, đổ, trôi hoàn toàn là nhà thuộc một trong các trường hợp:

- Nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn do mưa, lũ, sạt lở đất.

- Nhà có các kết cấu chính gồm: tường chịu lực, cột, mái (bao gồm cả kết cấu chịu lực của mái nhà như: Dầm, xà gồ, vì kèo, đòn tay...) đã bị nứt, gãy, đổ, biến dạng nghiêm trọng đến mức không thể sửa chữa, khắc phục và phải dỡ bỏ để làm nhà mới.

2. Nhà ở phải di dời khẩn cấp

Nhà ở phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền là căn nhà ở được xây dựng tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất hoặc bị mưa, lũ cuốn trôi, ảnh hưởng đến sự an toàn của con người và tài sản và được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải di dời đến địa điểm khác để đảm bảo an toàn về con người và tài sản.

3. Nhà ở bị hư hỏng nặng

Là căn nhà có các kết cấu chính gồm: tường chịu lực, cột, mái (bao gồm cả kết cấu chịu lực của mái nhà như: Dầm, xà gồ, vì kèo, đòn tay...) đã bị gãy, biến dạng khiến cho căn nhà bị bị hư hỏng nặng, không thể ở được, cần phải sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong.

4. Nhà bị tốc mái, hỏng mái

Thực hiện theo Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

III. MỨC HỖ TRỢ, NGUỒN KINH PHÍ

1. Mức hỗ trợ

- Đối với hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn: 60 triệu đồng/hộ;

- Đối với hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ chi phí di dời nhà ở và làm nhà ở mới: 60 triệu đồng/hộ.

- Đối với hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng: 30 triệu đồng/hộ;

2. Nguồn kinh phí hỗ trợ

2.1. Đối với các hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn, nhà bị hư hỏng nặng; hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ

a) Hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn: 40 triệu đồng/hộ;

-  Đối với hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ chi phí di dời nhà ở và làm nhà ở mới: 30 triệu đồng/hộ.

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng: 20 triệu đồng/hộ;

b) Hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý (do Ban Vận động Cứu trợ tỉnh - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cấp).

Ngoài mức hỗ trợ theo chính sách của Trung ương theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP nêu trên, thực hiện hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở, cụ thể như sau:

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn: 20 triệu đồng/hộ;

- Đối với hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ chi phí di dời nhà ở và làm nhà ở mới: 30 triệu đồng/hộ.

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng: 10 triệu đồng/hộ;

2.2. Các đối tượng còn lại gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số (không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị đinh số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ) có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn; nhà bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và làm nhà ở mới

a) Mức hỗ trợ: Theo quy định tại mục 1, phần III Hướng dẫn này.

b) Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý (do Ban Vận động Cứu trợ tỉnh - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cấp).

3. Đối tượng là hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% trở lên

3.1. Mức hỗ trợ

Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 66/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% đến dưới 50% diện tích mái: 02 triệu đồng/nhà;

- Hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 50% đến dưới 70% diện tích mái: 03 triệu đồng/nhà;

- Hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 70% diện tích mái trở lên: 04 triệu đồng/nhà.

3.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ nguồn ngân sách trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, ngân sách huyện) và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (thực hiện theo Hướng dẫn của Sở Tài chính).

4. Hỗ trợ thêm từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư

Ngoài các múc hỗ trợ nêu trên, tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh và các địa phương tiếp tục huy động thêm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ các hộ gia đinh bị thiệt hại về nhà ở nhằm nâng cao chất lượng nhà ở. Đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng loại nhà do các tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia hỗ trợ quyết định sau khi thống nhất với Chính quyền địa phương. Các gia đình bị thiệt hại về nhà ở và dòng họ, cộng đồng dân cư nơi cư trú, tùy theo điều kiện, tình hình thực tế có trách nhiệm huy động, đóng góp thêm về kinh phí, nhân công, vật liệu tại chỗ để góp phần nâng giá trị căn nhà được làm mới, sửa chữa.

IV. QUY TRÌNH RÀ SOÁT, XÁC ĐỊNH, LẬP DANH SÁCH CÁC HỘ BỊ THIỆT HẠI VỀ NHÀ Ở VÀ CHI TRẢ CHÍNH SÁCH HỖ TR

1. Quy trình rà soát, xác định, lập danh sách các hộ bị thiệt hại về nhà ở

Bước 1: Trưởng các thôn, bản, tổ dân phố hướng dẫn hộ gia đình lập Tờ khai đề

nghị hỗ trợ làm nhà ở theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, lập danh sách các hộ bị thiệt hại về nhà ở, chủ trì họp với đại diện các tổ chức có liên quan và đại diện cộng đồng dân cư tại thôn, bản, tổ dân phố để xác định thiệt hại, hiện trạng nhà ở và xét duyệt các hộ đủ điều kiện hỗ trợ cụ thể, trên cơ sở đó hoàn thiện danh sách kèm theo biên bản cuộc họp, gửi UBND xã, phường, thị trấn.

Bước 2: UBND xã, phường, thị trấn thành lập các Tổ rà soát do lãnh đạo cấp xã (Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tố quốc xã) làm Tổ trưởng, thành viên là các công chức có liên quan thuộc UBND xã và một số thành phần liên quan (như: Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, đại diện Công an xã...) để rà soát, xác định mức độ thiệt hại về nhà ở đối với từng trường hợp đã được thôn, bản, tổ dân phố báo cáo. Số lượng thành viên của 01 Tổ rà soát tối thiểu từ 03 người trở lên. Kết thúc rà soát, các Tổ rà soát lập biên bản về kết quả rà soát, trong đó xác định rõ số lượng, danh sách các hộ thiệt hại về nhà ở; hiện trạng từng căn nhà (phần móng, phần tường, phần mái hoặc nguy cơ sạt lở, lũ, lụt... gây mất an toàn cho con người, công trình nhà ở - đối với nhà phải di dời) gửi UBND cấp xã. Căn cứ báo cáo của các Tổ rà soát, UBND cấp xã tổng hợp danh sách và có văn bản gửi UBND cấp huyện và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 3. UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ danh sách báo cáo thiệt hại về nhà ở của các xã, phường, thị trấn, tiến hành kiểm tra, thẩm định, trên cơ sơ đó tổng hợp số lượng, danh sách các hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn, hư hỏng nặng, di dời khẩn cấp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đồng thời ra Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý theo quy định (đối với các hộ gia đình phải di dời nhà ở khấn cấp, ban hành Quyết định để đảm bảo đủ điều kiện hỗ trợ).

2. Chi trả chính sách hỗ trợ

2.1. Đối với khoản kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

Thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 12 và khoản 4 Điều 15, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Khoản hỗ trợ này được chi trả 01 lần, sau khi hộ gia đình có đủ điều kiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.

2.2. Đối với khoản kinh phí từ nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý (do Ban Vận động Cứu trợ tỉnh - Ủy ban Mặt trận Tồ quốc Việt Nam tỉnh cấp).

Được chi trả trong 01 lần sau khi hộ gia đình có đủ điều kiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định (trường hợp được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, thực hiện chi trả cùng với việc chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước), trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh quyết định phương thức chi trả theo các phương thức khác với hướng dẫn tại mục này để đảm bảo phù hợp với thực tiễn).

2.3. Hỗ trợ thêm từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp với các tổ chức, cá nhân hảo tâm để thống nhất và tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ đảm bảo phù hợp với đề nghị của nhà tài trợ.

Ngoài các mức hỗ trợ trên, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tiễn, có trách nhiệm huy động các nguồn lực để hỗ trợ về mặt bằng làm nhà (đối với các hộ không còn đất để làm nhà ở); hỗ trợ thêm về kinh phí, nhân công, vật liệu tại chỗ để góp phần nâng cao chất lượng nhà ở..

1551 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h