Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Khát vọng đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"

01/10/2024 16:46:40 Xem cỡ chữ Google
Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2030 nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên; đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.

 

 

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Yên Bái làm 54 người chết, 42 người bị thương, trên 27.000 ngôi nhà hư hỏng; thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng thông tin. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 5.738 tỷ đồng.

Để ứng phó với bão số 3, tỉnh Yên Bái đã thực hiện chủ động, nghiêm túc, linh hoạt chỉ đạo của Trung ương vào điều kiện thực tiễn của địa phương, do đó đã giảm thiểu thiệt hại về người, trong đó tập trung một số biện pháp theo thứ tự ưu tiên như: Tìm cách tiếp cận các khu vực bị cô lập để hỗ trợ, cứu trợ các nạn nhân; tập trung ưu tiên tìm kiếm cứu nạn, kịp thời, chủ động; kịp thời di dời các hộ gia đình bị ảnh hưởng; tập trung bố trí các nguồn lực được hỗ trợ để thực hiện tốt an sinh xã hội, đảm bảo lương thực, thực phẩm… cho người dân và đã kịp thời có chính sách hỗ trợ cụ thể các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở từng mức độ khác nhau và khẩn trương tìm quỹ đất bố trí tái định cư; xem xét, ban hành nghị quyết miễn học phí năm học 2024 - 2025 cho học sinh, sinh viên. Tỉnh cũng đã kịp thời triển khai các hoạt động tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh như Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã; ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp...

Cùng với đó, tỉnh tập trung bố trí đất cho các hộ bị sập đổ hoàn toàn và di dời khẩn cấp cùng với việc kịp thời hỗ trợ thiệt hại về nhà ở cho các hộ; huy động máy móc, nhân lực từ các doanh nghiệp, đơn vị để cùng chính quyền và nhân dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường; tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng để các hoạt động trở lại bình thường, đến nay đã đảm bảo giao thông tất cả các tuyến đường. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương để khắc phục hậu quả, đề phòng một số nguy cơ lớn còn tiểm ẩn về sạt lở đất, thực hiện tốt thu gom, xử lý vệ sinh môi trường, kiểm soát vấn đề dịch bệnh, hỗ trợ nhà ở, ổn định đời sống nhân dân.

 

 

 

Khái niệm về chỉ số hạnh phúc là một khái niệm khá rộng, khá trừu tượng. Hạnh phúc không chỉ thể hiện ở đời sống vật chất mà còn thể hiện ở đời sống tinh thần, được sống trong môi trường an toàn về mọi mặt.

Tỉnh Yên Bái đã đưa "chỉ số hạnh phúc" vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một chỉ tiêu mang tính đặc trưng, riêng có của tỉnh Yên Bái nhằm xác định mức độ hài lòng của người dân Yên Bái trên 3 tiêu chí chính: (1) Sự hài lòng về cuộc sống (gồm: Các yếu tố liên quan đến điều kiện sống, việc làm, thu nhập, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội; quan hệ với chính quyền...); (2) Sự hài lòng về môi trường sống (gồm: Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; giữ gìn môi trường sinh thái, việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh...); (3) Đánh giá về tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe của người dân.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, tới nay, kết quả khảo sát chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 đạt 65,62%, vượt 2,32 điểm phần trăm so với kế hoạch (kế hoạch là 63,3%). Yên Bái phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15 điểm phần trăm so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020 là 53,3%, ở mức khá hạnh phúc).

Kết thúc năm 2023, toàn tỉnh có 78,57% số gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc; có 73,61% số thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; hiện nay, đã thành lập trên 600 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", sinh hoạt thường xuyên tại cơ sở. Có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí mô hình "Trường học hạnh phúc", tăng 131 trường so với năm 2022, đạt 66,9% chỉ tiêu kế hoạch giao.

Năm 2024, tỉnh Yên Bái quyết tâm duy trì Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong nhóm 15 tỉnh, thành; Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành; Chỉ số quản trị hành chính công (HCC) nằm trong nhóm "Trung bình cao" của cả nước; phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành; Chỉ số xanh (PGI) nằm trong nhóm 40 tỉnh, thành. Giải pháp thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh xác định rõ: Nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên là cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực địa đê kè chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Đồng thời, tiếp tục lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý những cán bộ công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân, phấn đấu nâng chỉ số hạnh phúc của người dân tăng gần 2,4% so với năm 2023.

Để đảm bảo tính khoa học và chính xác việc đánh giá "chỉ số hạnh phúc", ngay từ năm 2022, tỉnh đã xem xét giao nhiệm vụ điều tra, khảo sát, đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái cho Cục Thống kê tỉnh để triển khai hết sức bài bản, khoa học trên phạm vi toàn tỉnh. Phương pháp điều tra, đánh giá chỉ số hạnh phúc của Yên Bái được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho ý kiến thống nhất, đồng tình cao để Cục Thống kê tỉnh Yên Bái thực hiện. Có thể nói, đây là cách làm mới, đảm bảo tính chính xác do cơ quan thống kê thực hiện đối với sự hài lòng của người dân về các tiêu chí (hài lòng về cuộc sống, hài lòng về môi trường sống, về tuổi thọ trung bình) cũng chính là thước đo chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.

Từ nội hàm các tiêu chí của chỉ số hạnh phúc, việc nỗ lực đạt chỉ tiêu chỉ số hạnh phúc của người dân tăng dần qua các năm, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15% cũng đồng nghĩa với việc tỉnh Yên Bái phải quyết tâm cao độ trong triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phải có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được sâu sắc, toàn diện ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân làm cho chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp "Tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân", hướng tới mục tiêu xây dựng "Tỉnh hạnh phúc".

Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Trung ương cũng như của tỉnh cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để phát triển các sản phẩm có giá trị cao, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất tập trung và đặc sản hữu cơ, như: Vùng quế trên 81.000ha, sơn tra gần 10.000ha, cây ăn quả gần 10.000ha, dâu tằm trên 1.000ha, diện tích rừng trồng nguyên liệu trên 90.000ha, tre măng Bát Độ trên 5.400ha... Các sản phẩm đặc sản như: Nếp Tú Lệ 100ha, chè Shan hữu cơ Văn Chấn và Trạm Tấu 1.200ha, dược liệu trên 3.900ha. Đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó chỉ dẫn địa lý 10 sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận 17 sản phẩm, nhãn hiệu tập thể 10 sản phẩm. Đồng thời đánh giá và cấp 50 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận sở hữu cho 18.421ha rừng; đưa 4.826 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 8.790 đơn hàng giao dịch thành công; trên 192 sản phẩm OCOP được công nhận…

Với lợi thế đặc sắc, độc đáo từ thiên nhiên, cảnh quan, thổ nhưỡng, bản sắc văn hoá của trên 30 dân tộc, những thửa ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, chè cổ thụ Suối Giàng đã tạo nên giá trị tích hợp, lan toả, bền vững. Đây là quan điểm tiếp cận theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản". Từ tầm nhìn chiến lược đó, nông nghiệp của tỉnh Yên Bái không chỉ thể hiện ở "tư duy sản xuất" đơn thuần, mà được chuyển đổi thành "tư duy kinh tế", từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị", đây chính là "tối ưu hóa giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích". Chính những "nguồn vốn văn hóa""nguồn vốn xã hội" phong phú, giàu chiều sâu, đậm bản sắc mới có thể tạo nên điểm nhấn khác biệt cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh đó, tỉnh đã định hướng phát triển kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm cộng đồng, xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng vùng, miền trên cơ sở phát huy các giá trị vô giá từ nguồn tài nguyên bản địa phong phú. Gửi gắm thông điệp "hội tụ giá trị, lan toả văn hóa", mỗi sản phẩm nông nghiệp, mỗi dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn đều được chuyển tải câu chuyện kể khơi gợi cảm xúc từ hồn đất, hồn núi, hồn rừng, hồn người, nét đẹp văn hóa đặc sắc của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững với quan điểm không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí các-bon. Những giá trị gần như vô hình đó đã tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người được tận hưởng những "món quà" vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản, cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, của đồng bào dân tộc thiểu số, của cộng đồng dân cư, với vai trò chủ thể. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn đã khuyến khích người nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, hợp tác, các thiết chế cố kết cộng đồng dân cư. Người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư cùng nhau làm du lịch nông nghiệp - nông thôn; cùng nhau khôi phục làng nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, với cách nghĩ mới, cách làm mới, hội tụ tri thức bản địa, văn hóa đặc trưng thì mục tiêu phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" sẽ ngày một gần hơn với con người Yên Bái.

Cách thức mà Yên Bái xây dựng hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", đặc biệt sau khi du lịch mở cửa trở lại sau dịch bệnh đã dần hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống. Do đó, Yên Bái đã nhanh chóng đón đầu xu hướng dịch chuyển mới của khách du lịch để mở rộng không gian du lịch của mình trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Tốc độ phát triển du lịch của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, tăng trưởng vượt bậc, đã thu hút được một số dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón trên 1,3 triệu lượt khách, bằng 78% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 170.700 lượt khách, bằng 56,9% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.075 tỷ đồng, bằng 71,7% kế hoạch, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, hiện tại, Yên Bái đang thiếu số lượng lớn các cơ sở lưu trú cao cấp, trong khi xu thế sử dụng các khách sạn từ 3 sao trở lên của khách du lịch đến Yên Bái tăng cao, nhu cầu tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo... ngày càng nhiều. Nếu có nhiều dự án đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, du lịch Yên Bái một mặt sẽ đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn, mặt khác góp phần kích thích phát triển loại hình du lịch MICE, là loại hình du lịch sẽ góp phần rất lớn khắc phục tính thời vụ của du lịch.

Để thu hút được nhiều nhà đầu tư và du khách đến với Yên Bái, tỉnh xác định một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ "cho phép", "cấp phép" sang tư duy "phục vụ"chuyển mạnh từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi" cho doanh nghiệp. Đặc biệt quan tâm quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực du lịch; cùng với các Bộ, ngành hoàn thiện Đồ án Quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà; chú trọng các chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đưa du lịch là một trong những trụ cột ưu tiên phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn với các thương hiệu du lịch cao cấp; trong khi xu thế sử dụng các khách sạn từ 3 sao trở lên của khách du lịch đến Yên Bái tăng cao, nhu cầu tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo... ngày càng nhiều. Nếu có nhiều dự án đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, du lịch Yên Bái một mặt sẽ đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn, mặt khác góp phần kích thích phát triển loại hình du lịch MICE, là loại hình du lịch sẽ góp phần rất lớn khắc phục tính thời vụ của du lịch.

Thứ ba, xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc", với các sản phẩm chủ đạo du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn ASEAN.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xúc tiến, khai thác thị trường du lịch; đẩy mạnh marketing trực tuyến nhằm thu hút khách du lịch đến với Yên Bái.

Thứ năm, đầu tư cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch đã có; kêu gọi đầu tư phát triển các điểm du lịch mới, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm, các sản phẩm du lịch văn hóa tộc người, các sản phẩm du lịch cộng đồng; khai thác phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái nằm trên trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có mạng lưới giao thông đa dạng, kết nối liên hoàn, với nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ (di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Tà Xùa, đèo Khau Phạ, hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò…). Tỉnh có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, như nghệ thuật Xòe Thái (được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), múa khèn, hát giao duyên…

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, "biến di sản thành tài sản" phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn giải quyết hài hòa, hợp lý các mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Yên Bái đã quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" vào từng chủ trương, quy hoạch và chính sách của tỉnh; được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng phát huy giá trị bản sắc văn hóa, di sản trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa di sản, danh lam thắng cảnh trở thành điểm đến để Yên Bái trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của vùng, quốc gia và quốc tế gắn với tiềm năng thiên nhiên phong phú, như: Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà; danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; suối khoáng nóng Tú Lệ; vùng chè cổ thụ Suối Giàng; các khu bảo tồn thiên nhiên, sinh cảnh…

Xây dựng hệ sinh thái du lịch dựa vào văn hóa và dân tộc như tổ chức các hoạt động festival tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc miền núi; quảng bá nghệ thuật xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng nhằm hướng đến trở thành nơi nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người dân trong toàn vùng và quốc gia, quốc tế nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, cơ sở lưu trú đa dạng, ẩm thực đa dạng, đậm đà bản sắc.

Dựa trên chất liệu từ các giá trị tài nguyên trong tỉnh để hình thành 4 vùng không gian trọng điểm du lịch (vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch TP. Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây của tỉnh; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên); 3 tuyến du lịch quan trọng liên vùng (tuyến du lịch sinh thái khám phá miền Tây tỉnh Yên Bái; tuyến du lịch văn hóa sông Hồng; tuyến du lịch hồ Thác Bà và văn hóa sông Chảy); 9 khu du lịch động lực (khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà; khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Giàng; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu...).Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc gắn với vùng du lịch như: Văn hóa dân tộc Mông gắn với ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải; vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng; văn hóa dân tộc Thái đen gắn với nghệ thuật Xòe Thái vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ; văn hóa dân tộc Dao đỏ gắn với vùng quế Văn Yên; văn hóa dân tộc Dao quần trắng gắn với vùng ven hồ Thác Bà…

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch như: (i) Hỗ trợ kinh phí thành lập đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn có hoạt động du lịch cộng đồng; (ii) Hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; (iii) Hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, nghề truyền thống phục vụ du lịch...

Xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất và là công cụ quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đưa quy hoạch này đi trước một bước theo từng giai đoạn, ngành, lĩnh vực cụ thể, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, bảo đảm định hướng, tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Yên Bái đã tích cực xây dựng, triển khai nhiều đồ án quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực.

Đây là tiền đề quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, đưa Yên Bái trở thành tỉnh giàu mạnh và thịnh vượng. Từ thực tế, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 6 trục liên kết động lực và 12 ý tưởng đột phá.

Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế và tận dụng những cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đặt quan điểm phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc". Theo đó, Yên Bái là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, nền kinh tế phát triển toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân ở mức khá của cả nước.

Theo hướng này, Yên Bái sẽ duy trì môi trường sinh thái bền vững; thúc đẩy kinh tế phát triển đồng đều theo hướng gia tăng giá trị và năng suất; trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện; nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện ở mọi mặt - hình thành nên một cộng đồng đáng sống.

Yên Bái sẽ hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng là thành phố Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận; 3 vùng kinh tế là vùng kinh tế trung tâm, vùng kinh tế phía Đông và vùng kinh tế phía Tây. Quy hoạch tỉnh xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, đó là: Công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, kinh tế dịch vụ, nông - lâm nghiệp. Trong đó, trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái đưa ra 3 kịch bản phát triển thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn, thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế, Quy hoạch đã lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021 - 2030 đạt bình quân 8,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,0%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 125 triệu đồng/người, tương đương khoảng 4.400 USD/người. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động khoảng 280 nghìn tỷ đồng. Theo kịch bản xác định quy hoạch tỉnh xây dựng 6 trục liên kết động lực: Trục động lực cao tốc Nội Bài - Lào Cai; trục dọc quốc lộ 32; trục dọc quốc lộ 70; quốc lộ 32D, CT12; trục Mường La - Mù Cang Chải - Văn Chấn - Văn Yên - ĐT 166, 164, 171; quốc lộ 37...Từ thực trạng phát triển, tiềm năng, động lực, bối cảnh và xu hướng phát triển của quốc tế, cả nước và của tỉnh, Yên Bái hội tụ điều kiện để phát triển từ kinh tế nông nghiệp qua kinh tế công nghiệp và hướng tới kinh tế dịch vụ trong tương lai.

Với yếu tố về đất đai, lao động là hữu hạn, để hướng tới nền kinh tế công nghiệp phát triển, Yên Bái phải tập trung toàn lực thu hút, phát triển về vốn và công nghệ. Phấn đấu đến năm 2050, Yên Bái sẽ là một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp (tập trung chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản; vật liệu xây dựng cao cấp), nông nghiệp công nghệ cao, du lịch dịch vụ và đầu mối giao thông, logistics cấp vùng.

Những đột phá quan trọng để thực hiện quy hoạch là:

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh chuyển đối số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển dịch vụ đào tạo gắn với nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từng bước đưa dịch vụ khoa học - công nghệ trở thành lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của tỉnh.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, trước hết là đầu tư công; thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (giao thông liên kết nội vùng, liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội), thủy lợi; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, chuyển đối số; hạ tầng liên kết nông thôn với đô thị, liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản...

Để hướng tới nền kinh tế công nghiệp với hình ảnh Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", Yên Bái thực hiện 4 trụ cột chiến lược làm định hướng, kim chỉ nam đó là: Chính quyền kiến tạo; dân trí nâng cao; môi trường bền vững; hạ tầng thông minh. Đối với trụ cột chính quyền kiến tạo, chính quyền chuyển từ "chèo đò" sang "lái đò", với quan điểm Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không được làm; cung ứng "hàng hóa công" - hàng hóa thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ; cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức, ưu tiên tập trung nâng cao chỉ số PCI, PAPI, ICT, SAPI; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân…

Để đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư và chuỗi cung ứng vào Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19 và sự bất ổn của tình hình thế giới, Yên Bái sẽ chú trọng đẩy mạnh triển khai các giải pháp căn cơ nhằm thu hút các nhà đầu tư mới, giữ chân các nhà đầu tư hiện có nhất là nhà đầu tư lớn, tiềm năng; bảo đảm các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, không để xảy ra tình trạng phải thu hồi dự án do chậm tiến độ hoặc xảy ra sai phạm, cụ thể:

Một làcần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm đồng bộ về đầu tư, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản… Do có sự thay đổi quy định pháp luật về hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với loại hình dự án (dự án sử dụng đất thương mại dịch vụ, dự án đô thị mới) theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về phương pháp xác định các tiêu chí dẫn đến tình trạng lúng túng trong việc xem xét các ý tưởng quy hoạch.

Hai làthực hiện hiệu quả, đồng bộ quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch ngành, tạo "quỹ đất sạch", chuẩn bị tốt các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đất đai, nguồn nhân lực để kịp thời nắm bắt thời cơ, thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương giúp nhà đầu tư tiếp cận quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng trong bước đầu nghiên cứu khảo sát có cái nhìn tổng thể khu vực đầu tư dự án.

Ba là, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong tất cả các khâu của quá trình thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả của Tổ rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án.

Bốn là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Trung ương, của tỉnh phục vụ chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan phục vụ công tác quản lý nhà nước, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Năm là, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực (tài chính, quản lý dự án...), đầu tư vào lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; duy trì phong trào "Ngày cuối tuần cùng doanh nghiệp", chương trình "Cà phê doanh nhân" để tạo cơ hội đối thoại cởi mở, mang tính xây dựng giữa các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quá trình triển khai dự án đầu tư./.

(Theo Reatimes.vn)

2100 lượt xem

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h