Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Nét đẹp Tết rằm tháng 7 của người Tày, Nùng Lục Yên

03/09/2020 07:22:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong văn hóa của người Tày, Nùng ở huyện Lục Yên, “Rằm tháng 7” là một trong 3 dịp lễ tết rất quan trọng, thậm chí với nhiều người nó còn quan trọng hơn cả dịp Tết Nguyên đán và Tết 3/3. Mặc dù đã có chút mai một, song nét đẹp văn hóa này vẫn được nhiều người dân ở vùng đất Ngọc duy trì và gìn giữ.

Người Tày Lục Yên đi ăn Tết rằm tháng 7

Chị Trần Thị Thu Hằng quê ở thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng, hiện lập gia đình ở huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn. Do ở xa, thi thoảng 2 vợ chồng mới có dịp được về quê vợ, nhưng dịp lễ rằm tháng 7 thì không thể không về. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 12 hoặc 13 âm lịch là cả nhà lại lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ đạc, đặc biệt là không thể thiếu một đôi vịt để cả nhà đi “Pây tái” nhà ngoại. Đây là tục lệ của người Tày, hay còn gọi là tục thăm và tặng quà cho bố mẹ vợ. Anh Hà Đức Bính, chồng chị Hằng cho biết với bản thân mình hay bất cứ người đàn ông nào khác, hoặc người đã lấy vợ là người Tày đều cho rằng đây là dịp lễ các anh phải thực hiện đầy đủ, chu đáo, anh Bính tâm sự: “lấy vợ là người Tày, bản thân tôi năm nào vào dịp rằm tháng 7 cũng về nhà bố mẹ vợ để cùng sum họp gia đình, báo hiếu công ơn đã sinh thành, nuôi dưỡng vợ tôi”.

Tết rằm tháng 7 âm lịch là một dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung. Nhưng với riêng người Tày, Nùng ở huyện Lục Yên thì nó đặc biệt quan trọng bởi theo quan niệm của họ thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, với tổ tiên, với những người đã mất. Nhất là tục lệ “Pây tái” là không thể thiếu, để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình. Dịp lễ cũng là dịp, là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau, chị Trần Thị Thu Hằng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bác Kạn chia sẻ: “Dù lấy chồng xa nhưng năm nào tôi cũng về bố mẹ, chuẩn bị đầy đủ vịt, bánh, hoa quả để cảm ơn công lao của bố mẹ đã nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi”.

Rằm tháng 7 cũng là dịp con cháu đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, thăm nom họ hàng. Đặc biệt, với những người con gái Tày, Nùng sau khi lấy chồng, đây còn là dịp trở về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ sau thời gian dài ở bên nhà chồng. Thế nên, dù bận rộn công việc đến đâu, cứ đến rằm tháng 7, người Tày, Nùng lại tạm gác tất cả công việc để cùng nhau vui tết. Qua đó thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa thể hiện bổn phận của phụ nữ Tày, Nùng sau khi lấy chồng. Ông Hoàng Khí Phách - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng nói: “Đối với xã Lâm Thượng từ lâu nay phong tục đi Tết nhà ngoại dịp rằm tháng 7 luôn được duy trì, đây là nét đẹp của truyền thống người Tày, Nùng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND xã tuyên truyền tới các hộ gia đình tổ chức quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn đồng thời vẫn giữ được bản sắc của dân tộc”.

Mặc dù có chút thay đổi, song tục ăn Tết rằm tháng 7 của người Tày, Nùng ở các xã, thị trấn ở Lục Yên vẫn còn lưu giữ. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên dịp rằm tháng 7 đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đây là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn của người Tày, Nùng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển./.

2855 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h