Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Hát “Páo Dung” của người Dao đỏ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

07/08/2017 18:07:41 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - "Páo dung" là hát nói chung nên nội dung của nó vô cùng phong phú, đó là những vần thơ dân gian được ghép với các tiết tấu, các giai điệu và sử dụng như những tác phẩm âm nhạc. "Páo dung" phản ánh nhiều mặt của đời sống sinh hoạt xã hội của cộng đồng, thể hiện lịch sử xã hội truyền thống của tộc người, có sức tố cáo xã hội gay gắt, bênh vực người yếu, ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu lứa đôi.
Trình duyệt không hỗ trợ xem trực tuyến

I. Khái quát về tộc người Dao ở tỉnh Yên Bái.

Trong 12 tộc người có dân số tương đối đông sinh sống ở Yên Bái, người Dao có khoảng 64.000 người, chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa – nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Yên, chiếm đến hơn 30% tổng số người Dao ở Yên Bái, sau đó đến các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.

Người Dao ở Yên Bái có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán, ... Người Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng).

Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ.

Các nhóm Dao cũng có sự khác nhau ít nhiều về tiếng nói song đều thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (nằm trong ngữ hệ Nam Á).

Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn, ... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang, .... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh 2 loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...

Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, trong đó nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn. Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.

Đồng bào Dao thường dựng nhà gần các con suối và ở tập trung thành từng bản riêng biệt hoặc xen cư với các tộc người khác. Ở người Dao Yên Bái hội tụ đầy đủ 3 loại hình nhà ở đó là: nhà sàn của nhóm Dao quần trắng, nhà đất của nhóm Dao Đỏ và nhà nửa sàn nửa đất của nhóm Dao Quần Chẹt và Dao Tuyển. Hiện nay, những gia đình người Dao có cuộc sống khá giả đã xây nhà theo kiểu mới.

Trang phục truyền thống của người Dao Yên Bái đặc sắc và nổi bật ở nghệ thuật trang trí trên quần áo với mô típ hoa văn cây cỏ, động vật, hình người, hình chim, kết chữ Hán được cách điệu rất sinh động. Trang phục đàn ông thường có hai loại: áo ngắn mặc hàng ngày và áo dài mặc trong lễ hội, lễ cấp sắc hay đám cưới. Trang phục nữ phong phú hơn với những trang trí hoa văn truyền thống, đầu đội khăn.

Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản, thức ăn chính của người Dao là cơm tẻ, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ và các loại thảo mộc khác. Ngày nay, đồng bào đã trồng nhiều loại rau khác nhau ngay tại vườn nhà để phục vụ nhu cầu hàng ngày khi không vào rừng hái rau.  Các loại gia súc, gia cầm được nuôi chủ yếu để phục vụ  nhu cầu sinh hoạt của gia đình cũng như những tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam.

Các hoạt động sinh hoạt xã hội – gia đình của người Dao ở Yên Bái cũng rất phong phú và đa dạng. Các nhóm Dao đều thờ cúng tổ tiên và thờ Bàn Vương. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Bàn Vương được coi như thủy tổ của các dòng họ nên cũng cúng bái chung với tổ tiên. Cùng với phong tục cúng Bàn Vương thì người Dao còn có nghi thức “cấp sắc”. Đây là một tục lệ phổ biến và bắt buộc đối với tất cả đàn ông Dao. Một trong những nghi lễ rất quan trọng phải nhắc đến đó là "Tết nhảy” (Nhiàng chầm đao). Nghi lễ này nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện binh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống và sinh hoạt gia đình.

Hôn nhân của người Dao Yên Bái có nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt truyền thống được thực hiện trong đám cưới đặc biệt là hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái. Đây là một nghi thức sinh hoạt truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Tục cưới xin của người Dao phải trải qua nhiều nghi lễ khá phức tạp, mỗi nhóm có những nghi lễ riêng. Thường thì hôn lễ của người Dao được tiến hành qua các bước sau: nhà trai đến nhà gái xin so tuổi đôi nam nữ; nhà trai báo cho nhà gái biết kết quả so tuổi của đôi nam nữ; định ngày cưới và dâng lễ; lễ cưới và lại mặt. Người Dao thường có tục ở rể 3 năm, sau đó mới được ở riêng hoặc về nhà trai ở hẳn.

Tang ma là một trong những nghi lễ rất quan trọng của vòng đời người Dao phản ảnh  nhiều tục lệ từ xa xưa. Đồng bào Dao quan niệm rằng con người có phần hồn và phần xác, khi nào phần xác bị hại nặng quá thì người bị chết. Một đám tang của người Dao thường có các các nghi lễ sau: Lễ khâm niệm, lễ xôi gà và lập bàn thờ (lễ cấp thủy và dâng rượu, gia súc); lễ làm chay, lễ nhập quan yểm bùa, lễ đưa đám, lễ hạ huyệt và lễ cúng cơm. Hầu hết các nhóm người Dao ở Yên Bái không có tục cải táng người chết.  Đồng bào rất kiêng kỵ việc dựng vợ gả chồng cho con hay làm nhà mới, trồng cấy, gieo hạt giống trùng với ngày mất của người thân. Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình.

Người Dao Yên Bái đều có vốn thơ ca dân gian rất phong phú, đồng bào hát "Páo dung" (Pá dung, Pả dung) gợi nhớ lịch sử, xã hội tộc người, ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, thế giới động vật, ca ngợi sản xuất dưới nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và còn gắn vào những bài hát giáo lý, xã hội, gia đình. Người Dao có rất nhiều chuyện cổ tích kể về mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội, thiên nhiên. Các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc, anh em phải sống hòa thuận, yêu thương nhau.         

Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian luôn được bảo tồn, khai thác, phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh tộc người Dao cũng đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp hơn.

II. Khái quát về người Dao ở huyện Văn Yên.

1. Khái quát chung về huyện Văn Yên.

Văn Yên là một huyện vùng núi nằm về phía Bắc của tỉnh Yên Bái, được thành lập từ tháng 3 năm 1965. Huyện Văn Yên nằm trong tọa độ địa lý 104º23' đến 104º23' độ kinh đông và từ 21º50'30 đến 22º12' vĩ độ bắc, phía Đông giáp huyện Lục Yên và Yên Bình, phía Tây giáp huyện Văn Chấn, phía Nam giáp huyện Trấn Yên, phía Bắc giáp huyện Văn Bàn và huyện Bảo Yên (tỉnh Lao Cai). Theo số liệu thống kê năm 2009, tổng diện tích đất tự nhiên 1.391,54 Km­­2, cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc. Toàn huyện có 26 xã và 1 thị trấn, bao gồm: Mậu A, An ThịnhLang ThípChâu Quế ThượngChâu Quế HạLâm GiangAn BìnhQuang MinhĐông AnPhong Dụ HạPhong Dụ ThượngXuân TầmTân HợpĐông CuôngMậu ĐôngNgòi AYên TháiYên HưngYên HợpXuân ÁiHoàng ThắngViễn SơnMỏ VàngNà HẩuĐại SơnĐại PhácYên Phú. Cả huyện có 8 xã đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư chương trình 135.

Dân số trung bình đến năm 2009 là 116.000 người, mật độ dân số trung bình 83 người/km2. Trong đó: người Kinh: 65.117 người (56,33%); người Tày: 17.573 người (15,2%); người Dao: 26.487 người (22,91%); người Hmông: 4.480 người (3,87%); các tộc người khác: 1.957 người (1,69%).

Địa hình huyện Văn Yên tương đối đa dạng và phức tạp, đồi núi liên tiếp và cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc thuộc thung lũng sông Hồng kẹp giữa hai dãy núi cao là Con Voi và Púng Luông. Hệ thống sông ngòi dày đặc với các kiểu địa hình khác nhau như vùng núi cao hiểm trở, vùng đồi bát úp lượn sang nhấp nhô xen kẽ với các thung lũng và các cánh đồng phù sa nhỏ hẹp ven sông. Sự chênh lệch địa hình giữa các vùng trong huyện rất lớn, đỉnh cao nhất là Pú Luông cao 2985m., nơi thấp nhất là 20m so với mặt nước biển. Do đặc điểm địa hình như trên nên Văn Yên là huyện có nhiều tiềm năng về rừng. Rừng ở Văn Yên chủ yếu là loại rừng á nhiệt đới và nhiệt đới núi cao với các loại cây gỗ quý như pơ mu, thông, nghiến, táu, lát hoa, chò chỉ, ...

Huyện Văn Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Nhưng khí hậu Văn Yên tương đối ổn định, ít đột biến phù hợp với trồng trọt và chăn nuôi, trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp dài ngày như chè, quế. Quế Văn Yên được cho là giống quế tốt nhất Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam (sau quế Trà My), đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Diện tích trồng quế ở Văn Yên lên tới 16 nghìn hecta. Cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như sắn, lạc, đậu đỗ các loại. Những nơi có khí hậu mát ở vùng cao còn cho phép trồng nhiều dược liệu quý và chăn nuôi gia súc có sừng như bò, dê, hươu, nai.

Các tài nguyên thiên nhiên khá phong phú và đa dạng, ngoài tài nguyên rừng còn tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản của Văn Yên tương đối đa dạng và phong phú với các kim loại quý hiếm như vàng, sắt, đồng, graphit, ... Đây là những tài nguyên có trữ lượng lớn hứa hẹn cho ngành công nghiệp khai khoáng ở Văn Yên có cơ hội phát triển.

Sản xuất nông - lâm nghiệp là thế mạnh của Văn Yên. Là một huyện được  xác định có tiềm năng về kinh tế nông - lâm nghiệp với các đặc thù và thế mạnh riêng, những năm qua địa phương đã từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nông, lâm, công nghiệp - dịch vụ và sản xuất. Đặc biệt kinh tế trang trại ở Văn Yên khá phát triển, đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp độc canh đã chuyển sang chuyên canh gắn liền với kinh doanh tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa.

2. Người Dao ở huyện Văn Yên.

Tính đến năm 2009 người Dao ở huyện Văn Yên là 26.487 người chiếm 22,91% dân số toàn huyện. Huyện Văn Yên hiện có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Phần lớn người Dao ở đây sống tập trung ở các xã Xuân tầm, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Đại Sơn, Châu Quế Thượng, Lang Thíp. Họ cư trú thành các bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Họ có hai loại hình cư trú phân tán và tập trung tương ứng với nhóm du cạnh hoặc định canh sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nguồn sống chính của họ là lúa nước và lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả , cây đặc sản. Nhìn chung đời sống của người Dao còn nhiều khó khăn. Riêng ở xã Đại sơn nhờ có thu nhập từ cây quế nên đời sống kính tế trở nên khá giả hơn. Người Dao ở đây còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc truyền thống  như cấp sắc, đám cưới, tang ma, ...

III. Khái quát về người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

1. Khái quát về xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

Xã Đại Sơn là xã thuộc vùng II của huyện Văn Yên, được thành lập vào năm 1973. Xã nằm ở tọa độ địa lý là 21º49'17"B đến 104º34' 35"Đ, phía Bắc giáp xã Đại Phác, phía Đông giáp xã Yên Phú, phía Nam giáp xã Mỏ Vàng, phía Đông Nam giáp xã Viễn Sơn, phía Tây giáp xã Nà Hẩu (đều của huyện Văn Yên). Từ thành phố Yên Bái theo tỉnh lộ 151 lên thị trấn Mậu A (40km), qua cầu Mậu A đi về hướng Tây Nam khoảng 10km là đến xã Đại Sơn. Xã có diện tích 83,75 km², dân số là 2376 người, mật độ dân số đạt 28 người/km².

Sản xuất nông - lâm nghiệp là thế mạnh của xã Đại Sơn. Đồng bào ở đây thường trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn và trồng các loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như keo, bồ đề mỡ. Đặc biệt vùng đất Đại Sơn nổi tiếng với việc trồng quế, cây quế đã đem lại cho đồng bào cuộc sống no đủ, nhiều nhà đã trở nên giàu có nhờ cây quế, kinh tế Đại Sơn khởi sắc hơn một số xã khác trong vùng cũng nhờ cây quế.

2. Một số đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội của người Dao xã Đại Sơn.

*  Lịch sử di cư của người Dao ở Đại Sơn, huyện Văn Yên

Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ 17), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang.

Xã Đại Sơn, huyện Văn Yên hiện chỉ có nhóm Dao Đỏ sinh sống. Họ thường sống thành bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Nguồn sống chính của người Dao ở Đại Sơn là trồng lúa nước, lúa nương. Những năm gần đây, người Dao ở xã Đại Sơn rất phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà ... Ngoài ra, còn phát triển trồng cây ăn quả, cây đặc sản như chè, đặc biệt là cây quế. Ở đây còn có các nghề thủ công như đan lát, rèn đúc, nghề dệt nhưng những nghề này chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của các gia đình.

* Một số đặc điểm về văn hóa vật chất của người Dao ở Đại Sơn

Đại Sơn là địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm Dao Đỏ, vậy nên nhà đất là loại hình nhà ở chủ yếu của đồng bào. Đó là loại nhà hình chữ nhật, thường có hai mái, trong nhà thường có từ ba đến năm gian, bộ sườn nhà được chế tạo khá đơn giản. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là cây rừng. Phần gian nhà bên phải dành đặt giường ngủ của khách, buồng ngủ của chủ nhà đặt ở phía bên phải bàn thờ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp. Bàn thờ được đặt ở gian giữa, nhà thường có hai bếp (một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến). Nhà của người Dao thường được bố trí: bếp là nơi tập trung của cả gia đình vào mùa đông, là nơi rộng nhất trong nhà. Nhà ở của người Dao có ít cửa ra vào, đặc biệt là ít của sổ, đa số chỉ có một cửa sổ đặt ở giường nằm ngủ. Đây là loại nhà tổng hợp bếp, chuồng gia súc, các công cụ sản xuất và sinh hoạt đều thuộc phạm vi nhà ở. 

Trang phục của người Dao đỏ: Trong các nhóm Dao thì trang phục của người dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả. Đối với trang phục nam giới không có gì khác biệt lắm so với trang phục nam giới trong các ngành Dao. Đàn ông Dao đỏ thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài, áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai. Trang phục của nữ giới Dao Đỏ được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen và thường được may công phu hơn, gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp cùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay…. Để  tạo thành bộ y phục đẹp phải có vải đen làm nền để thêu hoa văn, chỉ thêu gồm 5 màu cơ bản: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng, nhưng chủ yêu là màu đỏ. Người Dao đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: khăn đỏ, ngực áo, cổ áo đỏ, khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ...

Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.

3. Một số đặc điểm về văn hóa tinh thần của người Dao ở Đại Sơn

* Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Đỏ nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.

* Một số nghi lễ truyền thống

- Lễ Cấp Sắc:  Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức.  Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau:  lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi  rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.

- Tết nhảy: Đây là tết riêng của mồi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.

Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.

- Một số lễ tết khác của tộc người trong năm:

+ Tết Nguyên Đán: Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.

Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượi và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.

+ Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công...Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.

+ Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà.Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín  họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.

4. Các tập quán xã hội và tín ngưỡng

- Các tập quán theo chu kỳ đời người

+ Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Người Dao Đỏ thường đặt tên con đầu là: Cấu, San, Lộ... Con trai út lại thường đặt tên là: Lai, Lĩu...

+ Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Đỏ có nhiều nét đọc đáo, trước ngày cưới khoảng một năm bên nhà trai phải trao các khoản thách cưới bằng tiền để cô dâu chuẩn bị cho ngày cưới. Suốt thời gian một năm ấy, cô gái phải dành thời gian để thiêu thùa, sắm sửa trang phục, chuẩn bị của hồi môn.Đến ngày cưới nhà trai cử người đến đón dâu, tùy theo giờ tốt, người ta đưa cô dâu vào nhà chồng theo các hướng theo quy định. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao Đỏ còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.

+ Tang ma: Ngay sau khi người chết tắt thở, người ta bắn ba phát súng, nếu là người trưởng tộc hoặc được cấp sắc 7 đèn trở lên thì chọc thủng nóc nhà bắn chỉ thiên báo cho Ngọc Hoàng và báo cho dân làng biết. Đám ma cử người Dao Đỏ cũng tiến hành tất cả các thủ tục như các nhóm Dao khác. Mồ mả người chết được chôn vĩnh viễn. Đồng bào quan niệm đám ma chỉ là bước đem người chết đi cất giấu để không cho ma xấu bắt hồn và làm nhục thể xác.

+ Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Dao Đỏ là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chon đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm  đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

5. Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian

- Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.

Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.

- Thờ cúng Bàn vương "Chẩu đàng": Thờ cúng Bàn vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

6. Văn học dân gian:

Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian ( Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tực ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái,đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.

7. Tri thức dân gian

- Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lichj riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp ( 10 can, 12 chi ) và gọi tên theo tên 12 con vật.

- Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" ( kiến dọn tổ ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" ( rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại , cấy lúa sớm......

- Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy  quả hoặc hoa ... . Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

IV. Nghệ thuật “Páo Dung” của người Dao xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

1. Sơ lược về hát "Páo dung" của người Dao.

"Páo dung" (hay còn gọi là "Pá dung" hay "Pả dung") là một lối hát trên cơ sở giai điệu, tiết tấu có sẵn, cố định để ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, yêu thế giới động vật, yêu lao động sản xuất, yêu quê hương, đất nước hay ôn lại quá trình lịch sử - xã hội tộc người. Đây là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của cộng đồng Dao từ xưa đến nay. Đồng bào quan niệm "Có sừng dài mới đi vào được làng" (mài chong đáo chính pịa tú lảng), nghĩa là phải biết hát và hát đối giỏi mới được vào làng. Theo thông lệ của đồng bào, đã là khách muốn vào làng phải biết hát. Do vậy, người Dao nói chung, ai cũng có nguyện vọng là muốn hát và hát giỏi.

"Páo dung" là hát nói chung nên nội dung của nó vô cùng phong phú. Nó phản ánh nhiều mặt của đời sống sinh hoạt, có thể kể về quá trình lịch sử - xã hội của tộc người như: "Người Dao vượt biển" (Phìu dìu khói dung), muốn hát "người Dao vượt biển" đòi hỏi phải thuộc mới được hát. Có thể người này thay người kia hát nhưng phải tiếp nối nhau cho trọn bài vì đồng bào quan niệm nếu dừng lại giữa chừng thì quá trình vượt biển của tộc người không đến nơi đến chốn, lênh đênh, lưu lạc ngoài biển cả. Khi không thuộc một đoạn nào đó thì phải có người nhắc hoặc phải có sách để xem.

Hát trai gái chưa vợ chưa chồng (Páo dung tòi tồm dòi lủng) hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, hát đối đáp, giao duyên. Trai gái có thể hát mấy đêm liền. Họ hát để tỏ tình yêu đương với nhau. Khi hát thường có các cụ già giúp đỡ đặt lời ví đối khẩu.

Hát những người có vợ có chồng (Mài piáo tồm tòi páo dung). Những cuộc hát này có mục đích chính là thưởng thức tài văn nghệ của nhau nên nội dung các bài hát chủ yếu ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, hỏi thăm sức khỏe, thăm công việc đồng áng, thăm gia đình con cháu của nhau. Họ không hát tỏ tình như trai gái chưa vợ chưa chồng nên thời gian hát ngắn hơn, thường chỉ một vài giờ là kết thúc.

Hát uống rượu (Páo dung hốp tiu): khi uống rượu vui vẻ thì đồng bào hát với nhau. Nội dung bài hát thường phù hợp với ý nghĩa của tiệc rượu. Ví như trong đám cưới, người ta hát những bài khuyên nhủ vợ chồng làm ăn hòa thuận, đông con nhiều cháu; trong tiệc rượu mừng nhà mới, người ta hát những bài chúc sức khỏe, sản xuất tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, ... Trong tiệc rượu, ai muốn hát cũng được, không phân biệt trai gái, không phân biệt tuổi tác.

Hát ru (Háo ton dung). Làn điệu hát ru rất nhẹ nhàng, êm dịu, bay bổng. Loại hát này thường được mở đầu và kết thúc bằng câu "Ối í a, mây dỏm hô lìn dòng" (Ối a, ngủ ngon, ngủ ngoan con nhé). Khi ru, các bà, các chị thêm vào những câu hát dành riêng cho trẻ em, kể về những câu chuyện của trẻ em.

Hát có thể phản ánh một phần thực trạng xã hội tộc người trong lịch sử như "Người làm dâu" (Nhỉ nhàng dung), hát mời rượu, hát mừng cô dâu chú rể, hát ca ngợi sản xuất, hát hỏi thăm, hát chúc mừng năm mới, hát giữ khách, hát khuyên răn, gần đây là những sáng tác mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi đất nước, quê hương đổi mới. Phần lớn các bài hát đều do người hát tự sáng tác tùy theo khả năng của mình. Do vậy, đề tài rất đa dạng nhưng có đặc điểm là không được ghi chép để truyền tụng từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều bài hát với các thể loại khác nhau được ghi chép bằng chữ Nôm Dao được phổ biến trong cộng đồng. Đó là các bài hát với các chủ đề: hát chào (chíp khé dung), hát tiễn đưa (phúng khé dung), hát mời rượu (hốp tiu dung), hát tình yêu (phây quyển dung), ... cũng không ít thơ ca được ghi thành truyện thơ dài như bài ca vượt biển (chúa khói dung), truyện thơ Lương Sơn Bá -Chúc Anh Đài (inh tòi dung), ... Những bài hát cổ ghi trong sách phổ biến là thể loại 7 từ (thất ngôn), có thể là khổ 4, khổ 8, 12 hoặc trường thiên. Những sáng tác mới mang tính tự do về ngôn từ hơn. Thơ và ca gắn liền với nhau. Thơ là lời của bài ca, vậy nên muốn có nhiều bài ca thì đồng bào phải sáng tác nhiều bài thơ.

Trong "Páo dung", đồng bào chia ra ba hình thức hát. Thứ nhất là hát hát (Páo dung), ở hình thức này, người ta hát ngân dài hơi nhất (còn gọi là hát rên); thứ hai là đọc hát (Tộ dung) là hình thức hát ngân trung bình, không lấy nhiều hơi như "Páo dung"; thứ ba là nói hát (Coóng dung), đây là hình thức hát nhanh nhất, gần như nói chuyện với nhau, đôi chỗ có ngâm, có kéo dài giọng nhưng rất ít. Trong ba hình thức này, đồng bào chủ yếu chỉ sử dụng hai hình thức hát "Páo dung" và "Tộ dung". Khi "Páo dung" mà người hát cảm thấy mệt, người ta tự chuyển sang "Tộ dung" để đỡ mất nhiều hơi hơn mà không ảnh hưởng gì đến lời hát. Chính bởi thế, cùng một nội dung bài hát nào đó, người ta vừa có thể "Páo dung" vừa có thể "Tộ dung". Hát "Páo dung" có thể hát đơn hoặc hát đối đáp, trong đó hát đối đáp được sử dụng rộng rãi hơn. Trong hát giao duyên nam nữ, những người cùng tông tộc không hát với nhau bởi ngoài việc thi tài, trai gái còn hát để làm quen, tìm hiểu, yêu nhau rồi lấy nhau.

Với những nội dung và đặc điểm như trên nên "Páo dung" có thể được hát ở bất cứ nơi nào, có thể tại nhà, tại một khu đất rộng trong những lễ hội đầu xuân, tại đám cưới, tại những đêm trăng giao lưu, tại ruộng, tại nương hay ngay cả trên đường đi.

"Páo dung" không chỉ hát vào dịp đầu xuân hay khi có lễ hội, có các cuộc vui mà người ta hát bất cứ khi nào cảm thấy thích hát, muốn hát như trên đường đi nương, đi ruộng, khi cắt lúa, khi gặp nhau trên đường, khi khách tới chơi nhà, khi mời khách, giữ khách, tiễn khách, ... nhưng nhiều nhất là các dịp trai gái đến chơi làng, hát trong đám cưới, hát vào nhà mới hay những ngày hội làng, hội bản.

Ở người Dao, từ trẻ đến già hầu hết đều biết hát và sáng tác thơ ca. Hát "Páo dung" là loại hình nghệ thuật thu hút sự tham gia của mọi đối tượng trong cộng đồng, nam có, nữ có, thanh niên có, trung niên có, cao niên cũng có. Trong những cuộc vui lớn thì số lượng người hát cũng như độ tuổi tham gia hát đều không hạn chế. Mỗi đối tượng hát những thể loại khác nhau phù hợp với tuổi tác, tâm tư, tình cảm của mình: thanh niên thì hát giao duyên, trao đổi tâm tình, hẹn hò, kết bạn. Người trung tuổi thì hỏi thăm nhau sức khỏe, gia đình, anh em, chuyện làm ăn, chuyện con cái. Người già thì ôn lại chuyện xưa, kể chuyện con cháu.

"Páo dung" là một hình thức nghệ thuật giải trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Dao. Đó là phương tiện để bày tỏ tình cảm, trao đổi  tâm tình, ôn lại quá trình lịch sử, làm cho con người gần nhau hơn, củng cố tình đoàn kết cộng đồng. Người ta hát khi kết thúc một năm lao động vất vả, mệt nhọc, hát để lấy lại tinh thần bước vào một năm mới với mong ước sức khỏe, mọi điều may mắn, hạnh phúc. Trai gái hát để tâm tình, tìm hiểu, yêu nhau rồi lấy nhau. Người già hát để kể cho con cháu nghe về lịch sử di cư của tộc người mình. Bạn bè hát để chúc nhau hạnh phúc trong ngày cưới, hát để mời nhau chén rượu mừng, hát để hỏi thăm nhau, chia sẻ cùng nhau, ...

2. Giá trị của hát "Páo dung".

Có thể nói "Páo dung" là một món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Dao nói chung cũng như người Dao Yên Bái nói riêng. Với vai trò và ý nghĩa như vậy, "Páo dung" mang trong mình những giá trị bền vững không thể phủ nhận. Giá trị nghệ thuật thể hiện trong ca từ, thể hiện sự sáng tạo của cộng đồng trong việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thi ca, những giai điệu, tiết tấu của "Páo dung" cũng thể hiện sức sáng tạo độc đáo, mang bản sắc riêng của tộc người.

Giá trị lịch sử thể hiện rõ nét trong những lời ca kể về lịch sử di cư của tộc người hay những lời ca than thân, trách phận, thể hiện sự đấu tranh chống lại lễ giáo phong kiến, thể hiện sự khao khát tự do, mong ước về một tình yêu vĩnh cửu của những đôi trai gái yêu nhau. Đó là những giá trị hiện thực đã từng tồn tại trong lịch sử xã hội tộc người được phản ánh trong thơ ca mà chúng ta cần khai thác và tìm hiểu.

"Páo dung" còn thể hiện rất rõ giá trị văn hóa của tộc người. Từ lời hát, cách hát, giai điệu, tiết tấu, âm nhạc đến nội dung đều thể hiện những nét văn hóa riêng, độc đáo của tộc người.

Giá trị giáo dục cũng được thể hiện rất rõ trong "Páo dung". "Páo dung"  khuyên người ta chăm lao động, hướng tới cái thiện, không làm việc xấu, ghi nhớ công ơn mẹ cha, chăm chỉ học hành, vinh danh đỗ đạt, sống tốt với cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người.

Đến nay ở xã Đại Sơn, hát "Páo dung" vẫn tồn tại trong đời sống của đồng bào một cách phổ biến và dường như được giữ nguyên vẹn cả về hình thức cũng như nội dung. Tuy nhiên, số người biết hát "Páo dung" ngày càng ít. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy làn điệu Páo dung - văn hóa phi vật thể độc đáo này là cần thiết trong điều kiện hội nhập và phát triển hiện nay.

3. Thời gian và địa điểm tổ chức "Páo dung":

Thời gian tổ chức: 2 ngày,  ngày 11, 12 tháng 6 năm 2013. Chương trình "Páo dung" được tổ chức tại nhiều địa điểm cho phù hợp với nội dung các bài hát: địa điểm chính được tổ chức tại nhà sàn cộng đồng tại Ủy ban nhân dân xã Đại Sơn, ngoài ra còn tổ chức hát ngoại cảnh như bên rừng quế, bên nhà đất truyền thống của người Dao Đỏ, ...

4. Công tác chuẩn bị cho nghi lễ:

Để chuẩn bị cho chương trình "Páo dung", phải tổ chức mời thầy Mo và những người phụ giúp. Đồng thời, các lễ vật cũng phải được chuẩn bị đầy đủ, mời cộng đồng tới tham dự, mời các thành viên tham gia hát, nhờ người giúp việc bếp núc, nội trợ, trang trí giấy, nước uống, quét dọn trong quá trình thực hiện chương trình.

* Chọn ngày, giờ và chọn thầy, đón thầy: Thời gian được chọn là tối ngày 11 và sáng ngày 12 tháng 6 năm 2013. Các thầy gồm có: Thầy Mo (chủ lễ): ông Đặng Tiến Vượng (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái);  Hai thầy phụ: Ông Triệu Tiến Vượng (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và Ông Đặng Nho Hín (xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Các thầy này chỉ phục vụ cúng lễ trong bài hát "Người Dao vượt biển" (Phìu dìu khói dung), những bài hát không liên quan đến nghi lễ cúng tế.

Sáng ngày 10/6 đón thầy Mo trước, kế đó mới mời thầy phụ. Các thầy đã được thông báo trước, tới ngày này, các thầy chủ động báo cáo và xin tổ tiên nhà mình, khi được sẽ chuẩn bị đồ dùng trong nghi lễ, có người đến đón là các thầy đi tới nơi làm lễ luôn.

* Lễ vật chuẩn bị cho nghi lễ:  Gạo tẻ: 20kg; 2 con lợn từ 40 đến 50kg/con; Rượu: 20 lít; Giấy màu (7 màu); Vàng, hương, dầu hỏa, đèn dầu; Hoa quả, bánh kẹo; 1 thuyền làm từ tre, gỗ, nứa, lá; 1 bàn thờ thấp có trải vải đỏ và một ghế ngồi cho thầy khi làm lễ; 1 bàn gỗ để đặt lễ trong quá trình cúng tế.

* Các thầy chuẩn bị: 2 bộ trang phục thầy cúng, 2 mũ vải đỏ; Tranh thờ (1 bộ 3 tranh Tam thanh); 1 sách cúng; 5 bộ vòng cổ bạc; 5 bộ phá nữ; 1 chuông; 1 gông; 1 lanh; 5 chuông; 2 chũm chọe; 1 trống; Bộ xin âm dương.

*. Danh sách các nghệ nhân tham gia hát "Páo dung":

1. Ông Đặng Nho Vượng (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

2. Ông Triệu Tiến Vượng (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

3. Ông Đặng Nho Hín (xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

4. Bà Bàn Thị Ton (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

5. Bà Phùng Thị Chạn (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

6. Bà Phùng Thị Lai (xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

7. Bà Lý Thị Ba (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

8. Bà Triệu Thị Sính (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

9. Ông Đặng Tòn Liếu (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

10. Ông Đặng Tòn Phạn (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

11. Ông Bàn Hữu Đông (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

12. Ông Bàn Phúc Thiên (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái)

5. Tiến trình hát "Páo dung":

Như trên đã nói, "Páo dung" là hát của tộc người Dao nói chung nên nội dung của nó vô cùng phong phú. Trong điều kiện cho phép, chương trình quay phim bảo tồn này chỉ chọn lọc và thực hiện được những làn điệu và bài hát tiêu biểu nhất để làm nội dung cho kịch bản.

Trước hết là quá trình chuẩn bị nghi lễ và ca khúc hát vượt biển. Trước khi vào hát chính thức, công tác tổ chức được làm rất cẩn thận. Các thầy tự chuẩn bị những vật dụng cần dùng trong quá trình làm lễ, để ngay ngắn trên bàn ngồi làm lễ. Những người giúp việc thực hiện việc cắt giấy màu dán vào bàn thờ đặt lễ vật, xung quanh khu vực làm lễ, bày biện các đồ lễ vật theo sự chỉ đạo trực tiếp của ông thầy cả. Chiếc thuyền đã được chuẩn bị từ trước, đem ra đặt ngay cạnh con lợn cúng trên ban thờ đặt lễ.

Khi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, thầy cả yêu cầu người giúp việc thắp hương, đốt đèn, rót rượu vào các chén để thầy chuẩn bị làm lễ. Những người phục vụ hương, đèn, rượu này không được phép vắng mặt trong suốt quá trình làm lễ và cũng không lúc nào được để hương tắt, đèn tắt hay rượu hết.

Xong việc, thầy Mo bắt đầu thỉnh chuông và cúng khấn mời tổ tiên về chứng giám và nghe khúc ca ôn lại lịch sử di cư của tộc người mình trong lịch sử. Đây là một trường ca dài kể về lịch sử của tộc người, từ khi không mặc áo quần, không biết chồng vợ, cho đến khi gặp trận đại hồng thủy, cỏ cây, con người chết hết, chỉ có hai anh em nhà nọ nhờ nương tựa trong quả bầu (trong truyện là hồ lô) mà thần sấm ban cho nên sống sót, đi khắp thế gian tìm người kết duyên, gặp con rùa, rùa bảo anh em lấy nhau để duy trì nòi giống nhưng hai em không tin, đánh vỡ mai rùa, rồi tiếp tục đi tìm nhưng thực là không còn một bóng người. Cuối cùng, hai anh em đành lấy nhau, sinh con đẻ cái, rồi sinh ra loài người. Số con đó một nửa lên non, một nửa xuống biển tạo thành 12 họ của tộc người như hiện nay. Nhưng do cuộc sống khó khăn, đoàn người quyết vượt biển đi tìm kế sinh nhai. Công cuộc vượt biển thật gian nan, vất vả nhưng với quyết tâm, với ý chí nghị lực phi thường, cuối cùng cũng hoàn tất đến bến bờ an toàn. Rồi các họ tộc cùng nhau cày cấy, vui chơi, hát ca, hưởng cuộc sống an bình, hạnh phúc đến muôn đời. Cốt truyện tuy giống với nhiều tộc người khác nhưng trong nội dung, ý thơ, lời hát, phong cách nghệ thuật trình diễn vẫn mang những nét bản sắc văn hóa của tộc người rất rõ nét. Đến khi đã lên hương, lên đèn đầy đủ, thầy cả bắt đầu ca:

PÌU DÌU KÍA KHÓI DUNG

(CA NGƯỜI DAO VƯỢT BIỂN)

Luồng kít nin kên kỳ chấy phúi

Slía luốn tồng siho chảng lít tầu

Chía kiếu chùn nghìn sũ dặm líu

Một kết một dằng buốn dặm biêu

Chẳng kết nhần mằn dặm ấy vạ

Liềm đía thó xanh kía tsliêu

Slin pết pé lụa chiệp phấy phíu

Xin chảng thút pầy duấn nụn tàu

Chảng kít nin kên vùi phấy dác

Dặm vụa túa sam sin tsluất mầu

Dùn xanh pham pé lụa chiệp phấy phúi

Mậu khuýa giăng mềnh dùn óm âu

Hạ kít nin kên khắng vui va

Ói kếnh sính chuần dặm híu tầu

Mụa kít nin kên vủi háu suôn

Thống nin dìa nhàng khấu mọn sliêu

Ù cá sính hùng phính sluất sấy

Chấy sluất tại dùa dung chuống châu

Kạp cháng dùn xanh lụa chiệp phíu

Duồi tậy thó xanh cánh chuống phíu

Dần Mão nhị nin kín tại quấy

Ù lìu ghịa tậy chám tìn pậu

Ù lìu chảng thin chùn một kiếu

Luồi nhà phộng pá một xong châu

Hai nhuần ếnh kiếu ù trừ vạ

Sbếp chuống luồi nhà chảng muột pâu

Duồi tậy lậu luồng khoa gọi sluất

Duồi luồng kết cháy tại hầu cầu

Siêu puốn hầu lâu duốn pụa ố

Phiêu duấn muồn puống pụa ố châu

Kình tỉnh dùn nin bồng súi phát

Hai phần tó mạnh chắn hầu lầu

Sluân xanh nạn tỏ bò nò vạ

Dâu día nàn hò kháu bói châu

Sluất chiu sliết día mậu mềnh nhụt

Sên bang síu duốn miền thin hầu

Đắp chảng thin tòng mậu thin khấu

Thin muồn thin đía síu pành pâu

Súi đía dằng luồng tài púng súi

Bầu lầu thoái tặng súi tình liều

Có pú nhị nhần phụ bây hộ

Tồ hoang kháu sấy muận ka kiều

Sluất sấy tồ hoang bầu lầu nọi

Pầu đầu thin đía siệu dàu dầu

Pá quấn bành dầu khán thin đía

Thin đía chiệp miêu mậu có châu

Pầu dầu kía chiêu thác pết cúa

Tú kín ùa quây làn lầu tầu

Ù quây khoi khấu chùn nghìn búa

Thin đía nhần mằn phấy líu hiêu

Dặm sáng bành dầu chiềm ngõ nịm

Chậy kắp hông đay vầy xấy phiêu

Phụ hây chấy mụi dặm siến va

Dậu quẫy lụn nghìn ká hoắng châu

Tá pó ù quây làn lậu chói

Chiên chía mậu nhân mạn cắp châu

Hành dầu chiệp chiêu mâu ngõ mịn

Siến chía ù quấy chiền vạ phiêu

Vụi sính duấn pâu phấy làng vạ

Cắp chánh ù quây dùa hắng phiêu

Kết chảng cắp chằng chiệp nhị cúa

Sin chảng trùn dùn hắng kiệu pâu

Phụ hây phang cắp pin phang cắp

Ếch khấu ù duồi phang cắp phiêu

Khói ngọn siêu hang đàu púi sấy

Găng mềnh chậu đía kết xong phiêu

Nhụt tàu kía thin vầy chong chếnh

Tậy ghịa còng bò choang chếch phiêu

Thin pun tậy pái chằng huân líu

Thất chịu khoa tó chảng nhằng pâu

Xanh ghịa hủn pùn mậu mềnh phích

Nhất có tông qua bìa muột châu

Mậu kế pun mềnh pé phính bộ

Khuýa chiến nhụt nhiêu pắn tồ phiêu

Phật chảng sbinh sên chằng nhân phích

Phật ghịa pành tín pé phích châu

Sbế pến nhân mằn chắn thin đía

Dặm tác pun mềnh pé phích châu

Sluất xấy sính lùng chấy liệp tỉnh

Xanh ghịa lục nàm lục phiêu châu

Pun pái lục nàm chằng lục phích

Lục nhiêu pun mềnh lục phích châu

Pun ghịa ngũ diêm cuộng lục kún

Nhất phích xanh nàn nhị phích phiêu

Khống chú sính hồng chấy sâu dặng

Dùn búa pun mềnh thin đía tầu

Chấy liệp họ tòng tộ sâu dặng

Chùn gáo nhân mằn thông biếu phiêu

Hoang tàu liều pham chấy ka khúa

Sìu dìu thin đía khuýa quân dầu

Chiêu hùng chấy chiêu có dịa tập

Tại mua liền bằng miễn tậy pâu

Túa hùng chấy khuýa pàn nhân sáy

Khuýa súi tàng chầy chắn mịn pâu

Pẹ mãi dùn tài tầy nhất kếch

Sâu dặng chùn tài tày nhị phiêu

Hái nhân tộ sâu chằng quấy cháy

Hái cô phiêu slun chằng quấy châu

Tộ sâu chía dặng cuôn mềnh bộ

Nhất cúa chìn làng nhị cúa phiêu

Chấy tỉnh nhất sên púi nhất súi

Thin đía nhất bò púi nhất chiêu

Chấy nài nhất nám púi nhất nhiêu

Nãm nhiêu chằng xong khú quấy phiêu

Nàn tong chiệp pết tếnh ca dạy

Nhiêu tong chiệp pết ká đào phiêu

Dần Mao nhị nin chạ mã phán

Pẹ nhính dạ dầu cuôn dạ dâu

Mềnh hùng sluất sấy phán thin đía

Sết pại nhân mằn pé nhính châu

Piền hùng sluất sấy pành on cúa

Thính chụ mềnh hùng phán pại chiêu

Say tông ừ kề pành mã khiếu

Duồi bô sết xanh pé phính châu

Miền mằn piu kía nàm kinh ngọn

Piền hùng nghìn hin kía tàng sliêu

Dần mao nhị nin thin tai hán

Ké mua sluất in chiu mụa khâu

Phấy có luồng muần mậu sún diến

Pết sluấn siêm tòng mậu có nhiều

Cuôn sbong mậu mãi dàu hoang chiến

Pẹ phích mậu làng hoang lụn dâu

Mậu sbấu số xanh mậu kế nọi

Pìu dìu kía khói khiếu tông chiêu

Phín liệp kía sên piền hùng póng

Bố liệp sâu liềm kía khói tàu

Cắp chằng tại dùn piu kía khói

Thất có tại chùn síu mịn biều

Quá khí hồng kề chùa chuống nọi

Ừ kề pành mã bin chùn biêu

Kắng quất lầy táu síu lầy cậu

Scâm ghịa lầy tầu síu lầy tầu

Danh thán piến than nàn phan duấn

Dùn tuông dân vắng dặm vần biêu

Tong chói chùn triêng pham pé nhất

Mậu kế nọi bò síu mịn biều

Dậu día luồng hùng tài káo kít

Puồng slui sín lọ khói nàn hầu

Kiềm lầu síu diếm bêu ghịa khói

Nạn pé luồng muồn síu đía biêu

Chuống tắn nhần mằn dàu hoang chiến

Chùn chuông phấy chụ sính hùng tầu

Só sbính thin say tài muộn quá

Tín sluất lìn chiêu pụa mịn tầu

Kía khói piền hùng chiệp nhị phích

Khúng día chày pun dặn kếch tàu

Dặm ếch chày phun kía tại khói

Súi lâu dặm thông chùn dặm biêu

Liềm chày biếu nhụn chùn tuông nọi

Ếch pú nhân tinh kía khói tàu

Ừ kề pành má mài lình sính

Vùi panh duốn pậu búa lìn chiêu

Phan chiu tú kín chùn buây khiếu

Chùn hành thán ngạn khẳng quân dần

Piu chiến phấu nọi lò sbăng quyện

Duồi sên canh cuống kía tàng sliêu

Tông quấy phộng vuof chiền ên nhụn

Pun dán hây tầu có phính phiêu

Nhất chùn kía khói có kế nọi

Tam chùn kía khói phấy chùn biều

Phấy chùn đắp thán rằng phay tố

Pham chùn kằng pá kắng chìu chiêu

Phấy chùa đắp chang ù quấy tây

Pết mạn sên tàu kắng quất chiêu

Pặng sên dung manh sống kía sấy

Kháu sính vầy ên sliêu kía sliêu

Nhất sên chám pại mậu canh chuống

Dậu kía nhị hang kháu nhị chiêu

Ông dìa chầy liệp sềnh chông chấu

Háu suận sính chiền phiêu chính tầu

Nhất kếnh ông dìa mịn quân hấy

Nhị kếnh sính chiền phiêu chính tầu

Pham kếnh bang tàn có cố tại

Tậu lây pành phiên pành pín phiêu

Tặng ka lây phính nhất dặng kế

Dậu púng phó muần liềm đía kiều

Có phính thính vần pháy khán dặng

Chiệp dặng phô muần liềm đía kiều

Tá kế dòi chùn on cọ lúi

Dặm dàu hái lậu khuốn phiêm dâu

Dịch nghĩa:

Sinh sống trước công nguyên kể lịch sử

Trước công nguyên con người sinh sống chưa có

Gia đình chồng vợ sinh sống trong rừng hỗn loạn

Người sống trước thượng nguyên thọ một nghìn tám trăm năm

Thân thể mặc đầy lông lá, không mặc áo quần

Đến trung nguyên ba trăm sáu mươi tư tuổi không lửa quang minh

Còn tối tăm, người sống hạ nguyên chưa tiếng nói

Muốn kính thánh thần không biết từ làm từ đâu

Mãi đến mộc cát niên gian mới biết hiếu thuận

Mới biết nghĩa vụ phải sinh con

Các thánh vương mới xuất thế

Chế ra cây búa dưỡng nhân gian

Mệnh sống con người sáu mươi tuổi

Dựa đất dưỡng sinh biết làm ăn

Bại đến Dần Mão hai năm trời điềm báo thần sấm hạ trần gian

Thần sấm trên trời truyền bá lại thần nhỏ rằng

Thần sấm có dặn hai anh em

Hai anh em nhớ lời dạy bảo

Mang răng đi cấy mọc hồ bô

Cây bầu phát triển them năm tháng

Ra hoa kết trái thành hồ bô

Thu hái hồ bô đem về cất

Hồ bô cất để trong nhà

Mừng tám tháng tư năm kinh định

Hồng thủy dâng ngập tận thiên đường

Anh em chui vào hồ bô ở

Bảy ngày bảy đêm không ánh nắng

Sơn bở nước ngập dâng tận trời

Dâng đến tận trời không lối thoát

Nghe nói thiên hạ nước ngập đầy

Nước dưới con sông mới sả thủy

Hồ bô đến đất nước ngừng dâng

Anh em hai người không thấy ai

Nhờ có hồ bô cứu được mạng

Du hành thiên hạ thấy buồn sầu

Cầm gậy du hành khắp thiên hạ

Thiên hạ thập châu không có người

Du hành nhiều châu đến tám nước

Thấy được con rùa ở giữa đường

Con rùa mở miệng đã cho biết

Thiên hạ nhân dân không còn ai

Không cần du hành tìm hạnh phúc

Tự kết hôn lễ chế nhân dân

Anh em chưa tin câu chuyện ấy

Con rùa mở miệng nói dối thôi

Đánh vỡ con rùa để ở đáy

Thật sự không ai thể ghép liền

Du hành mười châu tìm hạnh phúc

Mới tin con rùa nói thật thà

Hai anh em lúc này mới bàn bạc

Ghép mai con rùa ở thành nguyên

Kết trái ghép thành mười hai miếng

Ghép lại tuần hoàn như cũ luôn

Ghép lại thành liền như cũ

Ứng khẩu con rùa trở lại nguyên

Hai bên bờ biển cùng nhóm lửa

Khói lửa bay lên vẫn kết liền

Nguyện đầu quá thiên cùng làm chứng

Dưới đất cỏ sông cùng chứng minh

Trời xe duyên phận thành chồng vợ

Bảy ngày bảy đêm đã có bầu

Sinh ra quả dưa vô danh họ

Sinh ra quả dưa chửa thành người

Không cách phân minh thành ra họ

Chín trâu ngọc nữ mới phân chia

Leo lên thành sơn thành dân tộc

Đi xuống đồng bằng vạn họ dân

Hóa thành nhân dân khắp thiên hạ

Chưa được phân chia thành họ nào

Xuất thế thánh hoàng được phân định

Phân thành sáu nam sáu nữ danh

Phân cho sáu nam thành sáu họ

Sáu nữ phân thành sáu nữ danh

Phân xuống ngũ âm cộng lục quyển

Nam nữ hai họ mới thành duyên

Khổng tử thánh hoàng chê thơ chữ

Truyền bá thế gian cùng học chung

Chế lập học đường để học chữ

Truyền giáo nhân dân cùng hiểu hay

Hương đầu lưu tam chê ca nhạc

Vui chơi ca hát được hân hoan

Vương triều được lập để cai quản

Cây cao bóng cả che mọi người

Trúc vương chế hỏa thế gian dụng

Thủy hỏa trường kỳ phải có luôn

Ngũ cốc lúa gạo quý thứ nhất

Thơ chữ tính quý thứ nhì

Nhị nhân đọc thơ thành quý tử

Người nào canh tác thành quý nhân

Dùi mài kinh sử thành quan chức

Nhất quản triều đình nhị quản dân

Chế định nhất sơn với nhất thủy

Thiên hạ nhất hà với nhất châu

Sinh được nhất nam với nhất nữ

Nam nữ thành đôi thành gia đình

Nam đương mười tám biết xây dựng

Nữ đương mười tám biết cầu hôn

Dần Mão hai năm giặc kinh loạn

Nhân dân cũng lo quan cũng lo

Minh hoàng ra đời phạm thiên hạ

Sát hại nhân dân trăm họ người

Bàn Vương xuất thế bình an quốc

Nghe thấy minh hoàng phạm lại triều

Sai đông ngũ kỳ binh mã khổ

Tại sao sát sinh trăm họ dân

Nhân dân hoảng sợ chạy toán loạn

Bàn Vương nhỏ lệ quá trường thu

Dần Mão hai năm thiên đại hán

Cây cối ra khói chuối cũng khô

Bốn bể xung quanh đều không nước

Tư sử sông hồ vô hữu ngư

Quan dân vô thực buồn sầu thảm

Nhân dân nghèo đói loạn buồn sầu

Vô thực dưỡng sinh chịu nạn đói

Liều mình vượt biển ra biển Đông

Tiên lập quá sơn Bàn Vương bảng

Hậu lập sách lâm quá hải tờ

Ghép thành thuyền bơi sang biển Đông

Bảy chiếc đại thuyền trôi trên biển

Mênh mông nhiều ngày nhiều hải lý

Nước sâu sóng dữ rất khó đi

Chèo đến lưng chừng khó quay lại

Trong thuyền quỷ quái khó lòng qua

Lênh đênh sóng biển ba mươi ngày

Đành chịu khó khăn ngoài biển khơi

Lại sợ Long Vương gây ra họa

Phong ba bão táp thuyền bị chìm

Bát hương bát nước ném xuống biển

Vạn bách long môn dưới thủy lưu

Trong thuyền mọi người cùng hoảng sợ

Trong thuyền quy nghĩ ra nhiều điều

Có được thiên sư đến xem quẻ

Đoán ra liên châu tam miếu thần

Quá với Bàn Vương mười hai họ

Bỏ rơi không thờ thần thánh đường

Thần không phù hộ cho vượt biển

Thủy bộ bất thông thuyền khó đi

Trong thuyền cầu khấn ngay lập tức

Phù hộ các con vượt biển đường

Ngũ kỳ binh mã linh thần thánh

Hồi binh về bộ báo liên châu

Ba ngày được thấy thuyền hành khổ

Thuyền cũng bơi được đến bến bờ

Triều châu phủ bộ cùng các huyện

Cùng bàn canh tác dựa rừng gò

Đông quý tạ hoàn thân ơn khấn

Phân chia từng họ tự khác làm

Mỗi họ sang biển có một kế

Ba thuyền sang biển bốn thuyền hay

Bốn thuyền cập bến Triều Châu phủ

Chia ra bát hương tự khác lo

Hai thuyền cập bến Quảng Tây đảo

Ba thuyền Quảng Bác Quảng Triều Châu

Bốn thuyền cập bến u quáng địa

Tám vạn rừng gò rông phán châu

Nhất sơn chém trém trụi sang nơi khác

Bại đến nhị nơi dựa nhị phương

Ông cha thành lập thừa tông tổ

Hiếu thuận thánh đi đúng đúng đường

Nhất kính ông cha toan hoan hỉ

Nhị kính thánh Bàn đúng đường phương

Họ Đặng họ Lý cùng một kế

Lại làm bẫy khóa cài ở rừng

Các họ nghe thấy cũng bắt chước

Mười dặm kiểu kế di kiếm cầu

Bàn xong các kế ổn định hết

Không phải tơ vương nghĩ kế gì

            Khi đã sang tới bến bờ an toàn, làm ăn may mắn, sinh sống hạnh phúc, thóc lúa đầy kho, gia súc đầy chuồng, người an vật thịnh, để cảm tạ sự phù hộ của các bậc thánh nhân, đúng theo lời hứa, từng họ của tộc người Dao làm lễ trả ơn. Bài ca "Trẩu đàng ý tría" và "Cú dung" thể hiện cụ thể nội dung đó:

TRẤU ĐÀNG Ý TRÍA

(HOÀNG ÂN CẢM TẠ)

Ká lỳ hóp lù trống sếnh ngoày hóp lù trồng san

Trống san trống sếnh trống vuậy sàn mềnh

Hoàn bào trí trói hoán chói ỳ kiông hoàn hoan

Trói boòng kỳ vuậy có co báp nghỉ thếnh sêng

Tạn thếnh dất mềnh tồng trị siên thông voàn nhụn

Siáng dềnh ý tría mó thểnh tông phang côồng dồ

Bòi tsếng miến thểnh say phang sía trọng bòi ngềng

Chói bọ hiàng đắn tạn thếnh siếu siếu dáng sỳ sáo

Hom tồng bềnh bềnh nhắp muồn siang tsếnh bò cú huồn huồn

Ý tría bềng bềng sáo trông triếp truổn ón siáng

Siàng ngềng quối bọ trống sếnh đằn thềnh

Ý tría biàng biàng sáo trông triếp truổn ón siắng

Trống sếnh đắn tsiàng ý tría bồng bồng quấy bọ

Trống sếnh đằn trồồng hòi háo kiếp nghí siền thống

Voàn nhủn mà đào trói vuậy nhắp muồn siang tsếng

Si áng dềnh ý tría phàn mềnh trống sềng duồn hiồng

Tsếng há coóng phú hiàng đắn tà dắt tsếng san

Tố ố ố tà nhị tsếng sếng tồ ka hiàng hoa

Triếp bếng tráp trói hiàng đằn lí nuối tà sam

Nhị sam tsếng sếng pịa pú dòi bàm

Tsếng san tố ố tsếng sếnh tsếngồ cà bày san trói vuậy

Bày sếng trói kiông hoan trói ý kiông tsếng tạn thếnh siếu

Siếu mềnh xỳ tái thông sam đào biang ký cà trí

Tồng tsao ý bòi còn nhuần bài lụ siắng dềng ý

Tría trếnh vọa pạ xuất siắng dếng ý tría sểng siắng

Pạ chi cá diềm vọa pí thiên siắng tsặt sêng

Nàn trí tí hía kăng cú nàn hì sam kăng chía

Trếnh día trếnh sam cằng thái dàng bó liếu thái

Yêm duổn siặng tsặt sêng doán huấn pạ táu duồn hàng

Nhần mằn quôi ố ngào mà quôi bàn cay dí đàu

Bồng piếu dí đàu bàm cà trí đàu xỳ tsếng

Tá siếu siếu dàng xy huấy nhần pạ tsếng tsếng

Nhần pạ huấy pị nhần siang tsếng pạ pị hiàng

Đàn bí nuối pạ pị dí mủ tò hàng pạ pị

Tsêng thiên nhất pạ pị thài dàng tsắt triếu pạ pị

I ố bi thái yêm tsắt triếu pạ pị yềm bọ tị

Nhụa pạ pị sí piên đào pạ lù xy pạ pị xý piên

Coong xuôi tsiàng bào pạ pị xý piên tại mụa

Dìa bàm pạ pị sý piên hù xăng miên siếu pạ

Pị sếng voàng vuầy tại hiàng đằn bi nuối

Pạ kám pị yêm pạ kám pị dàng siếu xy bọ

Siếu tại tám quội bọ trống sếng kiêm ón đòi diền

Siếu si bọ siếu háo trông tsía mạn yêm si tái

Lý hàng diều dàng si tái lì hàng háo kháu

Mộng trống trống yêm si dắt mềnh tồng trị tráo piên

Tsếng tsắt sàn diền tồng trí dạu piên tsếng tsắt

Hố pá siên xy siáng dềnh ý tría phông tsếng mí

Sí tsếng phổng pạ mí sì pạ phông tsuội luồi

San cói điến phông của cù san tại mua bàm

Bàm pạ trám pạ tuốn siếu mụa pạ trống pạ xằng

Tồng trông pạ tá pạ hiàng bò cú pạ tá pạ sênh ỳ tría

Pạ suất pạ tsêng ngìn vọa pạ pú pạ mềnh tồng

Bềnh khềng khêng hòi háo phàm mềnh siếu

Duồn siếu vuậy pạ ám sêng trao pú huận dất kuông

Ý tría của biểu nhị kuông si áng dềnh ý tría dấu

Hòi trếnh tong sềnh trao pú huấn ý tría bềng

Bềnh sềng trao pú huấn sêng voàng cói điện cói

Của mú niên mú nhụt mú nhắt ý bòi hì bù

Tsắt húa hì ghi thuấy trạ diền hí múa trao mú

Khú mú huấn mú sía mú tsông tị tsí

Lỳ đào tồng tso ý bòi mú nhần bòi tố puốn phang

Tì niệm dất đồng cà trị duân trói kcậu phang

Tì niệm sàn đào trám pại san kúa trám hoong

Mú t sý kằng tsuôn kê ngọ nàn tong ông

Ùa thái trú cà siên muồn diền siếu mủ lạp tá

Tsiên niên bềnh điền xuối thú ố puối siếu mủ lạp

Tá mán tại t siềng biàu dấu dì sân pặng san

Vuầy bệ khau sếng vuầy an hếch biếu dất

San bào của nhị san kếch biếu dất xuối bào

Của nhị xuấy thếnh vuồn nhần duồn mú tsí lì đào

Sàn đào dả hú san mí duồn coong xuôi

Dã bềnh mú nhần dất đồng cà trị hì lù san

Húa hì ghi thuẩy trạ thuẩy vuậy trụ trông hiàng

Húa tò tái kiềm bù xuối voán tsi kiông nàm ní

Duối trói kậu phang tì miện bào duốn cúa hói bào

Lụ cúa kai bào san cúa bếng boi tố mú tsí

Đào sàn đào dả hú san mí dả duồn coong xuấy

Dả bềng tría muộn puồn phang tị trí quân nhần

Hoi tám san đào tá hội voàng này tri thú

Bạp hí sí cáo mào phàng bạp hí bồng ghi

Ố trá siáng cói thiên đòng ỳ xuẩy trông cói

Tại đằn trú trông hiang húa hạ cói nhần

Tềng cói cúa ngòa dìn kúa há dáng muột

Tri dòi cày dòi niên dả cao suấy suấy

Cao niên cao cúa mú niên mú nhạt mú nhất

Mú yêm mú nhần tồng t si mú sỉ tría cà

Muồn đào siặng hiàng đằn lí nuối siêu hí

Dất lù nhị bù sam lù mềnh hiang hiang

Si pạ diên tại công siếu dí pá diên hò ý phồng

Dềnh diên vuậy tồng tsoo ý bòi hồng xuối phát

Há thiên đáy biau dấu dì sân siều hiang

Kếnh phộng trú trông hiang húa liền trào pham

Miệu sềng voáng buồn voàng dì sân pạng san

San vuầy bệ kháu sếnh vuầy an kháu mộng

Yêm kan pú trếnh yếu cúa biàng mằn nhụt đào

Tsoo tsắt triếu há bàn kan sạp nhị sếng

Biàu dấu dì sân siều hiang kếnh phộng yêm

Phú tềnh kan voàn nhủn đồ tsiang siên

Thông siắng dềng ỳ tría trống sếng kam tri

Ngũ si pạ cám cù sêng khí kiếp sêng

Boòng khí tải siếu si phú mú thóc xăng bào

Dòng họ tị nhần bồ tẩu nụm tồng bềng hòi

Háo suất vỏa phàn mềnh siên thông cà trí

Voàn nhủn tri dí tồng tsao ỳ bòi buôn cú

Sếng voàng hoi thiên bạp tí mạm cú duồn diền

Tsềng duồn dằng dằng cói cúa thiên đoòng ngũ

Buồi kiấu sêng duồn mủ óm há thiên đoòng

Thiền đềng phát ý hồng xuối yếm hí

Thiên piên coong xuối dào dào tsắt trói sàn

Nhuồn xuối piếu u hác óm ý cù voàng trí

Thiên bềng trí tí thiên trí si phang tị trí

Pát coó trí bay sàn nhuần xuối piếu trí dáu

Yềm dàng san sếng trí đáu pạ nhị nhần

Màn trí dáu trí dáu vùa miều điền đoòng trí

Dáu ngũ cú vùa miều mí biàng pạ nhị sếng

Biàu dấu dì sân duồi niên kăng trống trí dáu

Trí dáu t sắt seng mềnh nhụt triếu há

Bàm kan sếnh niên kan siắng duồn cáp

Dí nhân xăng dật tsiên pát pá lụ sạp

Sí xuấy hàng hiang duồn muồn ý biệu

Diếu mụ phú dí yềm phú tềng can dấu bòi

Cao cưa trông duồn káp dí nhần săng

Sam pá lụ sạp sì xuẩy hàng hiang duồn

Muồn ý biệu siếu mụ phú dí yêm phú tiềng

Can dấu bòi cáo của hạ duồn cáp

Dí dật pá nhị sạp xì xuội hang hiang duồn

Muồn ý biệu siếu mủ phú dí yềm phú tềng

Kan dấu bòi cao của kềng tệng duỗn miên sí

Nhuật tso pát trông trì nhất hồng xuối phát

Há gyàng gyáng duồn mú dằng dằng yếm hí

Thiên đàng yếm sí thiên ha nhần mằn cói

Diện thiên há nhần mằn trộng dáu phụ kihi

Tría mấy nhị nhần duồn trói hù lù tú muội

Tồô hoang tsắt sấy bào hàng thiên há tá kiến

Mú có nhần mằn trếnh bòi vuầy huân phấy

Họp phù tsi trí tsắt sạp nhị sếng biáu dẩu

Di sân biàng mằn pạ sếng duồi san kăng trống

Dấu bòi cao của mụa cít miền kan nhầm

Xăng bụ sạp káp dí pẹng mạn liều bìm

Trếnh bòi phú dí tại đằn trú trông

Hiáng húa biền trao sam miện sểng voàng

Sếng voàng tsắt sáy trí bạp kiềm bắn sểng

Điện xăng há lụ màn lụ ný nàm trí đào căn

Ní trí bềnh pán tráp xa voàng soo co dào lả

Boòng trí co bào sam trí hiố trao voàng trí mụa

Ngũ bo trí  hoa đồng voàng trí diền túa voàng

Trí húa lù pan trí ố khống chú trí mầy

San họ đòong tộ xi siắng kháo quoán trế

Trí lạp trao phú huân muồn quoán há nhần

Mằn pạ sểng trí dáu ngũ cú san nồng

Voàng tái tri tsắt ngũ cú mí bìang tsố

Tsắt cù hoa mí tráo ngũ cú bồng chiang còong

Trông dáu tráo bềnh trông huấn sếng sàn

Mềnh biền tại sếng lềng đòi bềnh on

Dậu lòi cáo của mềnh trìu tại voàng tsắt sáy

Phán pại thiên há nhân mằn cói trìu diện

Cúa buần voáng sếng trí tsay dáu ngũ ghì

Pêng mà duồi hồ guếu săng sếng voàng

Chói bọ kiềm băn điện siăng

San tsên tsắt pá lụ sạp sì xuấy kap dí

Hàng hiang duồn muồn liệu lụ nàm dềng

Lủ sếng lủ ní phan dềng lủ sểng phan dềng

Sạp nhị sếng bìau dấu dì sân phân dềng

Siến yêm nàm ní phan dềng  kiông yêm

Nàm ní phan dềng trí yêm nàm ní phan 

Dềng cóo yên nàm ní phan dềng ngũ yên lụ

Chún tại sếng bềng voàng trí dáu của

San póong trọong sạp nhị sếng triang tô mà

Dày kiúa dấn sạp nhị miến bao pá sạp

Nhị sếng biàu dấu dì sân sềnh tểnh vuồi

Nú kháu san vuầy lệ kháu sổng vuồi an

Sếng voàng quây điện trí dáu biền trao sam

Miệu sếng voàng pụa coong tại voàng ngũ ghì

Pếng má dấu bòi cao của hông ú niên can

Phán pại  thiên há nhần mằn cói diện quân

Voàng sát trìu pại trế sap nhị sếng bìau

Dịch nghĩa:

Hoàng ân cảm tạ đại thân phụ mẫu

Ngày xưa, dân tộc Dao còn sinh sống tại bên kia bờ biển.

Họ tộc người Dao cũng thờ phụ mẫu

Thờ thần linh và những vị thánh cao thượng đế

Để phù hộ cho gia đình thịnh vượng

Có sức khỏe dồi dào, hòa thuận, hạnh phúc

Cho con cháu biết kính trên nhường dưới

Biết thể hiện đạo lý làm người

Người Dao vẫn canh tác nương rẫy

Cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên

Cuộc sống cứ thế trở thành truyền kiếp

Kéo dài từ năm này qua năm khác

Kéo dài từ đời này qua đời khác

Đến hai năm là năm Dần, Mão

Không may bị hạn hán mấy năm liền

Đến nỗi lá chuối bốc thành lửa

Cây cối ra khói, ra than tro hết

Con người không còn lương thực để ăn

 Sông suối không còn nước cho con người uống

 Khe suối cạn kiệt không còn nước

Con cá không còn nơi sinh sống

 Mười hai họ của người Dao lòng đầy âu lo

Lo lắng cho sự sinh tồn của dân tộc mình

Họ bèn họp nhau lại cùng bàn

Nhằm nghĩ ra cách cứu sống dân tộc mình

Họ đồng tâm liều mình một phen

Nhất quyết vượt biển tìm kế sinh nhai

Mười hai họ cùng nhau chuẩn bị

Chuẩn bị một con thuyền rất to

Sắp xếp hành lý cùng lên thuyền

Lương thực còn sót lại mang theo

Đồ thờ phụng khá cũng đầy đủ

Thế rồi cùng nhau vượt biển

Vượt sóng muôn trùng đẩy ra khơi

Đi được tròn bảy ngày bảy đêm

Lênh đênh trên biển vô bờ bến

Bỗng đánh rơi một bát nhang to

Để thắp hương thờ Phật phù hộ

Bát hương đã rơi xuống biển sâu

Thế là phạm ý trời ý Phật

Trời bỗng nổi cơn thịnh nộ

Bốc sóng lên cao vút tầng mây

Sấm chớp cùng dông tố dữ dội

Mười hai họ chưa từng thấy bao giờ

Mười hai họ Dao trong thuyền kinh hoàng, sợ hãi

Tới lúc này mọi người mới nghĩ ra

Do đánh rơi bát nhanh thờ Phật

Bảo bối thờ Phật muôn đời nay

Nên thần Phật không còn linh thiêng nữa

Mới xảy ra họa lớn thế này

Mười hai họ cùng họp nhau lại

Cùng ngồi trong thuyền cầu khấn Phật tiên

Mong các vị thánh thần linh phù hộ

Cho chúng con qua được cơn sóng này

Được sóng yên gió lặng muôn trùng

Chúng con vượt biển được an toàn

Sang cập được bến bờ bên kia

Chúng con xin hứa sẽ tạ ơn

Mỗi họ bằng hai con lợn to

Bằng nhiều hũ rượu thơm gạo mới

Bằng gạo nếp thơm nhiều cân

Bằng bánh trái hoa quả dâng lên

Trai trẻ, gái trẻ dâng lễ vật

Có mời ba thầy để mời thần linh

Mời phụ mẫu đến từng gia đình

Đến từng họ nhận lễ tạ ơn

Đó là lòng thành của chúng con

Sau khi cầu khấn được như vậy

Các vị thần thánh rất linh thiêng

Trời tự nhiên sóng yên gió lặng

Trời quang, mây tạnh sáng bừng lên

Đoàn người vào được bờ an toàn

Từ đó, mười hai họ tộc người Dao

Không bao giờ vong ân bạc nghĩa

Đời đời, kiếp kiếp xin được trả ân

Hoàn ân trả nghĩa với phụ mẫu linh thiêng

Cứ như vậy thành lệ lưu truyền

Mỗi đời người tạ ơn một lần

            "Cú dung" cũng là một đoạn ca thể hiện sự đền đáp công ơn đối với các bậc thần thánh của tộc người. Đoạn ca vừa thể hiện lịch sử tộc người, vừa thể hiện truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo vừa mang tính giáo dục sâu sắc:

 U CÚ DUNG

             (TRẢ LỄ VƯỢT BIỂN)

Dấu dì sân thuối há kiềm bằn sêng điện

Pan hí trìu trao phú bọ tsiang huấn nàm

San pát phang san dào duồi san kăng

Trống dấu lòi cao của diền mào nhị niền

Thiên trí tại hàn sam miền sí sí xuống quaon

Tsoong mú mái pạ sếng mù biàng nhần

Mằn bào luộn mủ ký nọi hò triu ụp

Tsắt húa ké mụa tsắt diên coong hò

Mụ xuối siềm đòng mù nhì bềnh điền mụ

Xuối sạp nhị sếng biàu dấu dì sần niền

Niên kê ngỏ mủ líang tham hếch mủ kế

Nọi hò trếch bòi phiáo dào của hói dất

Tsiên tsắt pá hói lí sam có nhụt đào

Dàng san nàm pú sếng nụng nàn tồô sạp

Nhị căn hìang lù bao há ngũ hói bồng

Muồn sếng voàng ú nú trói san trếnh lòi

Hác óm duồn trông t sắt ýa duồn hàng siếu

Mủ tố ngản mà háng siếu mủ tố hiang

San lú pạ thông xuối lú pạ hòi dấu bói

Tá kiến quay treeng tại phông dả tố tại

Ý dả bói thếch vuần hói đáy bồng muốn

Sếng híang dậu phá tại phông tại ý

Tsuối bọ ngũ hói bồng muốn có nhần

San hoang dàu ýa kêng hoang kháu thiên

Mủ bệ kháu sêng mủ an si lìang

Sí tróc muồn lụ mú nhần vuầy cô vuầy tại

Trì nhần trộng dáu trụ trông hiang húa

Dia tí ngũ ghì pêng mà diền bói sết phẩy hồ

Bói guếu săng guêu tá sam miên mủ con tri

Tsố guếu tá sí nhất mú mẹng trì nhần trếnh

Lòi duồn trói duồn trông li nuối kầu huấn

Trụ trông hiang húa ngũ ghì pềng má nàm

Họng puốn trú cà siên vuầng đào

Du oán miến hí siáng san an liàng nhụn sọ

            Pú nhần têng mí kêng sam trao dất tsắt

Duồn hàng tố ngản mà hàng tố hiang

Duồn đào phiu siáng quoang tông đó tsiáo trao

Phú bọ tsiang huấn nàm phang sàn đào lạp hí

Bồng ghi ố trá duồi san kăng trống ngũ cú

Phộng voàng tại sộc tsắt nhụt sạp nguc chông

Chì nhất sạp nhị sểng biàu dấu dì san

Trếnh bói voàn an tạp trỉa tại san phú mú

San an biáng nhụn duồi muốn ý biệu

Dất tọi của biểu nhj tọi sềnh trông nhị

Của biếu sam tọi sềnh trông tsiệp trú

Tếnh tái hiàng diều dì sâu kiáo đồng mạn

Tọi y trông tsiệp chú y cú tái lạy phú dí

Yềm phú tềng kàn dất niên sí ký siêu dìn

Siếu vụi dất niên si cý sam ngà sí tráy

Tsuối trắn ngàn tsiền của biếu dất niên si cý

Vuồi bòi sọ pú nhần tềng sọ pú nhần hảo

Sọ pú ngòa dìn kúa há dáng muột chi dòi

Cay dòi ca ly quoàn bù thóng dán ngoáy

Bý pạ háo thóong hoi dất đồng cà trí tsiền

Ý bói duôn trói mú niên mú nhuột mú nhất

Ý bói tsắt san hí siáng hò siáng vèng trị

Yùi si liáng nhụn siáng đằn tsếng tsắt hí

Nhủn tồng trí há đằn tsếng tsắt pá nhủn

Puần quân hi siáng pù si trói ơn dất

Hí nhị poong pù si liàng nhủn pạ tuẩn

Hò niên pạ tuấn hò nhụt nhuẩn tuẩn sạp

Niên tá siáng nhị sạp niên ta há dáu

San hi nhủn dáu san phổng voàn pù si

            Hoòng hoòng áp trói tua đồng lì nuối soo

Doòng tú hóa ngàn tsiền pụa bày sao

Bênh sao nọp tsếng phúa có nhân tsắt sáy

Hoàn kuông vuầy phộng dất soong

Dậu trụ kiáng mú nhất poong liáng piên troó dảu nhủn đầu dòi

Dịch nghĩa: 

TRẢ LỄ VƯỢT BIỂN

Bản cổ sơ khai phân thiên địa

Chế lập năm họ chế loài cây

Chế sơn đầu nhân dân được ở

Chế lập cung điện thánh nhân an

Chế được thánh điện chế ngũ cốc

Chế được ngũ cốc dưỡng nhân dân

Ngũ cốc xuất thế phân lương huyện

Xuất tại phân lương phân quốc triều

Khai thiên lập địa ngũ âm họ

Chế được nhân gian vô vàn người

Kinh dịch nguyên niên phát hồng thủy

Gò bở nước dâng đến cửa trời

Bảy ngày bảy đêm không ánh nắng

Nước ngập đến trời khó mà lường

Hồng thủy ngập trời biến bại dạng

Thiên hạ không người chuyền cổ ngôn

Chỉ còn hai anh em còn tồn tại

Hồ lô trôi nổi đến cửa trời

Bảy ngày bảy đêm hồng thủy ngập

Anh em hai người đi khắp nơi

Đi khắp các nơi không có ai

Còn lại anh em hai người thôi

Đi đến ba suối khe thật dốc

Gặp được con rùa ở trên đường

Anh em hai người mở miệng hỏi

Con rùa xuất khẩu không còn ai

Tay cầm gậy sắt lại đi tiếp

Đúng là thiên hạ chẳng còn ai

Đi khắp các nơi không ai cả

Lại ghép con rùa mai thành liền

Liễn biên thắp hương khói liên kết

Đành phải lấy nhau nối tông đường

Đẻ ra con người không gì dưỡng

Ngũ cốc đại vương anh mới thương

Thần nông hoàng đế chế ngũ cốc

Lưu danh thiên hạ dưỡng nhân dân

Ngũ cốc chính thức là bảo ngọc

Cứu được mọi người sống ấm no

Chuột chúa sang biển tha giống lúa

Con rồng phun nước tưới lúa xanh

Thanh minh cốc vũ cho mưa xuống

Được thấy cây lúa xanh tốt tươi

Thần lúa thổ địa quan ngũ cốc

Hoa tiến tiển nàng quản lúa cây

Lúa hoa chị em chuyên chăm sóc

Ngũ cốc đại vương cho lúa kho

Lúa tẻ đến dùng làm cơm bữa

Lúa nếp để dùng làm rượu thơm

Ngũ cốc đúng ba đường nhân ngọc

Trăm họ nhân dân cũng phải cầu

Thứ nhất cung kính các vị vua

Thứ hai là để cứu dân cư

Cao Vương ở trời chế thiên địa

Bình vương ở đất chế suối sông

Chế được sông suối vô vàn khúc

Lại chế đại thuyền mặt nước đi

Thiên tư hạ giáng thiên ban điện

Lưu tam chế được vạn bài ca

Long cung truyền phép chém quỷ kiếm

Đàn tiền cầu phép diệt trừ yêu

Kèn cũng khẽ thổi trống khẽ đánh

Kinh phí chín bậc không bước nhầm

Thiên thượng nhất tinh du thiên quá

Nghìn dòng sông suối chảy về đông

Giữ yên gia đình toàn lương nguyện

Kế tài vượng quá đại thiên nga

Người thầy đương thiên chiêu hòa đến

Hòa ông hòa mẫu nhập hòa kho

            Bên cạnh câu truyện cổ được phổ biến rộng rãi như trên, trong "Páo dung", đồng bào còn rất nhiều thể loại khác nhau. Có cả những truyện thơ sao chép từ Trung Quốc như "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" nhưng nó thể hiện tâm tư, tình cảm của cộng đồng, được ghi chép cẩn thận và lưu truyền rất rộng rãi:

ÈNG TÒI CẤU GHÌN DUNG

(LƯƠNG SƠN BÁ - CHÚC ANH ĐÀI)

Pham pé nìn cô hắng chìn khiếu

Èng tòi chói hố thó sâu ngìn

Khấu tháu họ tòng tộ sâu hỏng

Chiệp puân quyênhấy tộ sâu ngìn

Nhị nhân giòi chuộng chiệp họ quyện

Dất lấy chuộng hèng día chuộng ngìn

Phía dẳng nhị nhân chuổng péng pắt

Tòi thiên tộ sâu chuộng nhất pin

Nhị nhân chói lọ tòng lấy

Tộ sâu phía dẳng tú tam nin

Tộ chiến kinh sâu trin pé puấn

Èng tòi phấy pháng diếm cha vìn

Nhất tài phây chụ lòng día chía

Nhị mộc dàu día mẩu xong lìn

Chai tàu mái tú gằng dầu chấy

Èng tòi phía suất mạn sầu ngìn

Chệ pệ phìn sanh lòng quây khấu

Nhị nhân thau siếu sluất muồn chìn

Thau siếu nhệ miền pịn nàn sía

Làng tam phang púng kía chai pin

Phúng tráu lậu tàu dặm sía líu

Nhị thiên thau siếu tún kiêm ngìn

Èng tòi búa kiếu làng pham dé

Nin hô sin mạn tháu cha vìn

Phúng tháu lầu tàu có chấy khấu

Nhị nhân sau siếu có cha vìn

Pham pé kiệu quôi họ tòng lấy

Èng tòi quây duốn chậy muồn chìn

Día lấy dìa nhàng phiêm quyên hấy

Tú kín èng tòi tháu mịn chìn

Sin thiên ây xam kháng tút líu

Chuộng có nhâu nhân nin kía nin

Tam tứ quê tháu họ tòng lấy

Phiêm tuông dàu día dẫu khoi ngìn

Khấu pịn tộ sâu phiêm pị pháng

Pliêm tuông dã ói duấn cha vìn

Tam tứ phây làng phiêm phây duốn

Sâu phang siêu khí thuất mần chìn

Quê tháu èng tòi nhuần chìn chói

Huống chìn khói khấu muộn pao ngìn

Èng tòi thính chụ làng tam tứ

Nhân sin chong có thính chai pin

Tam tứ tháu siêu dặm phang chía

Èng tòi thau siếu thính khoi ngìn

Tòi thiên tộ sâu pin tử mui

Tam tứ phiêm tuoonng dặm siến ngìn

Dặn siến khoi phang tiệp sâu tói

Làng tam thính siến mui chiên ngìn

Tòi thiên nhị nhân tòi sâu dặng

Làng tam thính siến mụi chiên ngìn

Pin muộn hái chiêu hái quyện khé

Diền hò tài tháu ố vìn pin

Pịn chấy chuộng chiêu làng tam tứ

Èng tòi tú chuộng chói tam nin

Èng tòi búa chiêm mụi dìa chía

Dìa chía thính nhàng suất diết sing

Nhị nhân chuộng chói họ tòng lấy

Chuộng hèng chuộng chuội sâu pìn

Tam tứ thục sinh sính chiên mụi

Nhị nhân thính híu mụi chiên ngìn

Dìa nhàng thính chụ dìa chía vủa

Cha tưng siu khí phộng chà chìn

Èng tòi thó chà tam tứ diếm

Họp pùm tò chịa thó tòi pìn

Dặm siến pòng chìn tam tứ khiếu

Èng tòi phang pháng suất mần chìn

Èng tòi pín búa làng tam tứ

Búa lòng pháy thính mụi kiêm ngìn

Dàng sấy lậu tàu mạn tú lìn

Èng tói búa chiên làng tam tứ

Quôi cha ý día quá phiêm pìn

Chói dụa kiêm phây chính lìn khấu

Dặm pây mạn púi chía tàng nin

Làng tam phiem tuông tồ dàu día

Khấu tuông gom luổi lạ lìn lìn

Dìa día tủ kín làng tam tứ

Dìa nhàng tú kín luổi lìn lìn lo

Cha lấy dìa nhàng muộn tam tứ

Tuông vẩy hái día dàu phiêm pin

Dầu hò lọ líu mịn khé khiếu

Vuẩy hò dàu día hái pin pin ngìn

Chói lọ họ tòng vuẩy hái chảy

Vuẩy hái diền dầu dàu día pin

Tam tứ thính chụ dìa chía vủa

Khấu dẻ khoi ngìn luổi dả lìn

Piên tuoonng tồ dàu dẳm vuẩy hái

Dìa chía mịn chìn thính pháy ngìn

Chuộng chói cha tuông khiếu họ quyện

Vuẩy chụ èng tòi tháu lẩu pin

Nhị nhân lẩu ngũ phang tún tỉnh

Khống chú tộ sâu chuộng nhất pin

Sín puống nhị nhân chuộng pá sin

Dất lấy chuộng hèng día chuộng ngìn

Tộ sâu tam min dẳm phang chía

Duối nhất thính pấy chiên quá ngìn

Dìa nhàng thính híu dàu phiểm líu

Dặm tú èng tòi tháu siếu lìn

Dìa nhàng thính chụ tam tứ chủa

Ý dụa tồ dàu hái dặng ngìn

Hố nhất dìa nhàng khiếu phang muận

Hố nhất mài tin chổng tú lìn

Tam từ dìa nhàng hắng khấu muộn

Pin muổn àng tòi dìa chía ngìn

Èng tòi dìa chía vủa khò phí

Tăm tứ mẩu dùn khùng quá ngìn

Léng líu mái cha thình chà phiến

Tam tứ mạu dùn khùng hẳn sin

Tam tứ ói lìn dẳm điểu vủa

Dùn thín mái chạ tỉnh líu chìn

Mai chạ diếu mộc tú lìn khiếu

Khò phí hàng mùi khung hặm pin

Tam tứ mài chìn pết sấu muổn

Dẳm hẳn èng tòi dặm tú lìn

Èng tòi thính chụ hèng mùi pin

Búa riếu hèng mùi thính mụi ngìn

Quây cha búa kiếu làng tam tứ

Ý hẳn èng tòi quá tậu ngìn

Diếu tài tam mộc tú lìn mùi

Dìa chía sẩy kiêm leng nữ chìn

Nhị nhân chụ mẩu tài puẩn

Liều gia chiền phiêm hố sấy lìn

Bèng mùi thính chụ èng tòi vả

Khấu tuông vậy vả pin nàn lìn

Hanh mình búa chiếu dặm tú púi

Diếu tài than siếu suất muần chìn

Èng tòi mài ngìn dặm khú vả

Sin ngũ ấy xam thút dết pin

Ây xam phía chàng siền siếu phiến

Chúy búa hàng thôi quây duấn vìn

Quê cha pin pá tam tứ tộ

Pháy khoi tộ khán mủi tam ngìn

Mái cha dàng thủ tú lín khiếu

Nhị nhân diêm thôi mạn mộc lìn

Tam tứ kín sâu thán siếu lây

Dẳm pây diêm sấy siếu cha vìn

Pin pá ầy xam tham cếnh phấy

Chà tuông dàu día dẳm pây thiên

Dìa nhàng tú kín tam tứ phẩy

Chiệp puân khò phí dẩu khò liền

Lòng chía phiêm phây liều dẳm duẩn

Động dỳ tô cháy tủm con xin

Khấu chính phin sanh tài tạp tậy

Cháng chói tồm chiêu tại lẩu pin

Cháng trói tồm chiêu tại lẩu phấu

Pin pá èng tòi hặm siếu lin

Èng tòi hàng chá tại lậu kía

Tú kín làng tam châu cháng in

Hèng kía mỉn chìn khoi chía kiếu

Tam tứ mài dình khoi chấu lìn

Tứ lình tứ sín phân mú khai

Ử lìn ư sín má kha thai

Ỷ pín tân kho pài lồng huấy

Ỷ pín cao quan siếu páo thài

Tam tứ mài lình pịn khoi chấu

Díp tú èng tòi tháu siếu lìn

Tồng tho nhị nhân vả kín

Khiếu nhân tự mộc pịn tú lìn

Tam tứ tú lìn èng tòi khiếu

Pêu giạ mái cha chói sấy min

Nhị nhân oeens chằng in dang tử

Buôi ngũ thiên tông dòi tú lin

Mã cha piên tú nhàng chin chúa

Thập hẳn èng tòi dăm thôi lìn

Pịa chây èng tòi làng tam tứ

Buôi ngũ thiên tòng hắng họp chìn

Mái cha dẳm siến đam thiu vết

Pến tòi in dang buôi ngũ thiên

Seng chấy nhị nhân chuổng pếnh pắt

Phấy chấy nhị nhân chuổng họp chìn

Siếu thôi diêm phây thính tú púi

Chố chấy cấu ngìn chùn thôi min

Tam tứ thôi cúi tú lìn khiếu

Nhị nhân dau siêu ngũ chinh thiên

Buôi kía mái cha muồn chìn nhịa

Mái cha tư kín luổi lìn lìn

Dịch nghĩa:

LƯƠNG SƠN BÁ - CHÚC ANH ĐÀI

Sơn Bá niên cao hướng tiến khổ

Anh Đài đi sau tiền học đường

Đi đến học đường đọc thư viện

Cảm thấy vui vẻ được đến trường

Người cùng trường học chung một lớp

Ngày thì chung đọc ngủ cùng giường

Viết chữ hai người chung chiếc bút

Cùng bàn đọc sách cùng một trang

Hai người cùng học ở trường đấy

Đọc sách viết chữ được ba năm

Dùi mài kinh thư trăm nghìn quyển

Anh Đài suy nghĩ muốn về nhà

Thứ nhất nhớ mẹ hai nhớ bố

Lại lo sau này không có duyên

Đoạn đầu mua được quang dầu đấy

Anh Đài viết ra ý rất nhiều

Tạm biệt tiên sinh còn phải về

Hai người chào chúc cùng chia tay

Hai người chia tay khó mà được

Sơn Bá tiễn đưa một đoạn đường

Tiễn đến đầu đường nói khó hết

Bắt tay hứa hẹn rất rất nhiều

Anh Đài khẽ bảo Lương Sơn Bá

Sau này Sơn Bá phải đến nhà

Tiễn đến đầu đường chia hai ngả

Hai người tay vẫy cùng chào nhau

Sơn Bá quay lại về trường học

Anh Đài về đến bố mẹ nhà

Bố mẹ Anh Đài rất mừng vui

Được thấy con mình đã tới nhà

Thay hết nam nhi bộ trang phục

Trang phục con gái thật là xinh

Sơn bá về đến nơi trường học

Tâm tư buồn chán khó học bài

Buổi sáng buồn không muốn rửa mặt

Trong lòng buồn chán muốn về nhà

Miệng thì đọc sách tâm suy nghĩ

Tại sao mình cứ muốn về nhà

Sơn Bá tâm tư càng nhung nhớ

Thu xếp sách vở rồi lên đường

Về đến gia đình Anh Đài thấy

Trước mặt Anh Đài hỏi mấy lời

Anh Đài nghe chuyện Sơn Bá nói

Hai người khẽ bước chân ra ngoài

Sơn Bá giơ dơ tay xin phét hỏi

Anh Đài giơ tay xin trả lời

Cùng trường đọc tính là muội

Sơn Bá trong lòng chưa dám tin

Nếu như không tin cho xem sách

Sơn Bá thấy thế thì đúng rồi

Đối chữ trên bài giống nhau hết

Lương Sơn mới biết muội là em

Cho hỏi ở đâu khách xa lạ

Vì sao lại đến trước cửa nhà

Anh Đài bảo thật mẹ của muội

Bố mẹ của nàng hỏi nàng một câu

Chắc rằng đây là Lương Sơn Bá

Anh Đài cùng ở cùng học ba năm

Chúng cháu học cùng ở trường đấy

Cùng đi cùng ngủ sách cùng trang

Bây giờ Sơn Bá mới thấy muội

Hai người mới biết muội chân tình

Mẹ nàng nghĩ thấy chuyện của bố

Gia đình đun nước pha ấm trà

Anh Đài mời trà Lương Sơn Bá

Trà khay đặt xuống để ở bàn

Cảm tạ trà thơm chàng được uống

Anh Đài tiễn đưa Sơn Bá về

Anh Đài bảo cậu Lương Sơn Bá

Bảo chàng hãy nghe muội nói vài lời

Trần gian vô duyên không lấy được

Hai người về âm sẽ thành duyên

Anh Đài bảo thật Lương Sơn Bá

Về nhà chàng đừng quá buồn sầu

Chắc chắn về âm có duyên phận

Âm duyên mãi mãi sẽ không già

Lương Sơn tâm tư buồn đau khổ

Giọt lệ lúc nào cũng trào tuôn

Bố mẹ Sơn Bá nhìn chàng khóc

Mẹ mà nhìn thấy nhỏ lệ tuôn

Bố mẹ gia đình hỏi Sơn Bá

Vì sao lại thấy con buồn sầu

Vì sao nét mặt luôn đổi sắc

Buồn sầu như vậy là vì sao?

Đi học ở trường có gì vậy?

Vì sao nguyên nhân vì cái gì?

Sơn Bá nghe thấy bố mẹ hỏi

Miệng cũng trả lời lệ cũng tuôn

Trong tâm buồn sầu con suy nghĩ

Vì con đã mất Trúc Anh Đài

Đã cùng Anh Đài một trường học

Mẹ thầy bảo Sơn Bá không lo

Chúng con hai người đã hẹn ước

Khổng Tử đọc sách chung một trang

Quạt mát hai người chung một quạt

Cùng học ba năm cũng sống ba năm

Bây giờ mới biết thấy xuyến xao

Mới biết Anh Đài là con gái

Không được cùng nàng thành vợ con

Bố mẹ nghe thấy Sơn Bá kể

Không phải nghĩ về chuyện này

Vài hôm bố sẽ đi dạm hỏi

Sẽ cưới Anh Đài thành vợ con

Bố mẹ Anh Đài nói rất tiếc

Nhưng vì đã có Mã Văn Tài

Sơn Bá đến sau không còn phận

Đành để chỗ khác hỏi nàng xuân

Anh Đài nghe thấy thật tội nghiệp

Rất thương Sơn Bá đáng tủi thân

Sơn Bá có lòng không đến sớm

Bây giờ đến muộn rất là buồn

Bố mẹ Anh Đài đã nhận lễ

Sơn Bá vô duyên bị đến sau

Văn Tài sơn đến được duyên phận

Bỏ lại Sơn Bá sống đơn côi

Sơn Bá có tiền hỏi phương khác

Đừng trách Anh Đài không nhận hôn

Anh Đài nghe chuyện người làm mối

Gửi lời bà mối về đến nhà

Về nhà bảo cậu Lương Sơn Bá

Đừng mà nhớ quá Trúc Anh Đài

Sớm đến ba hôm chàng sẽ được

Nhận lễ Văn Tài rồi khó thoát

Ngậm đắng nuốt cay đành chịu thua

Hai người trần không lấy được nhau

Để lại trân tâm âm thế liền

Anh Đài có lời nói không hết

Xé áo thân thể viết thành thơ

Viết thành ý thơ gửi bà mối

Gửi dặn bà mối mang đến nhà

Đến nhà đưa cho Sơn Bá đọc

Sẽ mở ra đọc ý của nàng

Văn Tài dương thế được lấy muội

Nhị nhân âm thế sẽ thành duyên

Sơn Bá đọc thơ rồi suy nghĩ

Chắc gì âm thế đã thành duyên

Chàng đọc thơ nàng khóc muốn chết

Cả nhà buồn bã không hiểu sao

Mẹ chàng nhìn thấy con mình chết

Thế bà vừa tiếc lại vừa buồn

Bố chàng suy nghĩ không thiết sống

Như dao cắt ruột rất là thương

Đi đón tiên sinh để xem địa

Táng tại đại châu đại lộ biên

Táng tại đại châu đại bộ phủ

Còn để Anh Đài đến đấy biết

Anh Đài xuất đi đến đấy

Được thấy ngôi mộ thật đau thương

Đi đến trước mộ rồi khẽ gọi

Đón được Anh Đài đến kết duyên

Hữu binh hữu thiêng khai phần mộ

Không binh không thiêng vợ Văn Tài

Nhật điểm tân kho bầy long vị

Nhất cao quan hưởng ngọc đài

Sơn Bá hữu binh khai phần mộ

Đón được người tình đến tận tay

Trần gian hai người đã hẹn ước

Bây giờ về âm ta cùng duyên

Sơn Bá được chung Anh Đài nữ

Thừa bại Văn Tài ở thế gian

Văn tài đón được nàng chân váy

Không được Anh Đài đến tận tay

Thành đôi uyên ương Anh Đài Lương Sơn Bá

Bay tận trên trời háo thành tiên

Sống ở trên trời chung chiếc bút

Thành tiên hai người giống hộp tiền

Văn tài tức giận vác thuổng đao

Liền đôi uyên ương bay lên trời

            Trong rất nhiều nội dung của "Páo dung", phần phản ánh thực tế lịch sử xã hội tộc người luôn chiếm vị trí quan trọng. Trong cái muôn màu của thực tế đó, có một nội dung luôn được đề cập đó là thân phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ, họ lên án cái khổ, cái lễ giáo phong kiến, khát khao tự do. "Nhị nhàng dung" (Khúc hát người làm dâu) là một trong số rất nhiều tác phẩm như thế:

NHỊ NHÀNG DUNG

(KHÚC HÁT NGƯỜI LÀM DÂU)

Diên chói tấu tuông nhân tài muộn

Lọ dịa pham chiu nhân tinh chùa

Nhất canh tịnh híu chằng long ngó

Dia chía sấy kên lánh híu chùn

Chiệp nhất chiệp nhị nhân tài muộn

Chiệp tam chiệp tứ chính mủi chiển

Chiệp pham chiệp phấy chắng lụa ngó

Chiệp hứu chiệp của cháu miền ca

Chiệp chua nhị chiệp chằng tháu tạy

Pùa tàu đam đám siếu khên chày

Tai cha vuột co say chía kiếm

Tai phấy vuội co say piếm phiệm

Siếu nhun dâng cán siếu lìm ố

Dây cám pụa dằng dổ pụa dằng

Nhất canh tại chén ô vìn lầy

Nhị canh tại chói ô vìm pin

Tam canh thác mãi giả hò cắp

Tứ canh giả cắp mản liều chang

Hứng canh pụa vìm cắp chiếu tsói

Thinh găng trong pệm tại pé diếm

Tại pé sam pùng dân nhụn nhì

Thình gắng chong pệm phiu pế diếm

Dầu sấu sách nhàng lầy sách chấy

Thin gắng chang pện pam pé diêm

Pam pé chíp tài bêu ghịa lầy

Chây phiu phang in dịa lầy chíp

Chíp tài tò duấn pá mụ chầy

Tài nhất co câu chuộng lầy sồ

Tài nhị co câu bình ên phiêm

Tài tam co câu dên hai phấu

Tài tứ co câu diên phâu phiêm

Tài ngũ co câu dùn nhà ấy

Mâu dang man day siếu câu quê

Dặm chấy chiu muốn día lấy tắng

Tài pé vùi tài giả mà quê

Nhị nhấn dịa má pái pham pái

Pái thém nhụt chìa nhàng dằm quê

Chong tàu mái tói kiêm khoa chậu

Kiêu pá lụa lòng tịnh hố tsong

Tình tú hớ t sang hắng nhằng dắng

Phộng trìu cong súi tố liệu phay

Cong súi tố mình dắm tổ duần

Ké mụa biên sành nhàng dằm cuôi

Dịch nghĩa:

KHÚC HÁT NGƯỜI LÀM DÂU

Còn ở trong bụng người đến hỏi

Lọt lòng ba hôm người định trà

Canh một người đã định hôn lễ

Bố mẹ lúc ấy nhận đủ tiền

Mười một mười hai người ăn hỏi

Mười ba mười bốn mới thành niên

Mười lăm mười sáu nhận hẹn ước

Mười bảy mười tám đến nhà chồng

Mười chín hai mươi sống cực khổ

Tay cầm chiếc chổi quét rác nhà

Trong nhà rác rưởi quét rất nhiều

Quét nhà xong hết lại quét sân

Canh một trong nhà phải giã gạo

Canh hai giã gạo ở ngoài hè

Canh ba vo gạo ở ngoài suối

Canh bốn bên trõ bắc nồi xôi

Canh năm vào vườn hái rau rượu

Đến khi trời sáng chín nồi canh

Trời sáng sắp cơm xong mời bác

Bác cả lấy mâm ném xuống vườn

Em thím nhanh tay đến đỡ lấy

Không để xóm làng nghe tiếng kêu

Sắp mâm thứ hai cho bác hai

Bác hai lại chê nước canh đục

Lại bị bác hai mắng chửi nhiều

Bà cô thứ nhất chê cơm sống

Bà cô thứ hai chê gạo đen

Bà cô thứ ba chê nàng chậm

Bà cô thứ tư chê nàng lười

Bà cô thứ năm được nàng ý

Dù hay dù dở chờ anh về

Em có trong hòm mấy bộ áo

Giao cho bà thứ năm dùng

Đầu giường có đôi vàng ta dũa

Để cho anh chàng hỏi vợ hai

Hỏi được vợ hai như nàng ý

Mấy dòng suối chảy về nguồn

Dòng nước chảy đi quay lại được

Lúc đấy thì nàng mới trở về

Một nội dung rất quan trọng và chiếm nhiều bài ca trong "Páo dung" của người Dao là những khúc hát giao duyên, hát tâm tình, hát trai gái tìm hiểu nhau, hát mừng hạnh phúc lứa đôi trong các đám cưới. Dưới đây là một số bài hát tiêu biểu:

Bài 1: THÁN MIẾN TÒNG DUNG

            (HÁT MỪNG ĐÁM CƯỚI)

Piền câu khói thin tsấy liệp tậy

Chấy dòi thin đía mạn dằng phiêu

Liêu pham dậu chấy diềm dùn puận

Năm tai tòng ka nhấu ká phiêu

Nặm nhân nìm tong chiệp pết chiếm dàu dùn

Kiềm min hênh mình muộn quế dặng

Ý khếnh sầu tuông dặm khá nhầu

Chảng dẳm khá dìa dìa dặm khá chía

Nằm tsống nhấu nhụn khú dùn phiêu

Năm kha lọ dàng min khắng pịa

Sềnh tếnh hồng dìa thái chấu lầu

Nhân khoa lọ dàng mịn nhằng nhịa

Mệnh ka đàu dùn cuổi sấy phiêu

Dăm chấy hái miền tài phang áp

Diềm dùn tháu phú cắp chàng song

Ông cuốn liềm pham hành chìn thác

Bì bện chíp tsiên quê duấn tòng

Phàn lụi mùi nhân phúng tsiên thác

Phúng to kiêm khoa thán miến tòng

Mùi miền tsinh súi cắp huân hí

Cháng tsay pến tói phú dùm phiêu

Pú phú ìm dang chàng tsay tói

Chía hồ đàm dùn chậy nhất tòng

Dịch nghĩa:

HÁT MỪNG ĐÁM CƯỚI

Tổ Bàn Vương khai thiên lập địa

Thành thiên hạ trời đất  con người

Cuộc sống sung sướng có ăn có ở

Sinh sôi nảy nở được hạnh phúc

Trai mười tám thì phải lấy vợ

Gái mười tám thì phải lấy chồng

Đặt trầu cau dạm ngõ ăn hỏi

Kế xem sách có hợp nhau không

Bố mẹ hai bên cùng hòa hợp

Lấy nhau mới nên vợ nên chồng

Trai sinh ra thờ cúng tổ tiên

Luôn hướng mặt về phía nhà mình

Gái sinh ra mặt hướng ra cửa

Đi lấy chồng thành con người ta

Không ép hai người phải lấy nhau

Đến duyên phận phải thành vợ chồng

Nhà trai làm bữa cơm tại nhà gái

Rồi đón dâu về làm lễ kết hôn

Thầy mờ lễ chúc vợ chồng trăm năm hạnh phúc

 Làm phép cảm ơn nhà gái đã đưa dâu về đến nhà trai

Chúc hai vợ chồng hạnh phúc nên đôi

Mãi mãi chỉ chung một đường đi

Bài 2: TSUI DUOÁN

(HÁT MỪNG ĐÁM CƯỚI)

Tsui tsắng kho toòng thin hồng phú

Vuồi huân kít cúa tú quyên dầu

In dang kít phúi chiằng lộng phộng

Gọi khoa kít cháy hịn kiều kiều

Dắt soong hín cháy soong soong hin

Tồông phiêm tồông ấy tsay cha kiều

Mài mại trọn chùn dã dồng hậy

Mạn dặng tsin dằng trắn miến phầu

Pụa triền kếnh síng tếnh cha dạy

Hồ nhất triền tsui mạn dặng phâu

Tríp tsiên kho toòng soong quyên hấy

Vuồi mộng tría to tsá yền dầu

Dậu día tím khóe dẳm tsing tsố

Tsá á líu nghìn vuồn dẳm tói tầu

Trộng kháu choáng tsiên dòi tsăn ấy

Siam siệu púng tàng ý súy âu

Dịch nghĩa:

HÁT MỪNG ĐÁM CƯỚI

Được chàng chung sống thật là vui

Được chàng chung sống thật hạnh phúc

Cũng bõ công nàng cầu thần khấn phật

Cũng bõ công nàng bấy lâu nay

Cầu được quý chàng thật như ý

Đưa nàng cùng chung hưởng vinh hoa

Hai bên giao duyên cùng hẹn ước

Hẹn thề giao ước nguyện thành đôi

Ta thề ta sẽ không chuyển hướng

Đời đời chung sống mãi bên nhau

Buồn sầu hoạn nạn cùng nhau chịu

Vui sướng bên nhau cũng đủ đầy

Sinh con nhiều cháu bề gia thất

Không nỡ lòng nào để phôi phai

CHIÊN HIANG DUNG 

(HÁT GIAO DUYÊN)

Pháy khán tồng thin trầy mấy ngạn

Thài dàng so chíu kiắng chiên hiang

Páy píu phiêm tuông khiắng phây bặm

Nàn nỏi lình chiền tsấy phú phang

Muồng hín phiêm tuông chúa phây hặn

Trị día kìng phin khùng hoắng tan

Kình luồng phún siếu lìn trừng puận

Tú phiêu phúi mấy dẳm dàu hoang

Thính trụ quấy phin kiềm ngin nhấu

Tóng thin tsấy phú trịn hoàng than

Mộng phim trún tịng kiêm ngin vỏa

Mộng hắng coong hò súi pậu tàng

Trịn píu mộng phiêu chuộng bày vuội

Chuộng có hiàng bầu pụa ón hiang

Hùng mấu bò quân chuộng piến diến

Dàng kế chuộng đồng diễn chuộng phang

Dịch nghĩa:

HÁT GIAO DUYÊN

Thần không phù hộ nàng tự nguyện

Tự có nhiều nàng nguyện kết duyên

Không chê nàng xấu cùng vun đắp

Đừng như trăng tỏ trăng lại mờ

Miễn làm sao chàng không đổi ý

Nàng đây giữ lấy tấm lòng son

Được trời phù hộ chung duyên phận

Sung sướng vui vẻ biết bao nhiêu

Nàng tự giữ nguyên như đông hải

Trường lưu mãi mãi sẽ không phai

Được thần phù hộ chung vị trí

Không muốn cách ly một hướng nào

Chỉ sợ người tình không giữ ý

Để nàng đợi mãi trở thành không

Lừa nàng lang thang buồn biết mấy

Không được cùng chàng xây đắp chung

DÙNG CHẬU MÀI CON, CHÌNH MÀI LẬU

(CÂY ĐA CÓ GỐC, TÌNH CÓ LỐI)

Chìu chiu chin mụi phiêm phẩy thảu

Mậy híu mìu phiêm phảng hải pin

Dùng chậu mài con, chình mài lậu

Thúi xuất mài nhuần cắp khói liều

Ên dùn mây goi chỏi phiêu khí

Ỷ phiên piển lậu bêu lọ pin

Tấu lây phỏng phây nàn thảu chiếm

Quả hoi phiêm tuang nin quyả nin

Tú thin xẩy dịa hòng ên phú

Diệm vắng phin ên mui chiếm tú puồng liều

Dịch nghĩa:

CÂY ĐA CÓ GỐC, TÌNH CÓ LỐI

Ngày ngày lòng em nhớ đến anh

Chảng biết lòng anh nhớ phương nào

Cây đa có gốc tình có lối

Nước hợp dòng chảy về biển khơi

Số phận không mở tự mình mở

Đừng có sử đến giữa chừng thôi

Không thể không đến bởi lòng quá nhớ

Chẳng lẽ để trong lòng năm qua năm

Được trời ban xuống hồng ơn phúc

Không uổng nghĩa tình anh đã gặp em

 

           BÀI HÁT GIỮ KHÁCH

Liều phàm ca ngìn liều trìng chậu

Kiếm xúi thân tàu liễu quấy dang

Liều tú quấy giang trậu hiang hoong

Mộng hắng thái dâm biến thái dàng

Liệp líu phiềm kê liều trìng trậu

Liều trìng mậy trậu trịn hoàng hiang

Trình hiền dâm trậu phúng trình kiếu

Mán mạn thìu tsia quây duán hiang

Bậu tàu tsing tsing duán hòng vọong

Pị táu tsiết phinh dia chíu dang

Búa trìng liều ên quá phiên thán

Ý bêu kiêm trậu tún lầy hoang

Hái nhất cồng pau hiêu siếu bấy

Thìa tsia tài vụi thán duyên bàng

Dịch nghĩa:

BÀI HÁT GIỮ KHÁCH

Lời cổ anh hỏi em

Giữ em ở lại chơi vui với anh

Muốn giữ anh ở lại với gia đình

Mong được tình cảm đẹp như vầng thái dương

Giữ mãi anh cũng không thể được rồi

Anh phải về mọi thứ đã chuẩn bị rồi

Anh từ từ đi cho an toàn may mắn

Anh cảm ơn gia đình có lời mời tốt

Anh biết chỉ để trong lòng

Nhưng anh không thể ở lại được

Không phải do anh không ở lại được

Mà lần sau gặp lại không chấp nhận anh

Sau gặp lại em tình vẫn như cũ

Khi nào có được thời gian quý

Mời em sang gia đình anh chơi

Tạm biệt em anh phải về rồi

Bài ca lao động là một nội dung không thể thiếu của "Páo dung", người ta có thể ca khi đang làm trên nương, cũng có thể ca khi đang trên đường lên nương hoặc ca khi cảm thấy mệt ngồi nghỉ dưới gốc cây, bên lán nương, ... Hình thức thường là hát đối đáp, nói chuyện giữa hai bên. Nội dung xoay quanh hỏi đáp chuyện làm nương của mỗi gia đình như lúa có tốt không, có bị sâu bệnh không, năm nay có được mùa không, được bao nhiêu?, ...

MUỘN KIẾM

(ĐI NƯƠNG)

 

Liều pham tsêu vần sấy muộn kiếm

Muộn kiếm phiếu tsun tría hín dang

Muộn kiếm phiếu tsun tría hín trậu

Khoi tài pín búa pháy mìu tan

Người đáp ca:

Liều pham ca ngìn chùn búa kiếm

Búa kiếm phiếu tsun pham hín tan

Búa kiếm phiếu tsun tan hín píu

Phay khoi trùn búa quổi king dang

Người hỏi ca tiếp:

Liều pham ca ngìn trói phang muộn

Muộn kiếm siêu vùa tú tría tsin

Muộn kiếm siêu vùa tú tría pé

Pháy píu mộng phin pín búa lìn

Người đáp ca:

Quối píu mậy liền mìu pín búa

Pháy phíu vùa mìu mậu tría tsin

Triên ngìn vùa búa tú tría triệp

Ý tú goi mầy tàn xíu lìm

 

Dịch nghĩa:

ĐI  NƯƠNG

Cổ xưa hỏi người đang lao động

Hỏi thăm bên ấy có mấy người

Hỏi người bên đấy cho xin biết

Khai ngôn biến báo tiểu nhân đơn

Người đáp lời ca:

Cổ nhân chuyền báo cho cùng biết

Bên này lao động có ba người

Báo chàng lao động ba người đấy

Khai ngôn biến báo quý anh chàng

Người hỏi tiếp gặt lúa được bao nhiêu

Cổ xưa có câu lại hỏi tiếp:

Hỏi rằng gặt hái được bao nhiêu

Hôm nay gặt lúa được mấy chục

Khẽ bảo cho anh được biết cùng

Người đáp tiếp bài hai:

Quý chàng không chê nàng xin đáp

Lúa nàng bị kém chẳng được là bao

Chân tình bảo chàng chẳng mấy chục

Xin chàng được biết đừng có cười.

Lời hát mừng nhà mới là những lời ca vui tươi, đằm thắm nhằm chúc mừng cho gia đình nhà chủ đã cố gắng, giỏi giang, biết làm ăn phát triển kinh tế. Nội dung lời hát cũng chúc tụng cho gia đình, họ hàng, làng bản mọi người đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt:

Bài 1: NHÓM BỆP CẤY PÁ DUNG TOÒNG

        (NHÓM BẾP MỜI PÁ DUNG)

 

Dất chá tồng pung thái dàng hịn

Nhị chá nàm hò xiêm xúi than

Pham chá phàm pung quyên dâm tậu

Phây pung nhầm quấy xúi vui voan

Pịa sên tróm túa kìng tồng tậy

Gyịa xúi nghìu chìm kíng tống nhan

Pịa hiang tróo síu kìng bố

Kìng tồng bồ nhần phiêm lấy hoang

Liều pham tsều vuần sấy dụa kiếm

Bêu tín gyạ hò sấy dụa nhần

Dụa tú bầy nhầu tài khí tíu

Sấy dụa ìn dang tầu mậy tầu

Dịch nghĩa :

NHÓM BẾP MỜI PÁ DUNG

Một gép phương đông thái dương hiện

Nhị gép nam hà thâm thủy thâm

Tam ghép tam phương quoan am đẩu

Tứ phương nhâm quý thủy chào lưu

Vào gò trém cây kinh động địa

Xuống nước bơi đò kinh động giang

Vào làng tán tỉnh kinh động báo

Kinh động người đã ngủ không yên

Lưu tam sao văn thử mời gọi

Nhử được con cá cắn đến câu

Thấy được cá cắn câu mới dám gọi

Không thì lại sợ không dám mời

 

Bài 2: VUẦY PHÚ TÍU NHI DUNG

(HÁT VÀO NHÀ MỚI)

Cá chông hiang húa chì trống sềng

Ký mềnh tồng trí chống sì côông

Dán phú mi tráo duồn muồn biểu

Phàn pêng phàn triáng có quây tông

Kiêm buần thó tsắt sòng puôi tráo

Tại cha p sống phú hú ca trông

Sông quôi phụ lụ trí ca côông

Nòm nhần sạp pát phống quân trế

Ní nhần sáp t pát sái kiềm đòng

Sống phú tráo sống phú chiàng

Sống quây phụ lụ chi ca miàng

Diáng chi muốn làn cú muôn khủ

Kiềm ngàn tròi pạ muốn lòng phang

Siếu yềm yếm siếu yềm yếm

Nàm nhần đắp phó thiêm quản chế

Ný nhần đắp phó sống dàng kiêm

Siếu òi ói siếu òi òi

Tsắt trai pát nạn duồi thiên hí

Kiềm ngàn dòi pạ sí phang bói

Dịch nghĩa:

HÁT VÀO NHÀ MỚI

 

Gia đình tổ tông cũng phù hộ

Các thầy song việc hồi phúc về

Đình đám gia đình đã bế mạc

Phân binh phân tướng trở về hương

Khay vàng giót ra đôi chén rượu

Để hồi phúc lộc về gia đình

Hồi phúc hồi lộc về gia chủ

Hồng phúc hồng lộc đầy gia đình

Nam nhân mười tám được quan trức

Nữ nhân mười tám đẹp như tiên

Rượu này hồi lộc cho bà chủ

Hồi cho phúc lộc gia chủ nàng

Chăn nuôi lợn gà đầy chuồng trại

Ngũ cốc lúa gạo ắp đầy kho

Sức khỏe dồi đao được thịnh vượng

Tiền tài vàng bạc sếp đầy hòm

Nam nhân xông nhà thăng quan trức

Nữ nhân xông nhà cho bạc vàng

Ốm đau thay cho đã mạnh khỏe

Tiền tài vàng bạc tứ phương về

 

CẤY HỐP TIU

(MỜI UỐNG RƯỢU)

Cà chí côống cà chí côống

Dật nhất si liàng san pạ thồng

Tsếng tá siếu xi tố đằn voàn nhụt liểu

Dật niên sí ký tá xồng dồng

Cà chí miáng cà chí miàng

Dật nhất si liàng san li hoang

Kiên nhất tsếng tá siếu si tố đằn voàn nhụt liếu

Dật niên sí kí tá phồng quoang

Dịch nghĩa:

 

MỜI UỐNG RƯỢU

 

Gia chủ ông gia chủ ông

Một ngày bận rộn rất nhiều việc

Suy nghĩ chưa thông suốt cái gì

Hôm nay mời được các thầy tới

Hoàn ơn song hết cầu chúc may

Một năm bốn quý được dồi dào

Gia chủ bà ơi gia chủ bà

Một năm bốn quý được đàng hoàng

Bài hát giáo huấn trong "Páo dung" không nhiều như những nội dung khác nhưng được lưu truyền rộng rãi từ đời này sang đời khác, nội dung cô đọng, xúc tích, mang tính giáo dục cao:

BUA TRỤ HÍU TÍA MẢ GIÁO

(BÀI HÁT GIÁO HUẤN)

Vuậy nhần ói trụ ý hộ nhần luộn bán

Trụ trấu kèng tsum trụ hộ chiền

Puồng trụ ó nhần ý tú tsáu

Día ý mài nhất tụ tìn pùi

Kín nhần tìn tậy ý deng máo

Phụ quấy yồng vòa dẩm tú tàng

Mai công mài tá nhần thán khú

Pun mềnh phun phá tú nin tàng

Nụn nhần ý síu nhần líu bồ líu

Puồng tsui khoa bọ ýa siêm tòng

Kiêm nhất dẩm pây mềnh nhất dạy

Mậy chiằng nhụt tríu tsíng tài pây

Sấy nhần tụ híu dằng kia pẹ

Ý tú pàm lùng dậu pàm đau

Ý tú phì deng cíu tía mả

Ý tú hoắng nhần loòng toọng than

Ý tú sết seng mạn hoòng dặng

Ý tú phàng thao trấu hỏi nhần

Ý tú thàm khoa thàm tầu nhần cha của

Ý tú khyú pế hỏi nhần triên

Ý quoẳng cuồng nhần căn phú quấy

Ý tú día phẩy máo mặng tàng

Ý tú píng chiến nhần giáo búa

Hỏi trụ quần cằn hỏi cằn

Dịch nghĩa:

BÀI HÁT GIÁO HUẤN

 

Vì người không ai được ở không

Phải cầy phải cấy phải đi làm

Gặp người nhũng nhiễu chớ dòm ngó

Chẳng may tới lại phải đền

Thấy ruộng đất của người chớ tranh chấp

Phú quý vinh hoa chẳng vững bền

Trẻ con chớ cười người tóc bạc

Hoa rơi đầu vực bị gió đêm

Hôm nay chưa biết việc ngày mai

Giờ ngọ nắng tới mới biết khổ

Đời người phải biết trắng đen

Không phạm trên trời không phạm đất

Không cãi lời lẽ với mẹ cha

Không được lừa gạt với bạn bè

Không được sát sinh các thú vật

Không được lấy trộm của mọi người

Không được tham tài và tham sắc

Không được tức giận xúc phạm người

Không được tham giầu quên nghèo khổ

Không được ham sống sợ chết

Không được quên đi lời dạy bảo

Luôn ghi luôn nhớ để trong lòng

GIÀNG IN PÁ DUNG

(BÀI HÁT THUỐC PHIỆN)

 

Chiếp pát dỉa tòi số cấu vả

Trùn diều thin đía chuống chìu vìn

Diất nhiều chùn sinh mạn nhiền híu

Giàng in lán chái pại chà ting

Mài sanh pàng chuồng tu nàn khĩ

Tũ kín chía to ngàn luội lìn

Giàng in dùn tài pến cú quái

Diất nhiều khĩ chụ mạn nhiền lìn

Xuân nhiền khĩ in pến pùng diẩu

Õ nhiền khĩ chụ kít nhiền vịn

Phàm canh piến día tá sanh chế

Thao nhiền péng khuya diậm pầy thin

Chấu chả diậm luấn siên sễ ố

Diệm tsòng tũ pếu chuội choòng ngàn

Diậm pháng sai nhầy khòa chây phíu

Chấu chả chì nhiền nhụn mìn chìn

Mài chìn mái nhụa dòi cha khĩ

To phíu píu tài tũ tiêm thoong

Ý mải giàng in chậy càn  thĩ

Chụ siệu sài nhầy nam nhiều doọng

Mài phâu toóng háng mậu phâu giang

Váng đam mình giạng siêu khùng song

Giàng in chẽ chìn mậu sa sấu

Mài chẽ diậm hoàn nhiếm quyá choong

Dịch nghĩa:

BÀI HÁT THUỐC PHIỆN

Cầm bút đặt bàn kể chuyện cổ

Truyền bảo thiên hạ khắp mọi nhà

Một người truyền tiếng vạn người biết

Thuốc phiện lười làm hại gia đình

Có chồng nghiện gia đình làm ăn khó

Được thấy nhiều người chảy nước mắt

Thuốc phiện nguyên lai rất kỳ lạ

Một người hút phải vạn người theo

Người thuận tình hút nên anh em

Kẻ ác hút phải đi ăn trộm

Nửa đêm canh ba bàn mưu kế

Bất lương đốt lửa chẳng biêt trời

Ăn trộm chẳng biết tình anh em

Trộm xong no bụng lên giường ngủ

Chẳng đoái hoài con thơ vợ dại

Mà chỉ biết điều trước mắt

Có tiền mua thịt cả nhà ăn

Ít nhiều cho nhau được giọt canh

Đừng mua thuốc phiện một mình hút

Vợ con nữ nam đều căm ghét

Có chồng coi như không chồng

Gánh nặng mang tiếng chịu ở không

Vay nợ bao nhiêu vì thuốc phiện

Nợ vay không trả nước mắt ròng

Hát ru (Háo ton dung) là những lời ca mượt mà, êm ái nhằm kích thích cho trẻ mau đắm mình trong giấc ngủ. Trong các điệu hát ru, nội dung thường được các bà mẹ sáng tác nhằm giáo dục cho con cái về đạo lý làm người; về tình yêu thương quê hương, hướng cho con ý chí phấn đấu về sau:

HÁT BẮU NGÀ PÍ DÒM

(HÁT RU CON NGỦ)

Ôí àn an ngà bế ói dàm cằn pí chiến mà ôi dòm

Te ma trấu công trấu mắn nhặn

Ngà xê ói cằn pi chiến dòm, dòm cáu ố ồ ôi

Ngà dả tài híu hắm te ma trấu công khấu

Ngà trụ cằn quay pi chiến ý dà ôi dàn ôi

An án túng tsún ma te oi ối àn an

Ngà xê bế ói dòm chiến nà ôi dòm ôi án

 

Ối í a, mây dỏm hô lìn dòng

Chẳm châu lí lút theng tăng đi

Miéo tẳn tung noòng txeng tẳng veng

Nả là quăng quăng slải thìn gầy

Mạy đẳm ơn lò khẳn gẩy cổ

Bản dịch:

HÁT RU CON NGỦ

Hát ru là những lời trầm bổng

Thướt tha mượt mà êm ái nhằm kích thích

Cho bé ngủ đắm mình giấc ngủ dịu hiền

Và có cả lời ca thương yêu dạy dỗ cho

Trẻ sau này biết làm người hiếu thảo

Cha mẹ biết lễ phép ra vào

 

Ối í a, ngủ ngon, ngủ ngoan đi

Con cóc kêu ở gầm chạn bát

Mèo con khều thức ăn trên chạn

Mặt trăng còn khuyết ở trên trời

Ta nằm nhìn thấy trăng ở xa

  Gần đây, là những sáng tác mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi đất nước, quê hương đổi mới được sáng tác rất nhiều. Những bài hát này thường không được ghi lại mà chỉ truyền miệng, hát cho nhau nghe, học nhau để hát. Nội dung của những bài hát này rất phong phú, dưới đây là một số bài hát tiêu biểu cho những sáng tác mới này:

HÁ GẮNG CẮNG BÉ

(ĐÊM TRĂNG NHỚ BÁC)

 

Dằn tằn tú kín kênh xiên cấu

Cành xiên día cấu dá vần hang

Nhớ dạng Bác Hồ mềnh phiêm chái

Sín giọ dùn mậu hịn thái dáng

Tú kín xiết phinh báy vậy chái

Tú kín nhụt mềnh chúi miện hang

Tú kín sín sên mậu dùn óm

Tẩy tuông òn lọ khú guồn láng

Thin chẳng xiết phing gắng dầu lặng

Hang lây dáng ba tăng điện quang

Pháng chịu chìn hoi dìu miền sấy

Chổng choi sến liềm lình cúa hoang

Liện kê sấy chẹ sên liềm đía

Lậu tằn lậu muội kháu càn nám

Sấy kiêm lải lậu thông hành cấu

Mình hây mái mại dạ phầy làng

Phiếu tham phiếu dấm mài miền búa

Mai húa mai miền thắm quế hang

Ngó kênh sằng ba mái pậu xiết

Kè cóng đùng đuôi gái xuất hang

Đại Sơn làm giầu từ cây quế

Thâm canh cây lúa pú mềnh hang

Mài đặng pé hồ phòng biến sấy

Lải ca guần hấy dẩm phây lang

Pháng chụ chín hoi phìn khấu sấy

Kiêm sấy nhụt mềnh chui miền hang

Dằn tằn tú cành xiêm cấu

Cành xiêm día cấu thính vần hang

Dịch nghĩa:

ĐÊM TRĂNG NHỚ BÁC

Đêm trăng nhìn trời thêm nhớ Bác

Đêm thanh trăng sáng tỏa ngàn hương

Nhớ Đảng, Bác Hồ minh tâm chí

Xua tan sương gió hiện thái dương

Được thấy thất tinh bảy vị chói

Được thấy nguyệt minh rọi khắp làng

Được thấy thanh sơn vô vàn sáng

Bạn chốn an lạc hảo hoan lương

Bầu trời trăng thanh sao sáng loáng

Thôn bạn lập là đèn điện quang

Nghĩ đến tiền sự người Dao ta

Trú tại Lâm Sơn hoang dã nhà

Du canh dựng nhà nơi xa vắng

Đường đi lối lại lắm gian nan

Ngày nay đại lộ thông hành khứ

Du chợ bán buôn được thanh nhàn

Khai xuân khởi sự hữu nhân giáo

Mua bán có khách đến tận nơi

Trường kỳ kháng chiến ắt thành công

Gà trống đung đưa vọng khắp bồng

Đại Sơn làm giàu từ cây quế

Thâm canh cây lúa chính nuôi thân

Có Đảng, Bác Hồ luôn sống mãi

Đại gia hoan hỉ bất tơ vương

Nhớ đến ngày xưa cực khổ lắm

Kim tuế nguyệt minh chiếu sáng ngời

Đêm thanh nhìn trời cao ngan ngát

Lặng nghe rừng hát vọng vang xa

 

DÌU MIỀN YÊN BÁI

 

Dìu miền Yên Bái chúa puẩn pé

Hấu pẹ xan tang tá pán nhiền

Hải phín dìu miền có trẩy vả

Khé giảng chuông tài chỉa khính dồng

Dào dìu pun tài pua pĩe phính

Tát pán pun tài trấu có hô

Tá pán rì nhiền trong trú xí

Tào pá xiền ôi chiáng phiếu khoa

Hồng pú xai xin triàng puồng cáo

Vín vỉu khán tài năng nhụt khoa

Xan tang chán chối hấu tráu hệp

Pẹ phín phái phơi thíp nhiêu khoa

Hấu pẹ kít huân trú hấu pẹ

Lui tom pẹ pủ phiếu lìn khoa

Phúng thiêu tháo hiang thờ pịa cha

Chán trấu phiêu tài trú lui đáo

Máo náng diàng  tào triêu khú khan

Trang trú vuần khoa náng mô típ

Hàng dì hoa tháo mòng di nhiền

Màu nhiên liỏng ôi thìàng xì diến

Lui nóng thầu còng láo xa ló

Tuổi tào chê mài phỏng liến

Liến cao liến ai chính hón chê

Buổn lào buổn thinh chòn chẩy báo

Tá bòn bèo đao bệ bèo dào

Phên thí cành thuôm ním nhìn nhình

Phẩy bổn xí nhìn nhiến buổn tìm

Phuất chẩu phênh liền chiệp bết phùi

Quá tăng sành dịp chính dìu miền

Nhào nhìm phái sôn thí sơn nhất

Phấy lọ nhiên nhìn phẩy nhiềm chê

Phiên dịch:

NGƯỜI DAO YÊN BÁI

 

Người Dao Yên Bái chín phần trăm

Người Động, Xá, Muồn cùng là Dao

Người Dao có tiếng nói riêng

Chữ nho chữ hán giống người Hmông

Người Dao gồm có ba bốn nhóm

Đỏ, Chẹt, Trắng, Tuyển cũng là Dao

Dao Đỏ phụ nữ trang phục đỏ

Đầu đội khăn thêu yếm cũng thêu

Áo thêu quần thụng thắt lưng đỏ

Tua nhiều bông đỏ như nhiệt hồng

Dao Chẹt phụ nữ ống quần hẹp

Bó sát vào chân và rất hẹp

Dao trắng tân hôn mặc quần trắng

Yếm tà áo trắng thêu nhiều hoa

Đưa dâu đến làng phải hát xin

Xin vào hát bản xin vào nhà

Dao Tuyển thì mặc áo dài

Mũ nhỏ bằng gỗ nhìn rất hay

Trang trí hoa vải nhiều màu sắc

Cỏ cây động vật với hình người

Đàn ông gồm có hai thứ áo

Địa bàn cư trú phải thuận tiện

Giáp ranh vùng thấp với vùng cao

Dao Tuyển, Chẹt nhà nửa sàn nửa đất

Dao Đỏ nhà đất, Trắng nhà sàn

Hình thái sinh sống nông nghiệp chính

Lúa ruộng thì ít nương thì nhiều

Bản sắc sinh trưởng mười tám tuổi

Cấp sắc lên đèn mới là Dao

Người Dao khi sống ăn sinh nhật

Chết xuống âm phủ mới mát lòng

 

KẾT LUẬN:

"Páo dung" là hát nói chung nên nội dung của nó vô cùng phong phú, đó là những vần thơ dân gian được ghép với các tiết tấu, các giai điệu và sử dụng như những tác phẩm âm nhạc.

"Páo dung" phản ánh nhiều mặt của đời sống sinh hoạt xã hội của cộng đồng, thể hiện lịch sử xã hội truyền thống của tộc người, có sức tố cáo xã hội gay gắt, bênh vực người yếu, ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu lứa đôi.

"Páo dung" được lưu truyền lâu đời trong cộng đồng, có ý nghĩa trao truyền, giáo dục các thế hệ tộc người, ôn lại quá trình lịch sử tộc người, đề cao đạo lý, tình yêu con người, yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá.

"Páo dung" thể hiện nghệ thuật dân ca, ngôn ngữ của tộc người. Nghệ thuật chuyển tải hiện thực đời sống xã hội vào thơ ca vô cùng đặc sắc, thể hiện trình độ văn học, ý nghĩa khái quát cao của tộc người.

Với vai trò và ý nghĩa như vậy, "Páo dung" xứng đáng được nghiên cứu và bảo tồn nhằm phát huy giá trị của nó trong cộng đồng cũng như tới các tộc người khác và bạn bè quốc tế.

BAN BIÊN TẬP CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

6310 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h