Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Khơ Mú

11/03/2020 13:43:25 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 1.539 người Khơ Mú sinh sống tập trung tại 9 huyện thị xã, thành phố. Trong đó có 760 nam, 779 nữ, tập trung đông nhất ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Thị xã Nghĩa Lộ, Văn Yên.

Cô gái Khơ Mú duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc

Ngoài tên gọi Khơ Mú, đồng bào còn có tên gọi Xá Cẩu hay người Xá, ở những nơi khác, người Khơ Mú còn có tên gọi khác là Pu Thênh, Tày Hạy, Tềnh... Người Khơ Mú có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me (thuộc dòng ngôn ngữ Nam Á).

Theo các nhà nghiên cứu, người Khơ Mú di cư từ Lào đến Việt Nam khoảng trên 100 năm. Các cụ già ở xã Nghĩa Sơn kể lại người Khơ Mú từ Lào đến Sơn La, Lai Châu rồi tới xã Nghĩa Sơn - huyện Văn Chấn - tỉnh Yên Bái.

Địa hình cư trú người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn chủ yếu là núi cao, đất dốc, ít có nơi phù hợp để khai phá làm ruộng nước. Đồng bào sống chủ yếu bằng nương rẫy, mới khai phá và trồng thêm lúa nước từ năm 1960 trở lại đây.

Ngoài nguồn thu từ cây lúa, đồng bào Khơ Mú còn trồng các hoa màu khác như ngô, sắn nhưng sắn vẫn là cây chủ lực, trồng các loại cây công nghiệp như cây chè, quế nhưng quế mới chỉ là cây thử nghiệm. Là dân tộc có ít người, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn được hỗ trợ về con vật nuôi và giống cây trồng. Hiện nay, đồng bào đã trồng thêm được một số loại cây ăn quả, trong đó, cây mận phát triển tốt nhất. Chăn nuôi trâu, bò, lợn cũng được chú trọng tại đây.

Dân tộc Khơ Mú gắn bó với nương rẫy, khác với văn minh lúa nước của người Thái nên có câu “Người Thái ăn theo nước, người Xá ăn theo lửa”. Từ kinh tế nương rẫy truyền thống mà dân tộc Khơ Mú đã đúc kết cho mình kinh nghiệm sản xuất canh tác, dựa vào trời mây, con vật di chuyển để đoán biết thời tiết để trồng lúa nương, lúa nếp, lúa tẻ, trồng ngô, khoai, sắn, bầu bí. Phương tiện làm nương là rìu, dao, cuốc, xẻng. Phương tiện tra hạt là gậy gỗ đặc để chọc lỗ bỏ hạt. Ngoài trồng trọt, đồng bào chăn nuôi trâu, lợn, gà để phục vụ đời sống và nghi lễ. Do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát nhất là đan các dụng cụ gùi, thồ, chứa đựng rất phát triển và trở thành nghề truyền thống, ngoài phục vụ trong sinh hoạt gia đình, đồng bào còn đem các sản phẩm này xuống chợ vùng thấp đổi cho người Thái, Mường lấy vải vóc, quần áo, trang sức cá nhân. Trong các vật đan lát thì Eng là phương tiện vận chuyển thông dụng, tiện lợi được đan rất cầu kỳ. Eng tựa như chiếc gùi của người Mông nhưng miệng lại có quai to, giữa quai là mảnh vải đệm, vắt qua trán người, tạo nên điểm tựa lưng và trán, làm cân đối giữa lực cơ thể và trọng lượng cơ thể.

Trang phục của người Khơ Mú Yên Bái chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái Đen. Khăn piêu, áo cỏm đen, xài ẻo, váy bằng vải đen, hàng mắc pém hình khối chữ nhật đối diện. Riêng ngực áo Cỏm, dọc hai bên mắc pém có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở. Khăn piêu gần giống như khăn piêu Thái, khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Cách đội khăn piêu của người Khơ Mú khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của người Thái. Khi đội khăn, người Khơ Mú đã biết tạo cho mình một phong cách riêng biệt, trước khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn tóc cho búi tóc đẹp. Sau đó, chị em mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, một đầu khăn thả sau gáy, buông quá vai xuống lưng, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn. Bằng cách phối nhiều màu sắc và kỹ thuật thể hiện, các mô tít hoa văn trên khăn piêu trở nên vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ mang tính đặc trưng riêng. Trang phục của nam giới gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.

Người Khơ Mú ở nhà sàn, thường làm ba gian trên diện tích đất không cần rộng lớn, bằng phẳng, vật liệu làm nhà trước đây của đồng bào chủ yếu là tre nứa và cỏ gianh, ngày nay nhà ở của người Khơ Mú đã kiên cố. Điều đáng chú ý nhất là trong nhà có ba chiếc bếp, bếp ở gian thứ hai nấu nướng thông thường, bếp giáp hàng cột cái của vì cột thứ ba để đặt lễ thờ cúng, gọi là bếp cúng và bếp trong cùng chỉ để xôi cơm biểu thị sự no đủ sung túc. Khách lạ không nên đến hai bếp này vì theo quan niệm của đồng bào, dễ đem điều rủi ro đến cho chủ nhà.

Vết tích tôn giáo còn thể hiện khá rõ nét ở người Khơ Mú. Dòng họ của người Khơ Mú đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây, cả dòng họ phải kiêng ăn loài đó. Ví dụ họ Lèo ăn kiêng thịt con Cầy hương, họ Lường kiêng ăn lá rau rớn, họ Vì kiêng ăn chim chích chòe, họ Mè kiêng ăn con chim ri, họ Hoàng kiêng ăn thịt hổ, mèo, cáo. Các thế hệ dòng họ đều nhớ về lai lịch tổ tiên của họ mình và cùng nhau ra sức bảo vệ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dòng tộc.

Quan hệ hôn nhân được chú trọng. Khi hai bên cha mẹ bằng lòng gả con cho nhau thì đôi trai gái được tự mình quyết định cuối cùng. Nếu đôi lứa không tự nguyện thì cha mẹ, dòng họ cũng không ép buộc. Nhờ vậy gia đình trẻ Khơ Mú sống gắn bó hạnh phúc, không mấy khi xảy ra bất hòa. Lễ cưới hỏi thường diễn ra qua các bước: Tìm hiểu (dụm); dạm hỏi (Manh căm brạ); đưa rể về nhà vợ (Vécsrông gút căm brạ); nộp lễ vật (Mang Kmul kha rua); tổ chức lễ cưới (Su ghê su căm brạ hay cươi căm brạ); đưa dâu về nhà chồng (gát găng ghê); đưa rể lại mặt nhà vợ (gai hấp êm). Sau lễ cưới, chú rể ở một hai năm rồi tách thành gia đình riêng hay tiếp tục ở chung với gia đình bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng tùy theo hoàn cảnh cụ thể và sự thỏa thuận. Trong hôn nhân và xây dựng cuộc sống của gia đình trẻ, người cậu ruột thịt trong họ có tiếng nói rất thuyết phục, thậm chí có vai trò quyết định đối với cuộc sống hôn nhân của các cháu.

Do tập quán sản xuất nương rẫy nên từ nhiều đời nay, đồng bào Khơ Mú nói chung và người Khơ Mú ở Yên Bái nói riêng cho rằng hành động trong đời sống hàng ngày đều do các thế lực siêu nhiên chi phối, do đó, họ dựa vào siêu nhiên để chống lại siêu nhiên. Lực lượng siêu nhiên ấy đồng bào gọi chung là Hrôi (ma), các Hrôi chính là Hrôi lvang (ma trời), Hrôi Plee (ma đất), Hrôi Pru đông (ma nước), Hrôirvát (ma nhà)...Các Hrôi sống hiền lành cùng con người, nhưng khi con người làm trái ý thì sẽ “phản” lại gây tai họa cho người và vật. Do vậy, một năm người Khơ Mú có khá nhiều thời điểm thực hiện các nghi lễ thờ cúng ma bản (Hrôi cung), ma mường (Hrôi Phrông). Đồng bào cũng rất coi trọng các vật thể có công giúp đỡ con người. Sau mỗi vụ thu lúa nương, gia đình làm lễ “đón mẹ lúa” (Grơ mạ ngọ) bao giờ cũng làm thủ tục tạ ơn con trâu, cái rìu, cái cuốc, con dao... trước khi gia đình ngồi vào mâm cơm cỗ.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Khơ Mú khá độc đáo, bàn thờ tổ tiên của người Khơ Mú là một bếp lửa được đặt ở trung tâm gian nhà thứ 2 từ ngoài vào, nơi đây có một chiếc cột thông lên mái nhà và trên đó có một dàn tre mà đồng bào quan niệm đó là nơi ngự của tổ tiên mỗi khi gia đình có việc hệ trọng cúng mời tổ tiên về dự cùng. Nghi thức cúng rượu cần cho tổ tiên là một nghi thức đặc biệt quan trọng và rượu cần chỉ được làm để cúng tổ tiên vào các dịp như cưới xin, làm nhà mới và các lễ nghị đặc biệt quan trọng trong năm của gia đình.

Người Khơ Mú có tục lệ khi gia đình có người chết thì con rể hay cháu rể có hiểu biết, có uy tín sẽ chủ trì tang lễ. Lễ tang người Khơ Mú mang những nét riêng như: Không đánh trống, thổi kèn mà thỉnh thoảng gõ một tiếng chiêng, khi đưa tang lấy tro bếp rắc sau quan tài để xua đuổi ma xấu.

Dân tộc Khơ Mú trước cách mạng tháng Tám sống rất khổ, suốt đời chỉ đi làm phu phen, nô dịch cho bọn phìa, tạo, thống lý của các dân tộc khác. Sau cách mạng, đồng bào mới được tự do làm ăn, không bị áp bức, bóc lột. Nghe theo Đảng, người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn đã chuyển xuống sống tập trung định canh, định cư nên đời sống đã ổn định và có bước phát triển. Có truyền thống yêu nước nồng nàn, trong những năm tháng đánh giặc cứu nước, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn đã thành lập đội du kích thu hút nhiều người tham gia, bảo vệ làng bản; thành lập tổ liên lạc đưa đón cán bộ, bộ đội vào vùng địch tạm chiếm và ra vùng tự do an toàn; xây dựng cơ sở cách mạng trong làng nuôi giấu cán bộ, thương binh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Nghĩa Sơn đã nhiều lần tiễn những người con ưu tú lên đường ra trận và lập được nhiều chiến công.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái" do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

10957 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h