Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Lục Yên giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày

25/08/2021 13:42:04 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Huyện Lục Yên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, gồm 24 xã, thị trấn. Toàn huyện có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 53%, kinh 16%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Nùng, Mông, Thái, Cao Lan,…Với 18 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng biệt, tuy nhiên, dân tộc Tày với tỷ lệ nhiều nhất và nổi tiếng với những làn điệu khắp cọi, hát then, những bộ trang phục truyền thống đã và đang được phát huy và mang lại nhiều dấu ấn đối với du khách thập phương khi đến thăm Lục Yên.

Tuổi trẻ Lục Yên giữ gìn nét văn hoá truyền thống quê hương

Điểm nổi bật đầu tiên khi nhắc đến dân tộc Tày đó chính là nhà sàn. Với truyền thống lâu đời cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, ý chí vươn lên trong cuộc sống, người Tày rất quan trọng việc dựng nhà. Nhà ở của người Tày chủ yếu là nhà sàn, dùng vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương, lợp bằng lá cọ, Sàn được dát mai, diễn hoặc ván, cửa được lịa bằng gỗ. Mỗi ngôi nhà có từ ba đến năm gian, hai trái, có những vùng đời sống nhân dân khá giả còn làm thêm cả nhà bếp gồm 2 gian. Giữa gian đặt bếp, ngọn lửa được duy trì thường xuyên, dùng để sưởi về mùa đông và đun nước uống, ít khi nấu nướng ở đây. Những đêm đông trời lạnh, quần tụ xung quanh bếp lửa hồng, cả gia đình người Tày nhiều thế hệ cùng thảo luận việc đồng áng, trẻ em nghe người già kể chuyện cổ tích, những lời dạy bảo... tạo nên một lối sống lành mạnh giữ tình thân ái.

Đồng bào Tày Lục Yên có phong cách sống sôi nổi, mạnh mẽ, lãng mạn. Những dịp tết Nguyên đán, lễ Tăm Khảu Mảu, lễ cưới của bạn bè, họ hát giao duyên suốt ngày đêm. Những bài Khắp cọi được duy trì từ đời này sang đời khác. Hằng năm, cứ thu hoạch xong lúa gạo, đưa vào đầy bồ là mọi người chuẩn bị cho vui tết đón xuân, mở hội, thi hát khắp cọi. Tiếng hát khắp cọi đã làm vơi đi những nỗi vất vả đêm ngày, tâm hồn thanh thản, trong sáng, tự tin như hoa mùa xuân đang nở.

Mỗi một dân tộc đều có những trang phục riêng, mang những nét đặc sắc riêng và dân tộc Tày cũng vậy, nếu như ở dân tộc Dao là những bộ trang phục rực rỡ, nhiều màu sắc thì ở trang phục của người Tày chủ yếu là màu chàm đen được và trang trí rất ít hoa văn. Tuy nhiên, chính màu chàm chủ đạo trên trang phục của người Tày lại là điểm nhấn cho những hoa văn nhỏ, và tượng trưng cho bàn tay khéo léo, sự cần cù, chăm chỉ lao động của người dân tộc Tày. Phụ nữ Tày mặc áo năm thân có thắt lưng bằng vải chàm gấp lại buộc phía sau. Ngày thường mặc áo ngắn với váy hoặc quần, áo ngắn may không cổ kiểu giống áo bà ba. Đàn ông mặc áo tứ thân cổ tròn, khuy vải hoặc cúc và quần lá tọa. Phụ nữ thường đội khăn nhuộm chàm, khăn vuông gấp xéo, đuôi khăn lật về phía sau. Đàn ông chỉ đội khăn xếp dịp lễ tết, đặc biệt là lễ đón dâu, hoặc đi ở rể. Đồ trang sức chủ yếu dùng chất liệu bằng bạc, như vòng cổ, vòng tay, dây xà tích...

Nghề thủ công truyền thống như trồng bông dệt vải đã phát triển từ rất sớm, nghề nuôi tằm để lấy tơ dệt dây dao cũng có mặt trong văn hoá của người Tày nơi đây từ lâu. Hoa văn dệt trên vải thổ cẩm phong phú, đa dạng, riêng dây dao gồm 27 hình tượng, mỗi hình tượng gắn với một truyện dân gian có nội dung giáo dục tình người sâu sắc. Ngoài ra còn có nghề đan lát cũng mang rất nhiều nét đặc sắc, riêng biệt. Sản phẩm đan lát của người Tày được làm ra rất tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chẻ lạt, và đan và tạo ra rất nhiều sản phẩm sáng tạo, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như giỏ, làn, ngọc, sọt, mê…

Đám cưới của người Tày được tiến hành qua nhiều nghi thức độc đáo và đặc sắc, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống được thực hiện trong đám cưới truyền thống mà trong đó có hát quan làng (hát trong đám cưới của ông mối) là một trong những nghi thức sinh hoạt đặc sắc nhất vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Lễ cưới truyền thống từ khi làm quen được với nhau sẽ trải qua các giai đoạn chủ yếu, thưa chuyện với gia đình thông qua ông mối, lễ dặm ngõ, lễ cưới, lễ lại mặt, tết ông mối.

Sinh hoạt ẩm thực của người Tày thường ngày giản đơn, được chế biến từ gạo, sắn, khoai, măng, rau, cá, rau rừng, rong suối. Những ngày tết được chế biến cầu kỳ hơn. Những món cơm lam, măng nhồi nhân thịt, vịt bầu, canh khâm kì, măng chua, thịt mắm, cơm lam, cơm ngũ sắc, rau dớn là đặc sản của người Tày huyện Lục Yên.

Và điểm đặc sắc hơn cả đó chính là truyền thống hiếu khách, đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Tày, điều đó thể hiện ở việc bà con nhân dân giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, khi có việc hiếu, việc hỉ và sẵn sàng giao lưu, giúp đỡ các dân tộc khác.

Ngày nay truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc Tày ở huyện Lục Yên luôn được bảo tồn, khai thác và phát huy trong sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, cùng với các tộc người khác trong tỉnh, người Tày đang góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển quê hương Yên Bái ngày một giàu đẹp./.

2162 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h