Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Phù Lá (Xa Phó)

13/03/2020 17:22:54 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 967 người Phù Lá sinh sống tập trung tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 478 nam, 489 nữ, tập trung đông nhất tại huyện Văn Yên, số ít sống tại Thành phố Yên Bái; Thị xã Nghĩa Lộ và các huyện: Lục Yên; Trấn Yên; Trạm Tấu; Văn Chấn.

Dân tộc Phù lá Yên Bái

Nhóm Phù Lá ở Yên Bái có tên gọi là Xa Phó, ngoài ra còn thường gọi là Lâpvaxơ. Ngôn ngữ đồng bào Xa Phó sử dụng thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (trong dòng ngữ hệ Hán - Tạng), có tiếng nói riêng, song không có chữ viết riêng.

Nơi cư trú của đồng bào Phù Lá xưa kia ở trên vùng núi cao, xa xôi cách trở, tuy nhiên từ sau những năm 60 với chính sách hạ sơn của Nhà nước, đồng bào Phù Lá ở Yên Bái đã định cư ở những triền núi thấp, gần sông Hồng và phát triển canh tác lúa nước ngoài lúa nương truyền thống. Đại bộ phận người Phù Lá sống ở xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) ở nhà sàn. Cách bài trí trong nhà của người Phù Lá cơ bản giống nhau, bàn thờ tổ tiên đặt ở gian giữa nơi nối hai tấm vách, bên cạnh có mở một cửa giả, gọi là “cửa ma”, nơi thờ có cắm vài cái lông gà, một tờ giấy vàng và một gói lá nhỏ giắt trên liếp, cửa này chỉ mở ra khi cúng lễ, đây chính là nơi thờ tổ tiên của đồng bào, vị trí quan trọng nhất trong nhà và là nơi diễn ra lễ cúng tổ tiên chính thức vào dịp tết Nguyên đán. Nhà sàn có cửa lên xuống ở hai đầu hồi. Nhà đất mở ở chính gian giữa. Ngoài nhà ở các gia đình đều đã làm nhà phụ để chứa thóc trên nương rẫy. Phương tiện xay giã hiện nay vẫn còn phổ biến giã bằng tay hoặc bằng cối nước.

Kinh tế truyền thống của người Phù Lá ở Yên Bái là kinh tế tự cung tự cấp, chủ yếu dự vào nương rẫy với phương pháp canh tác thô sơ trọc lỗ tra hạt như một số tộc người thiểu số khác cư trú trong vùng. Từ khi hạ sơn về định cư tại các vùng thấp như hiện nay đồng bào đã chuyển sang canh tác ruộng nước, kết hợp với kinh tế vườn rừng đã từng bước cải thiện đời sống khó khăn trước đây trước đây. Đồng bào cũng phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà… Ngoài ra còn nuôi cá trong các thùng đấu nhỏ ở gầm sàn, ở ao và ruộng nước.

Các nghề phụ gia đình ở đồng bào Phù Lá cũng khá phát triển. Đáng chú ý hơn là nghề đan lát bằng mây tre, trúc, các đồ đựng quần áo, thức ăn… với nhiều loại, tạo dáng hoa văn màu sắc sặc sỡ được sử dụng trong gia đình và được mang trao đổi mua bán. Đàn ông người Phù Lá rất giỏi làm nỏ và bắn nỏ, nhất là kỹ thuật sản xuất và sử dụng tên tẩm thuốc độc để săn bắt thú lớn. Phụ nữ lo việc trồng bông dệt vải, tự túc trang bị vải mặc cho gia đình. Trong các khâu đoạn dệt họ không dùng sa quay sợi mà dùng tay kéo con trượt. Dụng cụ sản xuất là cày, cuốc, dao tay, dao phát nương…

Về văn hóa ẩm thực: Cơm tẻ là lương thực chính trong bữa ăn, gạo nếp thì nấu hoặc đồ xôi. Ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn và các loại củ như: Khoai sọ, củ mài, củ từ… Trong tiếp khách cũng như trong sinh hoạt thường ngày, đồng bào thích ăn các loại cá, các loại rau quả bầu, bí, ớt giã với các loại rau thơm, quả bùi. Thịt muông thú săn được, người ta sấy khô để dành thức ăn cho ngày mùa. Người Phù Lá có ý thức tương trợ lẫn nhau, từ việc phát nương, tra lúa, làm nhà ở, đến ma chay, cưới xin, nhà nào cũng có việc thì cả làng đến giúp.

Về trang phục của người Phù Lá ở Yên Bái, trước đây đàn ông thường để búi tóc trên đỉnh đầu và thường búi khăn, với trang phục nổi bật là chiếc áo xòe ngực, không có cổ riêng, thân áo được đính nhiều hạt cườm thành những hình chữ thập. Trang phục của người phụ nữ đáng chú ý là áo chui đầu cổ vuông, áo ngắn, không che kín cạp váy nên có thêm dải thắt ngoài cạp, cổ áo, tay áo, thân áo, đều cắt thẳng không có đường lượn phần dưới và vạt áo đều thêu các hoa văn hình quả trám, hình vuông, hình tam giác và những hình gấp khúc được bố trí nhắc đi nhắc lại. Phần trên đính hạt cườm thành những đường thẳng song song kẻ xuống ngực và lưng. Thắt lưng của người phụ nữ được trang trí bằng toàn bộ vỏ ốc núi. Chiếc váy đều may kín phần cạp nhỏ hơn gấu, gấu váy được thêu nhiều đường hoa văn với nhiều kiểu loại. Xưa kia phụ nữ Phù Lá thường nhuộm răng bằng cánh kiến đỏ, họ coi đó là một yếu tố thẩm mỹ.

Thiết chế xã hội người Phù Lá trong xã hội phong kiến là chế độ phụ quyền, căn cứ vào quan hệ truyền thống xa hay gần mà định trên dưới, theo một thứ tự tôn ty rất nghiêm ngặt.

Về họ tộc: Tộc biểu thị quan hệ thân thuộc của gia đình, mỗi người chịu sự chi phối của hai hệ thống tộc: Cửu tộc (chính họ) và Tam tộc (ba họ). Cửu tộc là chính thế hệ, lấy một người làm chuẩn thì trên là cha (phụ), trên cha là ông (tổ), trên ông là cụ (bằng tổ), trên cụ kị hoặc cố (cao bằng tổ), dưới chắt là chút (tằng tăng tôn). Lấy huyết thống làm nguyên tắc người cùng họ không được lấy nhau, ai phạm điều cấm kỵ ấy đều khép vào tội loạn luân. Trước đây người Phù Lá có tục khi anh trai chết thì em trai phải lấy chị dâu làm vợ, trừ trường hợp chênh lệch tuổi tác quá lớn. Trong gia đình ngôi trưởng đích hệ là rất quan trọng, lấn áp hàng thu. Quyền của người cha đối với con là tuyệt đối, con đối với cha phải ăn ở hết đạo hiếu.

Hôn nhân của người Phù Lá, xưa kia hoàn toàn do cha mẹ quyết định. Ngày nay, trai gái Phù Lá ở Yên Bái được tự do tìm hiểu, con trai đến nhà con gái thổi khèn môi làm hiệu, người con gái mở cửa cho vào nói chuyện. Khi đôi trai gái thỏa thuận họ thưa với bố mẹ.

Tục cưới xin gồm nhiều nghi lễ phức tạp (Tùy theo từng nhóm mà có nghi lễ riêng). Thông thường phải qua mấy bước: Lễ đánh trống, lễ rạm hỏi, lễ ăn hỏi chính thức và lễ cưới. Nét đặc trưng nhất trong hôn nhân là tục buộc chỉ trắng cổ tay cho cô dâu, chủ rể và người dẫn đường (phù dâu, phù rể). Đứa trẻ khi mới sinh được bà đỡ và bố cầu mong cho mọi sự tốt lành. Ngày đặt tên do bố mẹ chồng buộc chỉ cho con dâu. Tục ma chay của người Phù Lá ở Yên Bái có những nét rất riêng biệt. Mộ đã chôn rồi người thân tuyệt đối không được đến. Bàn thờ là một tấm vách nhỏ cài đặt chính giữa vách của gian giữa nhà (thẳng nơi đặt bếp). Các lễ cúng đặt mâm trước tấm cửa này và chỉ khi nào có người chết đột ngột, chết trẻ thì mới làm lễ mở của đuổi ma, đồng bào đưa tiễn người quá cố theo nghi lễ dân tộc trang trọng. Sau 12 ngày kể từ ngày mai táng gia đình quá cố làm lễ sửa mộ, người Phù Lá không có lễ bốc mộ, mỗi gia đình đều có một bếp chính đặt thẳng cửa ma. Mỗi khi cúng tổ tiên thì cúng bếp, bếp được đặt khi dựng nhà mới.

Về nhạc cụ tiêu biểu là trống, trống được bưng bằng da thú, có nhiều loại trống: trống đại, trung, tiểu. Trống đại hay dùng trong lễ hội, trong việc liên lạc bằng âm thanh của mỗi gia đình. Khi lên nương chỉ cần nghe tiếng trống là có thể biết được trống của nhà ai? Báo hiệu điều gì?...

Các loại nhạc cụ khá phổ biến là bộ hơi gồm: Khèn bầu (ma nhí) và các loại tiêu, sáo… Đặc biệt là sáo cúc kẹ (sáo mũi). Do sống trên những triền núi cao nên âm nhạc và các điệu múa cũng từ đó mà có cung, quãng hẹp. Khuân múa chủ yếu là khuân múa vòng tròn bước đi nhẹ nhàng, theo tiết tấu pha tạp của người Tày, Thái… “Sập sập, xòe” được nhắc đi nhắc lại mô phỏng nhiều lần. Ca hát có hát sinh hoạt, hát ru con, ru em, hát giao duyên, hát mừng đám cưới, mừng được mùa.

Văn học dân gian, chuyện cổ, tục ngữ ca dao của người Phù Lá phản ánh tâm tư, tình cảm của người lao động, ca ngợi tình yêu chung thủy, ca ngợi tài năng trí tuệ của nhân dân.

Kho tàng văn hóa dân gian của người Phù Lá bên cạnh những yếu tố tiếp thu của các dân tộc khác vẫn bảo lưu những nét riêng của bản sắc dân tộc.

Dân tộc Phù Lá là dân tộc có ít người, đồng bào đã vượt qua rất nhiều khó nhăn để xây dựng thôn bản của mình tiến bộ, lành mạnh, góp sức mình cùng các dân tộc ở Yên Bái thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cuộc sống ngày càng phát triển.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

151398 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h