Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Mường

17/03/2020 15:27:06 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 17.401 người Mường sinh sống tập trung tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 8.760 nam, 8.641 nữ, tập trung đông nhất tại các huyện Văn Chấn; Trấn Yên; Thị xã Nghĩa Lộ; Văn Yên; Thành phố Yên Bái.

.

Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (dòng ngôn ngữ Nam Á). Trong gia đình, giao lưu văn hóa, tiếng Mường ở Yên Bái chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Kinh. Đến nay ở Yên Bái chưa phát hiện bộ chữ Mường nào mặc dù theo bộ sử thi dân gian “Đẻ đất, đẻ nước” thì người Mường có chữ viết cổ của mình.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Kinh và người Mường có chung nguồn gốc là cư dân bản địa ở nước ta. Do những nguyên nhân lịch sử, từ khối cộng đồng chung người Mường và người Kinh phân thành 2 dân tộc như hiện nay. Dân tộc Mường sinh sống tập trung đông nhất ở các tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa.

Người Mường ở Yên Bái chủ yếu di cư từ huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ lên từ 300 - 400 năm, một số ít di cư từ huyện Phù Yên tỉnh Sơn La sang.

Đồng bào Mường Yên Bái cư trú chủ yếu trên các thung lũng ven suối, nguồn sống chính của đồng bào dựa vào nông nghiệp, trong đó phần lớn làm ruộng nước. Lúa nước là cây lương thực chính. Ngoài ra cũng làm thêm nương rẫy và trồng các loại cây màu khác như: ngô, khoai, sắn. Đồng bào Mường có nhiều kinh nghiệm làm thủy lợi nhỏ. Để đưa nước vào đồng ruộng, đồng bào thường đắp mương, phai, làm cọn nước. Trước đây hoa màu chủ yếu trồng trên nương nhưng nay đồng bào đã tận dụng thời gian giữa 2 vụ xuân của đất ruộng trồng thêm vụ màu. Cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động và ứng dụng các khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào đồng ruộng, ở nhiều nơi đồng bào đã chuyển từ 2 vụ sang 3 vụ lúa, màu/năm.

Những năm gần đây thực hiện chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, đồng bào Mường đã tích cực phát triển nghề rừng, trồng các loại cây công nghiệp như chè, quế, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm như: lợn, gà, trâu, bò... góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào. Người Mường ở thị xã Nghĩa Lộ còn có thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Đồng bào Mường ở Yên Bái có truyền thống yêu nước, đoàn kết và gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhất là các dân tộc sinh sống cận kề như Kinh, Tày, Thái... Ngày nay quan hệ giữa dân tộc Mường và các dân tộc khác không chỉ được gắn bó bởi quan hệ truyền thống mà có thêm các mối liên hệ khác như thông gia, kết nghĩa.

Dân tộc Mường có nền văn hóa khá phong phú và đặc sắc. Đồng bào thường ở nhà sàn, dáng nhà chững chạc bề thế, thường từ ba đến năm gian, lợp ván thông hoặc cỏ gianh. Nếu nhà sàn Thái có Khau Cút làm biểu tượng thì đặc điểm ở nhà sàn Mường là có 2 cầu thang, cầu thang chính đối diện cổng vào, có hàng song trông như những tấm mắt cáo, hàng song vừa có ý nghĩa giữ an toàn cho người, vừa có ý nghĩa trang trí mỹ thuật. Còn cầu thang phụ ở phía cuối nhà chủ yếu để phụ nữ đi lại.

Trang phục của nam giới thông thường như người Tày, người Thái, quần áo sợi cánh chàm gài khuy vải, còn trang phục phụ nữ rất giống phụ nữ Thái đen: áo Xửa cỏm (thiếu nữ mặc màu trắng, tuổi trung niên màu đen), thắt lưng xanh Xài ẻo, dây bạc xà tích, váy lụa đen. Các nét khác là: Cổ áo trước đây hình chữ V, nay chuyển sang cổ đứng, quanh cổ áo cỏm đứng viền một lượt vải màu xanh hoặc đỏ, hàng cúc thường mang hình đôi ve sầu trông thô đậm hơn đôi bướm. Thiếu nữ không có khăn Piêu, phụ nữ không có tục Tằng cẩu mà đội khăn đen hai đầu khăn khâu chỉ đỏ, chỉ trắng, chỉ xanh,  váy lụa đen dài hơn váy Thái kéo cao đến nách và có cạp màu vải xanh đỏ, trên và dưới gấu váy. Như vậy trang phục phụ nữ Mường Văn Chấn – Yên Bái có ảnh hưởng nhiều của trang phục Thái đen trên cùng địa bàn sinh sống.

Người Mường ở Yên Bái tuy không có chế độ lang đạo và các dòng họ lang đạo Đinh, Quách, Bạch, Hà phân chia cư trú tại các vùng như tỉnh bạn song họ có mối liên hệ rộng và chặt chẽ. Những họ lớn như Hà, Hoàng, Đinh, Phùng có ảnh hưởng không nhỏ tạo nên mối quan hệ đồng tộc trong cộng đồng người Mường ở địa phương.

Tục thờ cúng của đồng bào khá đơn giản, xếp theo thứ tự thờ tổ tiên, bản mường, thổ công, thờ thần linh. Nơi thờ tự tổ tiên thường đặt trên tấm sàn cao sát mái nhà ở mặt tiền gian thứ hai, nơi này chỉ có vị chủ nhà là nam giới hoặc khách quý mới được ngồi hoặc nằm nghỉ. Thờ thổ công đặt ở đầu cầu thang lên, còn thần linh thì lập miếu nhỏ ở ngoài vườn phía đầu trái nhà sàn, vật thờ cúng thường là cơm, rượu, thịt, bánh, hoa quả.

Trong quan niệm tâm linh của người Mường Văn Chấn, trên trời có “Mường trời”. Ngày hội lễ cầu cúng gần với người Kinh nhất là tết Nguyên đán, sau tết là lễ hội Thẩm Han tưởng nhớ nàng Han, nhân vật truyền thuyết của người Mường Văn Chấn có công đánh giặc giữ đất. Riêng rằm tháng bảy thì ảnh hưởng tết síplxí của người Thái, các lễ khác như lễ hội xuống đồng (Khuông mùa), lễ hội cầu mưa (vào tháng tư), lễ rửa lá lúa (tháng 7,8)...chủ yếu là sinh hoạt của Mường Hòa Bình và Thanh Hóa, ít có ở Yên Bái.

Các điệu múa đặc trưng của đồng bào Mường Yên Bái là múa mỡi, múa nàng tiên, múa trống tu. Sau tết mọi người cùng tổ chức vui múa mừng năm mới có nhiều điều tốt đẹp. Đối tượng được mời trong điệu múa là thầy mo, mời thầy mo ra sàn diễn uống rượu và cùng nhẩy múa. Nhạc cụ phục vụ cho múa là bốn ống nứa do bốn diễn viên cầm dùng đầu ống xuống sàn nhà được tạo thành âm thanh; một chiếc trống cái và một chiêng đồng đánh theo nhịp múa; một cây bông làm bằng giấy hoặc vải và một mâm hoa quả có hương nhụy làm tăng sự linh thiêng cho các đường múa của vị mường mo. Mọi người vui vẻ múa vòng quanh thầy mo, diễn viên khéo léo mô phỏng thể hiện các động tác trồng lúa, gặt lúa, mời cơm, mời rượu, rồi một số động tác săn bắn, bắt cá suối, trồng bông dệt vải vv... còn thầy mo thì làm động tác ngồi uống rượu nghiêng ngả theo các nhịp múa. Múa mỡi thể hiện chất lãng mạn của con người, con người luôn cầu mong có thần linh phù trợ để hòa nhập với trời đất làm cho mùa màng tươi tốt, chim thú đầy đồng, đầy sân, nhà nhà vui tươi khỏe mạnh. Ngoài múa mỡi người Mường thường sử dụng nhạc cụ độc đáo như: đàn môi, dây nói ví, pí ôi, đàn tính có giai điệu riêng...

Sinh hoạt ăn uống của người Mường cũng đậm nét văn hóa ẩm thực. Cơm tẻ là lương thực chính, cá suối to mổ phía lưng thành hai mảnh rồi đem nướng, ngoài cá suối nướng còn có cá ướp thính, cá làm mọc, thịt trâu sấy khô, và nhiều món ăn như người Thái, người Tày. Về bánh: người Mường không thể thiếu bánh ống, bánh ống gói bằng gạo nếp trông gần như bánh chưng của người Tày nhưng chỉ buộc năm lạt gọi là Phẻn oổng. Mỗi dòng họ trong đồng bào Mường lại có tục ăn kiêng khác nhau. Họ Hoàng kiêng ăn thịt chim chích chòe, họa my, cuốc, họ Phùng kiêng ăn thịt hổ, mèo...

Lễ hỏi - cưới của dân tộc Mường diễn ra theo các bước: dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới. Trước ngày cưới cô gái phải chuẩn bị từ ba đến năm bộ chăn, gối, đệm đưa về nhà chồng, số của hồi môn tự tay nhà gái làm ra này sẽ tặng cho từng người: Bố, mẹ, chồng, ông bà nội nếu có, còn nhà trai phải lo các lễ vật bạc trắng, một đôi yếm và bốn sải vải, rượu, gạo, thịt, đôi vòng tay vòng cổ bằng bạc cho cô dâu và mẹ vợ. Ngày cưới nhà trai phải lo đủ số mâm cỗ mà nhà gái yêu cầu, cử người sang đun nấu mời nhà gái ăn. Chú rể có thể ở rể hoặc không ở rể tùy theo yêu cầu của nhà gái. Ngày nay, các lễ vật có giảm hơn, hai bên gia đình bàn bạc thống nhất tổ chức lễ hỏi cưới cho phù hợp.

Đám tang của người Mường Yên Bái đơn giản, chủ yếu theo sách Thọ mai gia lễ, chỉ riêng có tục đi cầu là phải duy trì. Tục này sử dụng một tấm vải trắng dài khoảng năm mét, mọi con cháu nâng trên vai từ lúc truy điệu đến lúc hạ huyệt cho hồn người chết về mường trời được thanh thản. Trước đó ông mo cắt mỗi con cháu một nhúm tóc nhỏ bỏ vào chiếc nong đặt bên áo quan. Sau ba ngày có tục mở cửa mả, nghĩa là làm nhà mộ, trồng cây sả, cây gừng quanh mộ người quá cố.

Văn học dân tộc Mường Việt Nam nói chung rất nổi tiếng. Bộ sử thi: Đẻ đất đẻ nước, bộ mo thi mo Mường và bộ đang “vần va” có ảnh hưởng sâu sắc đến người Mường ở các địa phương.

Đồng bào Mường Yên Bái coi các bộ thi ca trên là niềm tự hào của dân tộc mình và truyền tụng chúng rộng rãi trong dân gian. Các nghệ nhân Mường Ao Luông (xã Sơn A - Văn Chấn) nay vẫn thuộc và hát những chương trong “Đẻ đất, đẻ nước” hay “vần va”. Bên cạnh kho tàng văn nghệ dân gian chung của cả dân tộc, người Mường ở Văn Chấn còn có sự tích Ao Luông, truyện Nàng Han, Truyện kể về các Mường như: Mường Cúc, Mường Đồng, Mường Sang, Mường Át... Đồng bào còn có nhiều điệu múa hát cổ truyền như hát đang, hát ví...

Là thiếu sót nếu như không kể đến các bài cúng của ông mo, đặc biệt là bộ mo lên trời (mo đưa người chết về Mường trời). Giá trị tư tưởng của Mường lên trời là lòng nhân ái. Ông mo dẫn dắt mọi người đi vào một xã hội hư ảo tốt đẹp, ở đó con người sống có tình cảm, có sự đùm bọc và chăm lo lẫn nhau, mo dạy “ăn cơm cháu phải chào, uống rượu cháu phải thưa, chẳng thưa chào người ta bảo xấu nết”. Những lời như thế trong văn học dân gian Mường, thực sự là động lực tinh thần, góp phần xây dựng gía trị văn hóa làng bản và đời sống văn hóa xã hội của đồng bào Mường ở Yên Bái.

Đồng bào Mường có truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Giữa năm 1945 trong bối cảnh quân Nhật và tay sai của chúng hoang mang tan rã, chủ trương của ta tăng cường hoạt động du kích để giải phóng Mường Lò. Dựa vào các hội viên cứu quốc, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân trong đó có rất đông đồng bào Mường phá các kho thóc ở Sơn A, Gốc Bục... chia cho dân.

Tháng 7 - 1945 sau khi giải phóng Mường Lò, đồng bào Mường đã cùng các dân tộc Tày, Thái, Kinh ở Mường Lò vót chông cắm khắp vùng chống lính Pháp nhảy dù. Trong những năm kháng chiến chống Pháp đồng bào tản cư thực hiện “vườn không nhà chống”. Thanh niên Mường ở lại cùng đội du kích phối hợp với bộ đội chủ lực diệt đồn giặc. Trong những ngày đầu chống Pháp với vũ khí thô sơ là chiếc nỏ, anh Đinh Văn Thọ cùng tổ du kích xã Quy Mông (Trấn Yên) đã diệt được một tên quan ba Pháp và làm kinh hồn toán lính Pháp.

Đầu năm 1947 chi bộ Đảng trong vùng người Mường đầu tiên được thành lập do Đinh Văn Qui là Bí thư đầu tiên. Đến tháng 10/1947 anh bị bắt và hy sinh. Cùng trong thời gian này chi bộ Đảng ở xã phúc Sơn, Thanh Lương (Văn Chấn) được thành lập. Chi bộ Đảng trong vùng đồng bào Mường tham gia cách mạng. Đó là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tiến triển trong quá trình vận động cách mạng.

Người Mường ở Sơn A, Thanh Lương và một số nơi xây dựng các làng chiến đấu vừa làm nhiệm vụ chiến đấu vừa có nhiệm vụ sản xuất sau lưng địch. Đồng bào Mường không chỉ làm nhiệm vụ đánh giặc và sản xuất trên quê hương mình mà còn tham gia vào bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu ở các chiến trường.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều gia đình đã nuôi giấu cán bộ xây dựng cơ sở vùng địch tạm chiếm. Hàng trăm thanh niên đã lên đường cầm súng đánh giặc Pháp, Mỹ, biên giới phía Bắc...Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đồng bào dân tộc Mường ở Yên Bái có hơn 100 liệt sĩ, 50 thương binh. Người Mường đã được tặng gần 1.000 huân, huy chương các loại. Mẹ Hà Thị É (xã Sơn Thịnh, Văn Chấn) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới. Ngày nay đồng bào Mường Yên Bái vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực cùng các dân tộc anh em thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Yên Bái.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

157737 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h