Có những đảng viên trẻ người Mông "miệng nói, tay làm” như Mùa A Páo, Giàng A Sinh, Giàng A Tủa. Đó còn là sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ miền xuôi. Nhiệt huyết của mỗi người dân, mỗi cán bộ ở Trạm Tấu đang nỗ lực cho mục tiêu xây dựng huyện Trạm Tấu xanh rừng - xanh ruộng đồng - xanh nương rẫy.
Người dân huyện Trạm Tấu đưa các giống lúa lai vào gieo cấy. Ảnh minh họa
Sau những ngày vui Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng bào Mông thôn Tà Tàu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu hồ hởi xuống đồng gieo cấy lúa xuân.
Thời tiết sau tết đỏng đảnh như thiếu nữ mới lớn: lúc ấm áp khích lệ trăm hoa nhất tề bung nở, lúc lại lạnh đến thấu xương, mây mù bao phủ trắng trời, để má con trẻ đỏ hây hây trong rét, trai làng gái bản muốn sát lại gần nhau. Khí hậu là thế nhưng cứ hễ thời tiết ấm lên là đồng bào lại khẩn trương xuống đồng để gieo cấy vụ xuân cho đúng khung lịch thời vụ.
Nhà Mùa A Páo ở thôn Tà Tàu năm nào cũng hoàn thành sớm các diện tích gieo cấy lúa. Anh Páo chia sẻ: Tôi là đảng viên trẻ của thôn nên mùa nào thức ấy đều phải thực hiện cho xong sớm còn đi tuyên truyền, vận động các hộ khác. Giờ người Mông không chơi tết lâu nữa nên năm nào ở thôn vụ xuân cũng gieo cấy đúng chỉ đạo của huyện. Anh Páo cho biết thêm, vì nhà neo người chỉ có 2 vợ chồng và mẹ già, con trẻ đã đi học hết nên phải đổi công cho anh em trong dòng họ và các gia đình trẻ khác làm giúp để hoàn thành các diện tích sản xuất sớm nhất. Nhà A Páo cũng mở rộng chuồng trại để nuôi gà thả vườn và chăn nuôi đàn lợn.
Anh Páo tâm sự: Phát triển chăn nuôi vừa có thực phẩm cung cấp cho gia đình vừa có thu nhập. Giờ ra chợ là để bán nông sản và gia cầm, gia súc sạch chứ không phải mua thực phẩm về ăn như trước đây nữa. Cùng cách nghĩ như Mùa A Páo, nhiều gia đình đảng viên trẻ ở Pá Hu như Giàng A Sinh, Giàng A Tủa cũng cần mẫn thực hiện ước mơ làm giàu ngay tại quê hương.
Gia đình Tủa liên tục tăng số lượng đàn gà đen và quảng cáo trên facebook cá nhân đã đắt khách. Nhà Sinh địa hình ít đất hơn thì "chung thủy” với các loại lúa chất lượng cao và nuôi lợn.
Giàng A Tủa giãi bày: Có sức thì nên chăm chỉ làm ăn để có điều kiện cho con cái học hành và có kinh tế ổn định, sau này già không phải vất vả nữa cán bộ ạ. Đất có, rừng có, chỉ cần mình đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật thì có thể làm giàu từ đồng đất quê mình.
Nghĩ được, làm được, cả 3 chàng trai trẻ nay đều là những đảng viên ưu tú, là những người trẻ "miệng nói, tay làm”, được dân bản tin tưởng. Nhờ sự gương mẫu đó mà nay ở Tà Tàu không còn người trẻ kết hôn cận huyết thống, không có gia đình sinh con thứ ba trở lên, trai gái đủ tuổi mới kết hôn. Họ đã góp sức mình cho mùa xuân ở Tà Tàu thêm no ấm, xứng đáng là những hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Đồng chí Mùa A Sùng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: Xã có những đảng viên trẻ nhiệt huyết nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nhiều thuận lợi. Vụ xuân này xã gieo cấy 96 ha lúa xuân, chắc chắn với tiến độ tích cực như hiện nay, xã sẽ về đích trước kế hoạch khung thời vụ. Năm 2021, xã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen đơn vị lao động tiên tiến. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong năm 2021, cũng là sự khích lệ để địa phương quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu xuống đồng đầu năm cùng đồng bào xã Pá Hu.
Ở Bản Công những ngày đầu năm mới người dân ngoài sản xuất lúa ruộng còn tích cực hưởng ứng việc trồng cây đầu năm. Với đồng bào Mông xã Bản Công nói riêng và đồng bào Mông huyện Trạm Tấu nói chung, rừng là nhà, là nguồn sống nên trong những ngày đầu năm mới nhất định phải trồng thêm cây xanh trên đất bản mình. Vì vậy, ở Tà Xùa đầu xuân, đồng bào trong bản nô nức trồng đào, ban và cây tớ dày.
Ông Phàng A Phà - Trưởng thôn Tà Xùa cho biết: Tà Xùa hiện nay đã là khu du lịch nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Mỗi năm Tà Xùa thu hút vài chục nghìn lượt du khách trải nghiệm, vì vậy đồng bào muốn bản mình phải đẹp hơn, đẹp đúng phong cách núi rừng Tây Bắc. Khai xuân ra quân trồng cây, chỉ trong buổi sáng, nhân dân trong xã đã trồng được 500 cây ban, đào và tớ dày.
Rồi đây, Tà Xùa sẽ là một bản du lịch sinh thái ngập trong sắc hoa rừng, trở thành nơi lý tưởng để khách du lịch trải nghiệm. Hiện nay, diện tích rừng bảo vệ quản lý của xã Bản Công là trên 7.000 ha, trong đó rừng trồng sản xuất gần 195ha.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân. Ở Bản Công, ngoài trách nhiệm của các tổ đội bảo vệ rừng do xã thành lập thì chính người dân đã đồng thuận tự nguyện tham gia quản lý, bảo vệ rừng tại thôn bản mình.
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Không chỉ thay nhau tuần tra, kiểm soát các diện tích rừng khi thời tiết hanh khô, gió lào mà mỗi mùa trồng rừng ở đây thực sự trở thành ngày hội sản xuất, khi nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng. Bởi thế, nhắc đến Bản Công không chỉ có một khu rừng Tà Xùa nguyên sơ như khu rừng cổ tích níu chân du khách mà còn có rừng pơ mu Tà Chử được ví như Tam Đảo thứ 2 của Tây Bắc. Với người dân ở Bản Công, trồng rừng không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa giữ nguồn sống cho bản làng, cho con cháu đời sau.
Ông Hờ A Su - người có uy tín ở thôn Tà Chử, xã Bản Công bộc bạch: Người Mông Tà Chử yêu rừng như cuộc sống của mình. Vì vậy, tôi và người dân Tà Chử luôn coi việc trồng rừng đầu năm mới là việc làm quan trọng, có ý nghĩa mong cho một năm những cánh rừng luôn được bình yên, sinh sôi và phát triển để che chở cho bản làng và người dân ấm no hơn. Năm 2022, xã Bản Công có kế hoạch trồng mới 50 ha rừng chủ yếu là thông, pơ mu, cây tô hạp, cây de.
Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: Ngay khi có kế hoạch trồng rừng, xã đã phân bổ diện tích cho các thôn dựa trên khảo sát thực tế của địa phương. Nhờ lợi ích từ rừng mang lại mà những năm gần đây, công tác trồng rừng luôn gặp nhiều thuận lợi; người dân đồng tình ủng hộ, kế hoạch trồng rừng của xã luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao.
Lang thang trên đồng ruộng, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ trong những cánh rừng ở Trạm Tấu, tôi bất giác nhớ tới lời một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn với những ca từ sâu sắc: "Khi nghĩ về rừng cây tôi thường nghĩ về một đời người... Cây đã mọc từ thuở nào, trên đồi núi thật cằn khô...”.
Ở Trạm Tấu để có đồng ruộng xanh, núi rừng hùng vĩ, người dân Trạm Tấu trải qua ngàn vạn khó khăn mà đó là sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ miền xuôi. Họ có duyên với vùng cao để cả đời trăn trở gắn bó với núi đồi, nương rẫy. Tôi cũng đã có cơ hội được theo các cán bộ Ban Quản lý rừng của huyện "lang bạt” trên những mảnh rừng bị cháy xém, chứng kiến những nhọc nhằn khi đôi chân rớm máu vượt núi đồi kiểm tra, đo đạc lại diện tích.
Nhớ những khuôn mặt phờ phạc, lấm lem tro bụi khi thiếu ngủ vào mùa hanh khô, trong đó có anh Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu. Trưởng thành từ công nhân trồng rừng, anh gắn bó với rừng Trạm Tấu hơn 20 năm. Có lẽ không còn mảnh rừng nào ở Trạm Tấu là anh chưa đặt chân đến. Anh Đô phụ trách thôn Khấu Dê, xã Xà Hồ mà đảng viên trong Chi bộ viết đơn xin anh ở lại khi hết nhiệm kỳ. Đồng chí Bí thư Chi bộ có lý do mộc mạc "anh Đô ở đây thì rừng ở đây sẽ phát triển tốt” khiến tôi vô cùng cảm động. Trong xuân sớm, anh Đô cùng những người đồng nghiệp của mình vẫn miệt mài bên vườn ươm, bên cây giống với kế hoạch trồng rừng vụ mới 320 ha.
Anh Phạm Thành Đô chia sẻ: Trạm Tấu là quê hương thứ hai của tôi. Mùa xuân ở Trạm Tấu với tôi chính là rừng không cháy, cây rừng được trồng nhiều hơn và người dân có cuộc sống ấm no từ rừng... Nhiệt huyết của mỗi người dân, mỗi cán bộ ở Trạm Tấu đang nỗ lực cho mục tiêu xây dựng huyện Trạm Tấu xanh rừng - xanh ruộng đồng - xanh nương rẫy.
1831 lượt xem
Theo Báo Yên Bái
Có những đảng viên trẻ người Mông "miệng nói, tay làm” như Mùa A Páo, Giàng A Sinh, Giàng A Tủa. Đó còn là sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ miền xuôi. Nhiệt huyết của mỗi người dân, mỗi cán bộ ở Trạm Tấu đang nỗ lực cho mục tiêu xây dựng huyện Trạm Tấu xanh rừng - xanh ruộng đồng - xanh nương rẫy.Sau những ngày vui Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng bào Mông thôn Tà Tàu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu hồ hởi xuống đồng gieo cấy lúa xuân.
Thời tiết sau tết đỏng đảnh như thiếu nữ mới lớn: lúc ấm áp khích lệ trăm hoa nhất tề bung nở, lúc lại lạnh đến thấu xương, mây mù bao phủ trắng trời, để má con trẻ đỏ hây hây trong rét, trai làng gái bản muốn sát lại gần nhau. Khí hậu là thế nhưng cứ hễ thời tiết ấm lên là đồng bào lại khẩn trương xuống đồng để gieo cấy vụ xuân cho đúng khung lịch thời vụ.
Nhà Mùa A Páo ở thôn Tà Tàu năm nào cũng hoàn thành sớm các diện tích gieo cấy lúa. Anh Páo chia sẻ: Tôi là đảng viên trẻ của thôn nên mùa nào thức ấy đều phải thực hiện cho xong sớm còn đi tuyên truyền, vận động các hộ khác. Giờ người Mông không chơi tết lâu nữa nên năm nào ở thôn vụ xuân cũng gieo cấy đúng chỉ đạo của huyện. Anh Páo cho biết thêm, vì nhà neo người chỉ có 2 vợ chồng và mẹ già, con trẻ đã đi học hết nên phải đổi công cho anh em trong dòng họ và các gia đình trẻ khác làm giúp để hoàn thành các diện tích sản xuất sớm nhất. Nhà A Páo cũng mở rộng chuồng trại để nuôi gà thả vườn và chăn nuôi đàn lợn.
Anh Páo tâm sự: Phát triển chăn nuôi vừa có thực phẩm cung cấp cho gia đình vừa có thu nhập. Giờ ra chợ là để bán nông sản và gia cầm, gia súc sạch chứ không phải mua thực phẩm về ăn như trước đây nữa. Cùng cách nghĩ như Mùa A Páo, nhiều gia đình đảng viên trẻ ở Pá Hu như Giàng A Sinh, Giàng A Tủa cũng cần mẫn thực hiện ước mơ làm giàu ngay tại quê hương.
Gia đình Tủa liên tục tăng số lượng đàn gà đen và quảng cáo trên facebook cá nhân đã đắt khách. Nhà Sinh địa hình ít đất hơn thì "chung thủy” với các loại lúa chất lượng cao và nuôi lợn.
Giàng A Tủa giãi bày: Có sức thì nên chăm chỉ làm ăn để có điều kiện cho con cái học hành và có kinh tế ổn định, sau này già không phải vất vả nữa cán bộ ạ. Đất có, rừng có, chỉ cần mình đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật thì có thể làm giàu từ đồng đất quê mình.
Nghĩ được, làm được, cả 3 chàng trai trẻ nay đều là những đảng viên ưu tú, là những người trẻ "miệng nói, tay làm”, được dân bản tin tưởng. Nhờ sự gương mẫu đó mà nay ở Tà Tàu không còn người trẻ kết hôn cận huyết thống, không có gia đình sinh con thứ ba trở lên, trai gái đủ tuổi mới kết hôn. Họ đã góp sức mình cho mùa xuân ở Tà Tàu thêm no ấm, xứng đáng là những hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Đồng chí Mùa A Sùng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: Xã có những đảng viên trẻ nhiệt huyết nên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nhiều thuận lợi. Vụ xuân này xã gieo cấy 96 ha lúa xuân, chắc chắn với tiến độ tích cực như hiện nay, xã sẽ về đích trước kế hoạch khung thời vụ. Năm 2021, xã vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen đơn vị lao động tiên tiến. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong năm 2021, cũng là sự khích lệ để địa phương quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.
Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu xuống đồng đầu năm cùng đồng bào xã Pá Hu.
Ở Bản Công những ngày đầu năm mới người dân ngoài sản xuất lúa ruộng còn tích cực hưởng ứng việc trồng cây đầu năm. Với đồng bào Mông xã Bản Công nói riêng và đồng bào Mông huyện Trạm Tấu nói chung, rừng là nhà, là nguồn sống nên trong những ngày đầu năm mới nhất định phải trồng thêm cây xanh trên đất bản mình. Vì vậy, ở Tà Xùa đầu xuân, đồng bào trong bản nô nức trồng đào, ban và cây tớ dày.
Ông Phàng A Phà - Trưởng thôn Tà Xùa cho biết: Tà Xùa hiện nay đã là khu du lịch nổi tiếng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Mỗi năm Tà Xùa thu hút vài chục nghìn lượt du khách trải nghiệm, vì vậy đồng bào muốn bản mình phải đẹp hơn, đẹp đúng phong cách núi rừng Tây Bắc. Khai xuân ra quân trồng cây, chỉ trong buổi sáng, nhân dân trong xã đã trồng được 500 cây ban, đào và tớ dày.
Rồi đây, Tà Xùa sẽ là một bản du lịch sinh thái ngập trong sắc hoa rừng, trở thành nơi lý tưởng để khách du lịch trải nghiệm. Hiện nay, diện tích rừng bảo vệ quản lý của xã Bản Công là trên 7.000 ha, trong đó rừng trồng sản xuất gần 195ha.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân. Ở Bản Công, ngoài trách nhiệm của các tổ đội bảo vệ rừng do xã thành lập thì chính người dân đã đồng thuận tự nguyện tham gia quản lý, bảo vệ rừng tại thôn bản mình.
Lãnh đạo Ban Quản lý rừng huyện Trạm Tấu tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Không chỉ thay nhau tuần tra, kiểm soát các diện tích rừng khi thời tiết hanh khô, gió lào mà mỗi mùa trồng rừng ở đây thực sự trở thành ngày hội sản xuất, khi nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng. Bởi thế, nhắc đến Bản Công không chỉ có một khu rừng Tà Xùa nguyên sơ như khu rừng cổ tích níu chân du khách mà còn có rừng pơ mu Tà Chử được ví như Tam Đảo thứ 2 của Tây Bắc. Với người dân ở Bản Công, trồng rừng không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa giữ nguồn sống cho bản làng, cho con cháu đời sau.
Ông Hờ A Su - người có uy tín ở thôn Tà Chử, xã Bản Công bộc bạch: Người Mông Tà Chử yêu rừng như cuộc sống của mình. Vì vậy, tôi và người dân Tà Chử luôn coi việc trồng rừng đầu năm mới là việc làm quan trọng, có ý nghĩa mong cho một năm những cánh rừng luôn được bình yên, sinh sôi và phát triển để che chở cho bản làng và người dân ấm no hơn. Năm 2022, xã Bản Công có kế hoạch trồng mới 50 ha rừng chủ yếu là thông, pơ mu, cây tô hạp, cây de.
Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: Ngay khi có kế hoạch trồng rừng, xã đã phân bổ diện tích cho các thôn dựa trên khảo sát thực tế của địa phương. Nhờ lợi ích từ rừng mang lại mà những năm gần đây, công tác trồng rừng luôn gặp nhiều thuận lợi; người dân đồng tình ủng hộ, kế hoạch trồng rừng của xã luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao.
Lang thang trên đồng ruộng, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ trong những cánh rừng ở Trạm Tấu, tôi bất giác nhớ tới lời một ca khúc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn với những ca từ sâu sắc: "Khi nghĩ về rừng cây tôi thường nghĩ về một đời người... Cây đã mọc từ thuở nào, trên đồi núi thật cằn khô...”.
Ở Trạm Tấu để có đồng ruộng xanh, núi rừng hùng vĩ, người dân Trạm Tấu trải qua ngàn vạn khó khăn mà đó là sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ miền xuôi. Họ có duyên với vùng cao để cả đời trăn trở gắn bó với núi đồi, nương rẫy. Tôi cũng đã có cơ hội được theo các cán bộ Ban Quản lý rừng của huyện "lang bạt” trên những mảnh rừng bị cháy xém, chứng kiến những nhọc nhằn khi đôi chân rớm máu vượt núi đồi kiểm tra, đo đạc lại diện tích.
Nhớ những khuôn mặt phờ phạc, lấm lem tro bụi khi thiếu ngủ vào mùa hanh khô, trong đó có anh Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu. Trưởng thành từ công nhân trồng rừng, anh gắn bó với rừng Trạm Tấu hơn 20 năm. Có lẽ không còn mảnh rừng nào ở Trạm Tấu là anh chưa đặt chân đến. Anh Đô phụ trách thôn Khấu Dê, xã Xà Hồ mà đảng viên trong Chi bộ viết đơn xin anh ở lại khi hết nhiệm kỳ. Đồng chí Bí thư Chi bộ có lý do mộc mạc "anh Đô ở đây thì rừng ở đây sẽ phát triển tốt” khiến tôi vô cùng cảm động. Trong xuân sớm, anh Đô cùng những người đồng nghiệp của mình vẫn miệt mài bên vườn ươm, bên cây giống với kế hoạch trồng rừng vụ mới 320 ha.
Anh Phạm Thành Đô chia sẻ: Trạm Tấu là quê hương thứ hai của tôi. Mùa xuân ở Trạm Tấu với tôi chính là rừng không cháy, cây rừng được trồng nhiều hơn và người dân có cuộc sống ấm no từ rừng... Nhiệt huyết của mỗi người dân, mỗi cán bộ ở Trạm Tấu đang nỗ lực cho mục tiêu xây dựng huyện Trạm Tấu xanh rừng - xanh ruộng đồng - xanh nương rẫy.