Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Văn Yên phát triển đa dạng các sản phẩm quế

18/05/2017 11:31:38 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT- Huyện Văn Yên sở hữu vùng quế lớn nhất trong cả nước với giống quế được coi tốt nhất và là sản phẩm thứ 16 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Để khai thác tối đa giá trị của loại cây được coi là " Vàng xanh" này, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp để giữ gìn thương hiệu, phát triển đa dạng các sản phẩm quế, nâng cao thu nhập cho người trồng quế.

Công nhân công ty TNHH nông sản Quế Văn Yên kiểm tra sản phẩm quế chẻ trước khi đóng thùng xuất khẩu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên trong nhiều nhiệm kỳ luôn xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế.  Huyện uỷ, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định, bền vững. Cùng với vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, khai thác phù hợp, huyện Văn Yên đã vận động nhân dân trồng quế theo vùng tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế, tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gen quý của địa phương; đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ rừng trồng sản xuất; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác, bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hội sản xuất và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế. Cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã  các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế hoạt động. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có 12 nhà máy sản xuất, chế biến tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ, 9 HTX chế biến gỗ quế, ngoài ra còn có hàng ngàn hộ cá thể thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm quế.

Được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, hàng năm, huyện Văn Yên trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế. Nhờ đó, diện tích trồng quế  trên địa bàn huyện không ngừng tăng qua các năm. Đến nay,  cây quế đã phủ ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng diện tích trên 40.000 ha. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, Văn Yên được xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô,  55.000 tấn cành, lá quế, 290 tấn tinh dầu quế và 62.000 m3 gỗ quế,  mang lại nguồn thu cho người dân khoảng trên 540 tỷ đồng. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây quế và hàng nghìn hộ đã xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hay trở nên giàu có nhờ cây quế.

Vượt qua những thăng trầm, biến động của cơ chế thị trường, cây quế  Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái. Quế đã trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Từ chỗ duy nhất chỉ là mặt hàng vỏ thô trước đây, đến nay, các sản phẩm từ quế đã được chế biến đa dạng và phong phú hơn với hàng chục mặt hàng. Thị trường tiêu thụ cũng vì thế mà không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của cây quế Văn Yên đã vươn ra thị trường thế giới như Mỹ, Hà Lan, Anh Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Băng La Đét và các nước Đông Âu, được các khách hàng quốc tế ưa chuộng. Ông Đỗ Văn Thành, giám đốc công ty TNHH Nông sản quế Văn Yên cho biết: Sau khi nghiên cứu về diện tích và chất lượng của cây Quế Văn Yên, công ty chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại thôn Đại An, xã An Thịnh để chế biến các sản phẩm từ vỏ quế. Quá trình đầu tư xây dựng mặt bằng,  nhà xưởng, chúng tôi được UBND huyện và chính quyền địa phương tạo điều kiện rất thuận lợi về thủ tục hành chính.  Hiện nay, mỗi tháng công ty chúng tôi  thu mua khoảng 350 tấn quế vỏ để sản xuất trên 10 mặt hàng theo yêu cầu của từng khách hàng như quế chẻ, quế ống điếu, quế cắt vuông, cắt tròn… để xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Bangladesh (Băng la đét), Hàn quốc, Mỹ, tạo việc làm cho khoảng 40 – 50 lao động theo thời vụ tại địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế cây quế vẫn chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng do các sản phẩm đưa ra thị trường mới ở dạng thô, giá trị thấp. Để nâng cao vị thế, giá trị cây quế, bên cạnh việc thu hút các cơ sở, doanh nghiệp chế biến tinh dầu, chế biến vỏ quế thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu, huyện Văn Yên đang tiến tới phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế bằng những giải pháp, bước đi cụ thể như đào tạo nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế cho lao động các xã vùng trọng điểm quế; quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế tại các hội chợ trong và ngoài huyện với hàng trăm sản phẩm được làm từ quế… Điều phấn khởi là qua lớp đào tạo nghề, người dân có thể tiếp thu và chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế trở thành những vật dụng gắn với đời sống hàng ngày như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc là các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí. So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên khách hàng rất ưa chuộng.

Với quyết tâm đưa quế trở thành “cây làm giàu” của đồng bào các dân tộc trong huyện, là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, Huyện Văn Yên phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích quế trên 42.000 ha, trong đó vùng trồng quế tập trung trên 25.000 ha tập trung tại các xã vùng chỉ dẫn địa lý của cây quế Văn Yên. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Huyện ủy, UBND huyện  đang tập trung chỉ đạo duy trì diện tích trồng quế, đặc biệt là các vùng quế đã được chứng minh và cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Đồng thời chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây quế; Quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng cao cho sản phẩm quế, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khi xuất ra thị trường. Đồng thời quan tâm phát triển đường giao thông nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất, chế biến và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm quế. Đồng chí Hà Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế, huyện Văn Yên đã  quản lý thực hiện tốt quy hoạch vùng Quế nguyên liệu, trong đó tập trung phát triển ở các xã đã có chỉ dẫn địa lý, và những địa bàn có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây Quế;  Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng Quế. Trong đó, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, từ khâu làm đất, đến việc chọn giống, quá trình chăm sóc cho đến khi thu hoạch Quế;  Gắn phát triển vùng nguyên liệu với phát triển hài hòa, cân đối với các cơ sở chế biến, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững đối với vùng nguyên liệu, cũng như mang lại hiệu quả cao cho các cơ sở chế biến;  Chỉ đạo, vận động để thành lập Hiệp hội những người trồng Quế và hiệp hội doanh nghiệp chế biến, kinh doanh Quế, nhằm tăng cường sự liên kết chặt chẽ trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tếp tục mời gọi, tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến các sản phẩm từ Quế, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.   

Không chỉ là một trong 4 vị thuốc quý được gọi là "tứ bảo đông y", quế còn là một phần biểu trưng của văn hóa người Dao ở Văn Yên. Với sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chủ động, năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến kinh doanh quế và người trồng quế, tin rằng sản phẩm Quế Văn Yên sẽ tiếp tục được nâng tầm và vươn xa, góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới trên vùng đất này./.

2148 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h