Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Văn hóa - Xã hội

Dân tộc Sán Chay (Cao Lan)

09/04/2020 13:33:30 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 10.083 người Sán Chay sinh sống tập trung tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 5.182 nam, 4.901 nữ, tập trung đông nhất tại các huyện: Yên Bình; Trấn Yên; Lục Yên; Văn Yên; Thành phố Yên Bái.

Điệu múa “Cầu mùa” của đồng bào dân tộc Cao Lan (Nguồn ảnh: Báo dân tộc và Phát triển)

Người Sán Chay còn có tên gọi khác là Cao Lan, Sán Chởi, Sán Chấy, Sán Chí, Sán Chỉ. Tên chính thức mang tính Nhà nước là Sán Chay. Theo biến âm của thổ ngữ khác nhau, Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có một nghĩa là: Người núi (Sơn tử). Người Sán Chay có 2 nhóm với 2 tên gọi khác nhau: Nhóm Cao Lan nói ngôn ngữ Tày-Thái, nhóm Sán Chỉ nói ngôn ngữ Hán (Quảng Đông - Trung Quốc). Người Sán Chay ở Yên Bái thuộc nhóm Cao Lan nói ngôn ngữ Tày - Thái.

Người Sán Chay ở Yên Bái vốn là cư dân nông nghiệp làm ruộng nước thành thạo. Nhưng nương rẫy vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Với kinh nghiệm phong phú và sự cần cù, sáng tạo trong lao động, được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Sán Chay tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Mấy năm gần đây, một số hộ đã phát triển làm trang trại theo mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Bên cạnh nguồn lương thực chính là cây lúa, đồng bào còn chăn nuôi bò, lợn, gà, thả cá... giúp cho công việc đồng áng và cải thiện đời sống. Phát triển mạnh trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp như quế, chè, sắn...

Là một dân tộc sớm tiếp thu nền văn minh cây lúa nước, đồng bào thường chọn những nơi có địa thế thấp, có thung lũng bằng để khai khẩn đất hoang thành ruộng bậc thang gieo trồng cây lúa. Bên cạnh cánh đồng là đồi núi thấp để phát nương làm rẫy trồng ngô, lúa cạn, rau quả, bông dệt vải... kết hợp với săn bắt thú rừng, hái rau lượm quả. Hiện nay vẫn còn những bản làng Sán Chay vừa có những cánh đồng nhỏ vừa có nương rẫy trên đồi. Trước đây chỉ làm ruộng nương một vụ mùa, sau làm hai vụ lúa ruộng nhưng một số nơi hiện nay đã thâm canh tới 3 vụ lương thực. Với hai hình thức định canh và du canh nên đồng bào có các loại nông cụ thích hợp.

Người Sán Chay ở nhà sàn bốn mái có sàn trong nhà và sàn phơi. Nhà ba hoặc năm gian, được phân định chức năng sinh hoạt của từng gian. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, hai gian cạnh là nơi nghỉ ngủ phân biệt giữa các thành viên nam nữ trong gia đình. Gian chái đầu nhà là nơi đặt bàn thờ hương hỏa (thần Bảo gia trong dòng họ). Gian chái cuối nhà là nơi bếp núc, buồng con dâu hoặc con gái. Cầu thang được bắc lên ở gian này.

Cấu trúc nhà thường thêm một ngôi nhà phụ bố trí theo kiểu thước thợ gắn liền với nhà chính. Dưới sàn là nơi nhốt súc vật trâu, bò, lợn, gà, trên là nơi để lương thực và những đồ vật khác. Quanh nhà thường có mảnh vườn nhỏ trồng rau. Nơi thuận lợi có ao cá và trồng các loại cây ăn quả.

Về nơi ăn ở, người Sán Chay ưa sạch sẽ, ăn chín uống sôi, ở nơi cao ráo thoáng mát. Về mặc, người Sán Chay có kỹ thuật trồng bông dệt vải từ rất sớm. Vào tháng 4, tháng 5, đồng bào trồng bông trên nương, tháng 9, tháng 10 thu bông về kéo sợi dệt vải, nhuộm các màu chàm, nâu, đỏ, vàng để may váy áo. Trang phục của người Sán Chay không thêu thùa nhiều mầu sắc như một số dân tộc khác. Phụ nữ mặc váy tràm dài ngang bọng chân, mặc áo chàm dài ngang váy, về sau nối thành hai phần khác màu. Từ ngang ngực thường là mầu đỏ hoặc nâu, phần dưới xanh chàm hoặc đen. Eo lưng thắt con dao nhỏ có vỏ bao ốp khoét bằng cây thừng mực, dây dao dệt bằng chỉ các màu với những nét hoa văn mềm mại, thể hiện hình sông núi, cỏ cây, thú rừng. Sau lưng đeo thêm cái túi trầu cau nho nhỏ. Cổ và tay đeo vòng bạc, đầu búi tóc sau gáy đội khăn chàm cuốn lật hai dải khăn về phía sau. Khăn áo có thêu họa tiết hoa văn đơn giản trang trí. Ngày lễ hội hoặc ngày đi làm dâu họ thường thắt ngang lưng bằng những dải vải xanh, đỏ, tím vàng như cầu vồng bảy sắc buông xuống dài ngang váy. Chân cuốn xà cạp màu trắng. Nhìn chung kiểu mặc của phụ nữ Sán Chay đơn giản, hài hòa đủ màu sắc thiên nhiên, không giống một dân tộc nào. Nam giới ngày xưa búi tóc đội khăn xếp màu chám có thêu hoa văn, mặc áo chàm dài hoặc ngắn, quần thung màu nâu hoặc trắng. Người Sán Chay theo chế độ phụ hệ trong gia đình người đàn ông giữ vai trò chính chủ, người đàn bà phụ chủ. Khi lập gia đình không có tục ở rể. Trường hợp nhà gái không có con trai thì họ yêu cầu ở rể suốt đời.

Văn hóa tinh thần của người Sán Chay khá phong phú. Tục ngữ có câu: “Mời ăn au đáy, mấy căm đáy” nghĩa là: Có cái lấy được, không cầm được, đó là chỉ văn hóa phi vật thể. Người Sán Chay có văn hóa riêng, không hòa lẫn với văn hóa dân tộc khác. Song đồng bào vận tiếp thu những nét văn hóa của các dân tộc anh em khác. Đó là sự ảnh hưởng qua lại tất yếu khi họ cùng chung sống trong một cộng đồng.

Về hệ thống tín ngưỡng, đồng bào theo đạo Phật, đạo Nho và thờ gia tiên. Mỗi dòng họ thờ một thần Bảo gia riêng lấy trong thập bát tú hoặc tứ linh theo quan niệm đạo Phật như họ Trần thờ Ngọc Hoàng, họ Hoàng thờ Nam Hoa, họ Lâm thờ Quan âm Bồ tát, họ lý thờ Huyền Đế vv... cộng với việc thờ thần nước... một số họ còn thờ thần Nông, thần Bếp lửa và thần bà Mụ bảo mệnh cho con trẻ. Họ quan niệm: Thiện nhân nhân phù, ác giả, ác báo, thật thà là cha kẻ gian tà. Trong thờ cúng gia tiên người Sán Chay quan niệm: “Âm dương nhị lộ” nghĩa là hai đường âm dương song hành. Khi cha mẹ già chết, họ phân chia của cải, tiền bạc mang theo, các loại nông cụ sản xuất, vũ khí hộ thân như súng, nỏ, đao, kiếm...và rất chú trọng việc làm nhà cho người chết (làn thai) - nhà của người chết làm bằng nứa non, mái dán bằng giấy màu xanh đỏ, tím vàng hai tầng giống như nhà sàn rồi đem ra mộ đốt. Tục làm nhà cho người chết này rất quan trọng, người Sán Chay quan niệm rằng nếu con cháu không làm nhà cho cha mẹ là thất hiếu. Cha mẹ nơi chín suối không có nhà ở, phải đi lang thang ở nhờ... Do vậy dù giàu hay nghèo họ vẫn cố gắng làm bằng được nhà cho người chết. Khi người chết được đem đi chôn cất thường làm nhà ngay. Tuy nhiên, nếu nhà không có điều kiện kinh tế có thể để về sau, hoặc chờ khi người chồng hoặc vợ chết thì làm nhà một thể cho 2 người.

Tục cưới xin phải trải qua các giai đoạn yêu nhau, ăn hỏi, dạm ngõ và đón dâu. Nhà trai phải lo các đồ xính lễ cưới cho nhà gái và đón cô dâu về ở luôn nhà bố mẹ chồng.

Người Sán Chay không có chữ viết riêng. Song họ sử dụng hệ thống bộ chữ Hán Tự, phần biểu nghĩa, phần biểu âm ghép lại thành chữ nôm Sán Chay, giống như chữ Hán Nôm người Kinh để ghi chép lại thành toàn bộ văn bản của các bộ sách cúng, sách dạy học, các tập sách hát ví dân ca. Trong cộng đồng Sán Chay chỉ có số ít người am hiểu và đọc được. Thường là con cháu của thầy cúng và đồ đệ của thầy mà đồng bào coi đó là tầng lớp “trí thức” dân tộc. Việc học hành cũng không kém phần gian lao như học phổ thông các cấp. Đội ngũ này đều có phân cấp bậc, trình độ và cấp bằng sắc theo từng bậc học. Cứ 3 bậc là một hàm phẩm gọi là “phắm”. Tam phẩm, ngũ phẩm, thất phẩm và cửu phẩm. Thầy cúng có bằng cửu phẩm là cao tay và có uy tín nhất. Việc công nhận bậc phẩm do hội đồng thầy cúng xem xét. Có khi còn phải thi cử kiểm tra. Người con trai sinh ra đến tuổi 12,14,16 đều phải đặt tên thánh gọi là: “pháp mệnh”.

Về kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian cũng rất phong phú và đa dạng. Chỉ riêng phần hát ví dân gian gọi là “Xình ca” hay “Xướng cọ” đã có tới hàng chục tập sách hát được ghi chép lại bằng chữ Nôm Cao Lan. Mỗi tập sách là một chương trình riêng gọi là “Đêm hát thứ nhất cho đến đêm hát thứ mười mấy”. Họ còn truyền lại là “Slam sớp lộc di xinh mù cồng” ba mươi sáu đêm hát không hết. Những đêm hát này là chương trình hát đối giao duyên nam nữ bắt buộc. Bên nam phải hát dẫn và đọc cho bên nữ hát đối theo. Mỗi đêm hát như vậy thâu đêm đến sáng. Họ thường xen vào những bài hát ướm hỏi giao duyên tùy theo mức độ tình cảm của đôi trai gái. Nếu gặp đôi trai tài, gái giỏi có thể hát ví với nhau vài đêm và hát với nhau nhiều lần đến khi tình yêu chín muồi sau đó báo cáo với cha mẹ xin được làm lễ ăn hỏi và tiến tới tới hôn nhân. Trong thực tế số đôi yêu nhau trong hát ví ít khi được thành vợ chồng, song vẫn đem lòng yêu nhau suốt đời...nên dân tộc này tôn thờ một nữ thánh thơ ca gọi là “Sệch ca làu Slam”. Mỗi cuộc hát ví ngày xuân đều có chương hát “Slệch làu Slam” - thỉnh mời nữ thánh thần nghệ thuật này về chứng giám và nhập hồn vào người sống để có trí thông minh trong đối đáp lời ca.

Người Sán Chay ở Yên Bái đến nay vẫn giữ được một số điệu múa như: Múa xúc tép, múa trống (tang sành), múa chày, múa “Păng Loòng” (cơm mới). Điệu múa “xúc tép” đã đi tham dự liên hoan ca múa nhạc dân tộc toàn quốc và giành huy chương Bạc.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

183194 lượt xem
Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h