Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng là lúc người Mông ở Yên Bái chuẩn bị đón Tết. Từ mùng một đến mùng ba, người Mông tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết. Lễ hội của người Mông thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: Thi chọi quay, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy...
Trẻ em người Mông chơi quay trong dịp Tết
Thi chọi quay
Đánh quay là trò chơi dành cho con trai. Đây là trò chơi giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt và được đồng bào Mông ở Yên Bái rất ưa chuộng trong ngày Tết. Thi chọi quay bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi, nhiều khán giả hâm mộ. Người thua cuộc lúc trước phải thả quay ra khoảng trống trước mặt để làm mồi. Khi con quay mồi đang nhảy nhót, quay vù vù thì một người khác vung tay lên bổ xuống một con quay khác giáng mạnh vào con quay mồi. Có con quay mồi bị giáng mạnh còn vỡ toác ra. Tiếng xuýt xoa khen ngợi nổi lên. Nếu chọi không trúng, thì con quay chọi lại phải thay thế con mồi. Cứ thế đến lúc tìm ra được con quay khỏe nhất, tít nhất và người chủ quay chơi điêu luyện nhất.
Đánh quay có 2 hình thức chủ yếu: thi quay tít và chọi quay. Đầu tiên các bạn trẻ thường thi quay tít. Một vòng tròn được vạch trên đất bằng cách vạch người đứng thi từ 5 -7m, mọi người đứng dàn hàng ngang ở vạch thi đấu, khoảng cách vừa phải để khi vung tay khỏi va chạm vào nhau. Thường người chơi quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Khi có tiếng hô “Tầu Lâu” (đánh đi) của chủ trò thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài. Những con quay lao vút vào vòng quay phát ra những tiếng kêu vo vo, vù vù quay tít, con quay nào quay lâu nhất sẽ được mọi người trầm trồ khen ngợi. Con nào nhảy chồm chồm vượt ra khỏi vòng tròn rồi đổ lăn chiêng ra là chưa đạt, chủ nhân của nó tiu nghỉu, có khi phải đẽo lại chiếc khác. Có nơi người chủ quay còn dùng dây quất vào cạnh tròn của con quay, tạo ra một lực tiếp tuyến để nuôi quay quay được tít lâu hơn. Loại quay tròn có núm, người ta có thể hất lên cho quay trong lòng bàn tay. Cuối cùng, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp, người kia xuống quay để những người còn lại đánh vào con quay của mình.
Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh quay gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Còn có cách bổ quay khác là người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên, gọi là bổ thượng hoặc theo đường chéo gọi là bổ vát.
Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Tù lu (con quay) được làm từ sừng súc vật hoặc từ những loại gỗ cứng như: sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra... có đường kính từ 7 - 10 cm. Nếu đẽo bằng gỗ không tốt, thì con quay của người ta chọi vào thì con quay của mình sẽ bị vỡ toác. Thân con quay được chế tác theo hai hình dạng chính: hình quả chuông và hình nón cụt, có hai đầu, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 - 60 phút. Dây đánh quay được se bằng lanh thường được gọi là Cua, được nối với một đoạn Pảng - gọi là gậy làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái. Chiều dài và kích thước của dây phù hợp với sải tay của người chơi cũng như kích thước con quay. Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có ta luy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.
Đánh quay là trò chơi được trẻ con, thanh niên người Mông đam mê khi Tết đến, xuân về
Ném còn
Ném còn cũng là một trò chơi đặc trưng của đồng bào Mông ngày Tết. Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.
Trò chơi này bắt buộc phải tung thủng mặt còn mới được coi là may mắn. Không phải may mắn với người tung còn mà như thế là đã đem lại may mắn cho bản làng, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, giống nòi mạnh khỏe, sinh sôi.
Ném Pao
Ném Pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Yên Bái nói riêng trong ngày Tết. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ Mông. Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam - nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 - 7mét. Quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ từ các mảnh vải lanh thành trái tròn to bằng quả cam. Bên trong quả Pao được nhồi hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Những em gái Mông váy áo sặc sỡ, khoe tài và sự duyên dáng của mình qua những quả pao ném qua ném lại. Con gái Mông học ném Pao từ khi còn bé và rất thuần thục với trò chơi này, thậm chí còn thuần thục và khéo léo đỡ Pao hơn cả con trai.
Đồng bào Mông chơi ném Pao ngày tết (nguồn ảnh: Báo Yên Bái)
Múa khèn
Ngày Tết đến xuân về, những người đàn ông Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của mình. Trong khi đó những người con gái Mông sẽ mặc trang phục truyền thống tự thêu, đeo gùi, múa. Sự mềm mại, khéo léo, uyển chuyển sẽ được thể hiện qua điệu múa của họ. Có thể nói, ngày Tết, người Mông không chỉ vui xuân mà còn là dịp để các đôi trai gái tìm thấy nhau. Qua tiếng khèn, điệu múa để gọi bạn tình của mình.
Những người đàn ông Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ
Bắn nỏ
Trong cuộc sống, người Mông làm cây nỏ để rèn luyện sức khỏe, bắn chim, săn thú. Nỏ được coi là vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ nam giới mà nữ giới người Mông cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao ngang ngửa nam giới. Vì thế, trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia.
Trò chơi bắn nỏ của đồng bào Mông trong dịp Tết (nguồn ảnh: Báo Yên Bái)
Đua Ngựa
Môn bắn nỏ thể hiện sự nhanh nhẹn, dẻo dai thì môn đua ngựa lại cần phải có một bản lĩnh tốt, cứng rắn để có thể điều khiển được những con ngựa trên đường đua. Từ bao đời nay, ngựa là con vật đã gắn bó với người Mông như một “chiếc xe không cần động cơ”. Với người dân vùng thấp là chiếc xe máy để lai thồ thì với người Mông con ngựa cũng chính là chiếc xe máy khuân vác hàng hóa trên những chặng đường đồi núi gập ghềnh giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời ngựa còn là người bạn trung thành của người Mông. Trò đua ngựa thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt.
Trong lao động sản xuất, người ta cũng có thể đua ngựa để kiểm tra xem ngựa có tốt không, người điều khiển có tài không, ví dụ như sau mỗi buổi tan chợ, trên đường thồ hàng... Đua ngựa thường tổ chức vào các dịp vui xuân đón tết, trong hội chính thức được cả làng, bản chứng kiến cổ vũ thì vui hơn nhiều. Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua. Những chàng trai cũng chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khỏe, chạy êm để chăm sóc đưa đi tỉ thí. Người chơi đề cao tính trung thực và lòng dũng cảm. Có nhiều hình thức đua tuỳ theo số người, số ngựa như vừa phi ngựa vừa bắn cung, bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc xoải mình với lấy một vật dưới đất. Quà tặng cho người thắng cuộc không nhiều, có thể chỉ là vài chén rượu, lời khen, sự kính nể.
Đi cà kheo
Một trò chơi khác của người Mông cũng rất thú vị trong mỗi độ tết đến xuân về hay làng bản có hội hè, người dân lại tổ chức trò chơi này để gây tiếng cười, quên đi những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống, đó là đi cà kheo. Là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Do chịu cả lực đẩy và trọng lượng của cơ thể nên chọn được một bộ cà kheo ưng ý để đi thi phải mất rất nhiều công. Cuộc thi này thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, họ cùng các cổ động viên sang các thôn, bản khác để thi tiếp. Cuối cuộc thi kéo về bản tổ chức ăn uống, chúc tết cho gia đình và bản làng.
Cảnh sắc thanh bình, sự mộc mạc, dung dị trong cuộc sống đời thường của người dân bản địa cùng với những trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc của một vùng văn hóa người Mông trong dịp Tết đến xuân về vẫn ẩn chứa bao điều mới lạ mời gọi du khách gần xa.
4072 lượt xem
Ban Biên tập
Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng là lúc người Mông ở Yên Bái chuẩn bị đón Tết. Từ mùng một đến mùng ba, người Mông tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết. Lễ hội của người Mông thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: Thi chọi quay, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy...Thi chọi quay
Đánh quay là trò chơi dành cho con trai. Đây là trò chơi giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt và được đồng bào Mông ở Yên Bái rất ưa chuộng trong ngày Tết. Thi chọi quay bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi, nhiều khán giả hâm mộ. Người thua cuộc lúc trước phải thả quay ra khoảng trống trước mặt để làm mồi. Khi con quay mồi đang nhảy nhót, quay vù vù thì một người khác vung tay lên bổ xuống một con quay khác giáng mạnh vào con quay mồi. Có con quay mồi bị giáng mạnh còn vỡ toác ra. Tiếng xuýt xoa khen ngợi nổi lên. Nếu chọi không trúng, thì con quay chọi lại phải thay thế con mồi. Cứ thế đến lúc tìm ra được con quay khỏe nhất, tít nhất và người chủ quay chơi điêu luyện nhất.
Đánh quay có 2 hình thức chủ yếu: thi quay tít và chọi quay. Đầu tiên các bạn trẻ thường thi quay tít. Một vòng tròn được vạch trên đất bằng cách vạch người đứng thi từ 5 -7m, mọi người đứng dàn hàng ngang ở vạch thi đấu, khoảng cách vừa phải để khi vung tay khỏi va chạm vào nhau. Thường người chơi quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Khi có tiếng hô “Tầu Lâu” (đánh đi) của chủ trò thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài. Những con quay lao vút vào vòng quay phát ra những tiếng kêu vo vo, vù vù quay tít, con quay nào quay lâu nhất sẽ được mọi người trầm trồ khen ngợi. Con nào nhảy chồm chồm vượt ra khỏi vòng tròn rồi đổ lăn chiêng ra là chưa đạt, chủ nhân của nó tiu nghỉu, có khi phải đẽo lại chiếc khác. Có nơi người chủ quay còn dùng dây quất vào cạnh tròn của con quay, tạo ra một lực tiếp tuyến để nuôi quay quay được tít lâu hơn. Loại quay tròn có núm, người ta có thể hất lên cho quay trong lòng bàn tay. Cuối cùng, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp, người kia xuống quay để những người còn lại đánh vào con quay của mình.
Kỹ thuật chủ yếu của trò đánh quay gọi là bổ, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay theo vòng rộng dần. Người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Còn có cách bổ quay khác là người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên, gọi là bổ thượng hoặc theo đường chéo gọi là bổ vát.
Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Tù lu (con quay) được làm từ sừng súc vật hoặc từ những loại gỗ cứng như: sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra... có đường kính từ 7 - 10 cm. Nếu đẽo bằng gỗ không tốt, thì con quay của người ta chọi vào thì con quay của mình sẽ bị vỡ toác. Thân con quay được chế tác theo hai hình dạng chính: hình quả chuông và hình nón cụt, có hai đầu, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 - 60 phút. Dây đánh quay được se bằng lanh thường được gọi là Cua, được nối với một đoạn Pảng - gọi là gậy làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái. Chiều dài và kích thước của dây phù hợp với sải tay của người chơi cũng như kích thước con quay. Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có ta luy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.
Đánh quay là trò chơi được trẻ con, thanh niên người Mông đam mê khi Tết đến, xuân về
Ném còn
Ném còn cũng là một trò chơi đặc trưng của đồng bào Mông ngày Tết. Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.
Trò chơi này bắt buộc phải tung thủng mặt còn mới được coi là may mắn. Không phải may mắn với người tung còn mà như thế là đã đem lại may mắn cho bản làng, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, giống nòi mạnh khỏe, sinh sôi.
Ném Pao
Ném Pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Yên Bái nói riêng trong ngày Tết. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ Mông. Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam - nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 - 7mét. Quả pao được các cô gái Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ từ các mảnh vải lanh thành trái tròn to bằng quả cam. Bên trong quả Pao được nhồi hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Những em gái Mông váy áo sặc sỡ, khoe tài và sự duyên dáng của mình qua những quả pao ném qua ném lại. Con gái Mông học ném Pao từ khi còn bé và rất thuần thục với trò chơi này, thậm chí còn thuần thục và khéo léo đỡ Pao hơn cả con trai.
Đồng bào Mông chơi ném Pao ngày tết (nguồn ảnh: Báo Yên Bái)
Múa khèn
Ngày Tết đến xuân về, những người đàn ông Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của mình. Trong khi đó những người con gái Mông sẽ mặc trang phục truyền thống tự thêu, đeo gùi, múa. Sự mềm mại, khéo léo, uyển chuyển sẽ được thể hiện qua điệu múa của họ. Có thể nói, ngày Tết, người Mông không chỉ vui xuân mà còn là dịp để các đôi trai gái tìm thấy nhau. Qua tiếng khèn, điệu múa để gọi bạn tình của mình.
Những người đàn ông Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ
Bắn nỏ
Trong cuộc sống, người Mông làm cây nỏ để rèn luyện sức khỏe, bắn chim, săn thú. Nỏ được coi là vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ nam giới mà nữ giới người Mông cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao ngang ngửa nam giới. Vì thế, trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia.
Trò chơi bắn nỏ của đồng bào Mông trong dịp Tết (nguồn ảnh: Báo Yên Bái)
Đua Ngựa
Môn bắn nỏ thể hiện sự nhanh nhẹn, dẻo dai thì môn đua ngựa lại cần phải có một bản lĩnh tốt, cứng rắn để có thể điều khiển được những con ngựa trên đường đua. Từ bao đời nay, ngựa là con vật đã gắn bó với người Mông như một “chiếc xe không cần động cơ”. Với người dân vùng thấp là chiếc xe máy để lai thồ thì với người Mông con ngựa cũng chính là chiếc xe máy khuân vác hàng hóa trên những chặng đường đồi núi gập ghềnh giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời ngựa còn là người bạn trung thành của người Mông. Trò đua ngựa thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt.
Trong lao động sản xuất, người ta cũng có thể đua ngựa để kiểm tra xem ngựa có tốt không, người điều khiển có tài không, ví dụ như sau mỗi buổi tan chợ, trên đường thồ hàng... Đua ngựa thường tổ chức vào các dịp vui xuân đón tết, trong hội chính thức được cả làng, bản chứng kiến cổ vũ thì vui hơn nhiều. Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua. Những chàng trai cũng chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khỏe, chạy êm để chăm sóc đưa đi tỉ thí. Người chơi đề cao tính trung thực và lòng dũng cảm. Có nhiều hình thức đua tuỳ theo số người, số ngựa như vừa phi ngựa vừa bắn cung, bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc xoải mình với lấy một vật dưới đất. Quà tặng cho người thắng cuộc không nhiều, có thể chỉ là vài chén rượu, lời khen, sự kính nể.
Đi cà kheo
Một trò chơi khác của người Mông cũng rất thú vị trong mỗi độ tết đến xuân về hay làng bản có hội hè, người dân lại tổ chức trò chơi này để gây tiếng cười, quên đi những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống, đó là đi cà kheo. Là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Do chịu cả lực đẩy và trọng lượng của cơ thể nên chọn được một bộ cà kheo ưng ý để đi thi phải mất rất nhiều công. Cuộc thi này thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, họ cùng các cổ động viên sang các thôn, bản khác để thi tiếp. Cuối cuộc thi kéo về bản tổ chức ăn uống, chúc tết cho gia đình và bản làng.
Cảnh sắc thanh bình, sự mộc mạc, dung dị trong cuộc sống đời thường của người dân bản địa cùng với những trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc của một vùng văn hóa người Mông trong dịp Tết đến xuân về vẫn ẩn chứa bao điều mới lạ mời gọi du khách gần xa.