Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Độc đáo trang phục phụ nữ các dân tộc Yên Bái

14/08/2016 16:01:35 Xem cỡ chữ Google
Các dân tộc ở Yên Bái sống xen kẽ, quần tụ ở khắp các địa phương trên địa bàn của tỉnh với những bản sắc văn hóa phong phú đặc sắc. Một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho mỗi dân tộc chính là bộ trang phục truyền thống. Trang phục các dân tộc là một nét văn hóa đẹp, chúng không chỉ đặc trưng cho mỗi dân tộc mà còn nói lên phong tục, cách sống… của tộc người đó.

Trang phục thiếu nữ người Mông (Ảnh: Vũ Chiến)

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng và cách trang trí hoa văn không giống nhau. Nếu như trang phục của người Cao Lan, người Tày và người Nùng đơn giản, không cầu kỳ về kiểu dáng và màu sắc thì trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Dao, Thái lại khá phong phú về hoa văn và mềm mại về kiểu dáng. Tuy có sự khác nhau về cách bài trí nhưng trang phục của các dân tộc đều được thiết kế tiện cho việc đi lại và thuận lợi cho lao động hàng ngày. Cùng với những bộ váy áo do đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thẩm mỹ của các thiếu nữ tạo ra thì những bộ trang sức như các loại vòng cổ, vòng tay bằng bạc là không thể thiếu được trong trang phục của người dân tộc.

Trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, dân tộc Dao là dân tộc chiếm số đông (tới 9,1% dân số của toàn tỉnh), gồm có 4 nhóm chính là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao trắng và Dao tuyển. Để phân biệt giữa các nhóm người Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong trang phục người phụ nữ. Tuy có khác nhau về một số chi tiết nhưng tựu chung lại, người Dao thường sử dụng các màu đỏ, đen và trắng để tạo ấn tượng mạnh mẽ, cùng với đó là sự trang trí các họa tiết phong phú như hình cây thông, hình cỏ cây, hoa lá, muông thú. Chất liệu vải để may trang phục được dùng bằng vải lanh nhuộm chàm. Theo phong tục của người Dao thì trong bộ y phục, quan trọng nhất là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Bên trong chiếc áo dài, phụ nữ Dao còn mặc một chiếc áo “lui ton” giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực, cổ tròn mở sau gáy. Một trong những thứ tạo nên nét độc đáo cho bộ y phục Dao không thể không kể đến khăn đội đầu và các đồ trang sức bằng bạc.

Với lối dùng màu chàm phổ biến, trang phục của dân tộc Tày mang dáng vẻ đằm thắm rất đặc trưng. Trang phục của phụ nữ dân tộc Tày thường rất ít hoặc không trang trí hoa văn thêu thùa. Áo dài là loại áo 4 thân, gài khuy áo một bên cạnh sườn. Đi cùng với áo, phụ nữ Tày thường mặc quần dài hoặc váy rộng màu đen, dây lưng dài quấn quanh eo từ 2 đến 3 vòng. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm có thêm dải hoa văn, khi đội vấn ngang đầu, ôm gọn mái tóc vừa tạo sự duyên dáng cho người mặc, vừa gọn gàng, thuận tiện trong các hoạt động lao động sản xuất. Trang phục của người Tày tuy đơn giản song ẩn sâu trong đó là sự giản dị, duyên dáng, đằm thắm  của người phụ nữ dân tộc Tày.

Bộ trang phục của dân tộc Cao Lan gồm áo và váy lại có độ trầm hơn bởi sự phối màu và sự kết hợp độc đáo từ nhiều mảnh ghép của màu đen và màu nâu đỏ trong chiếc áo dài. Áo được may với cổ đứng ngắn, cài khuy bên nách phải, có xẻ tà dài. Váy được nhuộm chàm và có độ rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và lao động của phụ nữ Cao Lan. Cùng với váy và áo, phụ nữ Cao Lan quấn xà cạp ở chân và dùng đồ trang sức vòng cổ, vòng tay bằng bạc.

Không trang trí hoa văn rực rỡ, phụ nữ dân tộc Nùng mặc áo 4 thân màu chàm, may rộng cả phần thân và tay áo. Điểm khác biệt rõ nét nhất để phân biệt dân tộc Nùng với dân tộc Tày và Cao Lan là cách đội khăn và cách trang trí màu sắc và hoa văn trên từng chiếc khăn đội đầu. Trang sức cơ bản của người Nùng là vòng bạc và dây xà tích, đây là vật trang trí quan trọng làm nổi bật bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Nùng.

Với dân tộc Mông Yên Bái, nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện rõ ở trang phục, từ khăn, áo xẻ ngực, tấm vải che phía trước váy, sau váy, thắt lưng, xà cạp, đặc biệt là váy áo. Có thể nói hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục Mông. Tuy thế mọi hoa văn ở đây đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, đinh, công cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép (dấu móc hoặc chữ S), răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh - sáu cánh- tám cánh, hoa bí, hoa tỏi, hoa mận, hoa đào, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, búp tre, lưỡi câu, con ốc, con rắn, sừng dê... Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng. Phụ nữ Mông kết hợp cả 3 biện pháp kỹ thuật: thêu, vẽ, chắp vải tạo nên những trang trí đẹp trên nền y phục. Ngoài ra họ còn sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép hạt cườm nhựa, bạc… lên trang phục như khăn, mũ áo. Vượt khỏi sắc màu thiên nhiên đó là đặc điểm của nghệ thuật tạo hình trên trang phục Mông. Nó phản ánh lối sống của người Mông giàu bản lĩnh phóng khoáng và ngoan cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Người Thái là một trong những dân tộc được xem là khá cầu kỳ trong ăn mặc. Trang phục, trang sức của người Thái Mường Lò rất đặc sắc. Phụ nữ Thái mặc áo cỏm và váy dài chấm gót, được dệt bằng sợi thô hoặc sợi tơ tằm, nhuộm đen phần trên, phần giữa hoặc cạp váy thêu hoa văn, họa tiết sắc màu sặc sỡ. Hoa văn trên trang phục phụ nữ Thái phần lớn là các hình mô phỏng về thiên nhiên như hoa lá, động vật, mặt trời, các hình khối với nhiều màu sắc sặc sỡ, được kết hợp tinh tế, thể hiện mối quan hệ bền chặt của con người với thiên nhiên. Còn dải thắt lưng làm bằng sợi bông, màu xanh cánh chả hoặc hồng, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Chiếc khăn xéo quấn trên đầu màu sắc sặc sỡ là điểm nhấn cuối cùng làm nên vẻ đẹp duyên dáng cho bộ trang phục của phụ nữ Thái. Khăn cũng có kiểu đội riêng, một nửa khăn vắt lên búi tóc rồi buông ra sau gáy, nửa còn lại vắt tiếp ra sau, chéo lên nửa kia chứ không gập ở đỉnh đầu như khăn piêu đi hội, hai đầu được thắt lại sau gáy vừa gọn, vừa chắc. Dây lưng không làm cầu kỳ, không gép vải trang trí ở hai đầu. Các cụ già thường mặc áo không có hằng cúc bướm mà chỉ có hàng cúc vải. Hàng ngày, phụ nữ Thái có mang đồ trang sức nhưng không nhất thiết đủ bộ, thường chỉ đeo hoa tai.

Trang phục của người Khơ Mú Yên Bái chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái Đen. Khăn phiêu, áo cỏm đen, xài ẻo, váy bằng vải đen, hàng mắc pém hình khối chữ nhật đối diện. Riêng ngực áo Cỏm, dọc hai bên mắc pém có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở. Khăn Piêu gần giống như khăn Piêu Thái, khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Khi đội các cô gái Thái vắt khăn lên đầu, còn thiếu nữ Khơ Mú lại quấn khăn quanh đầu và luồn một đầu khăn qua vành quấn, vắt ra ngoài.

Dẫu không giống nhau về kiểu cách, hoa văn trong trang phục của các dân tộc Yên Bái nhưng đều toát lên sự chắt chiu những tinh hoa văn hóa trong cộng đồng để tạo nên nét độc đáo riêng có trong mỗi trang phục.

6974 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h