Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

07/04/2017 09:26:22 Xem cỡ chữ Google
Ngày 30/07/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 244/QĐ-UBND, công nhận Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - kiến trúc cấp tỉnh.

Đình Khả Lĩnh ngày nay

1. Tên gọi Di tích: Di tích Đình Khả Lĩnh thuộc Làng Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích: Đình Khả Lĩnh là Di tích lịch sử và kiến trúc đình làng. Theo quy định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc.

3. Quyết định công bố Di tích: Quyết định số 244/QĐ-UBND, ngày 30/07/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - kiến trúc cấp tỉnh.

             4. Địa điểm và đường đến Di tích: Để đến được di tích Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Du khách có thể đi bằng đường bộ từ ngã ba Cát Lem, Quốc lộ 70 (km30) Yên Bái - Hà Nội, rẽ quốc lộ 37 Cát Lem - Thác Bà, đi 400m đến Cầu Mơ (địa phận xã Đại Minh) rẽ phải vào đường liên thôn Minh Thân - Khả Lĩnh, đi tiếp 5 km là đến Đình Khả Lĩnh. Du khách cũng có thể đi theo tuyến đường Đông Hồ (Quốc lộ 37) Lục Yên - Yên Bình đến Cầu Mơ, rẽ trái, theo đường liên thôn Minh Thân - Khả Lĩnh, đi tiếp 5 km sẽ đến đình Khả Lĩnh.

5. Sơ lược lịch sử Di tích: Vào cuối thế kỷ XVII, một đạo quân triều đình nhà Lê hành quân bằng đường thủy, tiến từ sông Hồng rẽ sông Lô, sang sông Chảy tiến về tiếp ứng cho Châu Thu Vật (Yên Bình) đánh quân nhà Mạc. Khi đoàn thuyền đến chợ Ngà (xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày nay) thì được tin quân Mạc đã thua trận. Triều đình truyền lệnh cho phép các đạo dân binh dời thuyền chiến, lên bờ lập làng, khẩn hoang ruộng đất để phòng thủ lâu dài. Làng Khả Lĩnh ra đời từ đó. Khi mới lập làng, làng Khả Lĩnh có tên là Trang Kha Lệnh, tổng Đại Than, phủ Đoan Hùng, tỉnh Hưng Hóa, trấn Sơn Tây.

Bằng công nhận Di tích cấp tỉnh Đình Khả Lĩnh

Đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVIII, theo kiểu chữ nhị, có tường vây bốn phía. Vị trí Đình nằm ở khu đất đẹp thuộc thôn Khả Lĩnh, cách bờ hữu sông Chảy khoảng 400 mét. Đình thờ thần Cao Sơn Đại vương và Thành Hoàng làng là ông tổ họ Nguyễn, đã có công khai vỡ đất hoang, làm ruộng, cấy lúa nước, trồng bưởi, lập làng từ cuối thế kỷ XVII. Đình Khả Lĩnh gắn với lịch sử, văn hoá của vùng đất này. Nơi đây dân làng Khả Lĩnh đã anh dũng, sát cánh cùng nghĩa quân Cần vương, đào hào, đắp lũy ngang làng, chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng đã được treo trước cửa Đình trong buổi lễ ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời xã. Ngày mùng 6/1/1946, nhân dân nô nức đến Đình bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Phần đại bái của Di tích Đình Khả Lĩnh đã bị dỡ bỏ từ năm 1960. Ngày nay còn lại phần hậu cung có diện tích mặt bằng là 61,3m2 (chiều dài 8,9m, chiều rộng 7m, chiều cao của Đình là 6m). Hậu cung được xây dựng bằng vật liệu gạch, vôi vữa, chia làm ba gian thông, nay đã hư hại, phần chữ ở hai câu đối cột đốc đã mờ không còn đọc được nữa. Mái của hậu cung được lợp bằng ngói đã bị võng, các vì kèo gối vào tường cũng đã bị võng và sắp mục nát. Cửa ra vào gồm có cửa giữa rộng 1,90 mét, cao 2,23 mét, hai cửa phụ có chiều rộng 1,5 mét, chiều cao 1,90 mét.

Ban thờ được xây bệ cách nền 0,8 mét, bài vị được đặt trên bàn đóng bằng gỗ cách bệ 0,8 mét. Bài vị bên trái ghi "Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần". Trên bức đại tự của chính gian giữa hậu cung được đắp bốn chữ nổi bằng chữ Hán: "Long Đường Cao Nhi", tạm dịch nghĩa: “Nhà rồng cao vậy”. Các bài vị làm bằng gỗ, được sơn son thiếp vàng, kích cỡ nhỡ, có chiều rộng 13 cm, chiều dài 50 cm, hoa văn trang trí trên bài vị đơn giản. Phía gian bên phải còn thờ tượng hai vị Thủy thần là Quỳnh Hoa và Quế Hoa, vợ của Lạc tướng Minh Lang (thời Hùng vương), người đã có công cùng Thánh Gióng đánh tan giặc Ân cứu nước. Bốn cột trụ biểu đình có trang trí quả găng lồng đèn, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt.

Phần đại bái của đình trước kia là ba gian hai chái khá rộng, đã bị dỡ bỏ. Theo như lời kể của các cụ cao tuổi, đình được xây dựng theo lối truyền thống, cột gỗ lim to đường kính khoảng 50 cm, mái được lợp bằng lá cọ, cột được kê trên các tảng đá tự nhiên. Các vì kèo, câu đầu, quá giang đều làm bằng gỗ quý và được chạm khắc đẹp, mộng nối rất kín,… Đình Khả Lĩnh là ngôi đình làng khá đẹp, có thế lưng gối vào đồi cao, mặt hướng về phía Đông Bắc, phía trước có thủy tụ, cách không xa là sông Chảy trong xanh hiền hoà. Phần nền xưa nay vẫn còn, nhưng đã bị biến dạng, vì có một thời gian dài, nơi đây đã trở thành nền kho của hợp tác xã nông nghiệp.

6. Các nhân vật được thờ tự:

Đình Khả Lĩnh thờ thần Cao Sơn Đại vương và Thành Hoàng làng - ông tổ họ Nguyễn, đã có công khai vỡ đất hoang, làm ruộng, cấy lúa nước, trồng bưởi, lập làng từ cuối thế kỷ XVII.

Theo như lời kể của các cụ cao tuổi họ Nguyễn ở thôn Khả Lĩnh, ông Tổ của dòng họ này có thể là họ Ngô, vì tránh sự truy sát của triều đình, hoặc do chán ghét cảnh nội chiến giữa các thế lực phong kiến thời bấy giờ nên đã chọn việc mai danh ẩn tích, đổi họ, đổi tên, làm ruộng, lập trang ấp. Dòng họ Nguyễn đặt tên làng là Khả Lĩnh vì muốn có sự liên quan đến vùng đất thiêng núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ), nơi có đền thờ các vị vua Hùng. Các làng khác được khai khẩn sau này đã lấy hình tượng con voi thần lớn nằm hướng đầu về đền Hùng thiêng liêng, như làng Đại Thân, Phục Thân, Chợ Ngà,… Dòng họ này có bài văn tế tổ mang tính văn học cao, nội dung giáo dục con cháu sống tốt, hướng tới chân - thiện - mĩ.

7. Các hiện vật trong Di tích:

Hiện nay ở Đình Khả Lĩnh còn lại những di vật sau: Ba cỗ long ngai, ba bài vị, hai đòn cái kiệu bát cống, một thạp gốm phủ men xanh có niên đại từ thế kỉ XIX, cao khoảng 30 cm, đường kính của miệng thạp là 17 cm. Chiếc thạp này đã bị mất nắp và long kiệu cũng chỉ còn phần khung gỗ. Có một thời kì, chiếc chiêng đồng đã bị thất lạc, tuy nhiên, thời gian vừa qua chính quyền xã đã tìm được địa chỉ người cất giữ và đang vận động người giữ hiện vật đó cúng tiến vào Đình. Hiện vật tiếp theo là bát hương kích cỡ nhỏ, một chiếc chuông đồng nhỏ đã bị sứt miệng. Cả hai hiện vật này đều có niên đại từ thế kỷ XIX. Sắc phong và các đồ thờ tự khác của đình như cờ quạt, tàn tán, bát bửu, gươm trường... đã thất tán.

8. Phong tục lễ hội:

Lễ chính “Nhị kì Xuân - Thu” hàng năm tổ chức 2 lần vào mùa Xuân (ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng) và mùa Thu (ngày 11 và 12 tháng Tám âm lịch).  Lễ vật có lễ mặn (gồm thịt, thủ lợn - giống lợn đen tuyền, xôi, rượu) và lễ chay (gồm chè kho, bánh dày, hoa quả...).

Lễ rước kiệu tổ chức theo hình thức lễ rước nước của cư dân nông nghiệp. Đầu tiên, kiệu được rước từ đình làng xuống giếng, ao làng để cọ rửa sạch sẽ. Sau đó, kiệu được rước vòng quanh làng, ngược lối bờ sông Chảy tới giếng Mỏ Cò (cách Đình khoảng 400 mét) để lấy nước thờ - nước được đựng vào thạp gốm. Khi lấy xong nước, đoàn rước kiệu sẽ đưa về Đình để tế lễ. Lễ rước kiệu được tổ chức vào ngày hôm trước hội Đình, tháng Giêng vào ngày mùng 6, sáng rước nước, chiều tối rước cỗ chay về Đình. Tháng Tám rước từ ngày 11, nghi thức rước nước và cỗ cũng diễn ra sáng và chiều tối như tháng Giêng. Trên kiệu rước bao giờ cũng thắp hương hoả là hai ngọn nến và mâm ngũ quả. Chiếc kiệu đi đầu đoàn rước được bốn người trai tráng khênh. Những người này mặc quần áo kiểu ngày xưa màu đỏ, áo cổ tròn, có túi, quần may kiểu lá tọa bằng vải nỉ đỏ, nẹp trắng, đi hài mũi vểnh có thêu thùa hoa văn. Các cụ bà cầm phướn đi theo sau kiệu. Đoàn rước còn nhiều nam thanh niên tham gia rước đèn ông sao, đèn lồng, đèn xếp, đèn các con giống tứ linh. Loại đèn này do dân làng tự làm, có thắp nến bên trong, nhìn rất vui mắt (nghi lễ này được thực hiện vào chiều tối hôm trước lễ hội chính).

Lễ tế Đình tổ chức vào buổi sáng, trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Nghi lễ ngắn gọn, ông trùm sau khi đã thay bát nước mới lấy từ thạp gốm về, thắp hương, bày lễ vật cúng gồm thủ lợn luộc để nguyên và các lễ vật khác như xôi, lễ chay, rượu, hoa quả... Ông trùm chắp tay trước cằm, từ từ tiến từ cửa đình vào gian giữa (trung đình) từng bước chậm rãi và dừng lại trước ban thờ đọc lời cúng Đình. Hết nghi lễ này là phần tiệc ăn tại Đình, còn lại 1/3 lễ vật được chia cho các cụ bà tuổi từ 60 trở lên mang về nhà.

Phần hội của Đình Khả Lĩnh diễn ra rất phong phú, đa dạng, như hát cô đầu, ả đào, chiếu chèo, phường bát âm, bơi chải theo ngòi Xẻ trước kia ra sông Chảy (ngày nay con ngòi này đã cạn do lưu lượng sông Chảy vơi). Sới vật được tổ chức vào dịp hội Xuân. Việc tổ chức đấu vật, bơi chải nhằm nhắc lại tích xưa của cha ông trong việc bảo vệ giang sơn, bờ cõi, bảo vệ làng, trang ấp. Trai tráng tham gia các sới vật, bơi chải, các nghệ nhân tham gia chiếu chèo, hát cô đầu, phường bát âm là người của làng, ngoài ra còn ở các làng, các tổng khác đến. Các lễ tế hàng năm của Đình Khả Lĩnh có hội xuống đồng vào rằm tháng Giêng; ngày 25 tháng Chạp có tiệc xấp ấn (nghỉ ngơi), lễ vật cúng bằng gà thiến luộc, cháo se, lễ cúng này diễn ra ở Đình.

Việc tổ chức các lễ hội của Đình Khả Lĩnh - xã Đại Minh là hình thức tri ân với tiền nhân đã có công khai khẩn đất hoang, lập trang ấp, lập làng. Lễ hội này chứa đựng bản sắc văn hóa tích cực, cần được khơi lại và phát huy, nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

6680 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h