Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích đền Làng Thân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

14/06/2019 20:11:06 Xem cỡ chữ Google
Ngày 06/2/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 217/QĐ-UBND công nhận đền Làng Thân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Hiện vật còn lại của Di tích đền Làng Thân

1. Tên gọi Di tích:

 Di tích lịch sử - văn hóa đền Làng Thân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích:

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích:

Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 06/2/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đền Làng Thân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

Di tích đền Làng Thân thuộc tổ dân phố 14a thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình có diện tích khoanh vùng bảo vệ 2.176m2, cách trụ sở UBND thị trấn 1km, cách trung tâm thành phố Yên Bái 13km về phía Đông.

Đến di tích đền Làng Thân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình bằng đường bộ rất thuận lợi. Du khách đi từ thành phố Yên Bái (bến xe, ga), đi theo Quốc lộ 37 hoặc Quốc lộ 70 đến thị trấn Yên Bình, di tích đền Làng Thân cách trụ sở UBND thị trấn 1km.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

Đền Làng Thân thuộc thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đây là ngôi đền thờ Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật, người đã có công phò Lê, diệt Mạc, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Theo sử sách ghi chép lại đất đai thị trấn Yên Bình thuộc Châu Thu Vật, phủ An Bình, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1945, bỏ cấp phủ, Châu Thu Vật đổi thành huyện Yên Bình. Theo đó vùng đất thị trấn Yên Bình thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 1/7/1956, huyện Yên Bình sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Theo đó vùng đất thị trấn Yên Bình thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Theo các sách Phương Đình địa chí của Nguyễn Văn Siêu; Đại Việt sử ký toàn thư; Lịch triều hiến chương loại chí; Việt sử thông giám cương mục, có tham khảo Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của Nguyễn Văn Bân, ta có thể khái quát lịch sử dòng họ Vũ, các "Chúa Bầu":

Thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522), làng Ba Đông, huyện Gia Phúc, trấn Hải Dương có hai anh em họ Vũ (anh là Vũ Văn Uyên, em là Vũ Văn Mật) khỏe mạnh, tài trí, gan dạ, hai anh em lánh nạn trốn lên đất Đại Đồng, tỉnh Tuyên Quang. Vũ Văn Mật nương tựa trong một nhà giàu ở thôn Khau Bầu, xã Đại Đồng, Châu Thu Vật và được gia đình gả con gái cho. Bấy giờ thổ tù Châu Thu Vật là người tham tàn, bị nhân dân oán ghét. Tình hình Đại Đồng rất lộn xộn. Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật thấy vậy ngầm kết bè đảng, thừa cơ giết chết người tù trưởng rồi ra hiệu lệnh cho các bộ lạc, mọi người tôn phục, ổn định tình hình địa phương, chiếm cứ các đất Đại Đồng, Thu Vật... Hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật không theo mệnh lệnh của ngụy Mạc. Vua Chiêu Tông phong cho làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Bá Hầu. Vũ Văn Uyên đóng quân tại thành Nghị Lang ở xã Lương Sơn, huyện Lục Yên. Binh sĩ của Uyên có tới mấy vạn. Sau khi Vũ Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật chiếm cứ Đại Đồng, xưng là Gia Quốc Công.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí: Vũ Văn Mật nguyên là người xã Ba Đông, huyện Gia Phúc (nay Gia Lộc), trấn Hải Dương, là em của Vũ Văn Uyên, hai anh em đều có tài trí và khỏe mạnh, lánh nhà Mạc lên ở xóm Khau Bầu, xã Đại Đồng, trấn Tuyên Quang. Địa phương này có một nhà giàu, Văn Mật đến nương tựa, người nhà giàu gả con gái cho. Mật bèn ở đó tập hợp đồ đảng. Bấy giờ thổ tù Châu Thu Vật là người tham tàn. Mật lấy làm tức giận, đem đồ đảng giết đi, rồi tự xưng là Đô tướng. Trước kia Văn Uyên chiếm cứ thành Nghị Lang chống nhà Mạc, sau khi Văn Uyên chết, Mật chiếm cứ Đại Đồng, xưng là Gia Quốc Công, sai người đến Thanh Hóa xin quy thuận, vua Lê phong làm Yên Tây Vương vì có công đánh nhà Mạc, cho lưu thủ Đại Đồng và cho nối đời cai quản. Lúc bắt đầu anh em Văn Mật từ đất Khau Bầu đến nên người ta gọi là “Chúa Bầu’, những thành do Mật xây đều dùng chữ “Bầu” để gọi tên. Nay ở Đại Đồng vẫn có đền thờ, năm Tự Đức thứ 7 được sắc phong, gia tặng là Cương Trung Tuấn Mại Chi Thần.

Theo “Tộc phả Võ Đại Tôn” thôn Tường Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An: Vũ Văn Mật mất năm 1571, thọ 78 tuổi, an táng tại xã Hoàng Cần, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau này lăng mộ và nhà thờ đưa về thôn Tường Lai.

Suốt gần hai thế kỷ, họ Vũ các Chúa Bầu có công trấn giữ Tuyên - Hóa xây dựng hệ thống thành lũy vững chắc, lực lượng quân đội tinh nhuệ, giúp Triều đình "phò Lê, diệt Mạc" góp phần xây dựng nhà Lê trung hưng được Vua Lê Chiêu Tông phong Gia Quốc Công. Bên cạnh đó, cùng với chính sách chiêu mộ dân Hải Dương và dân các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Hoá… mở rộng đất xây dựng Lâm Trường Thượng, Lâm Trường Hạ, khuyến khích, động viên dân khai khẩn đất đai, trồng lúa, trồng ngô, phát triển nghề thủ công, mở mang đường bộ, khai thác đường thủy, tạo nên vùng đất yên ổn, không có giặc, trù phú phát triển, dân đông đúc, buôn bán tấp nập. Công đức, sự nghiệp của họ Vũ nói chung, Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật nói riêng đối với sự nghiệp “phù Lê, diệt Mạc”, xây dựng vùng biên cương của Tổ quốc ổn định, vững mạnh nên được Vua biết tên, Chúa biết mặt và được phong Vương, phong Tước, con cháu kế tập trị vì trên vùng đất Tuyên - Hóa gần hai thế kỷ.

Sau khi Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật mất, để tưởng nhớ, tri ân công ơn của Ngài, nhân dân Tuyên - Hóa đã xây dựng nhiều đền, đình, miếu để thờ. Qua hai triều Lê - Nguyễn, các đời Vua đã sắc phong cho các đền, đình, miếu thờ Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật. Sách Đại Nam Nhất thống chí có ghi: “Đền Gia Quốc Công ở xã Đại Đồng Châu Thu Vật. Hồi nhà Lê bắt đầu trung hưng, Vũ Văn Mật có công đánh nhà Mạc được phong Gia Quốc Công, nối đời giữ chức trấn thủ Tuyên Quang. Người địa phương nhớ công đức lập đền thờ, thường tỏ anh linh. Năm Tự Đức thứ 7 có sắc phong, gia tặng là Cương Trung Tuấn Mại Chi Thần”. Năm Duy Tân thứ 3 (Kỷ Dậu - 1909) sắc phong “Tuấn Mại Cương Trung, Dực Bảo Trung Hưng, Gia Quốc Công là công thần nhà Lê đã được ban sắc phong Trung Đẳng Thần chuẩn cho thờ phụng”.

Theo ông Lương Bá Tục, đời thứ 5 họ Lương sinh sống ở Đông Lý (một xã nằm bên dòng ngòi Ho, qua xã Diên Gia nơi có thành Nhà Bầu Việt Tĩnh), là người giúp việc cho thủ nhang đền Làng Thân nhiều năm cho biết: Đền Làng Thân tọa lạc trên đỉnh gò cao, dân trong vùng thường gọi là “Gò Đền”, đền có kiến trúc hình chữ Đinh (), 2 gian, cột gỗ kê trên đá tảng khoét lòng máng, lợp lá. Gian hậu cung có hương án, tượng gỗ, đặt bài vị và bát hương, gian ngoài là tiền án.

Trải qua thời gian do biến cố thăng trầm của lịch sử, tác động của thiên nhiên, ảnh hưởng của chiến tranh, đặc biệt sau khi ông thủ từ của Đền chết không có người trông coi, hương khói nhạt nhòa trở nên hoang phế. Trong một lần đốt nương do bất cẩn, ngọn lửa đã cháy lan đến Đền và thiêu rụi, từ đó Đền không còn, nay chỉ còn phế tích. Các cụ già trong vùng Yên Bình cho biết, đền Làng Thân cũng được các đời vua Lê - Nguyễn sắc phong cùng thời gian với đền thờ Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật ở xã Đại Đồng và việc cúng tế cũng theo đó mà tổ chức. Tuy nhiên do Đền bị cháy nên các sắc phong cũng bị cháy, đến nay không còn.

Đến nay trong ký ức của người dân trong vùng chỉ còn nhớ Làng Thân trên “Gò Đền” có ngôi đền thờ Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật rất “linh thiêng’.

6. Các nhân vật được thờ tự:

Đền thờ Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật, ông là người có công cai quản, trấn giữ vùng Tuyên - Hóa, chiêu dân, “khai sơn, phá thạch”, điều tướng, luyện binh, xây thành đắp lũy “Phò Lê, diệt Mạc”, giúp nhà Lê Trung Hưng - Vua Lê Thế Tông đã được “rước về Đông Đô” trị vì đất nước. Vũ Văn Mật được vua Lê Trang Tông phong “An Tây Vương, cho lưu thủ Đại Đồng và cho nối đời cai quản vùng đất Tuyên Quang”. Nhân dân vùng Tuyên - Hóa suy tôn là “Vua Bầu”, “Chúa Bầu’, “Chúa Vũ”, những thành do Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật xây đắp đều gọi là “Thành Bầu”, hay “Thành Nhà Bầu”, “Thành Chúa Bầu”.

7. Các hiện vật trong Di tích:

Sau sự cố Đền bị cháy, đền Làng Thân trở thành phế tích, chỉ còn lại không gian tổ chức lễ hội. Hiện vật còn lại 7 tảng đá kê chân cột, kích thước không đều; 4 tảng to kích thước 50x40x15cm; 3 tảng nhỏ 40x40x10cm và những tảng nhỏ có dạng tròn; trên bề mặt khoét dãy lòng máng tròn, đường kính 25cm.

- 01 bát nhang.

8. Phong tục lễ hội:

Đình Làng Thân có nhiều lễ hội được diễn ra:

* Lễ đầu năm mới (ngày 07 tháng Giêng):

Vào ngày này dân làng chuẩn bị 2 lễ, gồm lễ mặn và lễ chay, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà và cầu phúc, an lành cho làng xã, chuẩn bị xuống đồng cho một vụ mùa mới.

* Lễ ngày sinh Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật (ngày 19/2 âm lịch):

Lễ ngày sinh của Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật nhân dân tổ chức rất long trọng để mừng ngày sinh của Ngài. Trong lễ này có hai bài sớ được biên soạn từ thời Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVIII). Bài dài cung thỉnh cả nội ngoại gia  tiên, bài ngắn chỉ tuyên xướng đối với riêng ngài.

* Lễ ngày 5/5 âm lịch:

Vào ngày này nhân dân trong làng và khắp vùng đến đền Làng Thân dâng lễ vật, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa mạng bội thu. Trong ngày lễ này, dân làng Làng Thân và dân trong vùng Châu Thu Vật có tục rước bài vị từ Đền xuống Đình dâng lễ, cúng tế các Thần thánh và Gia Quốc Công - Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật cùng các chư vị tứ phương, chư vị đại vương.

* Lễ xá tội vong nhân (rằm tháng Bảy) - Tết Trung Nguyên:

Theo tín ngưỡng dân gian: Ngày rằm tháng Bảy hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm Phủ lên Dương Gian. Bởi vậy, nhân dân Làng Thân, xã Ký Mã làm cỗ, vàng mã cúng gia tiên và lên Đền cúng, cầu siêu độ trì cho những người đã khuất.

Lễ vật gồm có: Hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món, vàng mã, quần áo, hài giấy...

Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: Bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh...

* Lễ ngày mất của Gia Quốc Công - Vũ Văn Mật (ngày 19/8 âm lịch):

Vào ngày này dân trong xã Ký Mã và tổng Đạo Ngạn long trọng tổ chức ngày Ngài hóa (ngày giỗ) với các nghi lễ trang nghiêm, thành kính tỏ lòng thương tiếc vô hạn và cầu mong anh linh của Ngài phù hộ, che chở cho dân làng được an bình, hạnh phúc.

Lễ Ngài hóa có các nghi lễ như dâng hương, dâng chước (rượu), kim ngân (vàng bạc), phù đạm (hoa sen), đọc văn tế...

* Lễ mừng cơm mới (10/10):

Khi lúa vào thời kỳ chín, người dân trong xã gặt lúa từ ruộng của đền hoặc của gia đình để giã cốm, một phần nấu xôi, phần nướng (lam), dâng lên đền làm lễ để tỏ lòng thành, tạ ơn trời - đất, thần - thánh và cầu cho cuộc sống ấm no hạnh phúc.

* Đóng cửa rừng (25 tháng Chạp):

Kể từ ngày này, không ai được lên rừng chặt cây. Đến tháng Giêng tổ chức lễ mở rừng mọi người mới được lên rừng chặt cây, làm nương.

Di tích đền Làng Thân có giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau nhận thức sâu sắc về một giai đoạn lịch sử của nước Việt, hiểu về lịch sử vùng đất, văn hóa, con người Yên Bái, góp phần khơi dậy và vun đắp lòng yêu nước, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ, tri ân đối với những vị có công xây dựng nhà Lê trung Hưng. Qua đó tác động đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, lối sống con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

4377 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h