Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Lặng thầm bên cánh sóng

25/08/2017 15:33:58 Xem cỡ chữ Google
"Đây là Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái!” - danh xưng đã vô cùng thân thiết với mỗi người dân Yên Bái bao năm qua. Qua mỗi chương trình, mỗi giờ phát sóng, tên tuổi của nhiều phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên... đã quen thuộc, gắn bó như "người nhà” với bao bạn nghe và xem đài.

Đồng chí Hà Minh Ất - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh (đứng giữa) và đồng chí Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh (đứng ngoài bên trái) duyệt chương trình truyền hình

Tuy nhiên, để mỗi bản tin, mỗi chương trình phát thanh - truyền hình (PT-TH) đến với đông đảo công chúng, có những người thầm lặng với công việc. Đó chính là các kỹ thuật viên (KTV) khâu sản xuất chương trình và KTV truyền dẫn phát sóng, những người đang từng ngày, từng giờ miệt mài bên máy móc làm công việc hậu kỳ.

Tại khu vực sản xuất chương trình, các bàn máy dựng liền kề nhau, với nhiều màn hình ti vi, bàn điều khiển vô số nút to, nhỏ, tiếng phát thanh viên đọc chương trình, tiếng lách cách thao tác trên bàn dựng, tiếng trao đổi của KTV.  

Trên 30 năm gắn bó với công việc hậu kỳ, Trưởng phòng Thông tin điện tử Trần Kim Lập giới thiệu: "Kỹ thuật dựng là khâu hậu kỳ trong quá trình sản xuất chương trình PT-TH. Có thể ví phóng viên như người đi chợ thu mua thực phẩm thì công việc của biên tập viên và KTV dựng hình lại như những người đầu bếp chế biến món ăn và sắp đặt mâm cỗ. Từ những hình ảnh thô, tiếng động hiện trường, dưới ý đồ biên tập viên và qua bàn tay của các KTV sẽ trở thành những thước phim sinh động, hấp dẫn”.
Tìm hiểu mới biết, để có những món ăn tinh thần bổ ích phục vụ công chúng, khâu hậu kỳ cũng cần lắm sự công phu. Khi chúng ta được xem một chương trình truyền hình trên màn ảnh nhỏ có độ dài 30 phút thì biên tập viên và KTV có khi phải mất đến 2, 3 ngày dựng hậu kỳ. Để có 45 giây giới thiệu chương trình đặc sắc, các KTV phải dựng cả giờ mới hoàn thành. Không đơn thuần là sắp xếp lại hình ảnh mà còn phải biết kết hợp với âm thanh, các kỹ xảo để tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic vừa bảo đảm tính thẩm mỹ vừa góp phần chuyển tải nội dung một cách chân thực và sống động nhất.  

Như lời KTV Nguyễn Anh Tuấn: "Nếu mỗi tác phẩm báo chí là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà báo thì kỹ thuật dựng cũng là một nghề "bán nghệ thuật”.  

Đòi hỏi KTV dựng hình phải có tư duy về hình ảnh, về toàn bộ chương trình, nghĩa là KTV cũng phải biết một phần công việc của biên tập, đồ họa… Các KTV sản xuất chương trình cùng ê-kíp làm việc phải lựa chọn từng giây khuôn hình, công việc rất cần sự tỉ mỉ, có tính chính xác cao”.
Những năm trước đây, khi kỹ thuật số chưa ra đời, công tác dựng hình được thực hiện theo hình thức tuyến tính, đọc riêng, hình riêng, do đó thời gian sản xuất là thời gian thực, một giờ quay là một giờ dựng. Nhưng từ năm 2012  trở lại đây, với sự phát triển của công nghệ số, Đài PT-TH tỉnh đã chuyển sang dựng phi tuyến, nghĩa là số hóa dựng chương trình, do đó công việc đã thuận lợi hơn rất nhiều.  

Trưởng phòng Thông tin điện tử Trần Kim Lập cho biết thêm: "Bên cạnh phối hợp với các phòng chuyên môn trong sản xuất chương trình với 4 thứ tiếng là Việt, Thái, Mông, Dao, chúng tôi còn chịu trách nhiệm về kỹ thuật thu ghi lưu động và PT-TH trực tiếp cho các sự kiện lớn của tỉnh, ngoài ra, còn đảm nhận quản lý và khai thác có hiệu quả trang web của Đài. Các chương trình PT-TH đã được phát trên website, cải tiến phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin”.

Nếu các KTV sản xuất chương trình là ở khâu cuối của quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí thì những người làm truyền dẫn phát sóng chính là công đoạn cuối cùng đưa các tác phẩm đó đến với khán, thính giả. Do đặc thù của công việc nên chỉ có Phòng Kỹ thuật công nghệ là phải làm việc theo ca kíp. Mỗi ca làm việc 6 tiếng, từ 6 giờ đến 24 giờ hàng ngày.  

Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ Nguyễn Minh Toàn - cho biết: "KTV truyền dẫn phát sóng có nhiệm vụ thu các chương trình PT-TH của trung ương, đồng thời nhận các chương trình phát thanh, truyền hình do Đài sản xuất đưa lên sóng. Công việc ngày qua ngày bất kể ngày tết, ngày lễ, ngày nghỉ, đòi hỏi sự chính xác, tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề”.
Nếu như trước đây, công việc của mỗi công nhân, kỹ sư truyền dẫn phát sóng được làm thủ công bằng tay rồi phát sóng, theo thời gian thì giờ đây, công việc này đã được vi tính hóa 100%, chất lượng chương trình cũng được nâng lên.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu bạn xem đài, thời lượng chương trình YTV cũng như việc tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã tăng từ khoảng 30 phút đến 1 giờ ban đầu với 1 máy phát sau tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam lên 6 máy phát gồm các kênh: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6, YTV và phát thanh; trong đó, kênh YTV2 phát sóng 24/24 giờ.

Từ đó, thời lượng chương trình truyền hình YTV đã dần được nâng lên phủ 18 giờ/ngày. Đặc biệt, từ cuối tháng 1/2014, Đài PT-TH tỉnh đã chính thức phát sóng chương trình vệ tinh, phủ sóng đến các vùng miền trên cả nước. Ngoài ra, các chương trình của Đài còn được truyền dẫn trên kênh Mytv, FPT, truyền hình cáp và phát trực tiếp trên website, do đó đặt ra yêu cầu cho các KTV phát sóng phải tự đổi mới mình, học hỏi kinh nghiệm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Thầm lặng bên cánh sóng, 60 năm qua, các thế hệ KTV Đài PT- TH tỉnh nối tiếp nhau cần mẫn đưa thông tin, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân và phản ánh tiếng nói người dân đến với Đảng, Nhà nước, với tỉnh. Công việc tuy thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa đã góp phần đưa tiếng nói Đài PT-TH Yên Bái ngày càng bay xa, trở thành cơ quan truyền thông có "thương hiệu” trong khu vực, từ đó góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 

1364 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h