Thị xã Nghĩa Lộ nằm trên Quốc lộ 32, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Tây. Nơi đây có cánh đồng Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 vùng Tây Bắc với câu thơ nổi tiếng: “Mường Lò gạo trắng, nước trong; Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Không chỉ biết đến với cánh đồng rộng lớn thẳng tắp cánh cò bay, gạo ngon nổi tiếng, mà Mường Lò - Nghĩa Lộ còn được biết đến là cái nôi của những điệu xòe cổ cùng với ẩm thực nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái.
Đặc sắc xòe Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ
Đến với Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, du khách được ở trong những ngôi nhà sàn rộng lớn, hòa mình trong những lễ hội Cầu Mùa, tiếng khèn rộn rã với điệu múa Chôm Chiêng, thưởng thức men rượu nồng nàn say đắm, ngẩn ngơ trước những cô gái Thái mặc trên mình những bộ váy áo cỏm đủ sắc mầu, căng tràn sức trẻ.
Không chỉ có gạo trắng, nước trong và những lễ hội mang đầy bản sắc dân tộc, Mường Lò còn níu chân người đến bằng những điệu xòe cổ nồng say. Nếu đã một lần đến với Mường Lò mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái, thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn. "Xòe để mùa màng bội thu, cây đơm hoa kết trái, xòe trong say đắm tình người". Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ của điệu xòe tay cầm tay xung quanh đống lửa hồng rực sáng. Xòe là nét văn hoá trong sinh hoạt cộng đồng, tiêu biểu độc đáo của đồng bào các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ. Người Thái vẫn hay hát rằng:
“Không xoè không vui.
Không xoè cây lúa không trổ bông.
Không xoè cây ngô không ra bắp.
Không xoè trai gái không thành đôi”.
Vì thế, đối với người dân tộc Thái, xoè là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi cuộc vui và trong các lễ hội.
Hiện nay người Thái Mường Lò còn gìn giữ được 6 điệu xòe cổ. Điệu “Khắm khen” - nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng. Điệu “Khấm khăn mời lẩu” - nâng khăn mời rượu, tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “Phá xí” - tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu “Đổn hôn” - tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “Nhôm khăn” - tung khăn, thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay, thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe, mỗi điệu xoè thể hiện một nét văn hoá riêng.
Điệu xòe Thái - Mường Lò
Xòe Thái có sự nhịp nhàng, uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt khiến du khách dễ hòa nhập, làm cho người lạ bỗng thành quen. Ngồi trên nhà sàn uống rượu, tham gia múa xòe, nghe hát dân ca và nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín, cảm giác thư thái thật tuyệt vời. Người múa xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”.
Trong men rượu nếp Mường Lò, mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, vừa rót cho nhau chén rượu. Để rồi, những du khách đã từng đến Mường Lò, khi ra về đều nhớ mãi những chén rượu thơm nồng, nhớ đôi bàn tay ấm áp của các cô gái Thái trong những điệu xòe hoa, nhớ những âm thanh trầm bổng lôi cuốn mọi người đến với vòng xòe và nhớ lời nhắn nhủ tha thiết của các thiếu nữ Thái khi chia tay: “Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang theo về xuôi”.
Sức hấp dẫn của xoè chính là sự sôi nổi, gần gũi, đậm hơi thở cuộc sống. Xòe vòng thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt già hay trẻ, lạ hay quen, mọi người nắm tay nhau thân ái. Vì vậy, xòe vòng thu hút cả khách du lịch trong và ngoài nước với số lượng lớn tham gia, tạo ra không gian văn hóa Mường Lò. Từ các điệu xòe cổ, các nghệ nhân dân gian phát triển thành 36 điệu xòe như điệu xòe múa nón, múa chai, hái rau, múa sạp, múa ống… Truyền thống văn hóa vẫn tiếp biến trong cuộc sống hôm nay.
Cùng với những điệu xòe, Mường Lò mang đậm truyền thống văn hóa ẩm thực với sắc thái rất riêng, với những bí quyết gia truyền đậm bản sắc dân tộc để có thể chế biến các món ăn ngon miệng vào những ngày lễ tết, cưới xin, hội hè...
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Đặc trưng nhất là món thức ăn nướng, gọi là “lam nhọ”: lam là nướng, nhọ là nhừ. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay các loại cá đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng, khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.
Một số món ăn hấp dẫn khi du khách đến với Mường Lò
Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pỉnh tộp” cũng là cá nướng, nhưng thường dùng bằng cá to như chép, trôi, trắm...được mổ lưng, để ráo nước sau đó được xoa một lớp muối rang nổ; tẩm thêm ớt tươi nướng, nghiền nát và mắc khén. Sau đó người ta để cá ngấm gia vị và cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn của mắc khén, khi ăn có vị ngọt của thịt cá, vị cay của ớt lẫn vị thơm nồng của mắc khén. Món “pỉnh tộp” được dùng để uống rượu rất độc đáo.
Từ các loại cá, người Thái đã chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, rất có hương vị đặc trưng và đặc biệt hấp dẫn. Cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món “pa giảng” là cá hun khói.
Do dặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách đến chơi nhà mà chợ thì xa, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm sau đó rót rượu mời khách cùng nhâm nhi. Dưới nhà bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món xôi, món hấp có hương vị vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp xôi cách thủy bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi nóng, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào “ép khẩu” (Hộp đựng xôi bằng tre đan có hình tròn có 2 nửa ép mặt vào nhau, một nửa có độ rộng hơn gọi là nắp, mặt kia là đáy) hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu.
Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với “chẩm chéo”. Thứ gia vị đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau.
Một đêm được hòa mình vào điệu xòe nồng say thưởng thức ẩm thực của người Thái bên lửa trại sẽ làm say lòng bao du khách, những vòng xòe cứ nối tiếp, nối tiếp trong men rượu ngất ngây sẽ khiến du khách quên cả thời gian, không gian, quên đi những mệt nhọc vất vả.
16149 lượt xem
Ban Biên tập
Thị xã Nghĩa Lộ nằm trên Quốc lộ 32, cách thành phố Yên Bái 80km về phía Tây. Nơi đây có cánh đồng Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 vùng Tây Bắc với câu thơ nổi tiếng: “Mường Lò gạo trắng, nước trong; Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Không chỉ biết đến với cánh đồng rộng lớn thẳng tắp cánh cò bay, gạo ngon nổi tiếng, mà Mường Lò - Nghĩa Lộ còn được biết đến là cái nôi của những điệu xòe cổ cùng với ẩm thực nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái. Đến với Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, du khách được ở trong những ngôi nhà sàn rộng lớn, hòa mình trong những lễ hội Cầu Mùa, tiếng khèn rộn rã với điệu múa Chôm Chiêng, thưởng thức men rượu nồng nàn say đắm, ngẩn ngơ trước những cô gái Thái mặc trên mình những bộ váy áo cỏm đủ sắc mầu, căng tràn sức trẻ.
Không chỉ có gạo trắng, nước trong và những lễ hội mang đầy bản sắc dân tộc, Mường Lò còn níu chân người đến bằng những điệu xòe cổ nồng say. Nếu đã một lần đến với Mường Lò mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái, thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn. "Xòe để mùa màng bội thu, cây đơm hoa kết trái, xòe trong say đắm tình người". Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ của điệu xòe tay cầm tay xung quanh đống lửa hồng rực sáng. Xòe là nét văn hoá trong sinh hoạt cộng đồng, tiêu biểu độc đáo của đồng bào các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ. Người Thái vẫn hay hát rằng:
“Không xoè không vui.
Không xoè cây lúa không trổ bông.
Không xoè cây ngô không ra bắp.
Không xoè trai gái không thành đôi”.
Vì thế, đối với người dân tộc Thái, xoè là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi cuộc vui và trong các lễ hội.
Hiện nay người Thái Mường Lò còn gìn giữ được 6 điệu xòe cổ. Điệu “Khắm khen” - nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng. Điệu “Khấm khăn mời lẩu” - nâng khăn mời rượu, tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “Phá xí” - tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu “Đổn hôn” - tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “Nhôm khăn” - tung khăn, thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay, thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe, mỗi điệu xoè thể hiện một nét văn hoá riêng.
Điệu xòe Thái - Mường Lò
Xòe Thái có sự nhịp nhàng, uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt khiến du khách dễ hòa nhập, làm cho người lạ bỗng thành quen. Ngồi trên nhà sàn uống rượu, tham gia múa xòe, nghe hát dân ca và nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín, cảm giác thư thái thật tuyệt vời. Người múa xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”.
Trong men rượu nếp Mường Lò, mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, vừa rót cho nhau chén rượu. Để rồi, những du khách đã từng đến Mường Lò, khi ra về đều nhớ mãi những chén rượu thơm nồng, nhớ đôi bàn tay ấm áp của các cô gái Thái trong những điệu xòe hoa, nhớ những âm thanh trầm bổng lôi cuốn mọi người đến với vòng xòe và nhớ lời nhắn nhủ tha thiết của các thiếu nữ Thái khi chia tay: “Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang theo về xuôi”.
Sức hấp dẫn của xoè chính là sự sôi nổi, gần gũi, đậm hơi thở cuộc sống. Xòe vòng thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt già hay trẻ, lạ hay quen, mọi người nắm tay nhau thân ái. Vì vậy, xòe vòng thu hút cả khách du lịch trong và ngoài nước với số lượng lớn tham gia, tạo ra không gian văn hóa Mường Lò. Từ các điệu xòe cổ, các nghệ nhân dân gian phát triển thành 36 điệu xòe như điệu xòe múa nón, múa chai, hái rau, múa sạp, múa ống… Truyền thống văn hóa vẫn tiếp biến trong cuộc sống hôm nay.
Cùng với những điệu xòe, Mường Lò mang đậm truyền thống văn hóa ẩm thực với sắc thái rất riêng, với những bí quyết gia truyền đậm bản sắc dân tộc để có thể chế biến các món ăn ngon miệng vào những ngày lễ tết, cưới xin, hội hè...
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Đặc trưng nhất là món thức ăn nướng, gọi là “lam nhọ”: lam là nướng, nhọ là nhừ. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay các loại cá đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng, khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.
Một số món ăn hấp dẫn khi du khách đến với Mường Lò
Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pỉnh tộp” cũng là cá nướng, nhưng thường dùng bằng cá to như chép, trôi, trắm...được mổ lưng, để ráo nước sau đó được xoa một lớp muối rang nổ; tẩm thêm ớt tươi nướng, nghiền nát và mắc khén. Sau đó người ta để cá ngấm gia vị và cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn của mắc khén, khi ăn có vị ngọt của thịt cá, vị cay của ớt lẫn vị thơm nồng của mắc khén. Món “pỉnh tộp” được dùng để uống rượu rất độc đáo.
Từ các loại cá, người Thái đã chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, rất có hương vị đặc trưng và đặc biệt hấp dẫn. Cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món “pa giảng” là cá hun khói.
Do dặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách đến chơi nhà mà chợ thì xa, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm sau đó rót rượu mời khách cùng nhâm nhi. Dưới nhà bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món xôi, món hấp có hương vị vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp xôi cách thủy bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi nóng, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào “ép khẩu” (Hộp đựng xôi bằng tre đan có hình tròn có 2 nửa ép mặt vào nhau, một nửa có độ rộng hơn gọi là nắp, mặt kia là đáy) hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu.
Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với “chẩm chéo”. Thứ gia vị đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau.
Một đêm được hòa mình vào điệu xòe nồng say thưởng thức ẩm thực của người Thái bên lửa trại sẽ làm say lòng bao du khách, những vòng xòe cứ nối tiếp, nối tiếp trong men rượu ngất ngây sẽ khiến du khách quên cả thời gian, không gian, quên đi những mệt nhọc vất vả.